Văn Học

Top 11 bài kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình siêu hay

Bài viết số 2 lớp 10 đề 1

Bài viết số 2 lớp 10 đề 1 – Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình, bạn bè, thầy cô là đề bài viết tập làm văn số 2 lớp 10. Trong bài viết Tmdl.edu.vn xin chia sẻ dàn ý bài viết số 2 lớp 10 đề 1 cùng các bài văn mẫu kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình hay và chi tiết sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các bạn học sinh.

Bạn đang xem bài: Top 11 bài kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình siêu hay

1. Dàn ý kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình

I. Mở bài

Giới thiệu về câu chuyện mà em định kể lại (về người thân, thầy cô hay bạn bè).

II. Thân bài

1. Giới thiệu chung về đối tượng

– Đối tượng đó là ai: ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, thầy cô, bạn bè…

– Một vài nét về ngoại hình, tính cách.

2. Kể lại kỉ niệm sâu sắc

– Thời gian diễn ra câu chuyện.

– Diễn biến của câu chuyện.

– Kết quả của câu chuyện.

– Cảm xúc của em đối với người đó sau kỷ niệm.

III. Kết bài

Nêu tình cảm của em dành cho người đó.

2. Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về mẹ – mẫu 1

Trong cuộc đời mỗi người chắc hẳn ai cũng đều có người để yêu thương và quý mến nhưng đã có ai từng nghĩ: “Ai là người mình yêu nhất và ai là người để lại cho mình những kỉ niệm không thế phai mờ?”. Đối với mọi người có thể người ấy là bạn thân, ông bà hay anh, chị, em nhưng riêng đối với tôi, người mà tôi luôn yêu mến và mãi sẽ yêu là Mẹ – người đã trao cho tôi cuộc sống.

Mẹ tôi năm nay đã gần bốn mươi tuổi. Mọi người vẫn khen mẹ tôi trẻ và xinh nhưng đôi khi tôi gần mẹ, tâm sự với mẹ, tôi thấy mẹ như đã già đi nhiều. Đôi mắt mẹ ánh lên vẻ ấm áp, trìu mến, giờ đây đã xuất hiện nhĩíng vết chân chim. Vầng trán mẹ đã có nhiều nếp nhăn. Nổi bật nhất trên khuôn mặt mẹ là chiêc mũi cao dọc dừa và đôi môi đỏ. Tôi vẫn còn nhớ như in những nụ hôn ấm áp mẹ trao cho khi tôi còn bé. Làn da mẹ mềm mại, trắng hồng nhưng đã điểm những nốt tàn nhang của tuổi bốn mươi. Trước đây, khi tôi còn nhỏ, mẹ có mái tóc dài, mượt mà, mái tóc đen của mẹ như một đoạn của dải của Ngân Hà, đen mượt và óng ả. Khi tôi học lớp Năm, mẹ tôi đã thay đổi kiểu tóc, mẹ đã cắt mái tóc dài và thay vào đó là mái tóc xoăn. Mái tóc ngắn, xoăn, màu nâu đỏ thả bồng bềnh trên vai có lẽ hợp với khuôn mặt trái xoan của mẹ hơn, nhưng tôi vẫn thích mẹ để tóc dài như trước.

Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên tôi đi học. Tối hôm đó, sau bữa tối, mẹ đã mang vào phòng tôi một bọc quà rất to. Tôi cứ nghĩ là được mẹ mua cho đồ chơi hay là một bộ lego mà tôi hằng mong muốn. Tôi háo hức mở bọc quà, thì ra đó toàn là sách, vở, đồ dùng học tập và có cả một chiếc cặp sách in hình siêu nhân mà tôi rất thích. Bộ đồng phục đã được mẹ là phẳng phiu. Mọi thứ đã sẵn sàng, tôi rất thích thú đợi đến ngày mai — ngày đầu tiên tôi gấp thành nêp và được xếp lại ngay ngắn bước vào lớp Một. Sáng hôm sau, mẹ âu yếm dắt tôi đến trường. Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp và lo sợ lúc đó, tôi không biết mình sẽ làm gì và mình sẽ như thế nào khi không có mẹ ở bên. Rời tay mẹ, tôi bước vào cổng trường, tôi thấy mình thật bơ vơ và lạc lõng. “Cố lên con, rồi con sẽ quen với cô giáo và các bạn.

Mẹ ôm tôi vào lòng âu yếm: “Con lớn rồi mà, từ hôm nay con đã là học sinh lớp Một rồi. Hãy tự tin lên nào!”. Tôi nghe lời mẹ, vào lớp học. Ngày hôm đó đối với tôi thật dài, tôi rất nhớ mẹ, chưa bao giờ tôi lại thấy yêu mẹ và cần mẹ hơn lúc này.

Đã tám năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên đi học nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh thân thương của mẹ và những cảm xúc của mình trong cái ngày đáng nhớ ấy. Mẹ đã giúp tôi tự tin, vững vàng bước những bước đi đầu tiên trên con đường tri thức.

