129600 nghĩa là gì?
Và những dòng đầu tiên của câu truyện nổi tiếng Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân:
“Từng nghe số của trời đất, gồm một trăm hai mươi chín nghìn sáu trăm năm (129,600) gọi là một Nguyên, chia làm 12 Hội là: Tí Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi; mỗi Hội là một vạn tám trăm năm (10,800)”
Bạn đang xem bài: 129600 nghĩa là gì? Những truyền thuyết về vũ trụ ở Phương Đông
Đây là một hot trend mới trên nền tảng Tiktok: “Một vị triết gia đã dự đoán rằng 129600 năm sau, tất cả mọi vật sẽ tái diễn lại một lần nữa, cũng có nghĩa là, khi đó anh có thể được gặp lại em.”
Những truyền thuyết về vũ trụ ở Phương Đông
Thần thoại về Khai thiên Lập địa của Trung Hoa có nhiều, và không thống nhất. Tại đây chỉ nêu tư tưởng qua một số truyện mà thôi.
Khởi thủy Thế giới
Hãy nghe huyền thoại Bàn Cổ mở mang
“Giữa khoảng mênh mông hỗn độn, mờ mịt chưa phân, như lòng trắng lòng đỏ trứng gà, có một người là Bàn Cổ, lấy cái khí trong mà nhẹ bên trên tạo thành trời, cái đục mà nặng bên dưới tạo thành đất. Bàn Cổ mỗi ngày biến đổi chín lần, mỗi ngày cao thêm một trượng, trời cao thêm chừng ấy và đất dầy thêm chừng ấy. Ông sống một vạn tám ngàn năm, thì trời cao lắm và đất dày lắm. Khi ông chết, hai mắt thành mặt trời mặt trăng, nước mắt thành sông, mỡ thành biển cả, thân thể thành núi non, râu tóc thành cây cối…”
Và những dòng đầu tiên của câu truyện nổi tiếng Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân:
“Từng nghe số của trời đất, gồm một trăm hai mươi chín nghìn sáu trăm năm (129,600) gọi là một Nguyên, chia làm 12 Hội là: Tí Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi; mỗi Hội là một vạn tám trăm năm (10,800).
Khi đó vào cuối hội Tuất là lúc tất cả tối tăm mờ mịt.
Sang đến hội Hợi tất cả còn hỗn độn, chưa phân chia.
Trải năm nghìn bốn trăm năm (5400), hội Hợi sắp hết quay lại từ đầu, chuyển sang hội Tý, mới dần dần tách biệt.
Sang hội Tý, trời đất bắt đầu có rễ, Âm Dương giao hoà thành gốc của vạn vật.
Trải 5400 năm, đúng giữa hội Tý, những thứ nhẹ trong bay lên thành Trời, tạo ra Nhật Nguyệt Tinh Thần tức là Tứ Tượng. Cho nên nói Trời mở ở Tý.
Trải qua 5400 năm, hội Tý sắp hết, dần sang hội Sửu, đất dần dần ngưng kết.
Lại trải qua 5400 năm, đúng giữa hội Sửu, những thứ nặng đục ngưng xuống tạo ra Nước, Lửa, Núi, Đá, Đất gọi là Ngũ hình, cho nên nói Đất (Khôn) mở ở Sửu.
Lúc này giao hoà Âm Dương mà sinh ra Bát quái: Càn Khảm Cấn Chấn Tốn Ly Khôn Đoài.
Lại qua 5400 năm, đúng vào hội Dần, sinh Người, sinh Thú, sinh Chim, gọi là Tam Tài. Cho nên nói Người sinh ra ở Dần.
Khi đó thế gian có 4 châu lớn là Đông Thắng Thần châu, Tây Ngưu Hạ châu, Nam Thiệm Bộ châu, Bắc Câu Lư châu.”
