Giáo dục

Chứng minh rằng Tình yêu quê hương đất nước là một khoảng rộng trong trái tim của thơ mới

Đề bài: Chứng minh rằng Tình yêu quê hương đất nước là một khoảng rộng trong trái tim của thơ mới

chung minh rang tinh yeu que huong dat nuoc la mot khoang rong trong trai tim cua tho moi

Chứng minh rằng Tình yêu quê hương đất nước là một khoảng rộng trong trái tim của thơ mới

I. Dàn ý Chứng minh rằng Tình yêu quê hương đất nước là một khoảng rộng trong trái tim của Thơ mới (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về phong trào thơ mới

2. Thân bài:

a. Hoàn cảnh ra đời:
– Ra đời trong thời kỳ Pháp thuộc, dưới chế độ thực dân nửa phong kiến.
– Người dân chìm trong nô lệ, đau thương và lầm than
– Bất lực với thực tại, các nhà thơ mới gửi gắm qua thơ, với các bài thơ tiêu biểu Nhớ rừng – Thế Lữ, Quê hương – Tế Hanh, Ông đồ – Vũ Đình Liên.

b. Các biểu hiện của tình yêu nước:

* Ca ngợi thiên nhiên đất nước:

– Hình ảnh của núi rừng ngàn năm oai linh trong Nhớ rừng:
+ Bức tranh tứ bình đẹp rực rỡ, lộng lẫy.
+ Hình ảnh của chúa sơn lâm oai nghiêm, hùng dũng.

– Hình ảnh quê hương miền biển trong Quê hương – Tế Hanh:
+ Mang một vẻ đẹp êm ả, thanh bình
+ Hình ảnh gần gũi, thân thiết, mang trong đó là nỗi nhớ quê hương da diết: “nhớ mùi nồng mặn”, …

* Hoài niệm về những thời vàng son của dân tộc:

– Thế hiện qua tác phẩm Ông đồ – Vũ Đình Liên
– Nhớ về một quá khứ vàng son của dân tộc khi mà thi cử thời phong kiến còn thịnh hành.

* Gửi gắm những nỗi niềm sâu kín:
– Hình ảnh con hổ nhớ rừng trong tác phẩm Nhớ rừng: đại diện cho những người dân Việt Nam ta dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, bị kìm kẹp, áp bức.

3. Kết bài:

– Mỗi nhà thơ mới đều có “cái tôi” riêng nhưng có chung một tình yêu đất nước.

II. Bài văn mẫu Chứng minh rằng Tình yêu quê hương đất nước là một khoảng rộng trong trái tim của Thơ mới (Chuẩn)

Đầu những năm 1930, Việt Nam xuất hiện một phong trào thơ mới, phi cổ điển, với những sáng tác mang cá tính riêng, độc đáo. Đó là phong trào thơ Mới. Nổi bật trong phong trào này là các nhà thơ lớn như Tế Hanh, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, … Mỗi nhà thơ lại có phong cách riêng như Huy Cận thì buồn ảo não, Xuân Diệu thì đắm say, Thế Lữ “thoát lên tiên”, … Thế nhưng nhà thơ nào cũng cất giữ cho mình trong mỗi lời thơ là một tấm lòng, một tình yêu nước sâu nặng. Vậy nên có người đã nhận xét rằng “Tình yêu quê hương đất nước là một khoảng rộng trong trái tim của thơ mới”.

Phong trào thơ mới ra đời khi Pháp đã vào xâm lược Việt Nam biến Việt Nam thành chế độ thực dân nửa phong kiến. Các nhà thơ của phong trào thơ Mới được sinh ra trong hoàn cảnh này, họ thấu hiểu được cảnh nước mất nhà tan, họ chứng kiến cảnh người dân phải chịu sự nô lệ, cả đất nước chìm trong lầm than, đau đớn. Bất lực, chán ghét với thực tại, chưa tìm được lối thoát cho bản thân, họ tìm đến những vần thơ, gửi gắm vào trong đó nỗi niềm quê hương, đất nước. Qua các bài thơ như Quê hương – Tế Hanh, Ông đồ – Vũ Đình Liên, hay Nhớ rừng – Thế Lữ, ta đều thấy trong đó một tấm lòng nặng tình với quê hương.

Tình yêu quê hương đất nước của các nhà thơ mới thể hiện đầu tiên qua cách họ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của non sông. Đó là hình ảnh của rừng sâu núi thẳm với những bóng cây già, oai linh của ngàn năm đất nước trong tác phẩm Nhớ rừng của nhà thơ Thế Lữ:

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”

Bức tranh tứ bình với màu sắc rực rỡ, lộng lẫy, chói lọi hiện lên qua từng vần thơ. Thế nhưng, tất cả chỉ để làm nền cho hình ảnh của chúa sơn lâm đang hiên ngang, dõng dạc giữa núi rừng. Tiếng chim ca hót rộn rã, tươi vui, tiếng mưa xối xả, tất cả đều mang một vẻ đẹp lãng mạn đầy kỳ vĩ. Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ mang một vẻ đẹp hùng vĩ nhưng không kém phần lộng lẫy của núi rừng.