Đã có lần, tôi vô lễ với mẹ và tôi nhớ mãi để không bao giờ tái phạm nữa. Tôi còn nhớ như in, đó là một ngày mưa, khi tôi còn là một cậu học sinh lớp Sáu. Tôi đi học về với một vẻ mặt buồn bã. Mẹ rất quan tâm, mẹ hỏi han rất nhiều. Nhưng vi quá bực bội nên tôi đã gắt lên với mẹ: “Con ghét mẹ lắm, mẹ đừng nói nữa!”. Nói rồi tôi bật khóc và chạy lên phòng, đóng sập cửa lại. Tôi khóc rất to, mắt đã đỏ hoe. Chỉ vì thằng bạn thân hiểu nhầm tôi mà chúng tôi cãi nhau to. Cả ngày hôm nay, tôi không có tâm trí nào mà tập trung vào việc học được nữa và hậu quả là tôi đã không làm được bài kiểm tra môn Toán. Nghĩ đến những việc đó, đầu óc tôi lại như phát điên. Tôi nằm bẹp suốt một giờ đồng hồ. Cảm giác cô đơn và lạnh lẽo khiến tôi tỉnh táo hẳn. Tôi nghĩ đến mẹ, nghĩ đến câu mình vừa nói với mẹ. Trời ơi, tôi đã mắc phải một sai lầm lớn! Tại sao mình lại có thể nói vô lễ với người luôn yêu thương, chăm sóc mình được chứ? Tôi ân hận lắm! Chỉ vì bị bạn hiểu lầm mà tôi đã trút giận lên mẹ. Tôi bật dậy, định chạy ra ngoài xin lỗi mẹ thì mẹ tôi đã mở cửa phòng bước vào. Như đoán được suy nghĩ của tôi, mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và ngồi xuống bên tôi. “Mẹ ơi, con xin lỗi, con sai rồi!”. Tôi nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi rồi nói thật nhẹ nhàng: “Mẹ cũng có lỗi vì đã không thông cảm và hỏi han con”. Tôi rất ân hận vì đã làm mẹ — người tôi luôn yêu thương bấy lâu nay, phải buồn. Chính những lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ âu yếm của mẹ làm tôi thêm day dứt vì lỗi lầm của mình hơn. Tôi đã kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Mẹ đã an ủi và động viên khiến tôi phấn chấn hơn nhiều. Từ lần đó, tôi luôn tự hứa phải suy nghĩ kĩ trước khi nói và không được làm mẹ buồn nữa.

Có những lần tôi bị ốm, mẹ đã chăm sóc tôi tận tình và dành cho tôi tình yêu thương nồng ấm để tôi mau khỏi bệnh. Những đêm tôi ôn thi, mẹ đã thức cùng tôi, ở bên động viên và giúp tôi học.

Với tôi, mẹ như một làn mây che cho tôi mưa nắng, mẹ là ngọn lửa thôi thúc con tim tôi để vững bước trên đường đời. Dù mai đây nếu mẹ có mất đi thì trong tôi, mẹ luôn sống và theo tôi suốt cuộc đời.

3. Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về mẹ – mẫu 2

Nếu có ai hỏi em, ai là người quan trọng nhất với em thì em sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng, đó là mẹ của em, người đã sinh ra em, mẹ của em cũng không chỉ đơn thuần là người đã sinh ra em, có công ơn lớn lao nuôi dưỡng, chăm sóc cho em mà mẹ còn là một người bạn tốt nhất của em, người mà em có thể vô tư chia sẻ mọi chuyện trong cuộc sống mà không cần phải che giấu hay giữ ý điều gì. Với em, mẹ là người tuyệt vời nhất.

Mẹ em năm nay 40 tuổi, mẹ có dáng người cao ráo, nhỏ nhắn nhưng rất hoạt bát, nhanh nhẹn. Gương mặt của mẹ tròn, ánh mắt dịu dàng và nụ cười rất phúc hậu. Mẹ em là nhân viên văn phòng cho một công ty may tư nhân trên phố huyện, mỗi ngày mẹ đều mất gần 30 phút chạy xe để đến nơi làm việc. Công việc của mẹ bắt đầu từ 7 rưỡi sáng đến 5 giờ chiều thì tan làm. Công việc của mẹ có chút vất vả nhưng mẹ luôn bố trí sắp xếp thời gian hợp lý để có thể chăm sóc tốt cho gia đình mình.

Mẹ em là một người phụ nữ khá cầu toàn, nhất là trong công việc chăm sóc gia đình, mẹ rất cẩn thận. Mỗi buổi sáng mẹ đều dạy từ rất sớm để nấu đồ ăn sáng cho cả nhà, mẹ em nấu ăn rất ngon, mẹ em chú trọng vào chế độ dinh dưỡng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Buổi sáng nào chúng em cũng được thưởng thức những món ăn thơm ngon nóng hổi như xôi, phở…giúp chúng em và cả bố được nạp năng lượng rất nhiều cho một ngày học tập và làm việc thêm hiệu quả. Buổi tối nào cũng vậy, sắp xếp những công việc dọn dẹp xong là mẹ lại tranh thủ lên phòng trò chuyện với chúng em, hỏi han chúng em về tình hình học tập, hỏi han chúng em về những mối quan hệ với bạn bè, thầy cô… Giữa em và mẹ không hề có chút khoảng cách nào cả, mẹ luôn hướng chúng em đến sự cởi mở, chân thành, trò chuyện tâm sự như những người bạn, điều đó với em luôn là điều vô cùng tuyệt vời.

Em cảm thấy mình rất may mắn khi được làm con của mẹ, mẹ luôn đem đến cho em cảm giác ấm áp và an toàn nhất. Và dường như em chưa bao giờ thôi mến mộ mẹ, mẹ luôn mang đến cho em những khoảnh khắc cảm thấy xúc động vô cùng. Mẹ luôn khuyên răn em những điều hay lẽ phải, cần phải sống chan hòa, không nên bon chen, đố kị. Phải biết trân trọng tình cảm gia đình, mẹ em là người con rất hiếu thảo, quan hệ với cả bên nội và bên ngoại đều rất tốt. Mẹ hay làm những món ăn ngon, thường làm rất nhiều để biếu hai bên ông bà ăn lấy thảo, mẹ thường xuyên sang thăm, giúp đỡ ông bà trong việc nhà. Những ngày cuối tuần gia đình em lại về thăm ông bà nội ngoại, em cảm nhận được ý nghĩa của tình cảm gia đình và điều đó khiến em thấy rất vui và hạnh phúc.