Truyện Bàn Cổ hoàn toàn hoang đường, nên chỉ được coi như truyện cổ tích. Còn quan niệm như trong Tây Du Ký mô tả mới được coi là chủ đạo về tạo lập thế giới của người Trung Hoa. Theo đó Quan niệm về sự hình thành của vũ trụ rất rõ ràng: Tự nhiên vận động mà thành, không có một Đấng sáng thế nào tạo ra. Tự nhiên hay còn gọi là Trời, Tạo hóa, là hằng tồn, bất biến, nhưng không phải là người. Chính vì thế đã có ông vua đời Thương mang cung tên ra bắn Trời, hoặc dân chúng oán trách trời.
Điều đặc biệt là trước khi có Nguyên hiện tại (sinh ra Trời Đất) thì trong thuyết đó đã đề cập đến một Nguyên trước đó rồi, mà dòng đầu tiên, “cuối hội Tuất”, tức Hội Tuất của Nguyên trước đó. Như vậy trước khi hình thành thế giới này, đã từng có “một cái gì đó”, nhưng rồi hỗn độn, để phân chia trở lại, thành Trời Đất hiện tại.
Vào thời kỳ nhà Thương, người Trung Hoa đã không coi có một Đấng Thượng đế tối cao Sáng tạo là người hữu hình, nguyên thủy nữa. Đời sau đặt Vua cho Trời, đó là Ngọc Hoàng Đại đế, hay Thiên hoàng Thượng đế. Nhưng Ngọc Hoàng vốn chỉ là Người, đã tu hành tới 1550 kiếp, nắm giữ được quy luật của thiên nhiên, mà lên Thiên đình làm vua. Tất cả các thần thánh đều từ con người, hoặc sinh vật chuyển hóa. Không ai trong số đó có khả năng tạo ra thế giới như trong Kinh thánh Kitô giáo. Thậm chí một con khỉ như Tôn Ngộ Không cũng đòi cướp cái ngôi vị ấy, làm vua bầu trời. Con khỉ đó là sản phẩm của tự nhiên, khi có khả năng nhất định là có quyền đòi làm vua, chứ không có quyền đòi sáng thế. Ngọc Hoàng Thượng đế có khả năng chi phối, điều khiển một số hiện tượng tự nhiên, nhưng không thể tiêu diệt tự nhiên được như ngày Tận thế do Thiên Chúa giáng xuống trong Kitô giáo được.
Trong quan niệm cổ, người Trung Hoa chia Thế giới làm 3: Thượng nguyên là Trời, Trung nguyên là Đất, Hạ nguyên là Biển. Đất nước của họ nằm giữa Thế giới nên cũng chính là Trung nguyên, chia ra ngũ phục, ra bốn phía là chốn hoang vu và bao quanh là Biển, gồm 4 Đại hải Đông tây nam bắc. Thực ra họ không bao giờ gặp được biển phía Tây, vì đi mãi là gặp sa mạc.
Nhưng rồi cái thế giới quan đó bị lung lay khi có sự giao thoa với các nền văn hóa phía Tây như Babylon và Ấn Độ. Họ dần nhận ra miền đất giữa hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử (Trường giang) không hoàn toàn là trung tâm thế giới. Đến khi có Phật giáo du nhập từ Ấn Độ, quan niệm được mở rộng hơn, Thế giới có 4 Đại bộ châu, Trung Quốc chỉ ở Đông Thắng Thần châu mà thôi, và bên dưới đất còn có Địa ngục là cõi để luân hồi.
Con người trong Vũ trụ
Những Người đầu tiên là ai. Có nhiều thuyết.
Bàn Cổ
Thuyết phổ biến nhất là Bàn Cổ, như đoạn đầu đã viết.
Theo thuyết này, Bàn Cổ là Thiên hoàng, rồi đến Địa hoàng, Nhân hoàng. Sau đó mới có các họ Hữu Sào, Toại Nhân, rồi đến Ngũ đế.
