Phân tích tác phẩmPhân tích tác phẩm văn học lớp 12

Tác giả Nguyễn Tuân đầy đủ nhất [2023]

Tác giả Nguyễn Tuân là một nhà văn có cuộc đời và sự nghiệp rất đặc biệt trong nền văn học Việt Nam. Vì thế sau đây Tmdl.edu.vn sẽ mở ra cho các em những thông tin thú vị về nhà văn Nguyễn Tuân nhằm giúp các em hiểu sâu hơn về con người tài hoa nghệ sĩ này !

Hướng dẫn giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân

Với văn phong bay bổng, ngòi bút tài hoa, Nguyễn Tuân luôn tìm kiếm những giá trị thẩm mỹ về con người, thiên nhiên… của đất nước Việt Nam để miêu tả. Để làm tốt các đề văn liên quan đến tác giá Nguyễn Tuân hãy theo bài viết đầy đủ nhất dưới đây gồm:

  • Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân
  • Tác giả nguyễn Tuân và bút kí Người lái đò sông Đà
  • Nhận định về tác giả Nguyễn Tuân
  • Sơ đồ tư duy tác giả Nguyễn Tuân
  • Văn mẫu về các đề văn liên quan đến tác giả Nguyễn Tuân
  • Tóm tắt lý lịch Nguyễn Tuân
  • Tiểu sử nhà văn Nguyễn Tuân
  • Tác phẩm Người lái đò sông Đà

Xem thêm: Tổng hợp bộ đề người lái đò sông Đà cập nhật mới nhất

Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân

  • Nguyễn Tuân (10 tháng 7 năm 1910 – 28 tháng 7 năm 1987)
  • Là một nhà văn người Việt Nam.
  • Nguyễn Tuân có sở trường về tùy bút và ký.
  • Ông viết văn với một phong cách tài hoa uyên bác và được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng tiếng Việt.
  • Các tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn thể hiện phong cách độc đáo, tài hoa, sự hiểu biết phong phú trong nhiều lĩnh vực và vốn ngôn ngữ giàu có, điêu luyện.

Tác giả nguyễn Tuân và bút kí Người lái đò sông Đà

  • Tác phẩm được ra đời trong chuyến đi thâm nhập thực tế ở miền Tây Bắc xa xôi hẻo lánh để nhà văn khai phá ra nguồn gió mới .
  • Tại đây Nguyễn Tuân đã phát hiện ra ” chất vàng mười” của thiên nhiên và ”chất vàng mười đã qua thử lửa” của con người miền núi Tây Bắc.

Nhận định về nhà văn Nguyễn Tuân

  • Tác giả Nguyễn Tuân không chỉ được tác giả yêu mến và có nhiều nhận định tốt về ông mà ông còn được các tác giả khác để lại nhiều nhận định tốt đẹp khác như Nguyễn Doãn Vượng nhận định Nguyễn Tuân là tài tử màn ảnh, ông có nhiều thời gian làm việc cùng Nguyễn Tuân có lần ông nhận : ” Nguyễn Tuân văn sĩ cũng như Nguyễn Tuân tài tử lúc nào cũng là một anh chàng khó chịu, làm cho nhiều người tức bực. Lắm khi tôi cũng bực Tuân hết sức, nhưng tôi chịu đựng anh; và theo nhận xét của tôi thì anh cũng có biệt nhỡn nể nang tôi nhiều, cho nên hai chúng tôi lúc nào cũng vẫn đặc biệt cảm tình với nhau. Tuy nhiên, cũng có đôi ba lúc tôi giận Tuân không tả được.”
  • Còn riêng về phía các độc giả, phần lớn nhận định ông là một thiên sứ của sự thẩm mĩ, cả đời đi tìm cái đẹp. Phong cách viết văn tài hoa uyên bác và được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng tiếng Việt. Các tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn thể hiện phong cách độc đáo, tài hoa, sự hiểu biết phong phú trong nhiều lĩnh vực và vốn ngôn ngữ giàu có, điêu luyện.

