Văn Học

Top 5 bài cảm nhận về hình tượng nhân vật viên quản ngục

Cảm nhận về nhân vật viên cai ngục

Nhân vật Viên quản ngục trong Chữ người tử tù chỉ là tuyến nhân vật phụ trong tác phẩm nhưng lại giữ vai trò quan trọng trong tác phẩm, giúp người đọc thấy được một con người yêu cái đẹp nhưng lại sống trong một chế độ mục nát đồng thời làm nổi bật lên vẻ đẹp và khí phách của người tử tù. Trong bài viết này Tmdl.edu.vn xin chia sẻ một số bài văn mẫu cảm nhận về hình tượng nhân vật viên quản ngục hay và chi tiết giúp các bạn học sinh hiểu rõ hơn về vẻ đẹp của viên quản ngục.

1. Dàn ý cảm nhận về viên cai ngục

I. Mở bài: Giới thiệu Viên quản ngục

II. Thân bài: phân tích viên quản ngục trong Chữ người Tử tù

1. Ngoại hình của viên quản ngục:

Một người tuổi trung niên

Khuôn mặt như mặt ao

Viên quản ngục là một người điềm đạm, phúc hậu

2. Tính cách của viên quản ngục

Viên quản ngục có tâm hồn thuần khiết, yêu cái đẹp

Ông là một người có tâm hồn nghệ sĩ, yêu nghệ thuật

Viên quản ngục có tấm lòng khâm phục những người tài hoa

Ông là người có tâm hồn nghệ sĩ, nâng niu cái đẹp, cái có giá trị thẩm mĩ

Là một con người có tâm hồn trong sáng

3. Nhận xét chung về viên quản ngục

Xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo

Có một cách dẫn dắt để thể hiện được nhân vật một cách sâu sắc

Xây dựng tình huống truyện độc đáo và tinh tế

III. Kết bài: nêu cảm nhận của em về nhân vật Viên quản ngục trong Chữ người tử tù

2. Cảm nhận về viên cai ngục siêu ngắn

Một nền văn học lớn là một nền văn học có nhiều phong cách, một nhà văn lớn là một nhà văn xây dựng cho mình một phong cách riêng độc đáo. Nguyễn Tuân là một nhà văn như thế.

Phong cách nghệ thuật nổi bật của ông chính là tài hoa uyên bác và là một người suốt đời đi tìm cái đẹp. Chính bởi phong cách ấy mà những tác phẩm của ông mang đậm sự tài hoa uyên bác. Đặc biệt là Chữ người tử tù, trong tác phẩm ấy ngoài nhân vật Huấn Cao ta cũng không thể nào không nhắc đến nhân vật Viên quản ngục. Dưới ngòi bút tài hoa uyên bác, một bậc phù thủy ngôn ngữ chẻ sợi tóc làm tư nhân vật ấy hiện lên cũng thật đáng chú ý.

Viên quản ngục là một người có sở thích sở nguyện cao quý. Đó chính là thích chữ đẹp của Huấn Cao. Nếu như sở thích của những viên quan tầm thường là vàng bạc hư danh, quyền quý an nhàn thì viên quản ngục trong tác phẩm này thì lại hoàn toàn ngược lại. Ông là một người có những sở thích và sở nguyện cao quý.

Ông có tầm nhìn xa trông rộng và tâm tưởng thì hoàn toàn thoát khỏi những cám dỗ của vật chất cũng như những bóng tối của ngục tù. Ông làm quan nhưng không hề hống hách mà chỉ biết làm tròn nhiệm vụ của bản thân mình. Ông giống như một âm thanh trong trẻo trong bản nhạc xô bồ ấy. Sở nguyện của ông là một ngày kia có một bức tranh chữ của Huấn Cao viết mà treo trong nhà thì quả thật là nhất.

Cái sở nguyện yêu chuộng những giá trị văn hóa truyền thống ấy cho thấy được cái tâm hồn trong trẻo của ông. Mặc dù làm một tên quan cai ngục nhưng ông không đánh mất đi cái sự lương thiện trong bản thân mình. Ông không hề phụ thuộc vào triều đình. Khi biết Huấn Cao đến thì ông đã tìm mọi cách để xin chữ của ông dẫu biết rằng một khi bại lộ ra thì ông sẽ có thể mất đầu. Ta cảm nhận được ở con người ông những giá trị tôn vinh cái đẹp, tâm hồn ông không bị nhà ngục kia vấy đen.

