Phân tích tác phẩmPhân tích tác phẩm văn học lớp 12

Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng (dàn ý +5 mẫu )

Phân tích phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng để thấy được vẻ đẹp tình yêu của người phụ nữ với những biểu hiện thật tinh tế đã được Tmd.edu.vn sưu tầm bao gồm dàn ý và các mẫu chi tiết. Mời các bạn học sinh cùng tham khảo để nâng cao kỹ năng làm văn cho mình nhé !

Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong bài thơ Sóng

Bạn đang xem bài: Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng (dàn ý +5 mẫu )

Dàn ý phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ  Sóng

1. Mở bài

– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói đầy cảm xúc, có sắc thái rất riêng, đậm chất nữ tính của một tâm hồn phụ nữ rất thông minh, sắc sảo, giàu yêu thương. “Sóng” được sáng tác năm 1967, là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

– Giới thiệu về luận đề: Bài thơ “Sóng” là tiếng lòng chân thành, bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

2. Thân bài

– Giới thiệu hình tượng sóng: Là một sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh. “Sóng” là sự ẩn thân, hóa thân của nhân vật trữ tình “em”. Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh diễn tả cụ thể, sinh động những trạng thái, cung bậc tình cảm, tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: nhân hậu, khao khát yêu thương và luôn hướng tới một tình yêu cao thượng, lớn lao.

– Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu:

Thể hiện tiếng nói của trái tim tuổi trẻ mang khát vọng tình yêu muôn thuở (Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế/ Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ).

Khao khát khám phá sự bí ẩn của quy luật tình yêu nhưng không tìm thấy câu trả lời (Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau).

Bộc lộ một tình yêu sôi nổi, đắm say, nồng nàn, mãnh liệt, một nỗi nhớ cồn cào, da diết, chiếm lĩnh cả thời gian và không gian (Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước… Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức…).

Luôn hướng tới một tình yêu thủy chung, son sắt (Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương).

Ước vọng có một tình yêu vĩnh hằng, bất tử để làm đẹp cho cuộc đời (Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ).

– Đặc sắc nghệ thuật: ẩn dụ (mượn hình tượng sóng để thể hiện tình yêu một cách sinh động, gợi cảm); thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt, nhịp nhàng gợi âm vang của sóng; ngôn từ giản dị, trong sáng, hình ảnh thơ giàu sức gợi.

– Bàn luận chung: Bài thơ đã thể hiện nổi bật vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: chân thành, say đắm, nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung, trong sáng, cao thượng. Nó vừa mang nét đẹp tình yêu của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, vừa có nét táo bạo, chủ động đến với tình yêu của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

3. Kết bài

– Đánh giá chung: “Sóng” là bài thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh và của thơ ca Việt Nam hiện đại viết về đề tài tình yêu.

– Khẳng định: Giá trị nhân văn của bài thơ chính là sự khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

Bài mẫu phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng (Mẫu 1)

“Sóng” được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”, xuất bản năm 1968 của nữ nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Quỳnh. Bài thơ nói về tâm trạng, tình yêu mãnh liệt của người con gái khi yêu. Hãy đến với bài thơ bằng nhạc điệu, bài thơ là âm điệu của một cõi lòng bị sóng khuấy động, đang rung lên đồng điệu đồng nhịp với sóng biển. Rạo rực đến xôn xao, khát khao đến khắc khoải, có một hình tượng sóng được vẽ lên bằng âm điệu, một âm điệu dập dồn, chìm nổi, miên man như hơi thở chạy suốt cả bài.

Sắc điệu trữ tình của bài thơ được gợi lên từ hình tượng sóng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình xôn xao trong lòng người con gái đang yêu khi đứng trước biển ngắm nhìn những con sóng vô hồi, bất tận. Sóng là một hình tượng ẩn dụ, đó là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của nữ sĩ, lúc thì hòa nhập, lúc sự phân thân của “em” – người con gái đang yêu một cách say đắm. Sóng đã khơi gợi một hồn thơ phong phú, hồn nhiên, sôi nổi. Thông qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã có một cách nói rất hay để diễn tả tâm trạng của người con gái.

Thật tự nhiên và thơ mộng, con sóng nhớ bờ nên ngày đêm sóng vỗ, sóng thao thức với thời gian và đại dương. Cũng giống như bên đợi thuyền, thuyền nhớ bến, lúc nào lòng người con gái cũng bồi hồi nhớ thương:

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

“Còn thức” tức là lúc nào em cũng nhìn thấy rõ hình bóng anh, ánh mắt anh … Một tình yêu cuồng nhiệt, say mê. Con sóng khao khát được đến bờ để được vỗ về, ve vuốt:

“Hôn thật khẽ thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi”

(Xuân Diệu)

Cũng như “em” muốn được gần bên anh, được hòa nhịp vào trong tình yêu với anh. Tình yêu của người con gái thật mãnh liệt, nồng nàn. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được tới bờ, cũng như anh và em sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau, để sống trong hạnh phúc trọn vẹn của lứa đôi.

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng nhỏ

Con nào cũng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”

Người con gái đã bày tỏ lòng mình một cách chân thành, say đắm, thắm thiết. Chân thật và thủy chung là đặc tính của tình yêu:

“Dẫu xuôi về phương Bắc…

Hướng về anh một phương”.

Sóng đã bày tỏ nỗi lòng của người con gái, khát vọng được sống hết mình trong một tình yêu đẹp, sắt son thủy chung. Người ta thường nói xuôi vào Nam, ngược ra Bắc; nhưng ở đây, trong nỗi nhớ chất đầy nhà thơ lại dùng ngược lại. Từ đó nhà thơ đã nói đến nỗi nhớ bất chấp vạn vật, khoảng cách, tình yêu là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn không có giới hạn.

Cuối cùng sóng đã nói hộ nhà thơ nỗi khát vọng được sống trọn vẹn trong tình yêu. Tình yêu lứa đôi đẹp đẽ, nồng nàn như trăm ngàn con sóng nhỏ giữa đại dương mênh mông, muốn được hoà nhịp vào biển lớn của tình yêu cộng đồng:

“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”

Cả bài thơ, nếu kể đến nhan đề, thì tác giả đã mười một lần nhắc đến từ “sóng”. Sóng vỗ như tâm tình xôn xao. Sóng cho ta nhiều ấn tượng về âm điệu của sóng, cũng như giọng điệu tâm tình, nhịp điệu của bài thơ. Thơ hồn nhiên, liền mạch về cảm xúc, trong sáng trong cách diễn đạt của tác giả. Sóng vỗ trên đại dương mênh mông cũng chính là sóng vỗ trong lòng người con gái.