Đối với em, mẹ luôn là niềm cảm hứng bất tận, sự hy sinh của mẹ với gia đình luôn khiến em cảm động vô cùng.Em nhớ như in hồi em còn nhỏ, em là một đứa gầy còm, hay ốm đau, điều đó khiến mẹ em buồn lòng và rất vất vả, nhất là thời đó kinh tế gia đình em không được như bây giờ,em hay ốm và phải nằm viện suốt. Bố phải đi làm để có tiền chạy chữa thuốc thang cho em, thường là chỉ có mình mẹ em ôm con trong bệnh viện trên thành phố. Mẹ thương em rất nhiều, lúc nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với em, mẹ lúc nào cũng động viên, an ủi em phải cố gắng chữa bệnh vì em là món quà tuyệt vời nhất của mẹ em, là người quan trọng nhất của cuộc đời mẹ, là niềm vui của mẹ bởi vậy nhất định em phải cố gắng chiến đấu bệnh tật để về nhà chơi với mọi người. Gia đình còn khó khăn nhưng mẹ vẫn lo cho em đầy đủ, em vẫn nhớ mẹ đã rất tiết kiệm, mẹ mua đồ ăn cho em rất ngon nhưng mẹ thì lại ăn cơm từ thiện, hết sức tiết kiệm dành bòng tiền để lo cho em , điều đó khiến em xúc động vô cùng.

Đối với em mẹ là người tuyệt vời nhất, em yêu thương mẹ của em rất nhiều, em luôn mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mẹ của em.

4. Kể lại kỉ niệm về tình cảm gia đình với bố

Ba gọi điện chiều nay sẽ trở về sau chuyến công tác dài ngày, mẹ nhoẻn cười hiền lành, không giấu nổi cái khấp khởi của người phụ nữ đã hai con, xa chồng lâu ngày.

Cúp điện thoại là mẹ vội vàng gõ cửa phòng ồ ạt thông báo liền cho hai thằng nhỏ đang “chiến game” ở trong. Nói rồi, mẹ hào hứng cầm rổ ra sau vườn ngắt vài ngọn khoai cho vào tủ lạnh trước khi xách giỏ đi chợ.

Dù có chuẩn bị bữa tối tinh tươm đến đâu thì rau lang luộc vẫn không thể vắng mặt trong những dịp như thế này – món ăn kỉ niệm của cả nhà mình. Nhìn đĩa rau xanh hãy còn bốc khói trên bàn, nhớ quá đi thôi một thời xa lắc chính nó là món ăn cứu tinh cho cái gia đình bé nhỏ qua một thời đói khát, lo cho ba đi học tiếp, cũng chính những ngọn khoai ấy đưa chúng con vào giảng đường.

Khoảng đất trống ở góc vườn, mẹ thả mấy dây khoai lang hòng lấy ngọn cải thiện bữa ăn. Hết rau lang luộc chấm ruốc rồi lại ngọn lang xào tỏi, cứ đều đều ăn riết thành quen, đâm nghiện lúc nào không hay.

Mùi nhựa rau hăng hắc khi cho bắc chảo xào, rồi cái mùi ê ê của nước rau cho thêm tí mì chính, tí đường cũng thành món canh húp nước ngon lành. Nhìn dây khoai tốt ngọn óng mượt bò tràn lan trên mặt đất, ai cũng bảo “chắc lắm củ đấy”. Vậy mà, đến ngọn còn không đủ làm thức ăn cho cả nhà lấy đâu mà ra củ. Nhiều bữa thấy mẹ phải ngắt luôn cả hàng lá ở gần sát ngọn, rồi sợ lá già sẽ đắng và cứng, mẹ cho vào nước luộc trước khi đem xào dầu.

Dạo ấy, ba đi học tiếp trên thị xã, mẹ phải tăng ca làm thêm tất bật mới đủ sức nuôi “ba đứa học trò trong nhà”. Cứ mỗi chiều thứ Bảy ba lại đạp xe về. Ba cha con tự nhiên đến nỗi tự biết xách rổ ra sau vườn hái ngọn lang vào luộc làm bữa chính bởi cả cha cả con thừa hiểu nếu có về mẹ cũng chỉ đủ tiền mua mớ tép con con cho có cái gọi là tanh tanh một chút. Ấy vậy mà đấy được coi là bữa ăn xa xỉ nhất trong tuần.

Cơm chiều dọn ra, mẹ ân cần xúc bỏ vào chén ba, chén tụi nhỏ mấy con tép vàng vàng, còn ngọn rau luộc xanh xanh mẹ cẩn thận chấm nước cho vào chén mình, tươi cười mẹ ngồi lặng lẽ nhìn ba bố con ăn ngon lành. Cái vị bùi bùi, giòn giòn lại ê ê, vậy đó mà cả nhà vét đến hạt cơm cuối cùng, thấy thế là sướng rơn và vui vẻ không gì bằng.

Cuộc sống tằn tiện chắt chiu, song vẫn không thể bền bỉ như thế được lâu. Ba tự túc xin đi học thêm lên, kinh phí tự bỏ ra, tụi con lớn lên sách vở cũng phải tăng trang, mỗi bữa cơm dọn ra càng tố cáo nỗi eo hẹp của cái gia đình bé nhỏ ấy.

Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo từng đợt học phí, chỉ có một đám dây khoai ở góc vườn là không ngừng được nới rộng đất trồng. Thực đơn của mẹ cũng vì thế mà thêm phần sáng tạo: Ngọn lang xào tỏi, rau luộc chấm ruốc, canh rau lang nấu dầu… Hiếm có bữa nào, mâm cơm lại thiếu đi màu xanh quen thuộc.

Thời gian tím sắc trôi theo từng đợt hoa lang nở rộ, bung cánh tím biếc cả một góc sân rộng. Nhà mình bây giờ khá hơn nhiều, cuộc sống đã theo kịp nhịp của một gia đình phố thị. Bữa cơm không còn theo chủ nghĩa “độc tôn một món”, nhất rau xanh như trước đây nữa!

