Tổng hợp

Đường cơ sở là gì? Cách xác định đường cơ sở của Việt Nam

Đường cơ sở là gì?

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể thế nào là đường cơ sở.

Tuy nhiên, theo Luật biển Việt Nam 2012 và Công ước về Luật biển năm 1982, nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam. Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển, được vạch ra theo đúng Công ước.

Bạn đang xem bài: Đường cơ sở là gì? Cách xác định đường cơ sở của Việt Nam

Căn cứ quy định nêu trên, có thể xác định đường cơ sở của Việt Nam là ranh giới phía ngoài của nội thủy và là ranh giới phía trong của lãnh hải, chia nội thủy và lãnh hải thành 2 vùng nước có chế độ pháp lý khác nhau.

Theo quy định của UNCLOS 1982, đường cơ sở là căn cứ quan trọng xác định ranh giới các vùng biển thuộc chủ quyền (nội thủy, lãnh hải, vùng nước quần đảo) và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia (tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa). Trên thực tế, UNCLOS 1982 không đưa ra một định nghĩa chung nhất về đường cơ sở mà chỉ đề cập đến định nghĩa về đường cơ sở phụ thuộc vào từng phương pháp nhất định.

Trong cuốn “Các định nghĩa của Luật biển: Những điều khoản không được xác thực trong Công ước Luật biển 1982”, tác giả George K. Walker đã giải thích rằng, đường cơ sở có thể hiểu là một đường biên tại đó giới hạn ngoài cùng của lãnh hải cũng như giới hạn của quyền tài phán của quốc gia ven biển sẽ được xác định. Hay trong tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị Luật biển lần thứ 3 của Văn phòng Liên hợp quốc về Luật biển và đại dương, định nghĩa về đường cơ sở cũng được giải thích là đường để xác định giới hạn về phía biển của lãnh hải và các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của quốc gia. Như vậy, hiểu cách chung nhất, thì đường cơ sở của quốc gia ven biển chính là căn cứ để xác định các vùng biển của quốc gia ven biển, nó chính là đường ranh giới trong của lãnh hải và là ranh giới ngoài của nội thuỷ. Xác định đường cơ sở là hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia ven biển trên cơ sở phù hợp với các quy định của Luật biển quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Đường cơ sở là gì? Cách xác định đường cơ sở của Việt Nam
Đường cơ sở là gì? Cách xác định đường cơ sở của Việt Nam

Phân loại đường cơ sở trong luật biển quốc tế

Các quy tắc xác định đường cơ sở được quy định tại các điều từ 3 đến 13 của Công ước Giơnevơ 1958 về Lãnh hải và vùng tiếp giáp; các điều từ 5 đến 11, 13, 14 và 47 của UNCLOS 1982. Theo đó, căn cứ vào cấu tạo địa chất, các quốc gia trên thế giới hiện nay chủ yếu được chia làm hai nhóm đó là quốc gia lục địa và quốc gia quần đảo. Dựa vào cấu tạo bờ biển của hai nhóm quốc gia này, UNCLOS 1982 cũng đã đưa ra các phương pháp vạch đường cơ sở khác nhau, làm nền tảng cho việc xác định các vùng biển của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Đối với quốc gia quần đảo, UNCLOS 1982 ghi nhận phương pháp xác định đường cơ sở quần đảo theo quy định tại Điều 47 và sẽ được trình bày trong chương riêng của giáo trình này. Đối với các quốc gia lục địa, UNCLOS 1982 chủ yếu đề cập đến 2 phương pháp vạch đường cơ sợ là phương pháp đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng.

Trong đó, đường cơ sở thông thường là phương pháp dùng để tính chiều rộng lãnh hải được xác định là ngấn nước thuỷ triều xuống thấp nhất dọc theo bờ biển, được thể hiện trên các hải đồ có tỉ lệ lớn và được quốc gia ven biển chính thức công nhận (Điều 3 Công ước Giơnevơ 1958 về Lãnh hải và vùng tiếp giáp và Điều 5 UNCLOS 1982). Việc xác định ngấn nước thủy triều thấp nhất không phải là một quy trình phức tạp. Đó là ngấn giao nhau giữa bờ biển với mức thấp nhất của mặt nước biển. Phương pháp này liên quan trực tiếp đển sự thay đổi mực nước biển, tới mực 0 trên các hải đồ. Trong trường hợp việc áp dụng phương pháp đường cơ sở thông thường không phù hợp với địa hình thực tế của bờ biển, quốc gia ven biển được phép áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, là đường gãy khúc nổi liền các điểm được lựa chọn tại ngấn nước thuỷ triều thấp nhất dọc bờ biển và các đảo ven bờ.

Việc áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, về cơ bản, sẽ khắc phục được một phần những hạn chế của phương pháp đường cơ sở thông thường. Phương pháp này dễ áp dụng với các quốc gia có bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu, lồi lõm. Đây cũng là phương pháp đơn giản hóa nhưng không làm biến đổi sai lệch địa hình bờ biển. Tuy nhiên, phương pháp đường cơ sở thẳng cũng có thể bị các quốc gia ven biển lạm dụng thông qua việc lựa chọn điểm cơ sở để mở rộng thái quá vùng biển của quốc gia mình. Để hạn chế điều này, UNCLOS 1982 đưa ra các điều kiện cho việc xác định đường cơ sở thẳng.