Từ hình tượng “sóng” Xuân Quỳnh cho ta thấy rõ vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Với tình yêu chân thành, thắm thiết, người phụ nữ muốn sống hết mình, sống trọn vẹn trong tình yêu đẹp. Yêu là nhớ ngày mong đêm, người phụ nữ khát khao được hòa nhập gần gũi trong tình yêu ấy. Họ yêu thật nồng nàn, say đắm, thủy chung.

Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào những năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam ở vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi sân ga, bến nước, gốc đa, sân trường diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ. Cho nên có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới càng thấy rõ nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu.

“Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được”

Đọc xong bài thơ Sóng ta càng ngưỡng mộ hơn những con người phụ nữ Việt Nam, những con người luôn thủy chung, luôn sống hết mình vì một tình yêu. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu lứa đôi, bà đã làm phong phú hơn cho nền thơ nước nhà.

Bài mẫu phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng (Mẫu 2)

Xuân Quỳnh được biết đến là một trong những số ít nhà thơ thời kỳ kháng chiến chống Mĩ viết về đề tài tình yêu. Thơ Xuân Quỳnh đặc trưng bởi tâm hồn của người phụ nữ lúc tươi tắn đầy trắc ẩn lúc đằm thắm và khao khát hạnh phúc bình dị đời thường. Tiêu biểu nhất trong đời thơ Xuân Quỳnh là bài thơ “Sóng”. “Sóng” được Xuân Quỳnh sáng tác trong chuyến đi thực tế đến vùng biển Diêm Điền năm 1967, được in trong tâp “Hoa dọc chiến hào”, bài thơ viết về tình yêu rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. “Sóng” để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc bởi vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Và từ đó, ta có thể cảm nhận được tình yêu của giới trẻ hiện nay cũng rất đẹp và trong sáng.

Mở đầu bài thơ, Xuân Quỳnh đã diễn tả trạng thái của sóng và đồng hành theo đó là tâm trạng người phụ nữ đang yêu với nghệ thuật ẩn dụ đầy độc đáo:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Với nghệ thuật đối lập: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ, Xuân Quỳnh đã thể hiện một cách chân thực tâm trạng người phụ nữ đối với tình yêu, lúc thì dịu dàng, đằm thắm, khi thì khao khát, mãnh liệt. Điều đó cho thấy trong tận sâu thẳm tâm hồn, người phụ nữ trong tình yêu luôn có những mâu thuẫn, thể hiện nội tâm phong phú và là điều thường tình đối với người con gái đang yêu. Vậy mới thấy họ đáng yêu như thế nào.

Xuân Quỳnh rất tài tình khi sử dụng nghệ thuật nhân hoá: “Sông không hiểu nổi mình – Sóng tìm ra tận bể”. Nếu sông không hiểu được bản thân mình như thế nào thì sóng sẽ không do dự, sẵn sàng từ bỏ sông để tìm ra bể lớn, đến nơi rộng mênh mông, cũng giống như người phụ nữ trong tình yêu, họ sẵn sàng bỏ tất cả những điều nhỏ nhen, ích kỷ, tìm đến với tình yêu lớn lao.

Vậy mới thấy quan niệm độc đáo, mới mẻ của Xuân Quỳnh về tình yêu.

Khổ thơ thứ hai được Xuân Quỳnh viết nên với niềm bồi hồi đầy sâu lắng:

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sao vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

Từ “Ôi” cảm thán được thốt lên như đi sâu vào lòng người đọc. Một từ “Ôi” làm trái tim bao người xốn xang, rộn ràng vì tình yêu, nhất là tuổi trẻ. Lại thêm “ngày xưa”, “ngày sau”, “vẫn thế” như đinh ninh rằng tình yêu vẫn luôn và sẽ tồn tại mãi mãi cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Câu thơ “Nỗi khát vọng tình yêu” thể hiện khao khát mãnh liệt về tình yêu làm bao người trẻ phải “bồi hồi” nơi lòng ngực. Xuân Quỳnh rất thấu hiểu điều ấy, nó như chắc chắn thêm nữa tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu đẹp biết bao.

Tiếp đến Xuân Quỳnh thắc mắc nghĩ đến nguồn gốc đầy bí ẩn của tình yêu mà không ai có thể lý giải một cách tường tận:

Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên

Đứng trước sóng bể bao la, rộn lớn mênh mông, em nghĩ đến anh đầu tiên, rồi nghĩ đến em, sau cùng em nghĩ về biển lớn. Chỉ như vậy thôi cũng đủ thấy sự trân trọng của em đối với anh, đối với tình yêu giữa anh và em như thế nào. Đọc những câu thơ ấy, ta không thể phủ nhận vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu, thật trong sáng biết bao. Câu hỏi tu từ cuối khổ “Từ nơi nào sóng lên?” như một nỗi niềm bâng khuâng về ngưồn gốc tình yêu.

Và không chờ đợi lâu hơn nữa, Xuân Quỳnh đã tự mình lý giải về nguồn gốc của tình yêu:

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau?

Xuân Quỳnh đã tìm được nguồn gốc của sóng “Sóng bắt đầu từ gió”, nhưng lại tiếp tục boăn khoăn khi không thể lý giải được gió bắt đầu từ đâu, em đã “chịu thua” mà thốt nên câu “Em cũng không biết nữa”. Lại tiếp câu thơ “Khi nào ta yêu nhau?” là một câu hỏi không có câu trả lời. Tình yêu thật dịu kỳ biết bao, nó đến mà không biết lúc nào nó đến. Vâng! Có yêu tha thiết thì mới nghĩ nhiều về tình yêu, về nguồn gốc của tình yêu đến thế. Càng tôn nên vẻ đẹp nơi tâm hồn của người con gái khi yêu.

