Tổng hợp

Công xã Paris là gì? Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của Công xã Paris?

Cùng Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội tìm hiểu Công xã Paris là gì? Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của công xã Paris.

Bắt đầu từ tháng 9/1870 đến tháng 5/1871, nhân dân lao động và công nhân ở Pari (Pháp) đã tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang lật đổ chính quyền tư sản Pháp. Đỉnh điểm là ngày 18/3/1871, giai cấp vô sản Pháp đã lật đổ bộ máy nhà nước tư sản, giành được chính quyền. Sau đó, ngày 26/3/1871, lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức bầu cử Công xã, lập ra nhà nước kiểu mới của giai cấp vô sản.

Công xã Paris là gì?

Công xã Paris (tiếng Pháp: La Commune de Paris) là một chính quyền điều hành Paris trong một khoảng thời gian ngắn, từ ngày 18 tháng 3 đến ngày 28 tháng 5 năm 1871. Công xã được mô tả là một vụ bạo loạn hoặc sự thiết lập chính quyền theo chủ nghĩa xã hội hiện đại, tùy theo tư tưởng của người bình luận.

Theo nghĩa đen, Công xã Paris chỉ là cơ quan hành chính địa phương (hội đồng của một xã) đã nắm quyền điều khiển Paris trong vòng hai tháng mùa xuân năm 1871. Tuy nhiên, với những điều kiện khi thành lập, những quy định gây tranh cãi và kết thúc đẫm máu đã làm cho nó trở thành sự kiện chính trị quan trọng vào thời đó.

Hoàn cảnh ra đời của công xã Paris

Tháng 7 năm 1870, Pháp và Phổ đánh nhau để giành quyền bá chủ. Ngày 1 tháng 9, trong trận Xơđăng quân Pháp đã bị thảm hại. Tin thua trận về đến Pari, nhân dân vô cùng phẫn nộ, ngày 4 tháng 9, nhân dân Pari lập tức vùng lên khởi nghĩa lật đổ Đế chế thứ hai, thành lập nước Cộng hòa Pháp lần thứ ba. Nhưng chính quyền cộng hòa nằm trong tay giai cấp tư sản, giai cấp tư sản đã xây dựng một chính phủ vệ quốc trong khi giai cấp công nhân hy vọng rằng chính phủ sẽ đảm đương được trọng trách bảo vệ tổ quốc trước sức ép của quân Phổ ở biên giới. Nhưng chính phủ vệ quốc không có bất cứ hành động chống trả nào, ngược lại, ngầm có hành động bán nước. Ngoài mặt trận quân Pháp bị thua liên tiếp, quân Phổ tiến rất nhanh, đã chiếm 1/3 lãnh thổ, và vây chặt Pari.

Trước sự phản bội của Chính phủ vệ quốc, công nhân đã quyết tâm vũ trang bảo vệ Pari. Họ tổ chức 194 tiểu đoàn quân Tự vệ quốc dân, gồm 30 vạn người đứng lên bảo vệ tổ quốc.

Tháng 2 năm 1871, tên thủ tướng bán nước Chie công khai đầu hàng ký hòa ước nhục nhã với quân xâm lược, đồng ý bồi thường 5 tỷ phơ-răng, cắt nộp hai tỉnh Andat và Loren cho Phổ và giải giáp quân đội chính qui của chính phủ. Công nhân vũ trang trở thành trở ngại cho chính sách đầu hàng của chính phủ bán nước.

3 giờ sáng ngày 18 tháng 3, quân chính phủ do viên tư lệnh bảo vệ Pari là Vênua chỉ huy chia làm mấy phân đội đánh lén vào các trận địa pháo của quân tự vệ. Một đội cảnh sát và một số quân thường trực do đích thân Vênua chỉ huy đánh vào cao điểm Môngmác ngoại thành Pari về phía bắc.

Môngmác là một cao điểm thuộc tuyến phòng vệ phía Bắc cửa ngõ Pari, ở đó được bố trí 171 khẩu pháo lớn nhằm về phía quân Phổ. Gần 5 giờ, quân chính phủ đã chiếm được cao điểm, đang định kéo pháo đi, bị một tốp phụ nữ đến cản lại, lát sau, mấy trăm quân tự vệ cũng đến kịp vào chiến đấu. Viên tướng phản động ra lệnh nã súng đàn áp làm chết một số người.

