Giáo dục

Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai…

Đề bài: Phân tích bài ca dao: 

“Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.
Ai ơi, nếm thử mà xem!
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi”

Bạn đang xem bài: Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai…

phan tich bai ca dao than em nhu cu au gai

Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai
 

I. Dàn ý Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu câu ca dao tiêu biểu cho motip than thân trách phận
– Vẻ đẹp và giá trị của câu ca dao và tài năng của các nghệ sĩ dân gian.

2. Thân bài

a. Sử dụng hình ảnh “Thân em”
– Hình ảnh quen thuộc trong ca dao than thân – Cho thấy sự mong manh yếu đuối và khát khao thấu hiểu của người phụ nữ

b. Hình ảnh “củ ấu gai”
– Củ ấu gai là một loại củ rất thân thiết và gần gũi với người dân đất Việt và cho thấy được vẻ đẹp giản dị, không kiêu sa đài các của người phụ nữ.
– So sánh khéo léo: Có những đặc điểm giống với người phụ nữ…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai tại đây

 

II. Bài văn mẫu Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai (Chuẩn)

Ca dao dân ca từ xưa đến nay tựa như dòng sữa mẹ ngọt mát, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ lớn lên, những câu ca dao không chỉ tha thiết, thấm đượm cảm xúc mà còn chứa đựng bao triết lý nhân sinh sâu sắc. Bên cạnh ca dao về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa thì ca dao than thân trách phận của người phụ nữ luôn để lại những suy tư và xúc cảm trong lòng độc giả. Nổi bật trong số đó là bài:

“Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.
Ai ơi, nếm thử mà xem!
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi”

Bài ca dao nằm trong mô típ ca dao than thân, nói lên số phận mong manh yếu đuối của người phụ nữ từ xưa đến nay. Dòng cảm xúc bao trùm của nó là cảm xúc xót xa, buồn thương của người phụ nữ cho chính thân phận của mình. Từ đó muốn cất lên tiếng nói, tìm kiếm sự yêu thương và khát khao đồng cảm. Câu ca dao với ngôn ngữ uyển chuyển, ý tứ khéo léo đã gieo vào lòng người đọc những khắc khoải khôn nguôi.

Mở đầu bài ca dao là cụm từ “Thân em” – mô típ được lặp lại nói về thân phận người phụ nữ. Một số câu ca dao khác cũng sử dụng mô típ này như: “Thân em như hạt mưa sa”, “Thân em như dải lụa đào”, “Thân em như giếng giữa đàng”,… Việc lấy thân mình ra để so sánh với một sự vật hiện tượng trong cuộc sống đã cho thấy sự tự ý thức của người phụ nữ. Họ cảm nhận được rằng số phận mình rất mong manh tựa như cánh hoa trước gió bị bão giông của cuộc đời dồn dập, như dải lụa đào phó mặc cho số phận nổi trôi. Thậm chí còn nhuốm vị chua chát, nhỏ nhoi, bé mọn. Bởi vậy mà mô típ này được sử dụng nhiều trong ca dao than thân trách phận.

Ở câu ca dao này, dân gian ví người phụ nữ như “củ ấu gai” là một so sánh khéo léo. Bởi lẽ củ ấu gai là một loại củ gần gũi với đời sống người việt. Không chỉ vậy, nó còn thể hiện được vẻ đẹp của người phụ nữ xưa, không kiêu sa đài các mà giản dị, chân chất. Và hơn hết, củ ấu gai có những đặc tính giống với bản chất của người phụ nữ : Ruột trong thì trắng – vỏ ngoài thì đen. Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài vừa đen, vừa xấu xí của củ ấu thì không ai biết được bên trong nó như thế nào. Muốn thưởng thức củ ấu, phải tách nó ra, nhìn thấy phần ruột trắng thơm trong trẻo thì mới biết được giá trị của nó. Và người phụ nữ cũng vậy. Vẻ đẹp của họ nhiều khi bị khuất lấp bởi bao nhiêu lo toan mệt nhọc của cuộc sống, bao nhiêu những tủi hờn, xót xa không ai thấu hiểu. Thế nhưng ẩn đằng sau hình thức ấy lại là một tâm hồn cao đẹp, biết vị tha, khoan dung. Lẽ đời, nhiều khi hình thức lại không đi kèm với nội dung. Bởi vậy, muốn khám phá ra vẻ đẹp tiềm ẩn của người phụ nữ, đòi hỏi ai kia phải là kẻ tinh tế và đầy thấu hiểu. Vẻ đẹp bên ngoài là vẻ đẹp phù phiếm, vô cùng cuốn hút và hấp dẫn nhưng nó sẽ lụi tàn đi theo thời gian năm tháng. Chỉ có vẻ đẹp bên trong là giá trị trường tồn vĩnh cửu, đi cùng với cuộc sống và hạnh phúc sau này của con người. Đó cũng chính là triết lý nhân sinh sâu sắc mà dân gian muốn gửi gắm đến độc giả.

Hai câu thơ cuối bài là lời mời gọi “nếm thử” của cô gái đối với các chàng trai. Hay nói cách khác đó là sự thể hiện khát khao được thấu hiểu và đồng cảm của họ. Thân là phụ nữ, sinh ra đã phải chịu bao nhiêu đắng cay khổ cực. Bởi vậy họ chỉ có mong muốn duy nhất là được làm chính mình và được người khác công nhận với tất cả vẻ đẹp nhân bản và “ngọt bùi” của mình. Qua đó, câu thơ cũng đọng lại ý vị xót xa, chua xót của người phụ nữ cho chính bản thân mình.

Bài ca dao với hình ảnh sinh động, ngôn ngữ giàu cảm xúc đã giúp những nghệ sĩ dân gian chuyển tải được hết nội dung và ý nghĩa. Qua đó, để lại trong lòng độc giả những ấn tượng khó quên.

——————-HẾT——————–

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều bài ca dao viết về vẻ đẹp và thân phận người phụ nữ. Để có những cảm nhận trọn vẹn nhất về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, bên cạnh bài Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai trên đây, các em không nên bỏ qua: Phân tích bài ca dao Thương thay thân phận con tằm, Phân tích bài ca dao: Trên trời có đám mây xanh, Phân tích bài ca dao Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai, Phân tích những câu Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa.

Bản quyền bài viết thuộc trường Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Tmdl.edu.vn (tmdl.edu.vn)

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button