Chúng con mỗi đứa có được một phòng riêng, cũng chẳng còn cảnh cả nhà ba người đàn ông và một người khác giới phải trải chiếu dưới nền nhà ẩm mốc lăn đùng ra ngủ sau một ngày thở dốc. Song, dù có tiện nghi đến mấy, mỗi thành viên vẫn không khỏi thấy nhớ và thương đến đắng lòng từng đám ngọn lang xanh rì bò dọc ngang trong vườn nhà.

Ba trở về, mẹ khấp khởi mừng thầm. Chiều nay, cả nhà mình lại chung mâm cơm có món rau quen thuộc và có cả kí ức đầm ấm một thời bên nhau.

Vòng tay qua ôm trọn lấy vòng eo vốn đã không còn thon thả nhưng vẫn còn đủ sức cho cái mặn mà một thời đắm say của mẹ, bên bữa cơm chiều, giọng ba thỏ thẻ:

Anh đi anh nhớ vợ anh
Hết rau lang luộc, lại đem xào dầu…
Thương lắm từng đọt ngọn lang ơi…!

ke lai mot ki niem sau sac ve tinh cam gia dinh1

5. Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình với ông

Đã bao giờ bạn tin rằng sau một giấc mơ những điều bạn hằng mong ước bấy lâu sẽ trở thành sự thật? Đã có lúc tôi rất tin vào điều đó và luôn nhớ khoảnh khắc kỳ diệu mà giấc mơ đã đem đến cho tôi.

Hôm ấy là một buổi tối cuối tuần, trời đầy sao và gió thì dịu nhẹ. Tôi nằm trên trần nhà mơ mộng đếm những vì sao. Bỗng nhiên tôi thấy cả không gian như bừng sáng. Trong vầng hào quang sáng lấp lánh, ông tôi cười hiền từ bước về phía tôi. Tôi sung sướng đến nghẹt thở ngắm nhìn gương mặt phúc hậu, hồng hào và mái tóc bạc phơ của người ông yêu quý. Ông tôi vẫn thế: dáng người cao đậm, bộ quân phục giản dị và cái nhìn trìu mến! Tôi ngồi bên ông, tay nắm bàn tay của ông, tận hưởng niềm vui được nâng niu như thuở còn thơ bé… Tôi muốn hỏi những ngày qua ông sống như thế nào? Ông ở đâu? Ông có nhớ đến gia đình không… Tôi muốn hỏi nhiều chuyện nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu cả.

Ông kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích mà ngày xưa ông vẫn kể. Giọng ông vẫn thế: rủ rỉ, trầm và ấm. Ông hỏi tôi chuyện học hành, kiểm tra sách vở của tôi. Đôi mày ông nhíu lại khi thấy tôi viết những trang vở cẩu thả. Ông không trách mà chỉ ân cần khuyên nhủ tôi cố gắng học tập chăm chỉ hơn. Ông nhìn tôi rất lâu bằng cái nhìn bao dung và khích lệ. Ông còn bảo những khát vọng mà ông làm dang dở, cháu hãy giúp ông biến nó thành hiện thực. Những khát vọng ấy ông ghi lại cả trong trang giấy này. Muốn làm được điều ấy chỉ có con đường học tập mà thôi…

Ông dẫn tôi đi trên con đường làng đầy hoa thơm và cỏ lạ. Hai ông cháu vừa đi vừa nói chuyện thật vui. Ông bảo đến chợ hoa xuân, ông muốn đem cả mùa xuân về căn nhà của cháu. Ông chọn một cành đào, cành khẳng khiu nâu mốc nhưng hoa thì tuyệt đẹp: màu phấn hồng, mềm, mịn và e ấp như đang e lệ trước gió xuân. Nụ hoa chi chít, cánh hoa thấp thoáng như những đốm sao. Tôi tung tăng đi bên ông, lòng sung sướng như trẻ nhỏ. Ông cầm cành đào trên tay. Có lẽ mùa xuân đang nấp cả trong những nụ đào e ấp ấy… Xung quanh ông cháu tôi, kẻ mua, người bán, ồn ào và náo nhiệt. Họ cũng đang chuẩn bị đón xuân về!

Tôi đang bám vào tay ông, ríu rít trò chuyện về những ngày xuân mới sắp đến, chợt nghe tiếng mẹ gọi rất to. Tôi giật mình tỉnh dậy, thấy mình vẫn đang nằm trên trần nhà. Lòng luyến tiếc nhận ra tất cả chỉ là một giấc mơ thôi…

Giấc mơ chỉ là khoảnh khắc kỳ diệu đáp ứng niềm mong nhớ của tôi. Tôi nuối tiếc song cũng học được nhiều điều từ giấc mơ đó. Và quan trọng nhất là tôi được gặp ông, được ông truyền cho niềm tin và sự nỗ lực cố gắng thực hiện những ước mơ của chính mình.

6. Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình ngắn

Trong gia đình mình, có lẽ người gắn nhất chính là ông nội của tôi. Tuy rằng hiện tại ông đã không còn nữa, nhưng những kỉ niệm về ông vẫn sống mãi trong lòng tôi.

Ông nội của tôi có dáng người khá cao. Đôi bàn tay đầy những nếp nhăn đã suốt đời làm lụng vất vả để nuôi con cháu. Khuôn mặt phúc hậu, anh mắt hiền từ lúc nào cũng nhìn chúng tôi rất trìu mến.

Ông rất yêu thích công việc trồng cây nên vườn nhà lúc nào cũng đầy những cây trái. Khu vườn được ông chăm sóc nên cây cối quanh năm đều xanh tốt. Những cây ăn quả đã cho trái ngọt không biết bao nhiêu mùa. Sau khi làm xong những công việc vặt trong nhà, ông thường ra vườn chăm sóc cây cối. Lúc đó, tôi lại chạy theo ông để đòi được tưới tắm cho cây cối trong vườn. Ông còn dạy tôi cách lắng nghe âm thanh của khu vườn nữa. Phải nhắm mắt và cảm nhận từng sự chuyển động để thấy được những điều kỳ diệu.

