Tổng hợp

Hợp đồng dân sự là gì? Phân tích các đặc điểm của hợp đồng dân sự

Hợp đồng dân sự là gì?

Hợp đồng dân sự là một khái niệm có nguồn gốc lâu đời và thông dụng nhất, là một trong những chế định quan trọng của pháp luật Dân sự. Hợp đồng có những tên gọi khác nhau như thỏa thuận, khế ước, giao kèo, thỏa ước, ước định, hiệp ước mặc dù rất gần gũi, thiết yếu và quen thuộc với tất cả mọi người, nhưng khi hỏi nó là gì thì không phải ai cũng có thể định nghĩa được về nó. Thậm chí các luật gia cũng có những định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên tất cả các định nghĩa đó đều có chung một hạt nhân hợp lý.

Có rất nhiều cách định nghĩa “Hợp đồng dân sự”, chẳng hạn:

Bạn đang xem bài: Hợp đồng dân sự là gì? Phân tích các đặc điểm của hợp đồng dân sự

Theo phương diện chủ quan:

Hợp đồng dân sự là một giao dịch dân sự, trong đó các bên có sự thỏa thuận thống nhất ý chí với nhau nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự cho nhau.

Theo phương diện khách quan:

Hợp đồng dân sự là một loại quan hệ xã hội được quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh và thể hiện dưới một hình thức nhất định.

Dưới góc độ pháp luật, khái niệm hợp đồng dân sự tại Việt Nam được quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó: “Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Hợp đồng dân sự là gì?
Hợp đồng dân sự là gì?

Quy định chung về hợp đồng dân sự

Thuật ngữ hợp đồng dân sự còn được hiểu là quan hệ dân sự phát sinh từ hợp đồng dân sự hay văn bản trong đó chứa đựng các yếu tố và điều khoản của hợp đồng dân sự. Theo quy định của pháp luật, mọi chủ thể của luật dân sự đều có thể là các bên trong hợp đồng dân sự. Hợp đồng dân sự là một tròng các căn cứ hợp pháp, phổ biến, thông dụng làm phát sinh các hậu quả pháp lí với các đặc trưng của quan hệ pháp luật dân sự, trong đó, quyền tự định đoạt của các chủ thể tham gia quan hệ được thể hiện đầy đủ nhất.

Nội dung của hợp đồng dân sự bao gồm các điều khoản xác định quyền, nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm của các bên khi không thực hiện, thực hiện không đúng hợp đồng dân sự. Các điều khoản của hợp đồng dân sự bao gồm: điều khoản cơ bản, điều khoản thông thường, điều khoản tuỳ nghỉ. Điều khoản cơ bản là điều khoản bắt buộc phải có trong hợp đồng dân sự, được coi là điều kiện cần và đủ để hình thành một hợp đồng dân sự. Điều khoản thông thường là điều khoản không buộc các bên phải thoả thuận. Chúng đã được quy định trong các văn bản pháp luật, nếu các bên không thoả thuận thì sẽ áp dụng theo các quy định của pháp luật hoặc được áp dụng theo tập quán nếu không trái với các nguyên tắc cơ bản của luật dân sự. Điều khoản tùy nghỉ là điều khoản do các bên thỏa thuận.

Theo nguyên tắc chung, một trong các bên tham gia hợp đồng dân sự không thể tự ý thay đổi nội dung của hợp đồng dân sự, nếu vi phạm hợp đồng dân sự thì phải chịu trách nhiệm, tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả của việc vi phạm đó. Việc giao kết hợp đồng phải tuân thủ các quy định của các văn bản pháp luật liên quan.

Pháp luật dân sự chỉ quy định một số hợp đồng dân sự thông dụng, thường gặp với tính chất đơn giản, đặc trưng cho hợp đồng dân sự đó. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, những thoả thuận không trái pháp luật, đạo đức xã hội và tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự đều có thể coi là hợp đồng dân sự.

Những thông tin liên quan đến hợp đồng dân sự
Những thông tin liên quan đến hợp đồng dân sự

Đặc điểm hợp đồng dân sự:

Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng dân sự bao gồm những đặc điểm sau:

Thứ nhất, hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên, nhưng là sự thỏa thuận thống nhất ý chí và ý chí đó phải phù hợp với ý chí của Nhà nước.

Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều người mà tạo lập nên một nghĩa vụ làm hoặc không làm một việc cụ thể, nếu chỉ là ý chí của một bên thì đó được gọi là hành vi pháp lý đơn phương. Tuy nhiên, thỏa thuận không dựa trên sự tự nguyện của các bên, tức là không có sự thống nhất ý chí thì hợp đồng dân sự đó bị tuyên vô hiệu khi có yêu cầu. Nguyên tắc của pháp luật dân sự là bình đẳng, dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện thiện chí của các bên nên nếu không có sự thống nhất ý chí thì không được coi là hợp đồng dân sự.Chỉ khi thống nhất ý chí thì quyền và nghĩa vụ dân sự mới phát sinh. Đồng thời, sự thỏa thuận thống nhất ý chí còn phải phù hợp với ý chí của Nhà nước để Nhà nước kiểm soát và cho phép Hợp đồng dân sự phát sinh trên thực tế.