Có thể nói khổ thơ thứ năm rất đặc sắc, đó chính là nỗi nhớ nhung da diết em dành cho anh:

Con sóng trên mặt nước

Con sóng dưới lòng sâu

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Nghệ thuật nhân hoá vô cùng độc đáo, Xuân Quỳnh đã tinh tế khi khắc họa nỗi nhớ của sóng đối với bờ “Con sóng dưới lòng sâu – Con sóng trên mặt nước – Ôi con sóng nhớ bờ – Ngày đêm không ngủ được”, “dưới lòng sâu” rồi lại “trên mặt nước”, từ nỗi nhớ không thể nhìn thấy cho đến nỗi nhớ thấy rõ mồn một, Xuân Quỳnh đã rất thành công về việc thể hiện nỗi nhớ của sóng, nỗi nhớ ấy rất mãnh liệt và lâu dài tồn tại cả ngày lẫn đêm. Từ nỗi nhớ của sóng đối với bờ, Xuân Quỳnh liên hệ đến nỗi nhớ em dành cgo anh, nỗi nhớ ấy cũng không kém phần mãnh liệt so với nỗi nhớ của sóng. Nỗi nhớ của em tồn tại trong ý thức, xen lẫn cả vào tiềm thức. Có ai đó đã nói rằng nhớ chính là nhắc nhở mình đang yêu. Phải có yêu thì mới có nhớ, có yêu sâu đậm thì mới nhớ mãnh liệt. Một lần nữa, ta không thể phủ nhận nét đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

Truyền thống làm nên nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam chính là lòng thủy chung. Và Xuân Quỳnh đã kgẳng định lòng thủy chung son sắt và sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để đến với tình yêu qua khổ thơ thứ sáu và bảy:

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫn ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dẫu muôn vời cách trở

Nghệ thuật điệp cấu trúc rất độc đáo: “Dẫu…Dẫu” đã giúp Xuân Quỳng thể hiện lòng thủy chung của em đối với anh. Hai câu thơ đầu khổ sáu vô cùng đặc biệt “Dẫu xuôi về phương Bắc

– Dẫu ngược về phương Nam”, đáng lẽ phải là xuôi Nam, ngược Bắc, nhưng điều đó có gì quan trọng? Khi yêu, dù cho mọi trật tự đều đảo lộn thì em vẫn một mực thủy chung, dù cho em ở bất kỳ nơi nào thì em vẫn luôn hướng về một phương, đó là phương anh. Chính tình yêu mặn nồng tha thiết mà cả trăm ngàn con sóng dù ở xa rất xa bờ nhưng chúng vượt qua tất cả khoảng cách địa lý để tìm đến bờ, đó là lẽ tự nhiên. Ẩn ý đằng sau ấy chính là nói lên em cũng sẽ như sóng kia, dù cho có bao chông gai, trở ngại em sẽ vượt qua tất cả để đến với anh, với tình yêu của đôi ta. Như ca dao có câu: “Thương nhau mấy núi cũng trèo – Mấy sông cũng lội, vạn đèo cũng qua”

Người phụ nữ vốn rất nhạy cảm, trong tình yêu lại càng nhạy cảm hơn. Nếu ở hai khổ thơ trước, em rất lạc quan, tự tin vào tình yêu thì ở khổ thơ tiếp theo, em lại lo lăng, trăn trở về cuộc đời

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Xuân Quỳnh ý thức rất rõ về cái hữu hạn của cuộc sống, dẫn cuộc đới có dài đến đâu thì thời gian vẫn trôi đi mà không chờ đợi ai bao giờ, cũng giống như biển dẫu rộng lớn, vô tận thì mây vẫn bay về nơi xa.

Chính vì ý thức được sự hữu hạn của cuộc đời nên Xuân Quỳnh khao khát được như sóng, tan vỡ rồi lại “tái sinh”, tồn tại mãi mãi giữa đại dương mênh mông, điều đó thật giống với tình yêu của em, sống mãi với tình yêu rộng lớn của cộng đồng:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàm năm còn vỗ.

Xuân Quỳnh đã rất thành công trong việc sử dụng thể thơ năm chữ, dễ đi vào lòng người, lấy hình tượng sóng để diễn tả tâm trạng người phụ nữ, bên cạnh đó còn có các nghệ thuật nhân hoá, đối lập, ẩn dụ…thể hiện vẻ đẹp tinh tế của người phụ nữ trong tình yêu, một tâm hồn nhạy cảm, sâu lắng mà cũng mãnh liệt đầy ý nhị.

Tình yêu của sóng và em có lẽ đã kết thúc trong bài thơ, nhưng đó chỉ là mới bắt đầu cho tình yêu của giới trẻ ngày nay. Tình yêu giới trẻ ngày nay rất phong phú, rộng lớn, gồm nhiều khía cạnh.
Gần gũi với chúng em chính là tình yêu tuổi học trò. Tình yêu ấy rất trong sáng, nhẹ nhàng, có khi lại rất lãng mạn. Nhiều người thường cho rằng yêu ở tuổi học trò sẽ ảnh hưởng đến việc học, sức khoẻ, gia đình…nhưng đó chỉ là quan niệm riêng của họ.

Tình yêu tuổi học trò có thể được giới trẻ xem là động lực, là niềm tin để giúp các bạn trở thành đôi bạn cùng tiến, cùng học tập tốt hơn, cùng phấn đấu cho tương lai tươi sáng phía trước. Có những lúc điểm thấp, mâu thuẫn bạn bè hay gặp chuyện đau buồn trong cuộc sống, các bạn động viên, an ủi nhau, thể hiện sự cảm thông để đối phương cảm thấy dễ chịu hơn và sẽ vượt qua tất cả khó khăn để vươn lên sống tốt, học tập tốt.

Tình yêu tuổi học trò còn giúp giới trẻ hoàn thiện nhân cách, điều chỉnh hành vi đạo đức cho phù hợp. Các bạn bỏ qua lỗi lầm cho nhau, đặt mình vào trường hợp của đối phương. Vậy mới thấy tính nhỏ nhen, ích kỷ dù ít hay nhiều tồn tại trong mỗi con người đã không còn là trở ngại (nói như vậy không có nghĩa là ai cũng có tính nhỏ nhen, ích kỷ, trong xã hội vẫn có nhiều bạn trẻ sống rất vị tha, bao dung). Bên cạnh đó, tình yêu tuổi học trò có khi còn cảm hoá được những bạn “cứng đấu”, có thể trước khi yêu, các bạn ấy chỉ mãi miết chơi bời, tụ tập đánh nhau, không lo học hành, hay cãi lời gia đình (chỉ một số ít), nhưng khi tình yêu đến, các bạn sẽ vì tình yêu, vì người mình yêu mà từ bỏ những cái vô bổ, sửa đổi bản thân, siêng năng học tập để chứng minh cho tình yêu của mình. Tình yêu như thế thật đáng trân trọng và đẹp biết bao.
Thêm một tình yêu có phần đặc biệt, đó chính là tình yêu đồng giới không hiếm gặp trong giới trẻ hiện nay. Đa số mọi người trong xã hội hiện nay có cái nhìn không mấy thiện cảm về tình yêu đồng giới, có người còn cho đó là “bệnh” , là sai trái, là đáng lên án, bên cạnh đó còn có rất nhiều lời nói, những hành động thiếu tôn trọng và thể hiện sự kỳ thì của họ đối với tình yêu đồng giới, với những người đồng tính vì họ cho rằng tình yêu ấy đi ngược lại với quy luật tự nhiên, với truyền thống và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều có suy nghĩ như vậy, một số ít người vẫn thấu hiểu, cảm thông và ủng hộ tình yêu đồng giới. Tình yêu ấy không có gì khác so với tình yêu khác giới, họ vẫn yêu chân thành, tha thiết bằng cả trái tim, chỉ khác là người họ yêu cũng có giới tính giống họ. Tình yêu đồng giới cũng đẹp và trong sáng như bao tình yêu khác. Họ – những người đồng tính vẫn yêu, vẫn nhớ về người mình yêu, vẫn nghĩ về tình yêu của mình, và họ vẫn luôn ra sức vun vén bồi đắp cho tình yêu. Những người yêu nhau cũng cùng nhau học tập, làm việc để xây đắp tương lai cho nhau, cùng bổ sung những khiếm khuyết cho nhau để có thể cùng nhau sống tốt, lo lắng, chăm sóc nhau. Cũng có lúc họ xảy ra mâu thuẫn, cãi vã nhưng sau đó, họ tha thứ cho nhau và dường như hiểu và yêu nhau nhiều hơn.