Còn nhớ lúc nhỏ, tôi thường ngồi trong lòng ông nội, nghe ông kể những câu chuyện về thời xa xưa. Đó không phải là những truyện cổ tích mà bà thường hay kể, mà là những chuyện về cuộc sống của chính ông thời xưa. Những lúc như vậy, tôi thường chăm chú lắng nghe, sau đó còn hỏi ông rất nhiều câu chuyện ngây ngô.

Qua những câu chuyện của ông, tôi dần lớn lên. Còn ông ngày càng già đi. Ông không còn khỏe mạnh như trước nữa. Nhưng vẫn rất lo lắng cho con cháu của mình. Lo lắng từ cái ăn, cái mặc đến việc học hành của chúng tôi. Cuộc sống hiện đại dường như đã kéo tôi xa rời những câu chuyện ngày bé mà ông vẫn thường kể. Tôi cũng không còn quấn quýt bên ông như hồi nhỏ nữa. Rồi đến khi ông đổ bệnh, tôi mới chợt nhận ra bấy lâu nay mình đã quá vô tâm. Những ngày cuối đời của ông, tôi cố gắng ở bên ông nhiều hơn. Tôi cùng trò chuyện với ông, ăn cơm và chơi cờ cùng ông. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười của ông. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn chẳng thể nào quên được ánh mắt ông nhìn tôi lần cuối. Ánh mắt vẫn đầy trìu mến và yêu thương.

Tuy bây giờ, ông đã không còn nữa. Nhưng tôi vẫn nhớ đến ông với những kỉ niệm thật đẹp. Kỷ niệm nào cũng sâu sắc và đáng trân trọng biết bao nhiêu.

7. Kể về kỉ niệm sâu sắc nhất với anh trai

Gia đình – hai tiếng thật giản dị mà đầy thân thương. Trong gia đình của mình, có lẽ người tôi cảm thấy yêu mến nhất đó chính là anh trai.

Anh trai tôi hiện đang là học sinh lớp 12. Hằng ngày, ngoài việc đến trường, anh thường ở nhà giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà như nấu cơm, rửa bát… Điều tôi cảm thấy tự hào nhất là anh trai tôi nấu ăn vô cùng ngon. Anh cũng học rất giỏi khi nhiều năm liền giành được học bổng của trường. Có thể nhận xét rằng, anh tôi là một người con trai vô cùng hoàn hảo. Điều đó khiến bố mẹ rất tự hào về anh. Còn tôi, thì luôn được dịp khoe với bạn bè về người anh trai tuyệt vời.

Vì là em gái nên anh tôi luôn nhường nhịn tôi trong mọi việc. Đôi khi khi tôi làm biếng không chịu làm việc nhà. Anh chỉ lắc đầu và mỉm cười rồi làm thay tôi. Có lẽ do tính tình của anh rất hiền lành. Mà anh còn rất ít nói nữa. Thế nhưng không vì thế mà hai anh em xa cách nhau. Anh luôn là nơi để tôi chia sẻ mọi buồn vui. Anh luôn động viên tôi khi gặp phải khó khăn. Anh cũng là người định hướng cho tôi trong công việc học tập.

Tôi còn nhớ mãi kỉ niệm khi còn bé, những lần được anh chở đi chơi trên chiếc xe đạp cũ. Những trò chơi như thả diều, câu cá… đều do anh hướng dẫn tôi một cách tỉ mỉ, tận tình. Có nhiều lúc tôi giận dỗi hay khóc lóc, anh đều đến bên dỗ dành, an ủi. Nhưng có lẽ kỉ niệm làm tôi nhớ nhất đó là vào năm tôi học lớp 5. Khi ấy, bố mẹ phải đi công tác xa nhà. Chỉ có hai anh em ở nhà tự chăm sóc nhau. Ngày hôm ấy là thứ sáu, trên đường đi học về thì trời bỗng đổ cơn mưa rất to. Tôi quên mất không mang áo mưa theo vì lúc đi học trời vẫn còn nắng ráo. Nên khi về đến nhà thì quần áo đã ướt nhẹp. Hôm đó, anh tôi cũng phải đi học. Nhưng vốn là người cẩn thận, anh luôn mang theo áo mưa.

Khi trở về nhà, anh thấy tôi đang mệt mỏi nằm trên ghế. Anh liền đến bên hỏi han. Nhưng tôi cảm thấy rất mệt nên không trả lời anh. Tôi chỉ thấy có một bàn tay sờ lên trán tôi. Một lúc sau đó, có một chiếc khăn mặt ấm đặt lên trán. Tôi ngủ từ lúc nào mà không biết. Chỉ khi nghe thấy giọng nói trầm ấm của anh gọi tôi dậy ăn cháo, tôi mới tỉnh dậy và nhìn thấy anh ngồi đó bê bát cháo nóng hổi trước mặt. Anh nhẹ nhàng bảo tôi ăn cháo để uống thuốc. Có lẽ chưa bao giờ tôi ăn một bát cháo ngon đến như vậy. Sau khi ăn và uống thuốc xong. Tôi nghe theo lời ăn lên giường nằm nghỉ ngơi. Mặc dù mơ màng trong giấc ngủ nhưng tôi vẫn cảm nhận được suốt đêm hôm đó, anh vẫn ở bên chăm sóc cho tôi. Sáng hôm sau thức dậy, anh yêu cầu tôi phải kiểm tra thân nhiệt. Khi chắc chắn rằng tôi đã hạ sốt, anh mới thở phào nhẹ nhõm.

