Văn Học

Tinh thần lạc quan và phong thái ung dung của Bác trong Tức cảnh Pác Bó

Phong thái ung dung lạc quan của Bác trong bài Tức cảnh Pác Bó

Phân tích tinh thần lạc quan của Bác trong bài Tức cảnh Pác Bó

Dù cuộc sống kháng chiến còn rất nhiều gian lao vất vả. Tuy nhiên qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó người đọc vẫn có thể cảm nhận được phong thái ung dung lạc quan của Bác trong bài Tức cảnh Pác Bó. Trong bài viết này Tmdl.edu.vn xin được chia sẻ một số bài văn mẫu hay phân tích tinh thần lạc quan của Bác trong bài thơ Tức cảnh Pác Bó, cảm nhận của em về phong thái của Bác trong bài thơ Tức cảnh Pác Bó. Mời các bạn cùng tham khảo.

Bạn đang xem bài: Tinh thần lạc quan và phong thái ung dung của Bác trong Tức cảnh Pác Bó

1. Dàn ý tinh thần lạc quan, phong thái ung dung tự tại của Hồ Chí Minh trong “Tức cảnh Pác Bó”

1. Mở bài

– Thơ Hồ Chí Minh luôn thấm đẫm tinh thần lạc quan, ung dung tự tại của Người dù cuộc đời cách mạng nhiều nguy nan gian khổ.

– Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” đã thể hiện rõ điều đó.

2. Thân bài

a. Cảnh sống và làm việc của Hồ Chí Minh ở núi rừng biên giới:

– Sau khi từ nước ngoài về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, Hồ Chí Minh phải sống trong một điều kiện hết sức gian khổ:

– Sáng ra bờ suối tối vào hang: câu thơ mang tiểu đối, nhịp điệu 4/3 khắc họa cuộc sống gian khổ: ở trong hang, làm việc bên bờ suối ⇒ Nhân vật trữ tình xuất hiện với phong thái ung dung, nhàn hạ, không thấy cảm giác của sự gian khổ.

+ Cuộc sống như hòa mình giữa thiên nhiên rừng núi.

+ Thức ăn: cháo bẹ rau măng ⇒ Ăn uống kham khổ nhưng “vẫn sẵn sàng” ⇒Thể hiện tinh thần vượt gian khổ, coi thường khó khăn.

– Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng:

+ Khắc họa sự thiếu thốn, phải làm việc bằng cách viết kê trên đá.

+ Từ chông chênh vừa thể hiện sự cập kênh, thiếu vững chãi của chiếc bàn đá vừa cho thấy cái nhìn thơ mộng hóa hiện thực của Hồ Chí Minh.

+ Với điều kiện vật chất thiếu thốn cùng cực vậy mà Người vẫn làm được một công việc lớn lao đó là “dịch sử Đảng”.

– Cuộc đời cách mạng thật là sang:

+ Cảm hứng vút lên từ câu thơ cuối, đó là cái nhìn cuộc sống gian khổ bằng con mắt coi thường.

+ Biểu hiện cảm giác thoải mái và vui thích của Hồ Chí Minh trước cảnh sống hòa cùng với thiên nhiên như một tao nhân mặc khách.

– So sánh với thú lâm tuyền của Nguyễn Trãi:

+ Nguyễn Trãi hòa mình vào thiên nhiên để xa rời vòng danh lợi, để làm thơ và hưởng thụ thanh nhàn.

+ Hồ Chí Minh tuy sống hòa cùng thiên nhiên những tâm hồn lộng gió thời đại, luôn gắn bó cùng cách mạng lớn lao của dân tộc.

⇒ Nguyễn Trãi có niềm vui thú được sống với rừng suối của một tao nhân mặc khách thực thụ còn Hồ Chí Minh cũng có niềm yêu thích ấy nhưng điều đó còn thể hiện tinh thần lạc quan, phong thái ung dung tự tại coi thường khó khăn gian khổ của một người chiến sĩ cách mạng.

3. Kết bài

– Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ tứ tuyệt bình dị với giọng điệu vui đùa.