Đến 11 giờ sáng, hai tiểu đoàn tự vệ đến chi viện cho Môngmác. Đồng thời quân tự vệ cũng kêu gọi công nhân giành lấy chính quyền, các truyền đơn, biểu ngữ dán đầy khắp các ngõ xóm, phố phường. Các chiến sĩ tự vệ nhanh chóng chiếm các cơ quan của chính phủ và các trại lính.

Quân đội phản động bị đánh tan tác. Công quốc Lucxămbua, các quảng trường, nhà ga, hải quan… đều bị quần chúng chiếm lĩnh.

Buổi chiều, quân tự vệ quyết định tiến vào trung tâm. Quần chúng như một đợt sóng thần, ào ạt xông vào Toà thị chính Pari. Chee leo lên một chiếc xe ngựa, chạy về Vecxai. Các quan chức chính phủ và các ông chủ nhà giàu cũng hốt hoảng chạy khỏi Pari.

Đến 9 giờ rưỡi tối, các cánh quân khởi nghĩa đều tập trung về toà thị chính. Lá cờ đỏ được kéo lên, cả Pari vang dậy tiếng hoan hô ”Cách mạng 18 tháng 3 muôn năm!”

Sau khi giành được chính quyền, giai cấp vô sản, lập tức bắt tay vào lật đổ bộ máy nhà nước tư sản, xây dựng nền chuyên chính vô sản. Ngày 26 tháng 3, Pari tổ chức bầu cử Công xã. Nhân dân lao động lần đầu tiên được thực hiện quyền lợi thiêng liêng của mình, bầu được 86 vị uỷ viên Công xã. Đó là những người thợ tán ri vê Vaclanh, thợ đúc Đuyvan, thợ kim hoàn Tetxơ… công nhân chiếm 1/3 số ủy viên Công xã.

Ngày 28 tháng 3, Công xã Pari, một tổ chức nhà nước kiểu mới lần đầu tiên của giai cấp vô sản trong lịch sử loài người đã cử hành nghi lễ long trọng chính thức tuyên bố ra đời. Trước tòa thị chính dựng lên một khán đài rất lớn, trên quảng trường tập hợp mấy chục vạn người từ các nơi kéo về. Một ngọn cờ đỏ lớn tung bay trên nóc Toà thị chính và giữa rừng người. Một trăm tiểu đoàn quân tự vệ oai phong lẫm liệt, nắm chặt tay súng, xung quanh là những khẩu pháo lớn bóng loáng. Những ngọn cờ đuôi nheo, cờ tam giác có tua viền tiêu biểu cho chính quyền nhân dân, phấp phới trước khán đài. Đội quân nhạc tấu lên bản ”Mácxâye” và “Khúc quân hành”.

Đến 4 giờ chiều, các uỷ viên Công xã, khoác dải băng đỏ chéo qua người, bước lên khán đài Công xã Pari chính thức được thành lập. Sau đó, các loạt pháo đều nổ, tiếng vỗ tay vang lên, hàng chục vạn người cùng nhau hô lớn ”Công xã muôn năm!”. Các tiểu đoàn vũ trang trật tự diễu qua khán đài chào tượng nữ thần cộng hòa. Nhờ sự ủng hộ tích cực của quần chúng, Công xã nhanh chóng đập tan bộ máy quan liêu quân sự của giai cấp tư sản, ban bố lệnh bảo hộ lợi ích của người lao động, giao các nhà máy không chủ cho công nhân quản lý, thực hiện chính sách công nhân giám đốc sản xuất, cấm trừng phạt bừa bãi công nhân và cấm cúp lương của họ. Công xã còn định giá thực phẩm và phân phát các khoản trợ cấp xã hội.