Mặc dù ra đời sau so với đường cơ sở thông thường, tuy nhiên cho đến hiện nay, đường cơ sở thẳng lại là phương pháp xác định khá phổ biến của các quốc gia ven biển. Trong số hơn 150 quốc gia ven biển, đã có khoảng 60 nước đã xác định đường cơ sở thẳng dọc theo bờ biển của họ và khoảng 10 quốc gia khác đã ban hành pháp luật cho phép nhưng chưa công bố các tọa độ hoặc biểu đồ đường cơ sở thẳng của họ. Nhìn chung, việc xác định đường cơ sở theo phương pháp đường cơ sở thẳng sẽ giúp các quốc gia ven biển có được một vùng nội thủy rộng hơn so với việc áp dụng đường cơ sở thông thường. Tuy nhiên, chính việc mở rộng đó đã dẫn đến việc các quốc gia lạm dụng những khoảng trống trong cơ chế kiểm soát của UNCLOS 1982 để công bố những đoạn đường cơ sở thẳng chưa thực sự phù hợp với luật pháp quốc tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các quốc gia khác trên biển.

Thực tiễn xác định đường cơ sở của các quốc gia cho thấy, việc xác định đường cơ sở luôn là vấn đề có tính nhạy cảm trong quan hệ quốc tế. Một văn bản pháp lý của quốc gia liên quan đến việc xác định đường cơ sở không hợp lý, không tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế có thể gây ra những phản ứng khác nhau từ phía các quốc gia khác vì nó có thể ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của họ. Do vậy, các tuyên bố về xác định được đường cơ sở của quốc gia ven biển phải hết sức thận trọng và tuân thủ những phương pháp chung đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Cách xác định đường cơ sở của Việt Nam

Theo quy định tại Điều 5, 7, Công ước về Luật biển năm 1982, có các loại đường cơ cở như sau:

– Đường cơ sở thông thường:

Trừ khi có quy định trái ngược của Công ước, đường cơ sở thông thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận.

– Đường cơ sở thẳng:

+ Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

+ Ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và những đặc điểm tự nhiên khác, các điểm thích hợp có thể được lựa chọn dọc theo ngấn nước triều thấp nhất có chuyển dịch vào phía trong bờ, các đường cơ sở đã được vạch ra vẫn có hiệu lực cho tới khi các quốc gia ven biển sửa đổi đúng theo Công ước.

Lưu ý:

Tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển, và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đắt liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy.

Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế.

Trong những trường hợp mà phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng tại nơi bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, khi ấn định một số đoạn đường cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng.

Phương pháp đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế.

Đường cơ sở trong Công ước Luật biển 1982
Đường cơ sở trong Công ước Luật biển 1982

Đường cơ sở xác định nội thủy và cửa sông

– Điều 8 Công ước về Luật biển năm 1982 quy định khi một đường cơ sở thẳng được vạch ra theo đúng phương pháp xác định đường cơ sở thẳng nêu trên gộp vào nội thủy các vùng nước trước đó chưa được coi là nội thủy, thì quyền đi qua không gây hại nói trong Công ước vẫn được áp dụng ở các vùng nước đó.

– Đối với cửa sông, nếu một con sông đổ ra biển mà không tạo thành vụng thì đường cơ sở là một đường thẳng được kẻ ngay qua cửa sông nối liền các điểm ngoài cùng của ngấn nước triều thấp nhất ở hai bên bờ sông. (Căn cứ Điều 9 Công ước về Luật biển năm 1982).

Quy định chung về đường cơ sở trong luật biển quốc tế

Đường cơ sở có vai trò rất quan trọng vì nếu không xác định được đường cơ sở thì cũng không thể xác định được chiều rộng của vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việc xác định vị trí của đường cơ sở cũng có thể làm cho các vùng biển khác của quốc gia được mở rộng hoặc thu hẹp.

Công ước luật biển năm 1982 cũng như thực tiễn xác định đường cơ sở của các quốc gia trên thế giới cho thấy có hai phương pháp xác định đường cơ sở chủ yếu: phương pháp đường cơ sở thông thường và phương pháp đường cơ sở thẳng. Căn cứ vào địa hình bờ biển của mình, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở của mình

Do địa hình bờ biển của các quốc gia rất phức tạp và khác nhau, mặt khác, việc xác định đường cơ sở lại do chính quốc gia ven biển tự tiến hành nên để tránh tình trạng việc xác định đường cơ sở có thể làm cho một khu vực lãnh hải trở thành nội thủy hay một vùng biển trở thành lãnh hải, Công ước Luật biển năm 1982 đã có những điều khoản quy định tương đối chỉ tiết về các phương pháp xác định đường cơ sở cho các quốc gia có biển.

********************

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/duong-co-so-la-gi-cach-xac-dinh-duong-co-so-cua-viet-nam/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Tổng hợp

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button