– Nó thể hiện tinh thần lạc quan và phong thái ung dung của Hồ Chí Minh trong cuộc sống cách mạng còn nhiều gian khổ.

– Cuộc đời hoạt động cách mạng trong sự hòa hợp với nhiên nhiên là một niềm vui lớn của Bác Hồ.

2. Tinh thần lạc quan, phong thái ung dung tự tại của Hồ Chí Minh trong “Tức cảnh Pác Bó”

Những bài thơ của Hồ Chí Minh luôn thấm đẫm tinh thần lạc quan cách mạng và thể hiện một phong thái ung dung tự tại của nhân vật trữ tình dẫu cho con đường cách mạng mà Người dấn thân luôn là chông gai chồng chất. Tức cảnh Pác Bó là một trong những bài thơ như thế. Với giọng điệu vui đùa, bài thơ cho thấy một tâm hồn lãnh tụ say sưa với niềm vui được hòa hợp với thiên nhiên, coi thường những thiếu thốn khó khăn của cuộc sống cách mạng trong buổi đầu còn nhiều gian khổ.

Khi từ nước ngoài trở về trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải sống trong một điều kiện vô cùng gian khổ vì cơ sở cách mạng chưa được thành lập. Người phải sống trong hang Pác Bó, một hang núi nhỏ nằm ở biên giới Việt Trung thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng. Ngày ăn cháo ngô cháo măng thay cơm là chuyện bình thường, bàn làm việc cũng chỉ là một phiến đá nhỏ nằm bên bờ suối trước cửa hang. Thế mà cuộc sống ấy lại đi vào thơ Người vô cùng thi vị:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Bài thơ tứ tuyệt vô cùng giản dị đã khắc họa thật đầy đủ và chân thực cuộc sống của Bác Hồ tại Pác Bó. Câu thơ đầu giới thiệu cảnh sống của Bác giữa núi rừng. Đó là cảnh sống ngày làm việc ngoài bờ suối, tối vào ngủ trong hang. Vị lãnh tụ cách mạng của cả một dân tộc mà sinh hoạt và làm việc trong một môi trường cực kì thiếu thốn, chẳng khác nào một ông ké miền rừng, thậm chí khổ hơn cả ông ké vì Bác còn không được ở trong một ngôi nhà sàn như những người dân tộc nơi đây. Thế nhưng, giọng thơ vang lên nghe thật vui vẻ và thanh thản, không có chút gì phiền lòng ở đây. Bác Hồ hiện lên với một phong thái thật ung dung nhàn tản, như thể cuộc sống ấy chỉ có ra và vào mà thôi. Và không gian xung quanh Người chẳng hề tạo cảm giác của sự gian khổ vất vả mà lại rất đỗi thơ mộng với hang, với suối. Hồ Chí Minh như đang sống chan hòa với thiên nhiên núi rừng một cách tuyệt đối. Câu thơ thứ hai đã chỉ rõ những món mà Bác vẫn thường ăn, đó là “cháo bẹ rau măng”. Bác ăn cháo ngô và măng rừng thay cơm như tất cả những chiến sĩ cách mạng trong buổi đầu gian khổ ở căn cứ địa. Thế mà “vẫn sẵn sàng”. Từ “sẵn sàng” ở đây vừa mang ý những món ăn đó luôn có sẵn để Người thưởng thức vừa như muốn nói dù ăn uống kham khổ nhưng tinh thần làm việc của Người vẫn luôn luôn hăng say chứ không vì thế mà suy giảm. Dù hiểu theo nghĩa nào thì ta vẫn thấy một Hồ Chí Minh thật đẹp trong tinh thần coi thường gian khổ, thiếu thốn. Mặt khác, những món ăn ấy là sản vật của rừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ăn những món ăn có sẵn trong rừng chẳng khác nào những nhà ẩn sĩ, lui về cuộc sống tự cung tự cấp, sống gần gũi với thiên nhiên, mùa nào thức nấy kiểu Nguyễn Bỉnh Khiêm xưa:

Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao

(Nhàn)

Cuộc sống sinh hoạt đầy kham khổ mà hiện lên trong thơ Bác đầy thi vị. Bác Hồ như một tao nhân mặc khách sống hòa cùng thiên nhiên trong vui thú và thanh thản. Bác sống như Nguyễn Trãi thuở xưa đã từng ca ngợi thú lâm tuyền trong Côn Sơn ca:

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Côn Sơn có đá rêu phơi

Ta ngồi trên đá như ngồi nệm êm

Trong ghềnh thông mọc như nêm

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm

Trong rừng có bóng trúc râm

Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.