Đứng trước sự ra đời của chính quyền vô sản, kẻ thù trong và ngoài nước vô cùng căm giận, chúng, cấu kết với nhau, âm mưu lật đổ Công xã Pari. Ngày 10 tháng 5, Chie cấu kết với bọn xâm lược Phổ ký hiệp ước. Phổ phóng thích hơn l0 vạn tù binh Pháp, vũ trang cho họ quay về đàn áp Công xã Pari. Ngày 20 tháng 5, Chie hạ lệnh tổng tấn công vào Công xã. Ngày hôm sau, quân đội Vecxai phối hợp với nội ứng trong thành, đã lọt được vào Pari.

Cuộc chiến đấu bảo vệ công xã bắt đầu. Nhiều nhà cách mạng nước ngoài đã sát cánh cùng nhân dân Pháp chiến đấu. Già trẻ, gái trai đều trở thành các chiến sĩ của Công xã. Tinh thần dũng cảm chiến đấu hy sinh của họ khiến kẻ thù khiếp sợ.

Ngày 23 tháng 5, Môngmác thất thủ. Ngày 24, quân địch tấn công vào Toà thị chính. Ngày 27, quân địch chiếm được đại bộ phận khu cư trú của công nhân. Những chiến sĩ cuối cùng của Công xã cố thủ ở lăng mộ Pe Lairaidơ  đánh trả 5.000 quân địch. Trải qua một trận đánh giáp lá cà, cuối cùng, tất cả 147 chiến sĩ Công xã đều hy sinh ở góc tường phía đông nam của lăng mộ. Sau này nhân dân gọi góc tường này là ”Tường Công xã Pari”.

Công xã Pari hoàn toàn thất bại nhưng tấm gương chói lọi của Công xã vẫn có ý nghĩa sâu sắc đối với giai cấn vô sản toàn thế giới.

Các chính sách kinh tế, xã hội của công xã Paris

Công xã Paris quyết định giao cho công nhân quản lý các xí nghiệp, công xưởng mà giới chủ đã bỏ khỏi Paris. Còn những xưởng mà người chủ vẫn ở lại, Công xã quản lý thông qua việc kiểm soát tiền lương. Các Ủy ban Lao động được thành lập chịu trách nhiệm về sản xuất và đời sống công nhân. Với những nhà máy vẫn còn giới chủ, Công xã đưa ra lệnh cấm hình thức cúp phạt, cấm làm đêm trong các xưởng bánh mì. Chế độ ngày làm 8 tiếng cũng được đề ra nhưng chưa kịp thực hiện. Mức lương của các viên chức bị hạ xuống, trong khi của công nhân được tăng lên. Đến tháng 5, Công xã ban hành đạo luật quy định giá bánh mỳ, thịt bò, cừu. Nhiều công dân nghèo rời nhà mình tới sống tại các dinh thự của những quý tộc, tư sản bỏ trốn.

Về giáo dục, Công xã Paris thành lập hệ thống giáo dục thống nhất, tách khỏi nhà thờ, thay thế các tăng lữ bằng tầng lớp giáo viên mới. Một sắc lệnh quy định giáo dục bắt buộc và miễn phí. Ngày 12 tháng 5, hai trường chuyên nghiệp được thành lập. Chịu trách nhiệm các nhiệm vụ này là Ủy ban Giáo dục. Tương tự, Hội Nghệ sĩ đứng ra quản lý các rạp hát, kinh doanh nghệ thuật bị cấm.

Về quân sự, Công xã Paris giải tán quân đội và bộ máy cảnh sát của chế độ cũ; thành lập lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh của nhân dân

Chiến tranh bảo vệ công xã Paris

Sau ngày 18 tháng 3, quân đội chính phủ Versailles hầu như tan rã. Về Versailles, Adolphe Thiers dần tập hợp lại được 12 ngàn quân. Cuối tháng 3, khi những cuộc nổi dậy ở các tỉnh thất bại, quân đội tập trung lại Paris và lên tới con số 65 ngàn. Trong khi đó, lực lượng của Công xã ban đầu khoảng 100 ngàn người, về sau tăng lên tới 200 ngàn. Nhưng trong số này chỉ có khoảng 20 đến 30 ngàn đã được luyện tập. Về vũ khí, tuy Công xã có được 1740 khẩu đại bác, nhưng do không có pháo thủ, một số bị phá hủy nên chỉ sử dụng được 320 khẩu. Quân đội Công xã cũng được trang bị hơn 400 ngàn súng trường.