Nhiều bạn trẻ còn dành thời gian cùng nhau để làm những việc có ích cho xã hội như thăm và chăm sóc các cụ ở viện dưỡng lão (do Asian Librarys thực hiện), cùng chơi đùa và dạy các em nhỏ học tập…những việc làm của họ tuy nhỏ nhưng đã góp phần nào đó để làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Thử hỏi tình yêu như vậy thì có gì là sai trái, là đáng lên án, là không xứng đáng?

Một tình yêu to lớn và đáng ca ngợi, đó là tình yêu quê hương, Tổ quốc, gia đình, yêu cả những người dân Việt Nam. Ở nước ta hiện nay, ngày càng nhiều các ban trẻ sẵn sàng gác lại chuyện học tấp để xây dựng tương lai mà lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng. Có khi rời đất liền, rời quê nhà thân thuộc, xa gia đình thân thương để đến với nơi hải đảo xa xôi, vùng biên giới, vùng đồi núi hiểm trở để thực hiện nghĩa vụ cao cả – bảo vệ Tổ quốc.

Tuy chặng đường ấy đầy khó khăn, gian khổ, nhưng với tình yêu tha thiết của mình, họ – những người bạn trẻ luôn khắc sâu trong tim hai tiếng quê hương – luôn ở tinh thần và tư thế sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại để theo đuỗi tình yêu lớn lao. Không những vậy, giới trẻ ấy còn thể hiện truyền thống của dân tộc Việt Nam, đó là tinh thần đoàn kết. Ở nơi quân ngũ, các bạn đến từ rất nhiều nơi, có kẻ Nam người Bắc, tuy khác nhau thứ tiếng, đặc trưng của từng vùng miền, nhưng đều giống nhau ở chỗ trái tim họ đập chung một nhịp đập, đập vì Tổ quốc thân yêu, gia đình yêu thương, họ sẵn sàng hoà nhập, cùng tập luyện, học tập Đảng, sinh hoạt đoàn…

Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận giới trẻ vì tình yêu mà có những hành động thiếu suy nghĩ, gây hại cho mình, cho người (hiện tượng đánh nhau giành người yêu, đánh ghen, nguy hiểm hơn nữa là giết nhau vì tình). Bên cạnh đó, giới trẻ yêu không đúng chuẩn mực làm học tập sa sút, ảnh hưởng gia đình, cha mẹ lo lắng, buồn khổ. Cũng có một bộ phận giới trẻ yêu một cách cuồng dại, non nớt dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sau (như việc mang thai khi chưa đủ tuổi và chưa chuẩn bị tinh thần gây ảnh hưởng đến sức khoẻ mẹ và bé,…). Và cũng có một số bạn trẻ rất hẹp hồi, ích kỷ trong tình yêu, ghen tuông một cách mù quáng. Tình yêu ấy thật đáng chê trách và đáng suy ngẫm, không nên xảy ra trong xã hội, để xã hội tươi sáng, tốt đẹp hơn.

“Sóng” là bài thơ rất hay về tình yêu của Xuân Quỳnh, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Xuân Quỳnh cũng như vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Và cũng rất gần gũi với tình yêu giới trẻ hiện nay, thật đẹp và tinh khiết. Riêng em, tình yêu còn tùy vào “duyên” và yêu sao cho phải đạo, để mọi người không lên án, để gia đình không lo lắng, buồn phiền mà còn cảm thấy vui và tự hào.

 Bài mẫu phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng (Mẫu 3)

Xuân Quỳnh từng viết “Thơ với cuộc sống cũng như người con gái đối với gia đình, cái để làm quen là nhan sắc nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh.”. Đó là quan niệm về thơ ca, và cũng là quan niệm về con người mà nữ sĩ thể hiện trong các tác phẩm của mình. Nữ sĩ không tả dáng mày hàng mi mà đi vào thế giới nội tâm của người phụ nữ để khám phá. Đó cũng là những điều mà nhà thơ muốn gửi gắm thông qua bài thơ “Sóng”. Mượn hình tượng sóng, nhà thơ đã nói lên những suy nghĩ, chiêm nghiệm về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

Xuân Quỳnh là nhà thơ nổi bật trong phong trào thơ thời chống Mĩ cứu nước. Các tác phẩm của Xuân Quỳnh là tiếng nói đậm đà của cảm xúc, mang thiên tính nữ của một tâm hồn phụ nữ luôn khát khao yêu thương. “Sóng” được sáng tác năm 1967 nhân chuyến đi vào Diêm Điền, Thái Bình của nữ sĩ. Hình tượng sóng là hình tượng trung tâm của tác phẩm, là hóa thân của nhân vật trữ tình “em”. Thông qua hình tượng sóng, nhà thơ bộc lộ những khám phá của mình về tình yêu và còn để thể hiện, khắc họa nét đẹp của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

Người phụ nữ hiểu được trái tim mình cũng là hiểu được những quy luật trong tình yêu:

“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”

Sóng mang trong mình những đối cực “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ”. Đó cũng là những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ trong tình yêu. Con sóng thiên nhiên lúc dữ dội lúc dịu êm thì tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu cũng có lúc êm đềm khi lại giông tố. Giữa những đối cực, nhà thơ đặt một liên từ “và”. Từ “và” đã thể hiện sự song song giữa các đối cực. Sự tinh tế còn nằm ở trật tự sắp xếp từ. Con sóng tự nhiên bao giờ cũng đổ về phía dịu êm, cũng như người phụ nữ trong tình yêu bao giờ cũng mang nhiều hơn những nét dịu dàng, mang đậm tính nữ. Người phụ nữ đã khám phá ra một quy luật trong tình yêu: tình yêu cũng giống như sóng, đó không phải là một trạng thái tâm lý thuần nhất mà là sự hòa kết của những trạng thái đối lập giống như nốt trầm bổng của một bản nhạc.