Đối với những bậc hiền giả, được sống gần gũi với thiên nhiên là một niềm vui lớn. Họ say sưa thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, coi thiên nhiên như bạn bè tri kỉ. Tìm đến thiên nhiên, họ thấy tâm hồn mình thật khoáng đạt và thanh thản, xa lìa mọi phiền lụy của cuộc đời. Dẫu cuộc sống ấy có nhiều thiếu thốn nhưng họ thường xem điều đó như một nét thú vị của cuộc sống ẩn cư. Tuy nhiên, chỉ Nguyễn Trãi trong “Côn Sơn ca” là sống hết mình với thiên nhiên theo đúng nghĩa của một tao nhân mặc khách. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh dù rằng mang nhiều nét cổ điển nhưng tinh thần của Người lại hết sức hiện đại. Người sống trong lòng thiên nhiên với tất cả niềm say mê nhưng không phải để trốn tránh cõi đời. Mà dù ở nơi rừng núi heo hút nhưng mỗi việc làm của Người đều có sự gắn bó mật thiết, có ý nghĩa quyết định đối với dân tộc và thời đại. Bởi thế trong bài thơ tứ tuyệt rất cổ điển lại có một nét hiện đại. Đó là câu thơ thứ ba: “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”.

Vị lãnh tụ dùng một phiến đá bên bờ suối làm chiếc bàn làm việc. Từ “chông chênh” được dùng thật thú vị. Nó vừa gợi lên cái sự cập kênh không vững chắc của “chiếc bàn” đá vừa tạo cảm giác một cái gì rất đỗi thô sơ mộc mạc, trái hẳn với ý nghĩa của việc Bác Hồ làm trên đó, việc “dịch sử Đảng”. Đó chính là nét hiện đại của bài thơ, vị tao nhân tuy rất mực yêu mến thiên nhiên nhưng lại đang làm một công việc mang ý nghĩa thời đại, một việc làm để thay đổi số phận của cả một dân tộc. Mặt khác, câu thơ còn cho thấy, dù làm việc trong một điều kiện khó khăn tới mức chiếc bàn viết cũng chông chênh chẳng vững vàng nhưng Người vẫn làm việc thật hăng say miệt mài và đầy thú vị.

Cuộc sống ấy được Bác Hồ đánh giá trong cuối cùng của bài thơ: “Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Giọng điệu vui đùa thể hiện rõ trong câu thơ đã cho thấy thái độ của Bác Hồ đối với cuộc sống của mình. Người cho rằng cuộc sống kham khổ ấy “thật là sang”. Không phải Người lên gân mà qua tất cả những câu thơ đầu ta nhận thấy thái độ ấy của Bác là chân thật. Người không những có một tinh thần lạc quan cách mạng rất lớn nên dễ dàng không để ý gì đến những thiếu thốn vất vả về mặt vật chất. Hơn nữa Bác Hồ thực sự thấy tự do thoải mái, vui thích khi được sống chan hòa, gần gũi với thiên nhiên. Với người, cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn bởi Người mang trong tâm hồn mình những nét đẹp của các bậc danh sĩ thuở xưa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, luôn yêu thiên nhiên thiết tha say đắm. Bởi thế, dù cả bài thơ mang giọng điệu pha chút vui đùa nhưng chúng ta vẫn nhận thấy những cảm xúc rất mực chân thật của Bác Hồ.

Bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn và bình dị hé lộ cho chúng ta thấy biết bao điều về tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tâm hồn yêu mến thiên nhiên, vui sướng vì được sống hòa hợp với thiên nhiên, luôn ắp đầy tinh thần lạc quan cách mạng, coi thường thiếu thốn khó khăn đồng thời lúc nào cũng thể hiện một phong thái ung dung tự tại như bậc tao nhân mặc khách thuở xưa dù cho cuộc đời cách mạng có muôn vàn gian khó.