Ngày 2 tháng 4, quân Versailles bắt đầu tấn công thành phố Paris. Quân Công xã nhanh chóng thua cuộc do tổ chức yếu, kỷ luật kém, sử dụng pháo không hiệu quả… Trong tháng 4 và 5, quân Versailles đã chiếm được phần lớn các pháo đài phía tây và nam thành phố. Từ giữa tháng 4, Paris liên tiếp bị bắn phá. Nhiều người của chính phủ Versailles thâm nhập vào hàng ngũ Công xã, tham gia cả Bộ Tổng tham mưu. Lực lượng tình báo này đã cho phá hủy một xưởng đúc đạn, lấy các bản đồ quân sự và tổ chức mở cửa thành Paris cho quân đội Versailles tiến vào.

Vào khoảng thời gian đang diễn ra cuộc chiến, ngày 10 tháng 5 năm 1871, Adolphe Thiers chính thức ký với Bismarck hòa ước nhượng Alsace và một phần Lorraine cho Phổ cùng khoản chiến phí 5.000 triệu franc. Chính phủ của Thiers và phía Phổ cùng tham gia đàn áp Công xã. Theo yêu cầu của Thiers, Bismarck trao trả Pháp 10 vạn tù binh và lực lượng này cùng tham gia đàn áp Công xã. Sau hòa ước, Bộ Chỉ huy quân Phổ cho quân đội Versailles qua phía bắc thành phố, nơi Công xã ít đề phòng.

Ngày 20 tháng 5, quân đội Versailles bắt đầu tổng tiến công. Ngày 21, quân đội tràn vào Paris qua cửa ô Saint-Cloud. Tiếp đó là khoảng thời gian “Tuần lễ đẫm máu” kéo dài từ 21 tới 28 tháng 5. Ngày 27, quân Versailles chiếm được Belleville. Khoảng 200 binh lính Công xã rút vào cố thủ trong nghĩa địa Père-Lachaise. Tới ngày 28, cuộc kháng cự của Paris hoàn toàn thất bại.

Nguyên nhân thất bại của công xã Paris

Công xã Paris thất bại có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Sau ngày 18 tháng 3, lực lượng của Công xã đã chiếm được nhiều cơ quan quan trọng, nhưng lại bỏ qua Bưu điện và Ngân hàng Pháp. Công xã cũng không hoàn thành thắng lợi bằng cách tấn công tiếp tục tới Versailles và điều này khiến chính phủ của Adolphe Thiers có thời giờ củng cố, xây dựng lại quân đội. Công xã cũng không mạnh tay với các nhân vật gián điệp, cho tới thời kỳ Tuần lễ đẫm máu mới thực hiện biện pháp mạnh nhưng không còn tác dụng.

Về kinh tế, do không tịch thu ngân hàng, những thành phần chống lại công xã đã vẫn có thể tiếp tục sử dụng tiền. Ngoài ra, về quân sự, Công xã Paris tỏ ra yếu kém. Quân đội của Công xã chưa được huấn luyện, tổ chức tốt. Việc lãnh đạo thiếu tập trung, được chia làm hai cơ quan là Ủy ban Quân sự và Ủy ban Trung ương quân vệ quốc. Lực lượng công nhân không xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với lực lượng nông dân. Các yếu kém về quân sự khiến Công xã nhanh chóng tan rã khi bị quân đội Versailles tấn công.

Giá trị của công xã Pari với việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Tinh thần của Công xã Pari, những bài học kinh nghiệm quý báu của Công xã Pari vẫn hiện hữu lấp lánh, sinh động trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới, xây dựng, phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử nhân loại

Đến đầu những năm 70 của thế kỷ XIX, sau khi được xác lập ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, chủ nghĩa tư bản đã chuyển dần sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Những mâu thuẫn mới của thời đại bộc lộ ngày càng phức tạp, gay gắt, nhất là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản và mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản các nước. Cuộc chiến tranh Pháp – Đức (1870) là điều kiện, tiền đề cơ bản làm cho nước Pháp trở thành nơi diễn ra sự kiện lịch sử chấn động châu Âu và thế giới – cuộc khởi nghĩa ngày 18-3 và sự ra đời Công xã Pari 1871.