Sự chảy trôi, hành trình của mỗi cơn sóng còn là khám phá về một quy luật nữa của tình yêu mà người phụ nữ đã nhận ra khi đứng trước muôn trùng bể:

“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”

Những con sóng luôn có xu hướng tìm ra biển lớn. “Sông” chính là những giới hạn con sóng phải vượt qua để đến biển. Người phụ nữ ở đây đã thấm nhuần một chân lý: hành trình sóng ra biển cũng là hành trình con người tìm đến với tình yêu. Muốn đến được bến bờ hạnh phúc, mỗi chúng ta đều cần vượt qua những giới hạn cá nhân chật hẹp để hòa nhập vào biển đời rộng lớn. Đó là hành trình dấn thân tự nguyện và được sống trọn vẹn là mình.

Khám phá sóng trong những chiều kích không gian, người phụ nữ còn đứng ở hiện tại để nhìn sóng trong những chiều thời gian khác nhau để khám phá ra một quy luật:

“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”

Từ ngày xưa cho đến ngày sau, sóng vẫn mãi vỗ nhịp ngoài đại dương, làm nên sức sống cho biển cả. Tình yêu cũng thế, tình yêu muôn đời vẫn mãi rạo rực trong trái tim, làm nên sự sống, làm nên sức trẻ cho con người. Người phụ nữ đã nhận ra: tình yêu không có tuổi, và một trái tim luôn yêu là một trái tim trẻ mãi bất kể sự chảy trôi của thời gian. Chính vì thấu hiểu trái tim yêu nên người phụ nữ, bằng cảm xúc chứ không phải bằng lý trí, đã khám phá ra những quy luật muôn thuở trong tình yêu như thế.

Đã hiểu thì muốn hiểu cho đến tận cùng. Người phụ nữ với trái tim yêu luôn mang trong mình khát khao khám phá cội nguồn của tình yêu:

“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?”

Những con sóng trong “muôn trùng sóng bể” lúc ẩn lúc lại trào lên cũng như những băn khoăn, trăn trở trong lòng người phụ nữ. Nương theo những con sóng, “em” bắt đầu hành trình tìm kiếm nơi khởi nguồn của tình yêu, phân tích, lý giải bản chất của tình yêu. Đó cũng là mong muốn luôn đời của biết bao đôi lứa. Băn khoăn là thế, tìm về câu trả lời thì người phụ nữ lại chăng thể lý giải nổi:

“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”

Đoạn thơ vừa là sự thú nhận về sự bất lực của người phụ nữ trên hành trình tìm kiếm cội nguồn tình yêu vừa là sự thức nhận sâu sắc về một chân lý: tình yêu là điều huyền diệu của cuộc sống, con người chỉ có thể cảm nhận chứ không thể truy tìm được nơi khởi nguồn và cũng không thể bao giờ cắt nghĩa được tình yêu.

Người phụ nữ hiện lên tựa như con sóng ngày đêm không thôi tiếng hát của một tâm trạng luôn tràn ngập nhớ nhung:

“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”

Điệp từ “sóng” gợi hình những con sóng nhớ thương cứ dâng lên dào dạt, hết lớp này đến lớp khác trong trái tim của người phụ nữ, vừa gợi ra nhịp dạt dào sôi trào trong lòng của người phụ nữ lắng sâu với nỗi nhớ thương. Sự tương phản “ngày” – “đêm”, “trong lòng sâu” – “trên mặt nước” khiến nỗi nhớ bao trùm các chiều thời gian, chiếm lĩnh các chiều không gian. Người đọc như hình dung trái tim người con gái đáng yêu giống như một đại dương mênh mông không lúc nào yên lặng với những con sóng của nhung nhớ. Tình yêu sôi nổi, nỗi nhớ nhung đậm sâu khiến “em” phải thốt lên:

“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”

Nỗi nhớ không chỉ hiện diện trong ý thức của người phụ nữ mà còn lắng sâu vào tâm thức để hiện ra trong những giấc mơ. Cái dạt dào, sôi trào, cái da diết, sâu lắng của nỗi nhớ thương đã khiến những con sóng tràn bờ. Dung lượng câu thơ từ bốn thành sáu câu để biểu đạt đến tận cùng của nỗi nhớ. Tâm hồn người phụ nữ sôi nổi, đắm say, nồng nàn và mãnh liệt với một nỗi nhớ cồn cào, da diết.

Yêu sâu đậm, nên người phụ nữ còn mang vẻ đẹp của một tấm lòng son sắt, thủy chung:

“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”

Nhà thơ đã đặt khái niệm “phương anh” bên cạnh “phương bắc”, “phương nam” để phân biệt hai chiều không gian: không gian địa lý và không gian tình yêu. Nếu trong không gian địa lý của bốn phương tám hướng và bước chân con người có thể lạc lối thì trong không gian tình yêu, “em” chỉ biết đến một phương duy nhất là anh. Các chữ “ngược”, “xuôi” vừa thể hiện một tình yêu bền vững được thử thách qua hình thành chính lên thác xuống ghềnh vừa thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ lấy điểm tựa là tình yêu để lo toan ngược xuôi trong hành trình khác nhau của cuộc sống. Đoạn thơ là hình ảnh của một trái tim yêu chân thành.

Người phụ nữ yêu chân thành, luôn khát vọng nên trái tim cũng giàu niềm tin:

“Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”

“Em” đứng trước hình ảnh sóng xô bờ, lặng ngắm những lớp sóng vượt qua mọi sự rộng dài của không gian và thời gian để chính mình nắm giữ niềm tin vào đích đến cuối cùng của bản thân. Tựa như con sóng ấy, người phụ nữ cũng có thể vượt qua lên tất cả, chinh phục chặng đường dài để tìm kiếm và nắm giữ tình yêu, để đến với điểm cuối là bến bờ hạnh phúc.

Dù tin tưởng vào trái tim mình nhưng người phụ nữ vẫn mang những nét lo âu về sự chảy trôi của thời gian:

“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”

“Em” lo rằng biển rộng nhưng mây vẫn khuất lấp theo cơ gió đưa đi xa, như tình yêu cũng không mãi là vĩnh viễn, cũng có thể phai nhạt trong dòng chảy của thời gian. Đó là nét đẹp của một tâm hồn đa sầu đa cảm, của một trái tim nhạy cảm trước tình yêu.