Ông thể hiện thái độ kính trọng trước những lời dặn dò cuối cùng của một người tử tù. Viên quan ấy hứa rằng sau khi nhận được chữ của Huấn Cao thì sẽ trở về quê sống để giữ cái thiên lương trong sáng của bản thân mình. Hai dòng nước mắt của ông khẽ rơi như thể hiện sự hối hận của mình. Qua đó ta thấy được viên quản ngục đúng là một người có thiên lương trong sáng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà quên đi cả sự an toàn của bản thân.

Một lần nữa ta phải trầm trồ tài năng uyên bác của Nguyễn Tuân. Ông không những xây dựng được một nhân vật chính chuẩn mực mà đến một nhân vật phụ như viên quản ngục cũng để lại rất nhiều giá trị con người. Vẻ đẹp trong con người viên quản ngục cũng sáng lấp lánh. Cánh cửa nhà tù không thể nào cướp đi cái thiên lương trong sáng cùng sở nguyện cao quý của ông. Chuyện kết thúc cũng là lúc viên quản ngục tay nải về quê sống với thiên lương trong sáng của mình.

3. Cảm nhận về viên quản ngục hay nhất

Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn , là một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông có một vị trí quan trọng và những đóng góp không nhỏ cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Một trong những sáng tác tiêu biểu để lại tiếng vang trong sự nghiệp hành văn của Nguyễn Tuân là truyện ngắn” Chữ người tử tù”.

Trong truyện ngắn ” Những người tử tù”, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật đặc sắc đi vào lòng độc giả. Ngoài Huấn Cao – con người tài hoa, khí phách hiên ngang, bất khuất và thiên lương trong sáng thì ta không thể không nhắc đến một nhân vật đặc biệt khác – viên quản ngục.

Quản ngục: không phải là một anh hùng cao đẹp như Huấn Cao, lại càng không mang dáng vóc, tính cách của một tên đao phủ khát máu, tham lam lợi lộc , vinh hoa , phú quý. Ngục quan có một ngoại hình ưa nhìn dễ nhìn. Đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Bộ mặt tư lự, nhăn nheo, có một đời sống nội tâm sâu sắc, cả nghĩ. Sau khi nhận được phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường về chuyện nhận sáu tên tử tù, trong đó có Huấn Cao “người đứng đầu bọn phản nghịch” lại “có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, ngục quan đăm chiêu “nghĩ ngợi”.

Hình ảnh ngục quan thao thức giữa đêm khuya khi đĩa dầu sở đã “vợi lần mực dầu”, lúc đầu thì “tự hỉ” càng về khuya thì trên mặt ông “chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”. Việc nhận tù sắp tới đã gây ra nhiều xao động ghê gớm trong tâm tư vị ngục quan này. Ông là một người từng trải, có tính cách dịu dàng khác hẳn với những kẻ sống bằng tàn nhẫn bằng lừa lọc trong chốn đề lao. Và điều ta thấy rõ ở con người này chính là tâm hồn trong sáng, yêu cái đẹp, trọng người tài.

Đối đãi với Huấn Cao, quản ngục hết sức tôn trọng kính cẩn, thể hiện rõ thái độ biệt nhỡn nhân tài. Ngày nhận tù nhân , viên quản ngục đã làm trái với phong tục nhận tù mọi ngày,” hôm nay viên quan coi ngục nhìn sáu tên tù mới vào bằng cặp mắt hiền lành”. Ngay từ ánh nhìn đầu tiên mà viên quản ngục đã bày tỏ kín đáo tấm chân tình của mình đối với người sáng tạo ra cái đẹp – Huấn Cao. Mặc kệ cho những tên tay sai bên dưới nhắc khéo ngài có phải dùng đến những tiểu sảo trong nhà lao để ép cung , tra tấn thì viên quản ngục vẫn lặng thinh làm lơ đi điều đó.