Trong chiến tranh Pháp – Đức, quân Pháp liên tiếp thua trận. Cuộc đấu tranh tự vệ của quân Đức đã nhanh chóng biến thành cuộc chiến tranh xâm lược. Chính phủ tư sản Pháp đứng đầu là Chie không những không chống lại quân xâm lược Đức mà còn cắt cho Đức hai tỉnh Andátxơ và Lôren, chịu bồi thường 5.000 triệu phrăng, mở đường cho quân Đức tiến vào chiếm đóng Pari. Công nhân và nhân dân Pari yêu nước, dũng cảm đã tự vũ trang và tổ chức lực lượng bảo vệ thủ đô. Chính phủ Chie phản động đã ra lệnh tước vũ khí của công nhân, giải giáp các tuyến phòng thủ. Điều đó làm nhân dân căm phẫn vùng dậy tiến hành khởi nghĩa vũ trang vào ngày 18-3-1871. Với khí phách “xông lên chọc trời” của công nhân và nhân dân Pari, Chính phủ Chie hoảng sợ tháo chạy về Vecxai; công nhân và nhân dân nhanh chóng làm chủ tòa thị chính và các công sở Pari. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, bộ máy thống trị của giai cấp tư sản bị lật đổ, chính quyền ở Pari chuyển về tay Ủy ban Trung ương Vệ quốc do công nhân và thợ thủ công bầu ra. Ngay sau đó, với thành công của cuộc bầu cử dân chủ theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu được tổ chức vào ngày ngày 26-3-1871, Hội đồng Công xã được xác lập và hoạt động ở Pari (Công xã Pari).

Hội đồng Công xã là cơ quan quyền lực cao nhất, bao gồm những đại biểu của nhân dân lao động, trong đó công nhân giữ vai trò nòng cốt. Các ủy viên Công xã có thể bị bãi miễn nếu không còn uy tín hoặc không còn khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Hội đồng Công xã ban bố nhiều sắc luật mới và tổ chức ra các Ủy ban(1) để thi hành các sắc luật đó. Công xã Pari xóa bỏ quân đội thường trực, lấy nhân dân vũ trang thay thế. Công xã thủ tiêu bộ máy cảnh sát cũ. Việc giữ gìn an ninh trật tự trong thành phố do công nhân vũ trang đảm nhiệm. Công xã đề ra và thi hành nhiều biện pháp để bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để giai cấp công nhân và nhân dân lao động tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội như: xóa bỏ chế độ đặc quyền của các viên chức nhà nước; quy định quyền bầu cử, ứng cử; tách nhà thờ khỏi các hoạt động của nhà nước; thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc và miễn phí; giao công nhân quản lý các xí nghiệp và công xưởng mà giới chủ đã bỏ trốn; quy định giá bán bánh mì, tiền lương tối thiểu; vạch kế hoạch xây dựng nhà trẻ, vườn trẻ cho con em công nhân… Công xã đồng thời thực hiện các biện pháp chuyên chính đối với các thành phần bóc lột và chống đối cách mạng như: thành lập các tòa án đặc biệt để xử bọn phản cách mạng, đóng cửa báo chí phản động, cấm cúp lương, cấm làm đêm trong các xưởng bánh(2) …

Với những nguyên tắc và đặc điểm như vậy, Công xã Pari thể hiện sinh động là một nhà nước kiểu mới, một nền dân chủ kiểu mới – nền dân chủ xã hội chủ nghĩa rốt cuộc đã được thực tiễn cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động sáng tạo ra. Khi tổng kết kinh nghiệm của Công xã Pari, C.Mác viết: “Về thực chất nó là một chính phủ của giai cấp công nhân, là kết quả của cuộc đấu tranh của giai cấp những người sản xuất chống lại giai cấp chiếm đoạt, là hình thức chính trị rốt cuộc đã tìm ra được khiến cho có thể thực hiện được việc giải phóng lao động về mặt kinh tế”(3).