Dù có lúc trầm lúc bổng nhưng trái tim người phụ nữ luôn ước vọng có một tình yêu vĩnh hằng:

“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”

Những con sóng nhỏ mãi tồn tại trong cái vô tận của và vĩnh hằng của biển cả. Người phụ nữ mong muốn được hóa thân thành những con sóng ấy, để cũng được sống mãi trong “biển lớn tình yêu”, để trái tim mãi rạo rực nhịp đập yêu thương. Yêu không chỉ là khát vọng mà nó dường như đã trở thành tín ngưỡng của người phụ nữ, đủ lớn và đủ thiêng liêng để họ sẵn sàng hóa thân, hy sinh và cống hiến.

Nhà thơ đã mượn hình ảnh sóng, cho sóng một tâm hồn, biến sóng thành một chủ thể tâm trạng để thể hiện trái tim yêu của người phụ nữ. Thể thơ năm chữ, nhịp điệu câu thơ linh hoạt, biến chuyển, đặc biệt là sự phá cách từ bốn chữ sang năm chữ ở khổ thơ thứ năm đã khắc họa sâu hơn, thể hiện rõ ràng sự chảy tràn của những nhịp yêu trong trái tim người phụ nữ. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, hình ảnh thơ giàu sức gợi.

Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu thể hiện qua hình tượng sóng vừa mang những nét truyền thống vừa mang những nét hiện đại. Sự gắn kết hài hòa chuyển thành sự hòa kết trong một tâm hồn đã tạo ra nét rất riêng cho vẻ đẹp người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh. Đó cũng là nét nghĩ suy, nét thương nét nhớ của chính Xuân Quỳnh, là sự gửi gắm chính mình của tác giả cho câu thơ.

Bài mẫu phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng (Mẫu 4)

Xuân Quỳnh thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của người phụ nữ giàu yêu thương, luôn khao khát tình yêu, trân trọng, nâng niu hạnh phúc bình dị, đời thường, nhiều trăn trở, lo âu. Sóng” được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế tại vùng biển Diêm Điền, đây là một trong những bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ của Xuân Quỳnh. Bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ tiêu biểu cho phong cách Xuân Quỳnh, tìm hiểu bài thơ ta bắt gặp vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu với những biểu hiện thật tinh tế.

Với sự sáng tạo hình tượng độc đáo – hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh đã có cách độc đáo để khám phá vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Mượn hình tượng sóng để diễn tả khát vọng tình yêu là tứ thơ quen thuộc của thơ ca từ xưa đến nay: “Tình anh như sóng dâng cao – Tình em như dãy lụa đào tẩm hương” (Ca dao); “Anh xin làm sóng biếc – Hôn mãi cát vàng em” (Xuân Diệu). Nét riêng của bài thơ “Sóng” là kết cấu trên cơ sở tương đồng giữa sóng (biểu tượng cho tâm hồn người con gái đang yêu) và em (cái tôi trữ tình của nhà thơ). Hai hình tượng này có lúc phân đôi ra để soi chiếu vào nhau, có lúc lại đan cài, quấn quýt vào nhau, bổ sung cho nhau, nhằm diễn tả một cách mãnh liệt, sâu sắc khát vọng tình yêu đang cuộn trào trong trái tim người phụ nữ.

Qua hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh đã khám phá vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu với những cung bậc tâm trạng, cảm xúc thật đặc biệt.

Ở khổ đầu, Xuân Quỳnh nhờ sóng để nhận thức tình yêu trong lòng mình.

Dữ dội …………..tận bể

Sóng được biểu hiện ở những trạng thái trái ngược nhau: “Dữ dội” – “Dịu êm”; “Ồn ào” – “Lặng lẽ”. Đây là biểu hiện thường thấy của những con sóng ngoài biển khơi, lúc biển động phong ba, sóng “ồn ào”, “dữ dội”; khi trời yên biển lặng, sóng “lặng lẽ”, “dịu êm”. Những đối cực ấy đôi khi thật rõ ràng, có thể dự báo trước, nhưng nhiều lúc cũng khó đoán, thất thường và hết sức bất ngờ. Tâm hồn người con gái đang yêu cũng như sóng vậy, lúc hờn ghen, giận dữ, lúc nhẹ nhàng, dịu dàng, lắng sâu. Tình yêu là vậy nó vốn mang trong mình những đối cực, mâu thuẫn nhưng đó là những mâu thuẫn thống nhất, biểu hiện của một trái tim chân thành, mãnh liệt.

Hành trình tìm về biển lớn của con sóng cũng giống như trái tim người con gái đang yêu không chấp nhận sự ràng buộc nhỏ hẹp, tầm thường. Trái tim ấy luôn hướng tới cái cao cả, lớn lao, vươn tới một tình yêu đích thực, có sự đồng điệu trong tâm hồn. Người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh tìm đến tình yêu thật chủ động và tự tin, thật mạnh mẽ, vượt qua mọi rào cản để đến với một tình yêu đích thực.

Từ nhận thức tình yêu trong lòng mình, nhận thức giá trị đích thực của tình yêu, Xuân Quỳnh mượn hình tượng sóng để khám phá quy luật vĩnh hằng của tình yêu.
Ôi con sóng……………ngực trẻ

Sóng vĩnh hằng với thời gian, con sóng ngày xưa và ngày sau vẫn thế; từ ngàn xưa, sóng đã xôn xao vỗ vào bờ đá, cho đến ngàn sau, sóng vẫn vậy, muôn đời vẫn thế. Cũng như sóng, khát vọng tình yêu là khát vọng muôn thuở của nhân loại, khát vọng mãnh liệt nhất của tuổi trẻ. Khát vọng tình yêu là khát vọng vĩnh viễn của con người, con người sống không thể thiếu tình yêu, còn tồn tại là còn yêu.

Từ những con sóng biển, tác giả đã liên tưởng đến khát vọng tình yêu, và “khi tình yêu đến”, như một lẽ thường tình, con người có nhu cầu tìm hiểu, cắt nghĩa tình yêu trong lòng mình. Người con gái đnag yêu trong bài thơ “Sóng” cũng thế:
Trước muôn trùng ………………..yêu nhau?

Xuân Quỳnh đã mượn sóng để cắt nghĩa tình yêu, nhưng chỉ có thể lí giải “Sóng bắt đầu từ gió”, vậy còn “Gió bắt đầu từ đâu?”, Xuân Quỳnh không trả lời được nên chỉ còn tự thú sự bất lực của mình một cách dễ thương, như cái lắc đầu đáng yêu: “Em cũng không biết nữa – Khi nào ta yêu nhau?. Ca dao xưa có câu: “Gió sao gió mát sau lưng – Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”, Đến cả “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu cũng phải thốt lên : “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?” thì chúng ta mới thấy rằng tình yêu còn một bí ẩn đầy sức mời gọi. Nay Xuân Quỳnh đã bộc lộ một cách dễ thương, hồn nhiên, ý nhị mà sâu xa. Tình yêu cũng như sóng biển và gió trời, làm sao mà hiểu hết, nó cũng hồn nhiên, tự nhiên như thiên nhiên và cũng bất ngờ, khó hiểu như thiên nhiên.

