Văn Học

Phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân

Phân tích bài Quê Hương

Phân tích Quê hương – Trung Quân

Quê hương là chùm khế ngọt – Quê hương của Đỗ Trung Quân từ lâu đã in đậm dấu ấn trong lòng người đọc. Với giọng thơ mộc mạc, gần gũi bài thơ Quê hương của tác giả Đỗ Trung Quân đã đưa người đọc trở về với những kỉ niệm khó quên đối với quê hương trong mỗi con người. Trong bài viết này Tmdl.edu.vn xin chia sẻ bài văn mẫu phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân, cảm nhận bài thơ quê hương của Đỗ Trung Quân hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.

Bạn đang xem bài: Phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân

1. Phân tích bài thơ Quê Hương của Đỗ Trung Quân

phan tich bai tho que huong cua do trung quan1 min

Bài thơ Quê Hương được Đỗ Trung Quân viết vào năm 1986, cho đến nay, đây vẫn là một tác phẩm đặc biệt. Tác giả miêu tả về quê hương một cách quen thuộc, đơn giản nhưng giàu ý nghĩa. Ông sử dụng vô số hình ảnh, cây cối, làm người đọc hình dung về quê nhà trong cảm xúc dâng trào:

Quê hương là chùm khế ngọt ngào
“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay”

Mở đầu bài thơ, tác giả đặt một câu hỏi tu từ thật ngọt ngào “Quê hương là gì hở mẹ”. Câu hỏi được lặp đi lặp lại 2 lần, nhằm nhấn mạnh sự da diết, lưu luyến của nó. Chỉ là một câu hỏi nhẹ nhàng của em bé nhỏ mà sao nặng lòng đến vậy? Chính chúng ta cũng đã từng thắc mắc rằng quê hương là gì? Quê hương là nơi chúng ta sinh ra, khi đi xa luôn một lòng nhớ về những ký ức, hình ảnh nơi ấy. Nhớ thêm lời cô giáo dạy rằng, nhất định phải yêu quê hương.

Chỉ khi phân tích bài thơ Quê Hương của Đỗ Trung Quân, chúng ta mới cảm động trước những gì mà ký ức, cội nguồn mang lại. Tác giả trả lời rằng “quê hương là chùm khế ngọt”, nuôi nấng, bảo vệ ta trước mọi khó khăn cuộc đời. Chùm khế ngọt ở đây là người thân, luôn yêu thương, ngọt ngào với chúng ta. Đây chính là nguồn sống nuôi chúng ta lớn mỗi ngày, dạy nên người. Cuộc sống nơi quê hương là chốn phồn hoa, tự do, được bảo bọc, nuôi lớn chúng ta thành tài.

“Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè”

Quê hương là chuỗi những kỷ niệm, tuổi thơ vui vẻ của mỗi người, là nơi “con thả diều trên đồng”. Tuổi thơ tại nơi vùng quê bình yên, an toàn, mọi thứ thật đơn giản, vui vẻ. Quê hương cũng là những cánh đồng rộng bao la, nhuộm màu vàng của lúa thơm nhẹ nhàng. Hình ảnh nón lá, con sông, cánh diều, cầu tre thật quen thuộc, bình dị nơi chốn làng quê Việt Nam.

Cụm từ “quê hương là” được lặp lại rất nhiều lần, khẳng định đa nghĩa về khái niệm của nó. Không thể tổng kết lại khái niệm quê hương là gì, bởi có vô số ý nghĩa. Đối với mỗi người, quê hương là cả ký ức, linh hồn, thương nhớ, thậm chí là không thể rời xa. Sự gắn bó của quê hương thật kỳ diệu, cũng chính nơi đó có tình thương, có bạn bè, người thân, thầy cô, …

Phân tích bài thơ Quê Hương của Đỗ Trung Quân để thấu hiểu được sự ngọt ngào của người mẹ. Đoạn tiếp theo, tác giả ví quê hương như một người mẹ, dang vòng tay rộng rãi, ấm áp để ôm lấy con cái. Kể cả khi không có nhà, quê hương vẫn bảo vệ con dưới cơn mưa. Quê hương ở đây hay chính là hình ảnh người mẹ, luôn luôn hy sinh vì con cái? Quê hương còn là vầng trăng, soi sáng lối đi, dẫn dắt chúng ta đi đến muôn nơi. Vầng trăng ở trên cao vui, buồn cùng ta, luôn luôn đồng hành.