Hữu Sào có nghĩa là Có tổ, tức làm tổ trên cây, con người thoát khỏi thuở hồng hoang. Toại Nhân là giống người biết làm ra lửa. Lửa chính là phát minh vĩ đại nhất thời tiền sử của con người. Lửa là công cụ, vũ khí, là biểu tượng văn minh của loài người
Nhưng Tam hoàng cũng có thể là Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, còn Ngũ Long, Hữu Sào, Toại Nhân là tam Vương. (Tam vương Thái cổ khác với Tam vương Thượng cổ là Thành Thang, Văn vương, Vũ vương đời Thương Chu).
Phục Hi và Nữ Oa
Phục Hi và Nữ Oa vừa là anh em vừa là vợ chồng hoặc là hai nửa của một bản thể, là Vô thượng Nhân tổ phụ và Nhân tổ mẫu. Tự họ sinh ra trên thế gian, không có ai trước họ. Phục Hi khởi thủy mang hình rồng, Nữ Oa khởi thủy mang hình rùa, hoặc cả 2 có chung 1 thân con rắn. Từ đó sinh ra nhân loại. Tiếp theo sau họ Phục Hi (Phục Hi thị) là họ Thần Nông (Thần Nông thị) rồi đến Hoàng đế là Tam hoàng. Sau nữa mới đến Ngũ đế (*)
Bàn Cổ và Nữ Oa
Thuyết nói rằng Nữ Oa được sinh ra từ Bàn Cổ, và rồi lại cùng Bàn Cổ sinh ra nhân loại.
Các thuyết đều chỉ là truyền thuyết, không quan trọng bằng tư tưởng không có đấng sáng thế, chỉ có tự nhiên vận động mà thành là cốt yếu, khác hẳn với khái niệm Đấng sáng thế phương Tây. Khái niệm Thượng đế do đó cũng chỉ mang ý nghĩa một vị vua trên trời cao, chứ không phải là đấng Toàn năng, toàn quyền, Sáng thế (Creator, Almighty). Vũ trụ không có Đấng ngự trị nào cả.
Dù ai là thủy tổ, thì người Trung Hoa cũng vẫn coi trọng nhất 3 vị Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế.
Ba vị được tôn là Khai thiên Tịch địa Thái hạo hoàng Thượng đế, tức các vị vua tối cao mở trời định đất, là khởi thủy của văn minh con người. Như vậy vai trò của họ còn cao hơn Ngọc Hoàng Thượng đế là vị vua trời xuất hiện về sau.
Phục Hi – ngửa đầu nhìn tượng trời, cúi đầu xem thế đất, soi lấy cái thần minh của tạo hóa mà định ra Bát quái, làm cơ sở cho thế giới quan Trung hoa, dạy con người săn bắt, hái lượm; đại diện cho giai đoạn con người tìm hiểu nhận thức và khái thác tự nhiên. Phục Hi còn gọi là Thái Hạo, tức rất sáng suốt, chói lọi.
Thần Nông – dậy cho dân biết nuôi trồng, cầy cấy, đi nếm từng loại lá cây để làm thuốc, đại diện cho giai đoạn con người chinh phục tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, cùng với việc dùng thuốc từ thiên nhiên.
Hoàng Đế – còn gọi là Hiên Viên, làm ra trang phục (Phục Hi, Thần Nông chỉ dùng lá cây che thân), định ra các luân lý, pháp luật, nghiên cứu cơ thể để trở thành Y thuật, với cuốn Hoàng đế Nội kinh làm căn bản. Hoàng đế đại diện thời đại này xã hội đã hình thành chặt chẽ, các giá trị văn hóa được xác lập, các mối quan hệ xã hội dần được chuẩn hóa. Hoàng đế được coi là tổ của người Hán.
Ba vị vua thượng cổ thuộc về truyền thuyết, nên việc gán thời đại Phục Hi 2852 TCN, Thần Nông 2737 TCN, Hoàng Đế 2697 TCN không mang nhiều ý nghĩa. Quan trọng hơn là việc hình tượng hóa sự xây dựng nền văn minh, mà về nhận thức tự nhiên thì Phục Hi đóng vai trò quan trọng nhất, là ông tổ của thế giới quan phương Đông.