Ngục quan có một tâm hồn trong sáng thanh cao, biết trọng người tài, rất yêu thích cái đẹp. Mặc dù đã “chọn nhầm nghề”, nhưng thiết nghĩ trên cõi đời này đã có chúa ngục nào có “cái sở nguyện” cao quý như hắn ? Cái ao ước của hắn thật là thanh cao, thật là một thú vui tao nhã nhân văn.

Quản ngục ao ước là có một ngày nào đó “được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Hắn say mê, hắn khao khát vì “chữ Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm”. Với quản ngục thì có vinh hạnh nào hơn nếu “có được chữ ông Huấn Cao mà treo, là có một báu vật trên đời”. Vì thế, khi chưa xin được chữ Huấn Cao thì ngục quan sống trong tâm trạng đầy bi kịch.

Nỗi “khổ tâm” của hắn là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không dám giáp lại mặt vì quản ngục cảm thấy nhân cách tử tù xa cách ông nhiều quá!. Hơn thế nữa, hắn càng “khổ tâm” lo lắng, mai mốt đây, Huấn Cao bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ thì ông “ân hận suốt đời”. Có thể nói, đó là một bi kịch cao quý được Nguyễn Tuân cảm nhận ở phương diện văn hoá nghệ thuật. Sự giày vò tâm trạng của quản ngục đem đến tình tiết cao trào cho tác phẩm khi Huấn Cao đồng ý cho chữ ngay trước đêm người phải ra pháp trường lãnh án tử hình.

Trước cái đẹp của thư pháp, ngục quan đã trở thành tri âm, tri kỉ của tử tù. Ngục quan “khúm núm” cất những đồng tiền kẽm đánh dấu trên ô chữ… Ngục quan lắng nghe lời khuyên của tử tù “nên lui về quê nhà” để giữ lấy thiên lương rồi hãy “nghĩ đến chuyện chơi” chữ… Ngục quan vái tử tù một vái và nói qua dòng nước mắt: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Tất cả đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của ngục quan dưới ánh sáng của thư pháp và thiên lương.

Hình ảnh quản ngục là một trong những thành công của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật miêu tả và xây dựng nhân vật ở phương diện tài hoa độc đáo của nghệ sĩ bậc thầy. Yêu cái đẹp với tấm lòng biệt nhỡn liên tài là tâm hồn tính cách của ngục quan. Từ ngoại hình, ngôn ngữ, tâm tư tình cảm đến cử chỉ, hành động của ngục quan đã được Nguyễn Tuân miêu tả với tất cả sự chắt lọc của một ngòi bút tài hoa, đã làm hiện lên một con người có cốt cách rất đẹp.

Quản ngục với nghề nghiệp của mình trên phương diện xã hội là hoàn toàn trái ngược nhau, đối lập với Huấn Cao, nhưng trên phương diện nghệ thuật thì quản ngục là người biết yêu , biết say mê, tôn thờ cái đẹp và với nhân vật này chủ đề của tác phẩm càng thêm được thể hiện rõ nét: Cái duy nhất đang được tôn vinh và kính trọng là cái đẹp.

4. Cảm nhận về hình tượng nhân vật viên quản ngục trong tác phẩm Chữ người tử tù

Viên quản ngục là người làm nghề coi ngục, một công cụ của bộ máy thống trị lúc bấy giờ. Cuộc sống trong nhà tù thường gắn liền với tội ác, gắn liền với sự nhem nhuốc, xấu xa. Vậy tại sao tác giả lại ví viên quản ngục là một thanh âm trong trẻo giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ?

Để hiểu được điều đó, trước hết ta phải biết thế nào là “âm thanh trong trẻo”, thế nào là “bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Về nghĩa đen, ta thấy “thanh âm trong trẻo” là thanh âm cao, trong, vút lên trong bản đàn mà người ta dễ nhận biết. “Bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ” là âm sắc phát ra từ tiếng đàn không hòa hợp với nhau để tạo nên vần điệu cho bản nhạc.

Về nghĩa bóng thì “âm thanh trong trèo” chỉ cái tâm trong sáng, thiên lương của viên quản ngục. Viên quản ngục biết quý trọng người tài, biết yêu cái đẹp, biết trân trọng và giữ gìn cái đẹp. Còn “bản đàn mà nhạc luật hỗn loạn, xô bồ” ý muốn nói đến nhà tù mà viên quản ngục đang canh giữ. Là nơi thường diễn ra những đòn roi tra tấn, những hành vi chà đạp lên đạo đức xã hội. Tóm lại nơi đây làm cho tâm hồn con người trở nên mục ruỗng đi.