Tác giả liệt kê hình ảnh thiên nhiên nơi quê hương bao gồm hoa bí, mồng tơi, dâm bụt, hoa sen. Đỗ Trung Quân kể đến chi tiết từng loài cây, nhằm nhấn mạnh kỉ niệm, ký ức luôn tồn tại. Hình ảnh quê hương đa màu sắc, muôn hoa khoe nở, tươi vui hơn bất cứ đâu. Tuy nhiên, không giống như những điều khác, riêng với quê hương, mỗi người chỉ có một. Quê hương là duy nhất, chúng ta chỉ sinh ra một lần, bất kỳ ai cũng sẽ có nơi đây để quay về.

Đoạn thơ cuối như một lời nhắc nhở chúng ta rằng hãy luôn nhớ về quê hương. Quê hương duy nhất chỉ 1, cũng như mẹ chúng ta. Đỗ Trung Quân còn nhấn mạnh rằng “quê hương có ai không nhớ”, hầu hết đây là nơi duy nhất để về mỗi khi mệt mỏi. Quê hương được so sánh ngang hàng với hình ảnh người mẹ Việt Nam vĩ đại. Chính nơi đây đã nuôi chúng ta lớn khôn, trưởng thành để chống chọi với đời đầy bão giông.

Phân tích bài thơ Quê Hương của Đỗ Trung Quân để thấy hình ảnh quen thuộc, thân thương nhất. Dù có đi đến bất cứ đâu, chúng ta luôn có 1 quê hương để trở về, luôn bên cạnh chở che. Sống với quê hương, chúng ta được là chính mình, yên lặng, giản dị, đơn giản nhất.

2. Cảm nhận bài thơ Quê hương Trung Quân

Quê hương với mỗi người thật giản dị, thân thương. Yêu quê là yêu con đường đến trường, yêu những mái nhà tranh, yêu cánh đồng lúa chín…Nhà văn Ê-ren-bua đã từng nói: suối chảy vào sông, sông chảy ra biển, tình yêu tổ quốc bắt nguồn từ lòng yêu với những thứ thân thuộc quanh mình. Tình yêu đất nước bao giờ cũng bắt nguồn từ tình yêu quê chân thành, giản dị như thế. Có những so sánh hình ảnh quê hương thật gần gũi. Nhà thơ Đỗ Trung Quân chắc hẳn yêu quê lắm mới có những hình ảnh so sánh đẹp và dễ đi vào lòng người đến thế. Đọc câu thơ nhiều người ngỡ ngàng khi nhận ra, quê hương sao gần quá. Nó ở trong tuổi thơ, trong câu chuyên bà kể, trong lời hát mẹ ru, trong trái cây dịu mát. Quê hương là chùm khế ngọt, quê hương là con đường đi học. Còn gì gần gũi hơn thế với mỗi người dân đất Việt. Quê hương là vô hình, khó định nghĩa và khó có thể gợi ra được cụ thể, rõ ràng. Thế nhưng nhà thơ đã đưa ra cho ta một định nghĩa thật giản dị, biến cái vô hình thành hữu hình. Quê hương có thể nhìn thấy, có thể cầm nắm, có thể thưởng thức được mỗi ngày. Với chùm khế ngọt con người cảm nhận quê hương đầy đủ nhất bằng mọi giác quan. Tuổi thơ ai cũng trải qua những năm tháng tới trường. Con đường đi học đã trở thành người bạn tri kỉ. Hình ảnh “rợp bướm vàng bay” gợi nên cho ta những gì thân thương và trong sáng nhất của tuổi học trò. Quê hương là thế đó. Nhắm mắt lại ta như thấy quê hương đã ở đó rồi, ở ngay bên trong trái tim mỗi con người.

Khi ta còn nhỏ, những vần thơ về quê hương đã luôn theo ta qua lời ngâm của bà, của mẹ. Quê hương theo ta khi ta chơi, khi ta cười, khi ta ăn, khi ta ngủ. Quê hương là gì? Xưa nay chưa có ai định nghĩa nổi. Nhưng với một phong cách rất Việt Nam, Đỗ Trung Quân đã khiến những người con xa quê phải bật khóc.

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.

“Quê hương” hai từ “thiêng liêng” nhất của một đời người. Nó là mảnh đất chào đón sự khởi đầu của cuộc đời, một sinh linh. Con người ta không thể có hai quê hương cũng như không thể có hai người mẹ. Mảnh đất quê hương yêu dấu mà nơi ấy cho ta hạt gạo ta ăn, ngụm nước ta uóng, là nơi đã đón nhận những bước chân chập chững đầu đời. Quê hương ấm áp, ngọt ngào như dòng sữa mẹ, nuôi lớn ta từng ngày, từng ngày. Với Đỗ Trung Quân “Quê hương” thân thương là thế. “yêu dấu là thế. Từ “chỉ một” như muốn nhắc nhở chúng ta, quê hương là duy nhất, nếu ai mà không nhớ quê hương, người đó sẽ không thể lớn nổi thành người”. “không lớn nổi không phải là cơ thể không lớn lên, không phải là con người ta cứ bé mãi, mà “không lớn nổi” có nghĩa là không trưởng thành một con người thật sự. Người mà không nhớ về cội nguồn, gốc rễ, ăn cháo đá bát thì người đó không có đạo đức, không xứng đáng là một con người.