Sau ngày hôm đó, tôi dường như cảm thấy yêu mến anh trai của mình hơn. Đối với tôi, anh không chỉ là một người anh mà còn giống như một người bạn. Trong suốt những ngày tháng sau này, hai anh em tôi đã cùng nhau trải qua nhiều kỉ niệm tuyệt vời cùng nhau.

8. Kể về kỉ niệm sâu sắc nhất với thầy, cô giáo

Kỷ niệm, cũng giống như những phím đàn – khi chạm tay vào, âm thanh sẽ ngân lên, nhưng không phải lúc nào cũng tuyệt vời, mà có cái hay, cái dở, cái muốn nhớ, cái lại thích xóa đi. Với tôi, điều đáng nhớ nhất trong đời học sinh là chút kỷ niệm về thầy.

Ngày hôm ấy, có một cô nhỏ nhớn mày lên, nhìn xuống đồng hồ đeo tay, rồi dõi mắt ra ngoài cửa lớp. Nơi dãy hành lang dài đang im ắng, chờ đợi, lắng nghe tiếng giày gõ nhịp để thầm đoán: thầy hay cô? Giờ Toán của lớp 8/1 hôm nay thay đổi giáo viên. Cô giáo cũ nghỉ hộ sản. Thầy giám thị thông báo sẽ có giáo viên mới đến thay. Mười lăm phút trôi qua nhanh chóng trong sự sốt ruột của học trò. Phía cuối lớp có ai nghịch ngợm ngân nga: “Mười lăm phút đồng hồ, buồn nhớ Toán thấy mồ, buồn như con cá rô… đang trôi… vào tô…”

– Nghiêm!

Giọng lớp trưởng vang to, nghe khá oai. Thầy giám thị xuất hiện. Gần một trăm con mắt học trò đen láy đổ dồn về phía cửa. Thấp thoáng phía sau thầy là một bóng dáng lạ, chắc “ông” thầy Toán mới? Ô, nhưng sao mà… giống học trò quá đỗi!!!

Thầy giám thị cười khá tươi:

– Xin giới thiệu với các em, đây là thầy Tuấn sẽ phụ trách môn Toán lớp 8/1 thay cho cô Nga.

Một tràng pháo tay ngưỡng mộ vang lên như mưa rào tháng sáu. Thầy mỉm cười gật nhẹ đầu: “Chào các em thân mến!”. Ôi chao, hai má thầy sao mà đỏ như màu xác pháo, cặp kính cận suýt chút nữa rơi khỏi sóng mũi. Chắc vì cảm động trước “thịnh tình” của lũ học trò cỡ… hoa khôi đến hai phần ba lớp, dành cho!

Trước khi trở về văn phòng, thầy giám thị còn “ân cần dặn dò”:

– Các em phải học cho ngoan. Nhớ là không được phá thầy!

Ôi! Lời “đe nẹt” ấy không phải là không có duyên cớ. Bởi vì, con gái 8/1 có truyền thống mấy mùa tuy thông minh, học giỏi, đẹp người, tốt hạnh kiểm nhưng chuyên nghịch ngợm cũng đứng vào hàng quái chiêu! Thầy cô thương cũng lắm, mà dở khóc, dở cười cũng nhiều. Không biết trước khi vào lớp, thầy đã “nghiên cứu lý lịch” học trò chưa mà ngó bộ thầy “bình tĩnh rồi… run” thấy rõ.

Sau màn tự giới thiệu rất dễ thương:

– Thầy là sinh viên năm cuối Đại học Khoa học Tự nhiên (bằng cái giọng mà phong thái điệu đà như con gái).

Thầy yêu cầu kiểm tra bài cũ. Bốn mươi mấy cái miệng than trời cùng lúc vẫn không làm thay đổi được quyết định “sắt đá” của thầy. Thầy cầm quyển sổ điểm dò tên rất lâu. Khi cây viết đỏ hạ xuống gần giữa sổ, một cái tên được xướng lên:

– Trần Thị Ngọc!

Cả lớp im phăng phắc theo từng bước đi “dịu dàng” của bạn Ngọc, để rồi sau đó hai phút, bổng nổ ra một trận cười bom dội.

Ngọc là một cô gái có dáng dấp “oai phong” của một vận động viên bóng rổ. Cao 1m65, học trễ hai năm nên rất đáng mặt đàn chị so với cả lớp: Trong khi thầy ốm nhom, chiều cao chỉ khoảng 1m60 hay 1m62 gì đó (cộng luôn bề dày đế của đôi giày da mũi nhọn rộng quá khổ chân). Một sự tương phản khá hài hước. Thầy điếng người, mặt đỏ như người say nắng biển, vội vã hỏi dăm ba câu lấy lệ rồi “mời” bạn Ngọc về chỗ. Quyển sổ điểm được gấp lại vội vàng và bài học mới bắt đầu cũng rất nhanh chóng.

Cái sự khởi đầu nan ấy rồi cũng qua mau, rồi mọi chuyện cũng biến thành kỷ niệm. Mà kỉ niệm lại bắt đầu từ sự nhiệt tình khá ngây ngô của cả thầy lẫn trò, lúc hai bên biết “hợp đồng tác chiến” trong những giờ học Toán.

Tôi còn nhớ một lần, thầy giáo có hứa sẽ dựng mô hình cho một bài toán hình học không gian khó nuốt, để học trò dễ hình dung hơn là nhìn vào hình vẽ. Vậy mà, hai lần, ba lượt thầy quên mất. Một ngày nọ, cuối cùng thầy đã nhớ được lời hứa với học trò. Thầy đem theo nhưng trên đường đến trường, khi đi xe đò đông quá, người ta chen nhau làm hỏng mất mô hình của thầy. Đó là lời giải thích của thầy. Mà lũ học trò chúng tôi đâu chịu tin. Chúng tôi đã bắt thầy dựng mô hình ngay tại lớp. Thầy bối rối “huy động” thước kẻ với số lượng tối đa nhờ các bạn học sinh trong lớp lên giúp thầy. Cuối cùng cũng thành công. Đó quả là một kỉ niệm đáng nhớ.