Tóm tắt sơ yếu lý lịch Nguyễn Tuân

Nhà văn Nguyễn Tuân sinh ngày 10-7-1910 tại Thành phố Hà Nội, nước Việt Nam. Ông sinh thuộc cung Cự Giải, cầm tinh con (giáp) chó (Canh Tuất 1910). Nguyễn Tuân xếp hạng nổi tiếng thứ 3412 trên thế giới và thứ 3 trong danh sách Nhà văn hiện đại Việt Nam nổi tiếng.

Tiểu sử nhà văn Nguyễn Tuân

  • Nguyễn Tuân là một nhà văn nổi tiếng, ông được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng Tiếng Việt. Trong các tác phẩm hầu hết thuộc thể loại tùy bút và kí, đây cũng chính là thế mạnh của ông. Phong cách văn chương của Nguyễn Tuân mang một chút độc đáo và phong phú trong ngôn ngữ. Nhà văn Nguyễn Tuân còn sử dụng một số bút danh khác để sáng tác như: Nhất Lang, Thanh Thủy, Ngột Lôi Quật, Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc, Thanh Hà, Ngột Lôi Nhật.
  • Nhà văn Nguyễn Tuân bắt đầu sáng tác từ năm 1935, tuy nhiên các tác phẩm của ông chưa được đánh giá cao. Cho đến năm 1938, Nguyễn Tuân mới gây ấn tượng với một số tác phẩm xuất sắc, điển hình là Vang bóng một thời, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua, Một chuyến đi.

Tiểu sử Nguyễn Tuân thời trẻ:

  • Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho. Từ nhỏ, Nguyễn Tuân đã cùng gia đình đi “tha hương” ở nhiều nơi như Nam Định, Thanh Hóa và cả các tỉnh miền nam.
  • Năm 1929, khi đang học năm cuối tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định ngày nay, thì Nguyễn Tuân bị nhà trường đuổi học, vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt.
  • Không lâu sau, ông bị tù vì vượt biên tới Thái Lan mà không có giấy phép. Ông được thả ra nhưng lại bị bắt vào năm 1941.
  • Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ 1948 đến 1957, ông giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam.

Phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân

Phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân chia thành 2 giai đoạn là:

  • Trước cách mạng tháng tám: phong cách sáng tác của ông được gói gọn trọng một chữ “Ngông”.
  • Sau cách mạng tháng tám: phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Các tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao, ở giai đoạn này nhà văn như hòa mình vào cuộc sống thực tại nên ông viết nhiều về đề tài quê hương đất nước, nhân dân lao động trong chiến đấu và sản xuất.

Những thành tựu của Nguyễn Tuân

  • Năm 1996 ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật…
  • Ông là một trong 9 tác giả tiêu biểu được đưa vào Sách giáo khoa Văn học Việt Nam. Ngày nay, tên ông còn được đặt tên cho con đường ở Quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Đường Nguyễn Tuân
Con đường mang tên Nguyễn Tuân

Các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân:

Từ năm 1938 Nguyễn Tuân nổi danh thiên hạ với các tác phẩm để lại giá trị cực cao trong nền văn học Việt Nam như:

  • Ngọn đèn dầu lạc (1939)
  • Vang bóng một thời (1940)
  • Chiếc lư đồng mắt cua (1941)
  • Tàn đèn dầu lạc (1941)
  • Một chuyến đi (1938)
  • Tùy bút (1941)
  • Thiếu quê hương (1940)
  • Tóc chị Hoài (1943)
  • Tùy bút II (1943)
  • Nguyễn (1945)
  • Chùa Đàn (1946)
  • Đường vui (1949)
  • Tình chiến dịch (1950)
  • Thắng càn (1953)
  • Chú Giao làng Seo (1953)
  • Đi thăm Trung Hoa (1955)
  • Tùy bút kháng chiến (1955)
  • Tùy bút kháng chiến và hòa bình (1956)
  • Truyện một cái thuyền đất (1958)
  • Tùy bút Sông Đà (1960)
  • Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972)
  • Ký (1976)
  • Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập I: 1981)
  • Cảnh sắc và hương vị đất nước (1988)
  • Tú Xương
  • Yêu ngôn (2000, sau khi mất)
  • Ký Cô Tô (1965)

Sơ đồ tư duy tác giả Nguyễn Tuân

Sơ đồ tư duy tác giả Nguyễn Tuân giúp các bạn nhớ thông tin của tác giả dễ dàng hơn.

sơ đồ tư duy tác giả nguyễn tuân

Văn mẫu các đề văn về tác giả Nguyễn Tuân

Đề bài: Em hãy thuyết minh về tác giả Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân (1910-1987) là nhà văn lãng mạn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam, ông là một cây bút tiên phong của nền văn học mới. Con người và sự nghiệp văn học Nguyễn Tuân với những nét phong cách nổi bật tài hoa, uyên bác đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.