Với tất cả chúng ta, quê hương là một thứ gì đó gần gũi đến kỳ lạ. Như khi ta ăn một trái lê, ngửi một bông hoa, vị thơm ngọt của nó gợi nhắc ta về với quê hương; nơi có những cánh đồng trải dài xa mãi, những bãi cỏ xanh thơm mùi thảo mộc, những chiều hoàng hôn bình yên, ta ngồi nhìn gió hát. Dù có đi đâu xa, hơi thở của quê hương vẫn bên ta, để ta luôn có một góc nhỏ bình yên với tâm hồn. Khi ta lớn lên, ta ra đi, bon chen, lặn lội trên đường đời. Bao nhiêu mệt mỏi, bao nhiêu tủi hờn, ấm ức, ta vẫn cố chịu, để rồi khi trở về nhìn thấy rặng tre đầu làng, con đê trước sông và nhận ra mái nhà thân quen của ta đâu đó trong xóm, ta lại bật khóc, tiếng khóc vỡ òa ra vì để trú hết tủi hờn, đau buồn, tiếng khóc vờ vì một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Ôi ! Sao mà yêu thương thế!

Về với quê hương, như về với kí ức, như về với bản chất con người thuần túy, quê hương cho ta sự yên ả, tĩnh lặng, sự bình dị, thanh tịnh. Ta như điên cuồng muốn ôm lấy quê hương mà hôn, mà yêu. Ta như muốn chạm tay vuốt ve tất cả mọi thứ, rồi hét lên rằng “Quê hương ơi! Con đã về”. Ta chỉ muốn nhìn hết, thu hết mọi sự yêu thương ấy để vào trong tim, cho nó cùng sống, cùng chết với ta. Như vậy ta sẽ chẳng còn cô đơn, chẳng con thương nhớ nữa.

Mọi sự vật nơi đây đều có một linh hồn riêng biệt. Linh hồn ấy mãi mãi chẳng đổi thay. Mọi linh hồn ấy đều sẵn sàng dang tay chào đón ta trở về. Cái đụn rơm này, cái cây đa già này, cả cái mùi ẩm mốc của đất quê này… Tất cả, tất cả đều vây lấy ta, trò chuyện với ta, hơn hết chúng đã giúp ta chữa lành mọi vết thương lòng.

Với ta, quê hương luôn gắn với vòng tay của bà, của mẹ, là nụ hôn, là giọt nước mắt. Quê hương thơm mùi canh cà chua, tròn như quả cà, xanh như màu rau muống luộc. Đâu phải vì chưa từng ăn những thứ đó, mà sao giờ đây, nó lại ngon đến thế!. Quê hương sôi nổi và mộc mạc trong những câu chuyện vui rôm rả của làng xóm láng giếng mỗi buổi tối trăng sáng, là nụ cười ngây thơ đến mê hồn của lũ trẻ con. Ta muốn yêu, yêu hết tất cả mọi thứ của mảnh đất này.

Quê hương là một cái gì đó như ràng buộc, như một thứ kỳ diệu khiến ngày ta phải ra đi, tiến một bước nhưng muốn lùi hai bước. Phải ra bến xe nhưng lại chạy ra sông ngồi ngẩn ngơ một lúc, ngắm nhìn dòng suối bạc lấp lánh đến chói mắt khi mặt trời chiếu xuống. Quê hương ơi là quê hương!

Lại một lần nữa – ta khóc – ngày ta phải ra đi – đến giờ, ta còn quyến luyến. Kì lạ sao ta đi chậm như thế, cứ hay ngoảnh lại như thế, cây đa đầu làng đã xã mờ lắm rồi mà ta vẫn ngờ nó chỉ mới kia thôi. Trong lòng bỗng thấy bâng khuâng, xao xuyến lạ! Ta ngạc nhiên vì thấy sao lá vẫn xanh, nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật.

Thật thế, quê hương như máu thịt ta, kể từ khi lọt lòng, ta đã trao cho nó nửa linh hồn của mình vì vậy đi đâu cũng nhớ, cũng thương.

“ Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng”

Quê hương luôn hiện ra trong làn nước mắt nhớ nhung trong các đêm.

“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương”.

Quê hương vẫn mãi mãi yêu thương như thế!, Như thế!!

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của Tmdl.edu.vn.

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Văn Học

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button