Cũng có lần, chúng tôi quá nghịch ngợm khiến thầy nổi nóng khiến cả lớp ai nấy đều im phăng phắc làm thầy ngạc nhiên hỏi:

– Ôi, sao bỗng dưng các em ngoan quá vậy?

Thầy giáo của chúng tôi chẳng giận học trò được lâu bao giờ. Thầy như một chiếc lá, vô tình vờ rơi xuống mặt nước hồ đang dao động của tuổi học trò, góp thêm một con sóng giao thoa nhỏ bé, rồi lại theo gió cuốn bay đi. Thầy dạy chưa hay, giảng bài chưa hấp dẫn. Chúng tôi biết vậy, nhưng học trò không chê, mà mặc nhiên chấp nhận như một thứ kỉ niệm, xếp bên cạnh những tầng lớp kỉ niệm phải có trong tuổi ngây thơ, đáng quý của tuổi học trò.

Đối với tôi, những kỉ niệm về năm lớp 8 với sự dạy bảo của người thầy Tuấn sẽ mãi in đậm trong kí ức của em.

9. Kể về kỉ niệm sâu sắc nhất với thầy, cô ngắn gọn

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”

Đó chính là những câu thơ nói về nghề giáo, nghề mà luôn được yêu quý, kính trọng. Tôi rất yêu mến các thầy cô giáo của mình, nhưng người để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất chính là cô Kim Anh – cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi.

Cô có mái tóc rất dài, mượt mà, đen nhánh và luôn phảng phất hương thơm. Đôi mắt cô to tròn, đen láy, vô cùng cương nghị nhưng cũng không kém phần dịu dàng. Khi chúng tôi đạt thành tích cao trong học tập, cô luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến. Còn mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, đôi mắt cương nghị của cô lại đượm buồn. Đôi bàn tay cô thon dài, luôn viết ra những mạch văn giàu cảm xúc để chuyển tải bài học đến với chúng tôi. Cô còn giúp chúng tôi nhớ bài lâu hơn bằng giọng nói của mình. Giọng nói của cô thật truyền cảm, khi thì dịu dàng, ấm áp, lúc lại dí dỏm, vui tươi khiến cho chúng tôi luôn tập trung vào bài học, quên cả thời gian. Tính cách cô hiền lành, chính trực, cô luôn nghiêm túc với công việc của mình. Hàng ngày, cô rất hay vui đùa với chúng tôi nhưng khi đã vào tiết học, cô cũng rất nghiêm khắc. Cô từng nói rằng với cô dạy học không chỉ là một nghề, mà còn là một niềm đam mê. Cô luôn chuẩn bị rất kỹ cho bài giảng của mình, nhiều khi cô còn sử dụng cả những đoạn clip ngắn về bài học, giúp chúng tôi có thể tiếp thu bài nhanh nhất. Dù cô đã là một giáo viên nhưng cô vẫn học, đó là sở thích của cô. Cô luôn thức đến ba, bốn giờ sáng mới đi ngủ vì sau khi soạn giáo án, cô lại tiếp tục học bài. “Học như một con đò ngược dòng vậy, các con ạ!” – Lời cô nói thấm thía lòng chúng tôi.

Tôi nhớ nhất là khi cô đi thăm quan với lớp chúng tôi. Lúc ấy, trên nét mặt cũng như trong đôi mắt của cô thể hiện sự lo lắng, bồn chồn không yên. Sau đó, chúng tôi mới vỡ lẽ, ra là hôm ấy, gia đình có việc quan trọng nhưng cô đã lựa chọn đi cùng với lớp chúng tôi vì cô sợ rằng có vấn đề gì không hay với chúng tôi, cô sẽ ân hận cả đời.

Một kỉ niệm đáng nhớ khác là khi tôi học hè. Khi ấy, tôi khá lo sợ do tôi đã nghỉ mất hai tuần. Tôi bước vào lớp với tâm trạng lo lắng. Cô biết là tôi đã nghỉ học, cô bèn giảng lại cho tôi những chỗ tôi chưa biết, chưa hiểu, rồi nhờ bạn cho tôi mượn vở để chép bù bài. Lúc đó tôi thấy mình nhẹ nhõm, thầm cảm ơn cô và các bạn.

Quả thật, nghề giáo thật là cao quý, giống như câu ví: “Nghề giáo là người lái đò tri thức qua sông”. Đó cũng là nghề mà tôi mong ước sau này khi trưởng thành.

10. Kể về kỉ niệm sâu sắc nhất về bạn bè – mẫu 1

– Hùng ơi! Sao lâu thế? Muộn học mất rồi.

– Tớ xin lỗi vì đã để cậu phải đợi lâu. Tặng cậu nhân ngày sinh nhật!

Tôi thật bất ngờ khi Hùng dúi nhanh vào tay tôi một đôi dép mới. Nhoẻn miệng cười, tôi nói:

– Sao hôm nay bày vẽ thế. Cậu định chuộc lại lỗi lầm hôm trước hay sao?

Tôi nói ra câu ấy cốt là chỉ nói đùa thôi. Ấy vậy mà không ngờ mặt Hùng xịu hẳn đi. Trông cậu, tôi hối tiếc về những gì mà mình vừa mới nói. Câu chuyện xảy ra hai tháng trước đây khi tôi với Hùng từ một đôi bạn vô cùng thân thiết trở nên đối nghịch.