Sóng luôn vận động như tình yêu gắn liền với những khát khao, trăn trở không yên. Người phụ nữ đang yêu da diết nhớ nhung, Xuân Quỳnh đã thể hiện nỗi nhớ trong tình yêu bằng những lời nồng nàn, tha thiết:

Con sóng …………còn thức

Tình yêu thường gắn với nỗi nhớ, nhất là khi xa cách. Nhưng đó không phải là nỗi nhớ nhẹ nhàng mà là nỗi nhớ mãnh liệt, cồn cào, khắc khoải như những đợt sóng biển triền miên vô hồi, vô hạn, bao trùm không gian, chiếm trọn mọi thời gian: “Ôi con sóng nhớ bờ – Ngày đêm không ngủ được”. Mượn sóng vẫn chưa đủ, chưa thỏa, nhà thơ còn trực tiếp bộc lộ nỗi lòng: “Lòng em nhớ đến anh- Cả trong mơ còn thức”. Nhớ đến cả trong mơ, quả là một nỗi nhớ thường trực, choán đầy cõi lòng, không chỉ ở trong ý thức mà nhớ cả trong tiềm thức, “cái thức trong mơ” là sự thật của cõi lòng.

Tương lai, hạnh phúc đang ở phía trước nhưng với trái tim nhạy cảm của người phụ nữ, nhà thơ sớm nhận ra sự hữu hạn của thời gian, đời người, sự mong manh, khó bền chặt của tình yêu. Biển dẫu rộng, thoáng chốc mây đã bay về tận chân trời:

Cuộc đời …………bay về xa

Chính ý thức lo âu về sự phai tàn trong tình yêu, Xuân Quỳnh đã đưa ra lối ứng xử tích cực và “sóng” cũng giúp cho nhà thơ nói lên khát vọng được sống trọn vẹn, hết mình trong tình yêu:

Làm sao ………….còn vỗ

Thông thường, những lo âu về sự hữu hạn, nhỏ bé của đời người dễ dẫn đến những hành động tiêu cực, thất vọng, chán chường. Nhưng với Xuân Quỳnh, nhà thơ không chán nản, tuyệt vọng mà trái lại càng khao khát được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân thành “trăm con sóng nhỏ” để vĩnh viễn hóa tình yêu của mình, để nó sống mãi với thời gian, nhịp bước cùng năm tháng.

Bài thơ thể hiện rõ sức sống tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Tình yêu mà Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ là một tình yêu thiết tha, nồng nàn, đầy khát vọng và son sắt, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của thời gian đời người.
Người phụ nữ đang yêu trong thơ Xuân Quỳnh rất mạnh dạn, chủ động, dám vượt qua mọi trở ngại, gian lao; lo âu trước sự hữu hạn của thời gian nhưng tin vào sức mạnh của tình yêu; hướng tới một tình yêu bất diệt. Khát vọng ấy lại đi liền với khát khao về mái ấm gia đình, sự gắn bó lâu bền, thủy chung, duy nhất. Đó là quan niệm tình yêu vừa thấm đẫm chất hiện đại, vừa phảng phất nét truyền thống của người phụ nữ phương Đông.

Sóng là bài thơ tình hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và thơ VN nói chung. Mặc dù sử dụng “sóng” làm hình tượng ẩn dụ thì không mới, nhưng những tâm sự về tình yêu cùng cách khai thác sức chứa của ẩn dụ này lại có những nét thực sự mới mẻ. Xuân Quỳnh quả đã tìm được một hình tượng thơ đẹp đẽ để giãi bày tình yêu dịu dàng mà mãnh liệt, gần gũi, riêng tư mà mở rộng, phóng khoáng của người phụ nữ.

Bài mẫu phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng (Mẫu 5)

Xuân Quỳnh (1942 – 1988) nổi tiếng với nhiều bài thơ tình như “Thuyền và biển”, “Sóng”… . Bài thơ “Sóng” được viết vào cuối năm 1967, in trong tập “Hoa dọc chiến hào”, xuất bản năm 1968. Bài thơ nói lên một tình yêu đẹp của người con gái: yêu chân thành tha thiết, nồng nhiệt và thủy chung. Tình yêu trẻ trung ấy là khát vọng một hạnh phúc trọn vẹn của đôi lứa.

Sắc điệu trữ tình được dệt nên bằng hình tượng “sóng”. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình xôn xao trong lòng người con gái đang yêu khi đứng trước biển ngắm nhìn những con sóng bất tận, vô hồi. Sóng là một hình tượng ẩn dụ, là sự hóa thân của cái “tôi” trữ tình của nữ sĩ, lúc thì hòa nhập, lúc lại là sự phân thân của “em”, của người con gái đang yêu một cách say đắm. Sóng đã khơi gợi một hồn thơ phong phú, hồn nhiên, tươi mới và sôi nổi, khát vọng. Với hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã có một cách nói rất hay để diễn tả tâm trạng và tình yêu nồng nhiệt của người con gái.

Sóng biến hóa. Sóng vỗ liên hồi. Triền miên và bất tận: “Dữ dội và dịu êm – Ồn ào và lặng lẽ – Sông không hiểu nổi mình – Sóng tìm ra tận bể”. Trạng thái của sóng cũng là những biến thái tâm tình, những khát khao to lớn, mạnh mẽ về một tình yêu chân thành. Hành trình của sóng từ sông ra đại dương: “Sông không hiểu nổi mình – Sóng tìm ra tận bể” nơi mênh mông dạt dào. Có đến nơi biển rộng trời cao, sóng mới được vẫy vùng, mới thực sự tìm thấy mình trong sức sống mạnh mẽ với bao khát khao to lớn.

Sóng được nữ sĩ làm biểu tượng cho tình yêu. Miêu tả sóng biến hóa cũng là để nói lên cái phức tạp, đa dạng, khó giải thích của tình yêu. Giống như sóng biển, tình yêu cũng là một hiện tượng kì diệu của con người, rất khó lí giải tường tận. Con sóng “ngày xưa” và con sóng “ngày sau” vẫn thế, trường tồn, bất biến. Thì tình yêu của con người, mãi mãi là “khát vọng” của tuổi trẻ, của lứa đôi, của “em” và “anh”:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nơi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”.