Giữa môi trường xấu xa như vậy nhưng viên quản ngục lại là người có những phẩm chất đáng quý. Trước hết, viên quản ngục là người biết yêu cái đẹp, biết trân trọng và giữ gìn cái đẹp. Viết chữ đẹp và thưởng thức chữ đẹp là thú chơi thanh tao của người xưa. Ngay từ thời còn trẻ, viên quản ngục đã có thú chơi thanh tao đó.

Rõ ràng phải là người biết yêu cái đẹp, biết trân trọng cái đẹp, viên quản ngục mới ước muốn có được chữ của ông Huấn Cao để treo trong nhà. Trong những ngày Huấn Cao ở trong nhà ngục do mình trông coi, viên quản ngục luôn nhẫn nhục để xin cho bằng được chữ của Huấn Cao. Khi Huấn Cao trả lời câu hỏi của mình với thái độ khinh bạc: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”, viên quản ngục không nổi trận lôi đình mà lại còn lễ phép lui ra với một câu “Xin lĩnh ý!”.

Một điều đáng nói nữa là “Viên quản ngục mong mỏi một ngày gần đây ông Huấn sẽ dịu bớt tính nết, thì y sẽ nhờ ông viết cho… mấy chữ trên chục vuông lụa trắng đã mua sẵn và can lại kia. Thế là y mãn nguyện”. Việc mua sẵn mấy vuông lụa trắng cũng đã đủ chứng minh viên quản ngục rất mong có được chữ của ông Huấn Cao. Viên quản ngục rất lo lắng. “Y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn Cao bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất”.

Khi có công văn, ngày mai tinh mơ, ông Huấn Cao và các bạn tù của ông phải giải về kinh chịu án tử hình thì “viên quản ngục tái nhợt người đi”, cho gọi viên thơ lại lên và kể rõ tâm sự của mình cho thầy thơ lại biết. Sự trân trọng cái đẹp còn thể hiện qua thái độ của viên quản ngục khi nhận được chữ của ông Huấn Cao cho. “Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng”. Việc giữ lại những vuông lụa trắng có chữ viết của Huấn Cao chính là ý thức muốn lưu.giữ cái đẹp, bảo vệ cái đẹp.

Không chỉ là người biết yêu cái đẹp, trân trọng cái đẹp và giữ gìn cái đẹp, viên quản ngục còn là người biết quý trọng người tài. Mới nghe tin trong những người tử tù ngày mai đến ở có Huấn Cao, viên quản ngục đã cho người lo chu đáo chỗ ở cho những người tù. Điều đó được thể hiện qua ý nghĩ của viên quản ngục khi chuẩn bị đón tù.

Biết yêu cái đẹp, biết trân trọng giữ gìn cái đẹp, viên quản ngục còn là người có thiên lương trong sáng. Thiên lương chính là bản tính tốt của con người do trời phú cho. Vậy viên quản ngục là người có bản tính tốt. Sống giữa chốn lao tù, đầy rẫy tội ác mà tâm hồn viên quản ngục không hề bị nhuốm bẩn. Ông biết nhận rõ đâu là đúng, đâu là sai, đâu là tốt và đâu là xấu. Quả thực “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Nguyễn Tuân đã rất thành công khi xây dựng được nhân vật viên quản ngục. Lấy cái nền là nhà tù, Nguyễn Tuân muốn gửi đến độc giả một thông điệp quý giá: con người phải luôn vượt lên trên hoàn cảnh sống, vượt lên chính mình. Nguyễn Tuân thành công khi xây dựng nhân vật này còn bởi ông am hiểu thấu đáo về hiện thực cuộc sống, về diễn biến tâm trạng của con người. Qua nhân vật viên quản ngục, người đọc rút ra rằng: muốn yêu cái đẹp, muốn thưởng thức cái đẹp, muốn lưu giữ bảo vệ cái đẹp trước hết phải biết sống đẹp, sống tốt.