Vì nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, Công xã Pari đã không tránh khỏi bị dìm trong bể máu và thất bại hoàn toàn vào ngày 28-5-1871. Tuy nhiên, như Mác nói, cách mạng đã chết, cách mạng muôn năm! Mặc dù chỉ tồn tại trong 72 ngày đêm, Công xã Pari là một thực tiễn cách mạng sinh động để lại cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong những thời điểm, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, khi nghiên cứu, đánh giá về Công xã Pari, các nhà kinh điển Mác-Lênin, các lãnh tụ cách mạng và giới nghiên cứu lý luận mác xít trên thế giới và ở Việt Nam đã nói đến nhiều bài học kinh nghiệm khác nhau.

Thực tiễn sáng tạo nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

Thứ nhất, cuộc cách mạng 18-3 và Công xã Pari 1871 chứng tỏ, nền dân chủ vô sản (dân chủ xã hội chủ nghĩa) tất yếu ra đời thay thế dân chủ tư sản và lý luận soi đường tiến trình dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa là chủ nghĩa Mác.

Thực tiễn cách mạng Pháp lúc bấy giờ cho thấy, giai cấp tư sản Pháp (cả Nền Đế chế II do Napôlêông III làm hoàng đế và Chính phủ Vệ quốc do Chie đứng đầu) đã trở thành lực lượng phản động. Về đối nội, thực hiện áp bức, bóc lột nặng nề giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Về đối ngoại, tiếp sau cuộc chiến tranh xâm lược Crưm (1853-1856), xâm lược Mêhicô (1861-1867), xâm lược Việt Nam (1858), xâm lược Campuchia (1863),…năm 1870, Pháp tuyên chiến với Đức. Nó chủ động gây chiến tranh xâm lược Đức và các nước khác nhưng cũng sẵn sàng đầu hàng kẻ thù và bán rẻ Tổ quốc. Nó thù ghét tư sản Đức, cản trở sự thống nhất của nước Đức nhưng cũng sẵn sàng thỏa hiệp, cấu kết với địa chủ, tư sản Đức để chống lại nhân dân Pháp cách mạng và tiêu diệt Công xã Pari. Với bản chất phản động (phản dân chủ và phản quốc) như vậy, giai cấp tư sản Pháp không thể là người đại diện cho tương lai của nước Pháp.

Cuộc cách mạng 18-3 và Công xã Pari 1871 cho thấy, đúng như khẳng định của chủ nghĩa Mác: giai cấp công nhân đã thực sự bước lên vũ đài lịch sử để đảm nhận sứ mệnh vẻ vang đối với dân tộc và nhân loại. Việc thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, xác lập dân chủ xã hội chủ nghĩa là con đường tất yếu của nước Pháp cũng như của các quốc gia dân tộc văn minh trên thế giới. Lý luận soi đường tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng, phát triển thành công nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước và trên toàn thế giới là chủ nghĩa Mác. Cách mạng 18-3 và Công xã Pari 1871 không chỉ là bằng chứng khẳng định tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác mà còn là thực tiễn sinh động để không ngừng bổ sung, phát triển và làm sâu sắc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác nói chung và học thuyết Mác về dân chủ xã hội chủ nghĩa nói riêng. Ngay ngày 23-5-1871, khi kẻ thù bao vây và điên cuồng tấn công Công xã Pari, C.Mác nhận định: “nếu như Công xã bị đánh tan thì cuộc đấu tranh sẽ chỉ bị trì hoãn mà thôi. Những nguyên tắc của Công xã là vĩnh cửu và không thể tiêu dịêt được; trước khi giai cấp công nhân giành được sự giải phóng, chúng sẽ liên tục biểu hiện”(4).

Thứ hai, kinh nghiệm Công xã Pari 1871 xác nhận rằng, cốt lõi của việc xác lập và vận hành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là thông qua bạo lực cách mạng thay thế chuyên chính tư sản bằng chuyên chính vô sản, trong đó thực hiện dân chủ với nhân dân gắn liền với thực hiện chuyên chính đối với bọn chống đối cách mạng và các thành phần bóc lột.