Thứ hai, hợp đồng dân sự là một sự kiện pháp lý làm phát sinh hậu quả pháp lý: Xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên chủ thể.

Sự kiện pháp lý là sự biến hoặc hành vi mà pháp luật quy định khi xuất hiện thì sẽ xác lập, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật. Hợp đồng dân sự là một sự kiện pháp lý, theo đó các bên khi có nhu cầu tham gia giao lưu dân sự nhằm thỏa mãn mục đích của mình sẽ tiến hành thực hiện.

Nghĩa vụ dân sự được phát sinh từ hai nguồn gốc là hành vi pháp lý hoặc sự kiện pháp lý. Sự kiện pháp lý bao gồm các sự kiện, hoặc tự nguyện (như vi phạm) hoặc không tự nguyện; hợp pháp hoặc không hợp pháp mà hậu quả pháp lý cụ thể của chúng được xác định không phải bởi các bên mà bởi pháp luật. Tự nguyện trong sự kiện pháp lý chỉ là tự nguyện đối với hậu quả thiệt hại chứ không tự nguyện đối với hậu quả pháp lý.

Hành vi pháp lý là một sự thể hiện ý chí nhằm làm phát sinh ra một hậu quả pháp lý, có nghĩa là làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một quyền lợi. Sự thể hiện ý chỉ có thể là đơn phương (như đề nghị giao kết hợp đồng) hoặc có thể là đa phương, hay còn gọi là sự thống nhất ý chí, có nghĩa là sự thỏa thuận, mà sự thỏa thuận có mục đích xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền lợi được gọi là hợp đồng. Vậy nên hợp đồng thường được định nghĩa là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều người xác lập nhằm thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên chủ thể.

Thứ ba, nội dung của hợp đồng dân sự là quyền và nghĩa vụ mà các bên chủ thể quy định cho nhau.

Hợp đồng là sự thống nhất của ý chí các chủ thể tham gia giao kết, nội dung của hợp đồng thể hiện rõ ý chỉ đó của các bên trong phần quyền và nghĩa vụ cụ thể. Vì vậy, hợp đồng ít nhất phải có hai bên chủ động cùng nhau tạo lập một quan hệ nghĩa vụ pháp lý cụ thể. Nếu phân tích hợp đồng từ các lời hứa hay sự cam kết, thì hợp đồng có thể được xem là một phương thức mà theo đó người này thương lượng với người khác để có thể tạo ra sự đảm bảo rằng những lời hứa hay sự cam kết của họ có đời sống dài lâu hơn so với những trạng thái dễ thay đổi trong suy nghĩ của họ. Điều này nghĩa là khi đã cam kết thực sự và mong muốn tạo lập ra một hậu quả pháp lý, những người cam kết bị ràng buộc vào cam kết của mình (trừ trường hợp trở ngại khách quan, bất khả kháng) mà pháp luật gọi đó là nghĩa vụ.

Thứ tư, mục đích của hợp đồng dân sự là lợi ích hợp pháp, không trái đạo đức xã hội mà các bên cùng hướng tới: Chỉ khi mục đích của hợp đồng dân sự được chứng minh hoặc được thừa nhận là hợp pháp, không trái đạo đức xã hội thì hợp đồng dân sự mới phát sinh hiệu lực, qua đó quyền và nghĩa vụ của các bên mới có thể thực hiện được trên thực tế.

Các loại hợp đồng dân sự:

Bộ luật dân sự 2015 ghi nhận sáu loại hợp đồng chủ yếu tại Điều 402:

Hợp đồng gồm các loại chủ yếu sau đây:

  1. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
  2. Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.
  3. Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
  4. Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.
  5. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.
  6. Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.

Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.

Hợp đồng dân sự có nhiều loại
Hợp đồng dân sự có nhiều loại

Hình thức của hợp đồng dân sự:

Hợp đồng dân sự bản chất chính là một giao dịch dân sự, trong đó hình thức của giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Hình thức giao kết hợp đồng bằng lời nói thường được áp dụng đối với những giao dịch mà giá trị của hợp đồng không lớn hoặc các bên hiểu biết, tin tưởng nhau, là đối tác lâu năm của nhau, những giao dịch mà xác lập và thực hiện kết thúc nhanh chóng (mua bán ngoài chợ) thường gọi là giao kết bằng miệng, các bên khi xác lập hợp đồng trong trường hợp này cũng có thể chọn người làm chứng tuy nhiên pháp luật không bắt buộc điều này.