5. Cảm nhận của anh chị về viên cai ngục

Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Tuân bao giờ cũng tha thiết và trân trọng cái đẹp, cái tài hoa, nhất là những sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn với hồn xưa đất nước. Tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám là truyện ngắn Chữ người tử tù (Trích trong Vang bóng một thời – 1940). Với cảm hứng lãng mạn, Nguyễn Tuân đã xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao, có một vẻ đẹp lý tưởng, là mẫu người thể hiện hoài bão của nhà văn về lẽ sống ở đời. Thật thiếu sót khi say mê tài hoa, khí phách của Huấn Cao mà bỏ qua nhân vật là viên quản ngục.

Quản ngục dù sống trong môi trường tàn nhẫn, quay quắt nhưng lại có phẩm chất đáng quý, sở thích cao đẹp. Quản ngục cũng là nhân vật để Nguyễn Tuân gửi gắm tâm sự và nhân vật này cũng góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm.

Xét về vị thế xã hội thì quản ngục thuộc về thế lực đối lập mà người anh hùng Huấn Cao muốn đạp đổ, xóa bỏ. Ông ta đang duy trì, bảo vệ một trật tự xã hội mục nát. Xét về chức danh ông ta gợi liên tưởng đến bọn chúa ngục tàn bạo, đê tiện trong Thủy hử của Thi Nại Am. Thế nhưng trong nhãn quan nghệ thuật của Nguyễn Tuân ông ta là con người khác hẳn. Đó chính là thái độ, cách ông đối xử với tên tử tù Huấn Cao.

Sắp nhận một tử tù, khi nghe tên Huấn Cao, biết là người có tài viết chữ đẹp, tài bẻ khóa vượt ngục, là lãnh tụ nghĩa quân, người anh hùng thất thế sa cơ phải lãnh án chém, trong lòng quản ngục có ý nể trọng và cảm thấy thương tiếc.

Chuẩn bị đón một tử tù đặc biệt nên ông ta sai lính quét dọn buồng giam sạch sẽ và hôm sau tiếp nhận Huấn Cao khác lệ thường: đôi mắt hiền lành và thái độ kính nể lộ rõ. Điều đó thể hiện sự trân trọng nhân cách Huấn Cao của viên quan coi ngục.

Sau đó âm thầm kín đáo, quản ngục biệt đãi Huấn Cao cũng như các đồng chí của ông: ngày nào cũng ăn uống đầy đủ, chu toàn. Phải chăng quản ngục đang âm mưu điều gì? Không phải, quản ngục muốn lấy sự chăm sóc tận tụy của mình để an ủi một ngôi sao chính vị sắp từ biệt vũ trụ. Đó là tất cả khả năng mà ông ta có thể để bày tỏ thái độ sùng kính, nâng niu, chăm chút một nhân cách cao cả, một cái đẹp.

Rồi một hôm quản ngục khép nép đến thăm Huấn Cao, bị Huấn Cao xẵng giọng mắng và tỏ ra khinh bạc: Ta chí muốn một điều là ngươi đừng bao giờ đặt chân vào đây. Quản ngục lễ phép, nhã nhặn, một mực thành kính đáp: Xin lĩnh ý. Cách cư xử điềm đạm, đúng mực này soi sáng một tâm hồn cao quý và sẵn lòng quỳ gối trước hoa mai.

Sự tiếp đón và tinh thần phục dịch tận tụy Huấn Cao của viên quản ngục là biểu hiện một thái độ tôn trọng, thành kính trước một nhân cách đẹp. Luôn hướng về, cái đẹp, chăm sóc cái đẹp cũng là hành vi trọng nghĩa, một phẩm chất trong sáng cao quý hiếm có loại nhân vật này. Yêu cái đẹp đến mức dám phạm đến phép nước là một tâm hồn đẹp đẽ hiếm thấy.

Đối với viên quản ngục chơi chữ là một niềm đam mê từ thời trai trẻ. Khi mới biết đọc sách vở thánh hiền là ông ta luôn mơ ước có được chữ của Huấn Cao.

Khi được gặp Huấn Cao, ông ta luôn tư lự, đăm chiêu, nghĩ ngợi tìm cách xin chữ Huấn Cao cho bằng được. Vì chữ Huấn Cao là báu vật trên đời, nếu không xin được thì sẽ ân hận suốt đời. Mô tả chân dung quản ngục lúc này giọng văn Nguyễn Tuân trở nên chậm rãi, trang trọng: Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất. Ở đấy, giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ.