Cuộc cách mạng 18-3 và Công xã Pari 1871, một mặt, xác nhận luận điểm Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: giành lấy dân chủ, giành lấy chính quyền là nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân; mặt khác, nó cũng xác nhận rằng, vấn đề chính quyền nhà nước là vấn đề cơ bản trong toàn bộ tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa chứ không chỉ trong giai đoạn thứ nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đối diện với thế lực tư sản phản động, giai cấp công nhân tất yếu phải dùng bạo lực cách mạng đập tan chuyên chính tư sản, thay thế chuyên chính tư sản bằng chuyên chính vô sản. Công xã Pari là hình thức chuyên chính vô sản, kiểu tổ chức  dân chủ vô sản đầu tiên rốt cuộc đã được lịch sử tìm ra để thay thế chuyên chính tư sản và dân chủ tư sản.

Cuộc cách mạng 18-3 và Công xã Pari 1871 cho thấy, giành chính quyền, giành dân chủ là việc khó nhưng giữ vững chính quyền, giữ vững dân chủ lại là việc khó hơn. Công xã Pari thực hiện dân chủ với nhân dân, đồng thời thực hiện chuyên chính đối với bọn chống đối cách mạng và các thành phần bóc lột. Tuy nhiên, công nhân Pari đã quá “rộng lượng” với kẻ thù, đã không nhanh chóng tịch thu nhà ngân hàng; chưa chú ý đúng mức việc tổ chức, huấn luyện về kỷ luật, kỹ thuật chiến đấu cho các lực lượng vũ trang nhân dân; trừng trị quá chậm và không đầy đủ đối với báo chí phản động và đã để Chính phủ Chie chạy về Vecxai có thì giờ, điều kiện tập hợp lực lượng phản công, tiêu diệt Công xã Pari. Bài học xương máu này có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn không chỉ đối với công nhân Pháp mà còn với cả giai cấp công nhân trên toàn thế giới.

Thứ ba, kinh nghiệm Công xã Pari 1871 chỉ ra rằng, để xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa phải coi trọng liên minh giai cấp, đoàn kết dân tộc và thực hành chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân; giải quyết hài hòa quan hệ giai cấp, dân tộc và quốc tế.

Cuộc cách mạng 18-3 và Công xã Pari 1871 trước hết là kết quả đấu tranh của quần chúng công nhân và nhân dân Pari vì lợi ích sống còn của mình và vì danh dự, vận mệnh của nước Pháp. Ngay cả trong hoàn cảnh bị bao vây, Công xã vẫn cố gắng thiết lập liên minh giữa lao động thành thị và lao động nông thôn khi dùng khinh khí cầu để chuyển tới nông dân lời kêu gọi: “Thắng lợi của chúng tôi là hy vọng duy nhất của các bạn”. Mặt khác, cách mạng 18-3 và Công xã Pari 1871 còn có sự tham gia đóng góp đáng kể của các hội viên Hội liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế I), trong đó có những ngoại kiều lỗi lạc đến từ Ba Lan, Nga, Hungari, Bỉ, Ý (5). Ngay từ đầu, Công xã lấy cờ đỏ tượng trưng cho cách mạng (lá cờ của nền cộng hòa thế giới) làm cờ của mình và thi hành các biện pháp tỏ rõ đường lối hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Những điều đó nói lên rằng, cách mạng 18-3 và Công xã Pari 1871 bước đầu thể hiện sự gắn bó, thống nhất giữa tính nhân dân, tính giai cấp, tính dân tộc và tính quốc tế của giai cấp công nhân.

Cố nhiên, ra đời và hoạt động ở thủ đô Pari(6) trong sự bao vây, phản kháng, chống phá điên cuồng của giai cấp tư sản Pháp và liên minh tư sản phản động Pháp – Đức, Công xã Pari đã không tránh khỏi bị dìm trong bể máu. Thất bại của Công xã Pari 1871 càng cho thấy rằng để xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa phải đặc biệt coi trọng liên minh giai cấp, đoàn kết dân tộc và thực hành chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân; giải quyết hài hòa quan hệ giữa giai cấp, dân tộc và quốc tế.