Đối với trường hợp mà hợp đồng giao kết bằng hành vi cụ thể thì hai bên không có thỏa thuận bằng văn bản cũng như thỏa thuận bằng miệng. Việc giao kết hợp đồng được minh chứng bằng các hành vi như bên bán tiến hành giao hàng hoặc bên mua tiến hành trả tiền.

Với hình thức bằng văn bản, các bên khi tham gia giao dịch sẽ thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của mình sau đó ghi nhận lại bằng văn bản.

Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản phải được công chứng hoặc chứng thực cụ thể:

“3.Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

  1. a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
  2. b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
  3. c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
  4. d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.”

Nội dung của hợp đồng

Nội dung của hợp đồng dân sự là tổng hợp các điều khoản mà các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận. Các điều khoản đó xác định những quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể của các bên trong hợp đồng.

Điều 398 BLDS quy định về nội dung hợp đồng dân sự, cụ thể:

– Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

– Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

+ Đối tượng của hợp đồng;

+ Số lượng, chất lượng;

+ Giá, phương thức thanh toán;

+ Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

+ Quyền, nghĩa vụ của các bên;

+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

+ Phương thức giải quyết tranh chấp.

Trong các điều khoản nói trên, tùy từng loại hợp đồng mà các bên cần thỏa thuận hoặc không thỏa thuận thì được coi là đã giao kết hợp đồng. Ngoài nhưng nội dung cụ thể này, các bên còn có thể thỏa thuận để xác định với nhau thêm 1 số nội dung khác.

Có thể phân chia các điều khoản trong nội dung của hợp đồng thành ba loại: Điều khoản cơ bản, Điều khoản thông thường và Điều khoản tùy nghi

Nội dung của hợp đồng dân sự
Nội dung của hợp đồng dân sự

Điều khoản cơ bản

Các điều khoản cơ bản xác định nội dung chủ yếu của hợp đồng. Đây là những điều khoản không thể thiếu đối với từng loại hợp đồng. Nếu không thỏa thuận được những điều khoản này thì hợp đồng không thể giao kết được. Điều khoản cơ bản có thể do tính chất của từng hợp đồng quyết định hoặc do pháp luật quy định. Tùy từng loại hợp đồng mà điều khoản cơ bản có thể là đối tượng, giá cả, địa điểm,.. Có những điều khoản đương nhiên là điều khoản cơ bản vì không thỏa thuận tới nó sẽ không thể hình thành hợp đồng.

Ví dụ: Điều khoản về đối tượng luôn là điều khoản cơ bản trong hợp đồng mua bán tài sản. Có những điều khoản vốn dĩ không phải điều khoản cơ bản nhưng các bên thấy cần phải thỏa thuận mới giao kết hợp đồng được thì những điều khoản này cũng là điều khoản cơ bản của hợp đồng sẽ giao kết.

Điều khoản thông thường

Đây là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Nếu khi giao kết hợp đồng, các bên không thỏa thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thỏa thuận và được thực hiện như pháp luật đã quy định.

Khác với điều khoản cơ bản, các điều khoản thông thường không làm ảnh hưởng tới quá trình giao kết hợp đồng. Để giảm bớt công việc không cần thiết trong giao kết hợp đồng, các bên có thể không cần thỏa thuận và không ghi vào hợp đồng nhưng điều khoản mà pháp luật đã quy định nhưng vẫn phải thực hiện các điều khoản đó. Vì vậy, nếu có tranh chấp về những nội dung này thì quy định của pháp luật là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng

Ví dụ: Địa điểm giao tài sản động sản ( đối tượng của hợp đồng mua bán) là tại nơi cư trú của người mua nếu người mua đã trả tiền và trong hợp đồng các bên không thỏa thuận về địa điểm giao tài sản.

Điều khoản tùy nghi

Ngoài những điều khoản phải thỏa thuận vì tính chất của hợp đồng và những điều khoản mà pháp luật quy định, trước khi giao kết hợp đồng các bên có thể thỏa thuận để xác định thêm một số điều khoản khác nhằm làm rõ nội dung của hợp đồng hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đây được coi là các điều khoản tùy nghi

Điều khoản tùy nghi là những điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng tự ý chọn lựa và thỏa thuận với nhau để xác định quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên. Thông qua điều khoản tùy nghi, bên có nghĩa vụ được phép lựa chọn một trong những cách thức nhất định để thực hiện hợp đồng sao cho thuận lợi mà vẫn bảo đảm được quyền yêu cầu của bên kia.

Dựa vào tính chất của các điều khoản tùy nghi, có thể phân chia thành hai loại là tùy nghi ngoài pháp luật và tùy nghi khác pháp luật.

**********

 

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/hop-dong-dan-su-la-gi-phan-tich-cac-dac-diem-cua-hop-dong-dan-su/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Tổng hợp

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button