Rồi mặt viên quản ngục tái nhợt khi nghe tin Huấn Cao sắp tuột khỏi tay mình về kinh đô chịu án chém. Quản ngục hốt hoảng vì sợ không xin được chữ và xót xa, tiếc nuối trước một cái đẹp sắp bị hủy diệt.

Và thật may mắn Huấn Cao đã kịp hiểu quản ngục, nhờ đó mà ông ta đã xin được chữ. Xin được chữ quản ngục đã bỏ nghề. Ông ta đã bị cái đẹp khuất phục và cảm hóa.

Thú chơi chữ tao nhã thanh lịch thật đối nghịch với hoàn cảnh công việc của viên quản ngục. Sự tương phản gay gắt này đã làm nổi bật tâm hồn thanh khiết cao quý của viên quan coi ngục. Và giữa bầu trời tăm tối ấy thêm một ngôi sao sáng bên cạnh ngôi sao chính vị Huấn Cao. Trước cái đẹp, con người biết trân trọng, khao khát vươn đến cũng thành một nhân cách đẹp.

Sống trong môi trường xấu xa tàn nhẫn nhưng tính cách dịu dàng, lòng biết giá trị con người là âm thanh trong trẻo, là một nhân cách cao đẹp, thuần khiết, một thiên lương trong sáng, lành vững đáng được nêu gương ca ngợi: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Không giống Huấn Cao, quản ngục không sáng tạo ra cái đẹp nhưng thật lòng yêu cái đẹp, trân trọng, gìn giữ cái đẹp là người có tấm lòng cao đẹp. Trong cảnh cho chữ, quản ngục thực sự bị cái đẹp, tài hoa, nhân cách của Huấn Cao chinh phục, lúc này được cái đẹp đánh thức, viên quản ngục cũng trở nên đẹp hơn.
ưQua truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân muốn nói rằng: cái đẹp chân chính và trọn vẹn bao giờ cũng có sức chinh phục và có sức sống mãnh liệt. Nhân vật quản ngục là đối tượng thể hiện khía cạnh khác của chủ đề: biết yêu cái đẹp là điều kiện để người ta trở nên đẹp và giữ được cái đẹp thiên lương trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Nhân vật của Nguyễn Tuân thường không đặt trên trục thiện ác, chính nghĩa hay gian tà mà được đặt trong mối quan hệ với cái đẹp. Quản ngục và Huấn Cao thuộc hai thế lực đối lập nhưng cả hai đều yêu quý và tôn thờ cái đẹp. Do đó dẫn đến sự gặp gỡ kỳ lạ của hai tâm hồn, hai nhân cách đẹp trong chốn ngục tù. Cách cư xử của quản ngục trước Huấn Cao, trước cái đẹp chính là cách xử sự của Nguyễn Tuân đối với nhân cách đẹp. Có thể nói, quản ngục và viên thơ lại là hai mảnh tâm hồn của Nguyễn Tuân.

6. Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật quản ngục trong Chữ người tử tù

Nguyễn Tuân được biết đến là nhà văn có phong cách viết độc đáo, mỗi tác phẩm của ông in dấu đậm trong lòng người đọc bởi cách xây dựng nhân vật độc đáo, ấn tượng. Tập truyện ngắn “Vang bóng một thời” thể hiện cá tính sáng tác và phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân rất rõ nét. Đến với truyện ngắn “Chữ người tử tù”, ta bắt gặp một nhân vật quản ngục mang nhiều phẩm chất cao đẹp.

‘Chữ người tử tù” là câu chuyện kể về nhân vật trung tâm tên là Huấn Cao. Huấn Cao là một người anh hùng khí chất, có tài viết chữ nổi danh xa gần. Vì động lòng dân vùng lên khởi nghĩa chống triều đình, Huấn Cao bị bắt và chờ ngày đưa về xét xử. Viên quan coi ngục lại là một người rất ngưỡng mộ tài viết chữ của Huấn Cao. Ông đã có ý biệt nhưỡng, ưu ái với Huấn Cao để thể hiện sự tôn trọng. Ban đầu, Huấn Cao tỏ thái độ khinh bỉ đối với viên quan coi ngục, nhưng khi hiểu ra tấm lòng chân thành của quan coi ngục, Huấn Cao đã đồng ý viết tặng chữ, và có lời khuyên chân thành với quản ngục, mong ông thoát khỏi nghề để giữ sạch thiên lương.