3. Phân tích tinh thần lạc quan của Bác – Mẫu 1

Hồ Chí Minh là nhà lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Tức cảnh Pác Bó là một trong những bài thơ tứ tuyệt tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh. Bài thơ thể hiện niềm vui, niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường của Bác trong hoàn cảnh sống và làm việc giữa núi rừng Việt Bắc, sau mấy chục năm trời xa cách đất nước và dân tộc. Nhận xét về bài thơ, có nhận định cho rằng “Bài thơ Tức Cảnh Pác Bó cho ta thấy tinh thần lạc quan phong thái ung dung của Bác Hồ trong cuộc sống cách mạng ở Pác Bó đầy gian khổ với người làm cách mạng cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn”.

Thật vậy, ý kiến trên là hoàn toàn đúng. Trước hết, bài thơ “Tức Cảnh Pác Bó” cho ta thấy tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác Hồ trong cuộc sống cách mạng ở Pác Bó đầy gian khổ:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Tháng 6 – 1940, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn. Thực dân Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lúc này, Bác đang hoạt động bí mật ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc). Tháng 2 năm 1941, Bác về nước và chọn Pác Bó làm căn cứ để từ đây trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Hoàn cảnh sống của Bác lúc này vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trời rét, sức khoẻ yếu nhưng Bác phải ở trong cái hang nhỏ ẩm ướt, tối tăm. Ăn uống hết sức kham khổ, thức ăn hằng ngày phần lớn là cháo bột ngô và măng rừng. Bàn làm việc của Bác là một phiến đá ven suối. Nhưng thiếu thốn, gian khổ không làm Bác bận lòng. Bác vẫn ung dung, lạc quan, dành trọn tâm huyết để lãnh đạo phong trào cách mạng nên quên hết mọi gian nan, một mực phấn chấn, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Ba câu đầu của bài thơ tả cảnh sống và làm việc của Bác. Nếu như câu thứ nhất nói về nơi ở, câu thứ hai nói về cái ăn thì câu thứ ba nói về phương tiện làm việc. Trong hiện thực gian khổ, khó khăn, tâm hồn Bác vẫn ngời sáng một tinh thần cách mạng, lạc quan, ung dung và tự tại.

Không những thế, ở câu thơ cuối cùng “Cuộc đời cách mạng thật là sang”, ta bắt gặp tinh thần của bài thơ. Đây cũng chính là niềm tin, niềm tự hào của Bác toả sáng cả bài thơ. Chính sự ra vào ung dung, tinh thần vẫn sẵn sàng, khí tiết, cốt cách vững vàng trong tình thế chông chênh đã làm nên cái sang, cái quý trong cuộc đời của con người một lòng một dạ phấn đấu hi sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và nhân loại bị áp bức trên toàn thế giới.

Hơn hết, bài thơ “Tức Cảnh Pác Bó” cho ta thấy người làm cách mạng cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn.

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang”

Cái hang Bác ở có tên là hang Cốc Bó, chỉ khoảng hơn một mét vuông dưới đáy là tương đối bằng phẳng , đủ kê một tấm ván thay cho giường. Vách hang chỗ lồi cao, chỗ lõm sâu, không khí lạnh lẽo, ẩm thấp. Bàn làm việc của Bác là phiến đá kê trên hai hòn đá và một hòn đá thấp hơn làm ghế cũng ở gần bờ suối. Không gian sinh hoạt của Bác chia làm hai phần: một là hang, hai là suối. Hành động cũng chia hai: ra suối, vào hang. Thời gian biểu hằng ngày đều đặn: sáng ra, tối vào. Vẫn là nhịp 4/3 hay 2/2/1/2 của câu thơ Đường luật bảy chữ, nhưng lồng vào trong đó là cái đều đặn, khoan thai như nhịp tuần hoàn của trời đất.