Hình dạng Vũ trụ
Nữ Oa là Cửu Thiên Huyền Nữ, một vị nữ thần tổ mẫu trong quan niệm cổ. Khi Cung Công và Chúc Dung (thần nước và lửa) đánh nhau, Cung Công thua đã đập đầu vào núi Bất Chu là cột chống trời làm núi đổ, trời rách góc đông bắc, đất sụt góc tây nam, thế gian nguy khốn. Nữ Oa đã luyện đá vá trời liền lại, không cần dùng đến cột chống nữa mà trời vẫn yên, đất vẫn lành.
Quan niệm cho trời giống như một tấm vỏ bọc trùm lên trên mặt đất giống như một mái nhà, với cột chống kèo đỡ. Khí trong mà nhẹ bay lên, cứng rắn lại thành trời, khi đục mà nặng ngưng xuống, đọng lại thành đất. Người Trung Hoa không giải thích là bên trên trời còn gì nữa, và đất sâu đến bao nhiêu. Lúc này mới chỉ có khái niệm dưới đất là cõi của người chết, chứ chưa hẳn là khái niệm Địa ngục nơi trừng trị người chết, vốn là sản phẩm truyền từ Ấn Độ.
Cũng vì mong muốn giải thích về điều này mà hình thành 3 trường phái
- Phái thứ nhất cho rằng trời trùm lên mặt đất, đất phẳng dẹt, trời tròn đất vuông. Nhưng về sau thấy không khớp nhau nên cũng cho rằng đất tròn nốt. Đất được vây quanh bởi biển cả. Quan niệm này giống châu Âu trung cổ.
- Phái Hỗn thiên: Khởi đầu từ Trương Hoành, cho rằng trời đất giống như quả trứng, mà Đất nằm lơ lửng bên trong như lòng đỏ, gần nhất với sự thực. Tuy nhiên do cảm thấy khó giải thích tiếp nên phái này không dám đi xa cho rằng “phía bên kia” cũng là mặt đất như phía bên này.
- Phái thứ ba cho rằng trời cao vô cùng, đất sâu vô cùng, giống như biển. Các thiên thể trôi trên trời giống như sóng biển và thủy triều. Và tất cả trải đến vô cùng vô tận theo chiều ngang, không có được hình dạng xác định.
Thần thánh
Tín ngưỡng phương Đông là đa thần chứ không phải độc thần như phương Tây. Tự nhiên vốn là chính nó, chỉ có những con người (hoặc thậm chí con vật, cây cối) có khả năng nhất định thì chi phối điều khiển được nó, bắt nó phục vụ theo ý của mình, chứ không thể sáng tạo ra nó cũng như tiêu diệt nó. Do đó không chỉ một mà nhiều người cùng có khả năng điều khiển một yếu tố tự nhiên.
Số lượng các vị thần thánh là nhiều vô cùng. Hầu như không có vị thần nào cai quản được tất cả những gì thuộc về mình. Thủy đức tinh quân cai quản về nước, nhưng khi nước do thần này đổ ra chảy xuống rồi thì cũng không thể thu lại, mà nước lại phải lấy từ sông hồ, do các Long vương cai quản. Hỏa đức tinh quân cai quản về lửa, có các vật dụng phóng hỏa, nhưng không có quyền với lửa trong lò bát quái, lửa tam muội nhà phật.