Nhân vật quản ngục xuất hiện với chức danh là viên quan coi ngục, một tiểu lại giữ tù, một tay sai của triều đình phong kiến. Chức năng của ông ta là áp chế và tiêu diệt tội phạm của triều đình- những người dám đứng lên chống lại triều đình và bảo vệ nhân dân. Quản ngục là kẻ thù của nhân dân, và tất nhiên là kẻ thù của Huấn Cao, là người tàn ác, tội lỗi, thuộc về thế giới của cái ác. Nhưng quản ngục vẫn giữ được bản chất tốt đẹp.

Quản ngục là người có phẩm chất nghệ sĩ: biết yêu cái đẹp và có sở thích cao quý là chơi chữ. Khi Huấn Cao đến trại giam, quản ngục đã thiết đãi rất nhiệt tình. Ông sai người quét dọn phòng giam sạch sẽ, sai người đem đồ ăn thức uống chu đáo đến cho Huấn Cao. Quản ngục còn mua sẵn một tấm lụa trắng, chờ ngày nào ông Huấn cao bớt tính nết để xin chữ. Quản ngục luôn thấy trong mình một nỗi khổ tâm và dằn vặt. Ông khổ tâm vì mình đang giữ trong tay tính mạng của Huấn Cao mà lại không giữ được lòng người. Cái khổ tâm thứ hai còn là vì ông giữ cái đẹp trong tay mà lại không có được cái đẹp. Nỗi khổ tâm nữa là nếu ngày Huấn Cao ra pháp trường mà không xin được chữ, ông sẽ có nỗi ân hận đến suốt cả cuộc đời.

Với sự chân thành và lòng biết giá người, tấm lòng của viên quan coi ngục cuối cùng cũng được Huấn Cao tỏ và chấp nhận cho chữ. Cảnh ch chữ diễn ra và được miêu tả là “cảnh tưởng xưa nay chưa từng có”. Hình ảnh quản ngục ‘khúm núm”, “cầm những đồng tiền kẽm đánh dấu vào các ô chữ” thể hiện được tình yêu và sự trân trọng của ông đối với cái đẹp. Đó còn là niềm khao khát của viên quan coi ngục, khao khát vươn tới cái đẹp. Sau khi xin chữ và nhận được lời khuyên của Huấn Cao, viên quan coi ngục đã vái lạy và khóc. Hành động thành khẩn đó thể hiện sự ăn năn, hối hận và dự báo sự hoàn lương.

Nhân vật viên quản ngục là người có thiên lương trong sáng. Ngay khi biết phạm nhân là Huấn Cao- một người chí khí anh hùng, tài viết chữ đẹp, ông đã có hành động và thái độ biệt nhưỡng nhân tài. Đầu tiên ông đã sai người quét dọn buồng giam để tỏ ý biệt đãi Huấn Cao. Khi đón tù nhân, ông nhìn Huấn Cao với cặp mắt hiền lành, kiêng nể, tỏ ra tiếc nuối khi phải chém một nhân tài như thế. Thời gian Huấn Cao ở buồng giam, ông cũng sai người đối xử rất tử tế. Khi được cho chữ và nhận được lời khuyên của Huấn Cao, viên quan coi ngục đã tỏ thái độ kính cẩn và nói “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Đó chính là dấu hiệu của sự hoàn lương, dự báo sự thay đổi trong việc chọn nghề lương thiện sau này.

Việc xây dựng hình tượng ông quản ngục thể hiện được niềm tin của Nguyễn Tuân về đạo đức con người. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, chắc chắn vẫn sẽ có những con người giữ được nhân cách ngay cả khi sống trong môi trường toàn lừa lọc và dối trá. Và nhân vật viên quan coi ngục nghe lời khuyên của Huấn Cao chính là một minh chứng cho việc một cái đẹp, thiên lương trong sáng có thể cảm hóa được cái xấu.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của Tmdl.edu.vn.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button