Cái gian khổ của hoàn cảnh sống sự hiểm nguy do kẻ thù luôn rình rập … tất cả đều như lặng chìm, tan biến trước sự hòa hợp giữa Bác và thiên nhiên: “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”. Bữa cơm đơn sơ, đạm bạc, quanh quẩn chỉ có cháo ngô và măng giang, măng nứa, rau rừng … hết ngày này sang ngày khác. Mặt khác, cháo bẹ, rau măng còn gợi nhớ tới cảnh sống an bần lạc đạo của người xưa:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Xưa là ước lệ tượng trưng nay hoàn toàn là sự thật. Chỉ phớt qua một chút xưa là câu thơ đậm đà thêm ý vị. Nhưng ý vị nhất vẫn là giọng điệu thơ. Cháo bẹ , rau măng là nhịp điệu an nhiên, khoan hoà bên trong.

Chưa dừng lại ở đó, “chông chênh” vốn nghĩa là không vững , không có chỗ dựa chắc chắn. Chiếc bàn đá của Bác quả là chông chênh thật vì nó chỉ là một phiến đá. Đó là thứ bàn làm việc bất đắc dĩ. Nhưng hàm ý của từ chông chênh không nhằm nói tới đặc điểm của cái bàn đá cụ thể mà là ẩn dụ về tình thế muôn vàn khó khăn của cách mạng nước ta và cách mạng thế giới lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện cách tận dụng những gì mà thiên nhiên ban tặng cho đời sống của con người. Bác đã sử dụng những viên đá ấy thành bàn làm việc. Điều đó càng khẳng định Người và thiên nhiên như hòa vào làm một.

Bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn nhưng đã giúp chúng ta hiểu thêm về một quãng đời hoạt động của Bác Hồ. Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, Bác vẫn sống ung dung, thanh thản và tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Bên cạnh đó, bài thơ còn là bài học thấm thía về thái độ sống và quan điểm sống đúng đắn, tích cực của một chiến sĩ cộng sản chân chính.

4. Phân tích tinh thần lạc quan của Bác – Mẫu 2

Nhắc đến Bác Hồ là nhắc đến người lãnh đạo thiên tài của Cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Nhưng nhắc đến Bác, còn là nhắc đến một lối sống thanh bạch, khiêm nhường, suốt đời chỉ chăm lo đến sự nghiệp cách mạng của đất nước. Điều đó được thể hiện rất rõ qua bài thơ “Tức cảnh Pác Bó”:

“Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Sau bao nhiêu năm bôn ba tìm đường cứu nước, chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Là một nhân vật lịch sử lỗi lạc của dân tộc, là nhà thơ, nhà danh nhân văn hóa. Cuộc đời thơ ca của Bác luôn song hành với cuộc đời chính trị. Trong những năm gian khổ ở cuộc kháng chiến trống Pháp, làm việc trong hoàn cảnh hết sức thiếu thốn, ở hang Pác Pó, bàn làm việc chông chênh bên suối Lê – Nin. Bác đã viết những bài thơ ngấm vào máu thịt của người dân Việt Nam. Bài thơ Tức cảnh Pác Pó đã diễn tả được phong thái ung dung ,tinh thần lạc quan yêu đời, “thú lâm tuyền” khoáng đạt, tươi sáng của Bác.

Bài thơ đã đồng hành cùng thời gian, vượt qua hành trình hơn 70 mùa xuân. Giờ đây bài thơ như một chứng tích lịch sử của cách mạng Việt Nam. Qua đó, còn cho chúng ta thấy phong thái ung dung tự tại, tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh về những năm tháng hoạt động bí mật, đầy gian khổ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong ba câu đầu của bài thơ, Bác nhắc đến điều kiện ở – ăn – làm việc của mình, ở và ăn là hai nhu cầu tất yếu của con người. Và riêng với Hồ Chí Minh, khi nói đến đời sống sinh hoạt của mình, Người luôn đề cập thêm vấn đề công việc. Ấy bởi Bác là người luôn luôn làm việc, suốt đời làm việc, suốt đời lo cho dân, cho nước. Với Hồ Chí Minh, làm việc như một nhu cầu tất yếu, một bản năng. Điều đó cho thấy tấm lòng dành cho dân, cho nước của Bác vĩ đại nhường nào!