Nguyễn Tuân quê ở Nhân Mục, thôn Thượng Đình, nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân – Hà Nội. Ông được sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Thân sinh của Nguyễn Tuân là cụ Nguyễn An Lan, tú tài khoa thi Hán học cuối cùng. Một nhà nho tài hoa bất đắc chí có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và phong cách Nguyễn Tuân.

Ông học đến cuối bậc thành chung thì bị đuổi vì tham gia cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên người Pháp nói xấu người Việt Nam. Năm 1930, do “xê dịch” không có giấy phép qua Lào sang Thái Lan, ông bị tù. Ra tù, ông bắt đầu nghiệp cầm bút bằng việc viết báo, viết văn. Nhưng ông chỉ thực sự nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm Một chuyến đi, Vang bóng một thời… Năm 1941, ông lại bị bắt giam vì giao du với những người hoạt động chính trị. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân trở thành một cây bút tiêu biểu hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam từ 1948-1958. Ông mất ngày 28/7/1987 tại Hà Nội. Với những đóng góp to lớn và có giá trị cho nền văn học nước nhà, năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

Con người Nguyễn Tuân là một trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Ông yêu tiếng mẹ đẻ, trân trọng những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, những kiệt tác văn chương trung đại, những lời ca tiếng hát của mỗi miền quê, các món ăn truyền thống, dân dã… Ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhân phát triển rất cao. Với ông, viết văn là để thể hiện cái tôi một cách kì cùng. Con người ông rất mực tài hoa, uyên bác, thông hiểu sâu sắc nhiều ngành khoa học và nghệ thuật. Ông cũng là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình, coi nghệ thuật là một hình thái lao động cực kì nghiêm túc, thậm chí nghệ thuật là một sự khổ hạnh (những đứa con hoang). Những đặc điểm ấy về con người Nguyễn Tuân có ảnh hưởng lớn đến phong cách nghệ thuật của ông.

Nguyễn Tuân thử bút ở nhiều thể loại truyện ngắn hiện thực trào phúng, thơ, nhưng mãi đến đầu năm 1938 mới nhận ra sở trường của mình và thành công với: Một chuyến đi (1938); Thiếu quê hương (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941). Sự nghiệp của ông có thể chia làm hai chặng khá rõ rệt trước và sau Cách mạng tháng Tám từ một nhà văn lãng mạn chuyển thành nhà văn cách mạng.

Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân sáng tác xung quanh ba đề tài chính.
“Chủ nghĩa xê dịch” thể hiện cái tôi lãng tử của nhà văn theo bước chân qua những miền quê để đi tìm cảm giác mới lạ, “thay thực đơn cho các giác quan”. Tuy Nguyễn Tuân tìm đến với chủ nghĩa xê dịch “như một phản ứng bất lực trước thời cuộc nhưng với đề tài này, ông đã thể hiện được những cảnh sắc và phong vị quê hương đất nước bằng một ngòi bút đầy trìu mến và tài hoa, qua đó nhà văn bày tỏ được tấm lòng yêu nước thiết tha trong tác phẩm của mình: Một chuyến đi, “Thiếu quê hương…”.
Ở đề tài “vang bóng một thời”, nhà văn đi tìm và làm sống lại vẻ đẹp riêng của một thời xưa cũ với những phong tục văn hóa, những thú tiêu dao lành mạnh, tao nhã, gắn với những con người thuộc lớp nhà nho tài hoa bất đắc chí. Những sáng tác này thể hiện một cách kín đáo và ý nhị tấm lòng yêu mến, trân trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tác phẩm chính là tập truyện ngắn Vang bóng một thời.
Đề tài đời sống tâm trạng bi quan của một cái tôi hoang mang, bế tắc, tìm cách thoát li trong đàn hát, trong rượu và thuốc phiện, qua đó ta thấy được tâm trạng khủng hoảng của lớp thanh niên đương thời. Nhưng đôi khi ở đó vẫn vút lên “niềm khao khát một thế giới tinh khiết, thanh cao, được nâng đỡ trên đôi cánh của nghệ thuật”. Tác phẩm chính là Chiếc lư đồng mắt cua, Tàn đèn dầu lạc…