Thứ tư, cách mạng 18-3 và Công xã Pari 1871 cho thấy, nhất thiết phải xây dựng chính đảng vô sản cách mạng ở mỗi nước để lãnh đạo tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Công xã Pari 1871 là kết quả của những hành động anh hùng cách mạng rất đáng khâm phục của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Tuy nhiên, phần đông công nhân và quần chúng lao động chưa được chuẩn bị, thiếu rèn luyện; họ chưa có ý niệm thật rõ rệt về nhiệm vụ của mình và về những phương sách để thực hiện những nhiệm vụ đó(7). Cách mạng 18-3 và Công xã Pari 1871 ra đời, hoạt động trong điều kiện như vậy thì thất bại là khó tránh khỏi. Yêu cầu đặt ra là phải có một đảng cách mạng chặt chẽ, thống nhất, khoa học lãnh đạo. Thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa là quá trình cách mạng toàn diện, triệt để, lâu dài, phức tạp đòi hỏi tính tổ chức, tính khoa học, tính tự giác, sáng tạo rất cao. Để giành thắng lợi trong tiến trình cách mạng vĩ đại đó cần nhiều yếu tố, điều kiện khách quan và chủ quan. Trong đó, yếu tố tiên quyết chính là phải xây dựng chính đảng vô sản cách mạng ở mỗi nước. Chỉ có chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tiên phong về lý luận và thực tiễn, nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác mới có thể đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, phương pháp cách mạng đúng đắn, phù hợp; trên cơ sở đó, giáo dục, giác ngộ, tổ chức, huấn luyện, lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động thực hiện thắng lợi cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước và trên toàn thế giới.

Kinh nghiệm thành công và thất bại của các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới đều rất có giá trị, ý nghĩa đối với tiến trình cách mạng và quá trình xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhiều khi, từ những sai lầm, thất bại của cách mạng trong ngày hôm qua, những người cách mạng học được nhiều kinh nghiệm để tránh sai lầm cho hôm nay và mai sau. Ngay trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), khi nói về vận dụng kinh nghiệm cách mạng thế giới, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho rằng, cách mệnh Pháp (bao hàm cả Công xã Pari) làm gương cho chúng ta về nhiều phương diện. Ví dụ: “Dân chúng công nông là gốc cách mệnh, tư bản là hoạt đầu, khi nó không lợi dụng được dân chúng nữa, thì nó phản cách mệnh”; “Cách mệnh thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công”; và “Cách mệnh Pháp hy sinh rất nhiều người mà không sợ; ta muốn làm cách mệnh thì cũng không nên sợ phải hy sinh”(8) …

Vận dụng trong xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Hơn 90 năm qua, trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tham khảo, vận dụng kinh nghiệm cách mạng thế giới, trong đó có kinh nghiệm Công xã Pari 1871, Đảng ta đã lãnh đạo đưa cách mạng cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi vĩ đại. Với những thắng lợi đã giành được, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được xây dựng và không ngừng hoàn thiện; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới(9) … Nhìn lại 35 năm đổi mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(10).

Một chướng ngại vật do lực lượng cách mạng dựng lên trên đường phố Pari (ngày 18/3/1871). Ảnh: Tư liệu
Một chướng ngại vật do lực lượng cách mạng dựng lên trên đường phố Pari (ngày 18/3/1871). Ảnh: Tư liệu

Trong những năm tới, với sự đan xen cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức, sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn so với trước. Để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, vận dụng kinh nghiệm Công xã Pari nhằm tiếp tục đổi mới, xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (giai đoạn 2021-2030), cần nhấn mạnh một số định hướng, giải pháp cơ bản đã nêu trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng:

Một là, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ra sức thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội.

Ba là, tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn, trong đó có quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Bốn là, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng. Đảng nêu gương thực hành dân chủ và bảo đảm kỷ luật, kỷ cương./.

Qua bài viết trên, Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội đã giúp các em học sinh hiểu rõ công xã Paris là gì? Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa lịch sử của công xã Paris. Các em học sinh có thể truy cập website Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội để tìm hiểu những bài viết hay, hữu ích phục vụ cho quá trình thi cử của mình.

Bản quyền bài viết thuộc Tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá (tmdl.edu.vn)

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button