Nơi thâm sơn cùng cốc ấy, Người ở – ăn – làm việc như thế nào? “Sáng ra bờ suối tối vào hang”, câu thơ cho biết không gian sống của Bác là không gian núi rừng hoang sơ, dân dã: suối, hang. Không phải là tòa biệt thự đồ sộ, không phải là giường ấm, đệm êm dù Bác đang là một yếu nhân của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, gian lao của đất nước, Người sẵn sàng sẻ chia thiếu thốn. Câu thơ có sự đối xứng nhịp nhàng: “sáng” – “tối”, “suối” – “hang”, “ra” – “vào”. Không gian và thời gian khép lại câu thơ đầy bóng tối: “tối”, “vào”, “hang”. Điều đó đã nhấn mạnh những gian khổ trong điều kiện ở của Bác. Chẳng những vậy, điều kiện ăn uống của Bác cũng rất hạn chế: “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”. “Cháo bẹ” là cháo ngô, loại thức ăn đạm bạc thường ngày của đồng bào dân tộc Việt Bắc. “Rau măng” cũng vậy. Nhà thơ Phạm Tiến Duật từng viết “Hết rau rồi em có lấy măng không?”, nghĩa là măng còn đạm bạc hơn cả rau rừng (vốn đã bị coi là đạm bạc rồi!). Nhưng dẫu thiếu thốn, gian khổ đến vậy, Người “vẫn sẵn sàng” cho công việc cách mạng, phục vụ cho lợi ích của nước, của dân.

Và điều kiện làm việc của Người cũng không tránh khỏi những thiếu thốn “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”. Từ “chông chênh” là từ láy chỉ tư thế không vững chãi, ở vị trí bấp bênh. Hình ảnh “bàn đá chông chênh” vừa gợi sự gian khổ của điều kiện làm việc vừa gợi tình thế gian nan của sự nghiệp cách mạng nước nhà. Hình ảnh Bác Hồ đăm chiêu làm việc bên một “bàn đá chông chênh” gợi bao niềm cảm động trong lòng độc giả. Nhưng Bác không để cảm hứng bài thơ xuôi theo cảm xúc ủy mị, yếu ớt của sự thiếu thốn, gian khổ. Câu thơ hợp của bài tứ tuyệt thật độc đáo:

“Cuộc đời cách mạng thật là sang!”

“Cuộc đời cách mạng” chính là cuộc sống với cái ở, cái ăn và sự làm việc như ba câu thơ trên. Bác dùng từ “thật là” mượn của khẩu ngữ rất tự nhiên, nó thể hiện sự cảm thán của người viết. Và chữ kết lại bài thơ thật bất ngờ: “thật là sang!”. Chữ “sang” mang ý nghĩa là sang trọng, đầy đủ. Chữ “sang” làm bật lên tiếng cười vui vẻ, niềm lạc quan trước cuộc sống gian khổ, thiếu thốn. Chính tinh thần ấy đã trở thành động lực để Bác cùng những người đồng chí vượt qua sự ngặt nghèo của đời sống và tình thế cách mạng để làm việc và chiến đấu. Chỉ một chữ mà khắc họa chân dung tinh thần của một con người. Chữ “sang” xứng đáng là “nhãn tự” của bài thơ tứ tuyệt “Tức cảnh Pác Bó”.

“Tức cảnh Pác Bó” của Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần lạc quan của Bác Hồ trong những năm tháng khó khăn của đời sống cách mạng. Dù những điều kiện sinh hoạt vô cùng hạn chế song bằng tinh thần làm việc hăng say và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của dân lộc, Bác vẫn lạc quan mỉm cười để lấy đó làm động lực hoạt động. Bài thơ sử dụng một thể thơ cổ (thất ngôn tứ tuyệt) song ngôn ngữ rất giản dị, gần gũi, thậm chí có cả khẩu ngữ. Điều đó thể hiện tinh thần dân tộc trong ngòi bút thơ ca Hồ Chí Minh. Bài thơ cũng rất tinh tế trong việc lựa chọn trật tự từ, sử dụng từ ngữ… điều đó góp phần không nhỏ trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập – Tài liệu của Tmdl.edu.vn.

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Văn Học

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button