Sóng tìm đến bể, đến đại dương để tự hiểu mình, cũng như em đến với anh, tìm đến một tình yêu đẹp là để hiểu sâu hơn tâm hồn em, con người đích thực của em. Người con gái hỏi sóng, hay để tự hỏi mình: “Sóng bắt đầu từ gió – Gió bắt đầu đâu – Em cũng không biết nữa – Khi nào ta yêu nhau”. Sóng là sự thức nhận về cái “quy luật” không thể cắt nghĩa được của tình yêu. Cái giây phút giao duyên của lứa đôi “khi nào ta yêu nhau”, tìm được câu trả lời đâu dễ? Chính vì thế mà trong bài thơ tình số 21 (tập thơ “Người làm vườn”) thi hào Tagor đã viết:

“Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy

Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu”.

(Đào Xuân Quý dịch)

Câu thơ “Khi nào ta yêu nhau” đã diễn tả đúng nỗi niềm điển hình của những gái, trai đang sống trong một tình yêu đẹp. Sóng vỗ “dữ dội…, dịu êm… ồn ào… lặng lẽ”… sóng “dưới lòng sâu” và “trên mặt nước”, sóng “nhớ bờ” – tất cả đều tượng trưng cho tình yêu và nỗi nhớ. Yêu tha thiết, mãnh liệt, nhớ bồi hồi, triền miên. Nỗi nhớ ấy da diết, giày vò, choán đầy cả không gian, nó chiếm cả tầng sâu và bề rộng, nó trải dài trong mọi thời gian:

“Con sóng dưới lòng sâu,

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm ngủ không ngủ được”.

Thật là tự nhiên và thơ mộng “con sóng nhớ bờ” nên ngày đêm sóng vỗ, sóng thao thức với thời gian và đại dương. Cũng như bến nhớ thuyền, thuyền nhớ bến, lúc nào người con gái cũng bồi hồi thương nhớ:

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”.

“Còn thức” nghĩa là lúc nào em cũng thấy rõ hình dáng anh, ánh mắt anh, nụ cười anh… một tình yêu nồng nhiệt, say mê!

Con sóng khao khát tới bờ để vỗ về, ve vuốt “Hôn thật khẽ thật êm – Hôn êm đềm mãi mãi….” (Xuân Diệu). Em cũng khao khát mong được đến với anh, hòa nhịp trong tình yêu anh. Tình yêu của người con gái thật trong sáng nồng nàn và mãnh liệt. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được “tới bờ”, cũng như em và anh sẽ vượt qua mọi khó khăn, đi tới một tình yêu đẹp, được sống trong hạnh phúc trọn vẹn lứa đôi:

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”.

Điều mong ước ấy nói lên một tấm lòng, một trái tim nồng hậu chan chứa yêu thương. Người con gái ấy đã bày tỏ lòng mình một cách chân thành và say mê. Thắm thiết, chân tình và thủy chung là phẩm chất của tình yêu. “Sóng” đã bày tỏ nỗi lòng của người con gái mong được sống hết mình với “anh” trong một tình yêu sắt son chung thủy:

“Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương”.

Cuối cùng, sóng cũng nói giúp nhà thơ nỗi khát vọng được sống trọn vẹn, sống hết mình trong tình yêu. Trong tình yêu lứa đôi đằm thắm, đẹp và bền vững như “trăm con sóng nhỏ” tan ra trên đại dương mênh mông, được hòa nhập trong “biển lớn tình yêu” của cộng đồng. Lời nguyện cầu của người con gái cho thấy một tâm hồn rất cao cả trong tình yêu:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”.

Cả bài thơ, nếu kể thêm nhan đề, tác giả 11 lần nhắc đến từ “sóng”. Sóng vỗ biến hóa như tâm tình xôn xao. Hình tượng sóng cho ta nhiều ấn tượng về âm điệu, nhịp điệu của sóng, cũng là giọng điệu tâm tình, nhạc điệu của bài thơ. Thơ liền mạch, phong phú về vần điệu, trong sáng trong biểu cảm, lúc bồi hồi tha thiết, lúc day dứt bồn chồn, lúc mạnh mẽ ồn ào. Sóng trên đại dương cũng là sóng vỗ trong lòng người con gái. Cái hay của bài thơ là ở âm điệu ấy.

Qua hình tượng sóng và cả bài thơ, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp trẻ trung, tâm hồn trong sáng, đa tình của người con gái. Người con gái ấy chủ động bày tỏ những khát khao, những rung động rạo rực của lòng mình trong tình yêu. Đã có một nàng Vọng Phu, một hòn Trống Mái. Cũng đã có những thiên tình sử diễm lệ, những vần ca dao nói về tình yêu trai gái làng quê. Ở đây cũng vậy, Xuân Quỳnh nói lên một tình yêu đẹp của người phụ nữ: quyết tâm vượt qua mọi cách trở, khó khăn để xây đắp một tình yêu son sắt thủy chung, trọn vẹn trong hạnh phúc như trăm ngàn con sóng kia “ngàn năm còn vỗ” giữa đại dương, “Giữa biển lớn tình yêu” bao la. Người con gái được nói đến trong bài thơ “Sóng” đã có một tâm hồn đẹp, một khát vọng về hạnh phúc nên đã có một tình yêu trong sáng bền đẹp.

Xuân Quỳnh viết bài thơ tình này vào những ngày cuối năm 1967, khi mà cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang diễn ra vô cùng khốc liệt. Trai tráng ào ào ra trận “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Sân đình, bến nước, gốc đa, sân ga, sân trường… diễn ra những “cuộc chia li màu đỏ”. Có đặt bài “Sóng” vào trong bối cảnh lịch sử hào hùng ấy, mới cảm nhận hết nỗi nhớ và khao khát về hạnh phúc của người con gái đang yêu:

“Ôi con con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được….”.

Trên đây là những gợi ý làm bài cũng như một số bài văn mẫu cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong bài Sóng do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn giúp em tham khảo. Hi vọng những thông tin kiến thức mà bài viết mang lại đã phần nào giúp em tự tin hơn để viết được một bài văn cảm nhận hay và đầy đủ ý. Chúc các em học tốt môn Văn!

Kết luận:

Trên đây Tmdl.edu.vn đã chọn lọc Bài mẫu phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng rất đầy đủ và đa dạng ý giúp các em có thể lựa chọn cho mình những nội dụng trọng tâm nhất để hoàn thiện bài văn của mình. Mời các quý thầy cô và các em học sinh cùng vào thư viện để tham khảo những tài liệu khác !

 

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích các tác phẩm văn học lớp 9

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button