Các vị thần thánh trên trời chi phối những yếu tố thuộc về tự nhiên. Do sự du nhập của Phật giáo, rất nhiều thần thánh Trung hoa có gốc từ Ấn Độ, cũng định ra 33 tầng trời, mà vị vua là Ngọc Hoàng thượng đế, có vị trí là Thiên chủ giống như Đế Thiên Đế Thích (Indra) chứ không phải Đấng sáng tạo. Trên trời, một cơ cấu xã hội được định ra giống như dưới mặt đất. Có các thứ bậc cao thấp, có tranh chấp, chiếm đoạt, giết chóc, cũng lấy nhau sinh con đẻ cái. Có vị thần nhỏ bé hạ tiện phải hầu hạ vị thần cao cấp hơn, thưởng phạt, thăng quan tiến chức. Chư Thần hoàn toàn là một xã hội, một xã hội tưởng tượng mà người trần mơ ước, nơi họ làm những công việc theo quyền hạn và nghĩa vụ, và không.phải lo cuộc sống vật chất.
Bên cạnh thần thánh còn có bậc tiên. Đó là những người tu luyện đạt đến mức độ hòa nhập với thiên nhiên, trường sinh bất lão. Tiên không có chức vụ, tự do hơn thần nhưng cũng ít quyền lực hơn thần.
Các thiên thể trên trời đều có thần thánh cai quản. Nhưng họ cũng chỉ có vai trò là người đại diện. Sự chuyển động của các thiên thể không phải do họ quyết định, mà là tự thân thiên thể đó vận hành. Đường đi của Mặt trời, Mặt trăng không phải do Thái dương, Thái âm Tinh quân thay đổi được. Khi các vị này có việc rời khỏi “mảnh đất” của mình (do Ngọc Hoàng sai bảo chẳng hạn) thì các thiên thể vẫn di chuyển bình thường.
Trong cuốn truyện “Phong thần”, có thể thấy việc gán những con người vào với các thiên thể như thế nào. Vai trò các thần chỉ giới hạn ở việc cai quản sự vật với con người dưới mặt đất mà thôi.
Thần thánh tiên dù là bậc trường sinh bất lão và có thể bất tử, nhưng vẫn có một khái niệm bao trùm lớn hơn là Số Mệnh. Thậm chí có thể gọi đó là Thiên Mệnh, là Trời. Đó là quy luật khách quan, cái đã vận hành sinh ra vũ trụ, mà thần thánh cũng chỉ là một bộ phận nhỏ của tự nhiên, không thể nằm ngoài quy luật đấy.
Nếu Số Mệnh đã đến, thì Tôn Ngộ Không cũng có thể làm Thượng đế được.
(Khi có Phật giáo truyền vào, thì mới hình thành tư tưởng vượt ngoài vòng Số Mệnh đó).
Khi mới đến Trung hoa, các giáo sĩ phương Tây đã phải dùng danh xưng Thượng đế để gọi Đấng sáng tạo, sau đó mới đổi thành Thiên Chúa, để khác biệt với các vị Thượng đế vốn chỉ là các thần.
Một số thần thánh quan trọng
- Ngọc Hoàng thượng đế: hiệu đầy đủ là Cao Thiên thượng thánh Đại từ Nhân giả Ngọc hoàng Đại thiên tôn Huyền khung Cao Thượng đế.
- Trung thiên Bắc Cực Tử vi Đại đế (có người đồng nhất với Ngọc Hoàng)
- Thác Tháp Lý thiên vương (Lý Tĩnh): đứng đầu về đánh trận
- Tứ đại thiên vương gồm: Tăng Trường, Quảng Mục, Đa Văn, Trì Quốc, coi giữ 4 cửa trời Đông Tây Nam Bắc (4 vị này lấy từ Ấn Độ)
- Cửu Diệu tinh quân: gồm Thái Âm, Thái Dương tinh chủ thiên vương đế quân và Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ tinh quân
- Nhị thập bát Tú
- Tam thập lục Lôi thần
- Tứ trực Công tào: Thời (giờ), Nhật (ngày), Nguyệt (tháng), Tinh (năm)
- Ngũ nhạc Thiên tề Đại đế
- Tam thanh, Tứ đế, Ngũ lão, Lục ty, Thất nguyên, Bát Cực, Cửu diệu, Thập đô
********************
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/129600-nghia-la-gi-nhung-truyen-thuyet-ve-vu-tru-o-phuong-dong/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Tổng hợp