Sau Cách mạng, lòng yêu nước và sự bất mãn với chế độ thực dân đã đưa Nguyễn Tuân đến với Cách mạng và kháng chiến. Sáng tác của ông trong thời kỳ này tập trung phản ánh hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân dân anh hùng, tài hoa trong chiến đấu và sản xuất. Tác phẩm Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972), Sông Đà (1960).

Dù ở giai đoạn nào, Nguyễn Tuân cũng có một phong cách nghệ thuật độc đáo mà biểu hiện chính là sự tài hoa, uyên bác.
Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân được biết đến như là một nhà văn duy mĩ. Ông trân trọng và đề cao cái đẹp. Với ông, cái đẹp chỉ tồn tại trong một thời xưa cũ, do vậy, ông đi tìm và làm sống dậy cái đẹp của thời xưa và phê phán, chối bỏ xã hội trên phương diện văn hóa. Nguyễn Tuân quan niệm xã hội đương thời là “xã hội cơ khí giết chết cái đẹp”. Ông cũng nhìn con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ, tập trung miêu tả những nhà nho tài hoa bất đắc chí, đứng cao hơn hoàn cảnh. Nhân vật của ông trong giai đoạn này mang dáng dấp của những con người “đặc tuyển”. Nguyễn Tuân đi tìm cảm giác mới lạ, “cái nguồn sống bồng bột tắc lối thoát (Tóc chị Hoài) trong “xê dịch” và trụy lạc.

Ông có một lối viết tự do, phóng túng, vừa đĩnh đạc, cổ kính lại vừa trẻ trung, hiện đại không chỉ dùng vốn ngôn ngữ văn học phong phú, ông còn sử dụng hiểu biết về nhiều ngành nghệ thuật, khoa học khác như hội họa, điện ảnh, âm nhạc, quân sự, võ thuật… để gợi dựng hình tượng, đem đến người đọc nhiều liên tưởng thú vị.

Sau Cách mạng ông vẫn tiếp tục khẳng định nét tài hoa, uyên bác những cũng có những thay đổi rõ rệt. Cũng nhìn con người trên phương diện văn hóa nhưng Nguyễn Tuân không còn đối lập xưa và nay mà tìm được sự ấm áp của cuộc đời. Cái đẹp không chỉ có trong thời xưa cũ mà còn có trong thiên nhiên, đời sống lao động sản xuất và chiến đấu. Chất tài hoa nghệ sĩ không chỉ có ở những con người đặc tuyển mà còn có ở đại chúng nhân dân, ngay trong nghề nghiệp của họ như anh bộ đội, chị dân quân, người lái đò sông Đà. Ông cũng không còn đối lập cái phi thường với cái bình thường. Nét tài hoa hòa lẫn với những tâm tư rất bình dị, rất người. Giọng văn không còn khinh bạc, mà có thì chỉ để ném vào mặt kẻ thù cướp nước, bán nước và các mặt tiêu cực của xã hội.

Với những nét độc đáo và riêng biệt nói trên, Nguyễn Tuân tìm đến với thể loại tuỳ bút như một tất yếu và có công nâng tuỳ bút lên đỉnh cao. Do đó, ông được mệnh danh là “ông hoàng” của thể loại tuỳ bút. Tuỳ bút Nguyễn Tuân cũng đã thể hiện rõ phong cách phóng túng của ông. Các sáng tác này giàu có thông tin và tính thời sự cao, có nhiều yếu tố truyện. Nhà văn đã xây dựng được một lõi sự việc, các nhân vật được miêu tả một cách kĩ lưỡng, có tính cách riêng, đi sâu vào tâm lí. Lời văn kết hợp triết luận, trữ tình bàn bạc một cách thoải mái. Qua đó ta thấy được tâm hồn phóng túng, sức liên tưởng tưởng tượng bất ngờ, táo bạo của nhà văn, không tồn tại ở thể tĩnh tại mà nhìn trong chiều sâu thời gian và chiều rộng không gian. Ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Tuân giàu có, đa dạng, một mặt thể hiện cảm xúc trữ tình của một cái tôi uyên bác mà trẻ trung, hiện đại; mặt khác thể hiện sự tinh tế, giàu cảm xúc thẩm mĩ, đầy chất thơ và khả năng tạo hình. Câu văn co duỗi nhịp nhàng.

Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời tìm kiếm và khẳng định cái đẹp, một định nghĩa về người nghệ sĩ. Ông có đóng góp to lớn cho quá trình hiện đại hóa văn xuôi tiếng Việt, đặc biệt là thể loại tùy bút. Ông xứng đáng là một nghệ sĩ lớn một nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Đề bài: Giới thiệu một vài nét về nhà văn Nguyễn Tuân và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân được biết đến là cây bút tiêu biểu nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Nguyễn Tuân “là một cái định nghĩa về người nghệ sĩ” như có người đã nói thế. Vẻ đẹp văn chương, dấu ấn về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân được thể hiện trên những kiệt tác văn chương như “Vang bóng một thời” (1940), “Sông Đà” (1960), “Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi” (1972), “Tờ hoa” (1966) và còn nhiều các tác phẩm khác.

Về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân, trong sách Văn 12 có nhận định: “Nguyễn Tuân có phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc. Phong cách ấy, trước hết có thể thâu tóm trong mấy chữ phóng túng, tài hoa và uyên bác”.

Cái nhìn của Nguyễn Tuân mang tính phát hiện độc đáo đối với thế giới khách quan, tìm thấy cái đẹp trong cuộc sống, cái đẹp tài hoa, phi thường, cái đẹp ở phương tiện văn hóa, mĩ thuật, Cách uống trà, thưởng lan, cách thả thơ của người xưa (“Vang bóng một thời”), con sông Đà và người lái đò “tay lái ra hoa” (Sông Đà), cái độn tóc chị Hoài “đổ tung xuống như một trận mưa rào đen nhánh” (“Tóc chị Hoài” v.v… đã được ông nói đến một cách tài hoa, hấp dẫn.

Người ta hay nói “chủ nghĩa xê dịch” của Nguyễn Tuân. Thật ra đó là cách sống sáng tạo của riêng ông mà ông gọi là đi và viết, để “thay đổi thực đơn cho giác quan”. Quá khứ, hiện tại và tương lai, không gian và thời gian đã liên kết thành tuyến, thành mảng trên trang văn Nguyễn Tuân mang vẻ đẹp thẩm mĩ, đem đến nhiều liên tưởng, ấn tượng kì thú cho người đọc. Những tính cách phi thường ( Xem thêm phân tích nội dung Người lái đò Sông Đà),những tình cảm, cảm giác mãnh liệt của những phong cách tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao, rừng thiêng, ghềnh thác dữ dội (cảnh mặt trời mọc ở ngoài đảo Cô Tô, đỉnh núi Phan-xi-păng với hoa đỗ quyên năm sắc rực rỡ, với cây trúc như cái phất trần, là con sông tuyến Hiền Lương, là con Sông Đà “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình…”, là tiếng thác rống lên như tiếng rống của một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn trong rừng cháy, v.v…).

Văn Nguyễn Tuân rất uyên bác, độc đáo. Các kiến thức về văn hóa, địa lí, lịch sử, phong tục, những miền quê, những vùng đất… được ông kể rất đậm đà, duyên dáng. Ông là bậc thầy về ngôn ngữ văn chương: giàu có, sáng tạo.

Nói đến phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân là nói đến tùy bút hay ông còn được mệnh danh là ”ông vua tùy bút”  những trang văn xuôi đầy chất thơ của một tâm hồn nghệ sĩ, của một cây bút tài hoa, uyên bác, phóng túng, độc đáo hiếm có.

Kết luận:

Trên đây chúng tôi đã sưu tầm tất cả những thông tin về nhà văn Nguyễn Tuân một cách chi tiết nhất . Bên cạnh đó Tmdl.edu.vn còn có rất nhiều những tài liệu thú vị khác ở thư viện đang chờ đón các bạn. Mời mọi người cùng tham khảo – cảm ơn đã đón đọc !

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button