Hay trong tác phẩm Quê hương của nhà thơ Tế Hanh, cảnh thiên nhiên non sông đất nước lại hiện lên qua một làng chài ven biển:

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”

Hình ảnh một làng chài yên bình, đầm ấm hiện lên qua từng vần thơ. Làng chài ấy nằm giữa biển, bao quanh bởi những con nước. Những người dân chài quanh năm quen với sóng gió sẽ “bơi thuyền” đi đánh cá vào những sớm “trời trong, gió nhẹ”. Giữa mênh mông sóng nước, chiếc buồm trắng tinh “rướn” lên “thâu” lấy ngọn gió mạnh.

Và khi đoàn thuyền trở về là cả dân làng nô nức, vui sướng đón những mẻ lưới đầy cả trong rạng ngời hạnh phúc. Khung cảnh đó sao yên bình, sao êm ả đến thế?

“Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.”

Tế Hanh đã miêu tả quê hương bằng những hình ảnh hết sức chân thực, gần gũi. Bức tranh quê hương miền biển của ông với những người dân lao động mang một vẻ đẹp hùng tráng, đầy hứng khởi và say mê. Không chỉ vậy, Tế Hanh còn mang trong lòng một nỗi nhớ da diết, nhớ mùi nồng mặn của biển, nhớ từng con “cá bạc”, từng chiếc “buồm vôi” bạc màu, …

“Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”

Phải yêu quê hương, nhớ quê hương sâu sắc đến mức nào mới có thể nhớ kĩ đến từng chi tiết như thế?

Yêu quê hương, không chỉ là ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước mà còn là nỗi hoài niệm về một miền xưa cũ, một dĩ vãng vàng son của dân tộc. Điều đó được nhà thơ Vũ Đình Liên thể hiện qua tác phẩm Ông đồ:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:

“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Vẻ đẹp quê hương không chỉ qua những cảnh vật mà còn qua những con người làm nên nét đẹp non sông. Hình ảnh ông đồ già ngồi trên phố cầm bút vẽ những nét “như rồng múa, phượng bay” đã trở thành một kỉ niệm khó quên trong lòng bất cứ người con nào của đất nước Việt Nam. Bởi hình ảnh ấy là thứ hình ảnh quen thuộc nhất mỗi khi xuân về, người người nô nức đi xin chữ, cầu may đầu năm. Thế nhưng, thời gian qua đi, khi những cái mới tràn đến cùng văn hoá Tây phương, cái thú “xin chữ” đầu năm bị vứt bỏ, bị gạt ra lề của xã hội trong niềm đau xót:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”

Vũ Đình Liên thương tiếc một thời đã qua, tiếc nhớ một dĩ vãng đã từng vàng son đến thế! Đó là bởi ông yêu quê hương, ông trân trọng những di sản, trân trọng những nét đẹp truyền thống của Việt Nam ta từ ngàn đời nay. Yêu quê hương chính là sự tiếc nhớ, hoài niệm những gì đẹp đẽ nhất của đất nước nay đã lụi tàn theo thời gian.

Những nhà thơ thuộc phong trào thơ Mới, họ yêu quê hương tha thiết, họ đau xót trước cảnh nước mất nhà tan nhưng đành bất lực. Chính vì vậy, họ đã gửi gắm những tâm sự thầm kín của mình qua những lời thơ. Trong tác phẩm Nhớ rừng, nhà thơ Thế Lữ đã mượn lời con hổ đang bị nhốt trong vườn bách thú khi nhớ về thời còn được vùng vẫy giữa chốn rừng xanh:

“- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”

Trong lời than ấy, ta nghe được tiếng thở dài đau khổ của một người con đất Việt đang tiếc thương một thời vàng son của dân tộc, thời kỳ oanh liệt của cha ông khi ba lần đánh tan quân Mông – Nguyên xâm lược. Có thể nói hình ảnh của con hổ trong vườn bách thú chính là tình cảnh của người dân ta lúc bấy giờ dưới thời thực dân nửa phong kiến.

Mỗi nhà thơ trong phong trào thơ mới đều mang một “cái tôi” riêng biệt và độc đáo. Thế nhưng chung ở họ là tình yêu nước nồng nàn, sâu nặng được thể hiện qua từng vần thơ, qua từng lời gửi gắm thầm kín. Có thể tình yêu nước của các nhà thơ mới chưa mãnh liệt, chưa mạnh mẽ như trong thơ ca Cách mạng, vậy nhưng đó vẫn là “một khoảng rộng trong trái tim của thơ mới” mà chúng ta không thể nào bỏ quên được!

—————–HẾT——————-

Thơ ca, văn chương luôn khơi gợi cho ta những cảm xúc, những suy ngẫm về cuộc đời. Những bài văn mẫu: Chứng minh rằng Ca dao là tiếng nói của tình cảm gia đình…,Chứng minh Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về những bài thơ, bài ca dao, tục ngữ, Nghị luận về văn học Vai trò quan trọng của tình cảm trong thơ, Nghị luận về câu nói: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật sẽ giúp các em có những cảm nhận chân thực hơn về ý nghĩa của văn chương với đời sống tinh thần và cuộc sống của con người.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/chung-minh-rang-tinh-yeu-que-huong-dat-nuoc-la-mot-khoang-rong-trong-trai-tim-cua-tho-moi/

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button