Hùng với tôi không cùng xóm nhưng chúng tôi làm bạn với nhau từ khi bước vào lớp một. Từ đó trở đi năm nào chúng tôi cũng học cùng lớp với nhau, ngồi cùng bàn với nhau và chia sẻ với nhau tất cả. Tình bạn của chúng tôi cũng bởi thế mà bền chặt và thân thiết lắm. Cuộc sống cứ thế trôi đi thật đẹp nếu không có chuyện lớp tôi xảy ra liên tiếp những vụ mất tiền. Trong gần một tháng hơn một triệu đồng bỗng nhiên không cánh mà bay. Nạn nhân là gần chục bạn lớp tôi, trong đó Hùng bị mất nhiều hơn tất cả.

Không khí ở lớp từ hôm xảy ra chuyện mất tiền bỗng nhiên trở nên căng thẳng. Cô chủ nhiệm rồi cả đoàn thanh niên cũng vào cuộc mà không thể nào tìm ra thủ phạm. Ở trường chúng tôi cũng chịu nhiều áp lực. Một lớp chọn với toàn những học sinh ưu tú mà lại xảy ra chuyện không hay như thế thì tránh sao khỏi những cái nhìn và sự chê bai của các bạn lớp bên. Cứ thế nội bộ lớp tôi bắt đầu lục đục. Một số mối quan hệ có nguy cơ rạn nứt và đổ vỡ. Dẫu vẫn biết “một mất mười ngờ” nhưng rõ ràng không thể không bực giận khi mình tự nhiên bị cả lớp hoài nghi.

Gần một tháng đã trôi qua vậy mà chuyện ở lớp vẫn không hề tiến triển. Hôm ấy, vẫn như thường lệ, tôi đi học và qua cổng nhà Hùng. Thế nhưng mới gặp tôi, Hùng đã nói:

– Có lẽ từ nay tao chẳng nên tin ai cả.

Tôi nghe thấy lạ, bèn hỏi lại:

– Cậu nói thế nghĩa là sao?

Hùng lạnh nhạt:

– Chẳng sao cả. Có vậy mà còn không hiểu hay sao?

Câu nói của Hùng đáp hẳn vào nhân cách của tôi. Nhưng tôi chưa kịp phản ứng gì thì Hùng quay ngoắt đầu xe đi thẳng.

Vậy là đã rõ, Hùng đã nghi ngờ cả bản thân tôi. Tôi buồn lắm, rệu rã đạp xe tới cổng trường, cắp cặp vào lớp ngồi bên người bạn thân cả buổi mà không dám bắt lời. Mỗi khi tôi trộm nhìn sang, vẻ mặt Hùng lại ánh lên sự bất cần và thách thức. Buổi học hôm ấy trôi qua căng thẳng, chậm chạp và mệt nhọc.

Tan học, lần đầu tiên từ khi bước vào ngôi trường mới, tôi một mình đạp xe vội vã về nhà. Mệt mỏi và chán nản, tôi nằm vật ra giường. Chẳng lẽ tình bạn đẹp đẽ của chúng tôi lại đổ vỡ một cách đơn giản thế ư? Không thể được! Tôi phải nghĩ và phải làm rõ “vụ án” này để chứng minh cho sự trong sạch của mình và quan trọng hơn là để cứu vãn tình bạn của chúng tôi.

Những ngày sau đó là những kỷ niệm rất buồn đối với tình bạn của chúng tôi. Tôi không nói và như thế Hùng càng có lý để ngờ vực gian trá của tôi. Nhưng tôi không chấp nhận, tôi cùng một vài bạn nam trong lớp đã lập thành một nhóm quyết tâm phá vụ án này. Không nghi ngờ bạn nào trong lớp, chúng tôi hướng mũi điều tra vào một số người hay qua lại lớp mình. Không ngờ, chỉ không đầy năm buổi học chúng tôi đã tóm được ngay thủ phạm. Tất cả thế là đã rõ, thủ phạm lấy cắp tiền không phải là học sinh của lớp tôi. Những căng thẳng trong lớp tự nhiên không còn nữa, bạn bè lại hòa nhã và vui vẻ với nhau.

Cũng sau hôm ấy, Hùng đã đến tận nhà tôi và xin lỗi. Tôi chỉ cười và nắm chặt hai bàn tay của nó. Tôi không bao giờ ngờ được giữa tôi và Hùng lại có những ngày như thế. Nhưng quả thực sau tất cả những chuyện này, tôi lại cảm thấy càng yêu quý nó hơn…

– Tớ… tớ cảm ơn và xin lỗi cậu. Tớ chỉ đùa thôi.

Hùng không nhìn thẳng vào tôi:

– Tớ biết mình có lỗi và tớ ân hận lắm. Tớ chỉ mong từ bây giờ cậu vẫn coi tớ là bạn.

– Cậu ngốc lắm. Tớ có suy nghĩ gì đâu! Tôi an ủi.

Thế đấy kỷ niệm của tôi và Hùng là thế. Đúng là hạnh phúc là một sự đấu tranh. Hay nói đúng hơn, sau những gian nan ta mới hiểu hết ý nghĩa của hai từ hạnh phúc. Tôi tự hào về người bạn của tôi. Tôi yêu quý cả sự ngây thơ và chân thành của nó.

11. Kể về kỉ niệm sâu sắc nhất với bạn bè – mẫu 2

Năm nay tôi vào lớp sáu, còn bé Nhi thì bước sang lớp bốn. Bố mẹ Nhi cũng đã về sống với nhau sau hơn một năm sống ly thân. Tôi và Nhi tuy chẳng phải họ hàng nhưng thân thiết lắm! Tất cả bắt đầu từ lần ấy…

Năm ấy, tôi học lớp bốn còn bé Nhi học lớp hai. Tội nghiệp bé Nhi! Bố nó ham mê cờ bạc, rượu chè đi suốt từ sáng đến tối mới về lại còn hay đánh vợ chửi con. Mẹ nó không chịu được, quyết định đưa nó về bà ngoại. Nhà bà ngoại nó ở cuối xóm, cạnh nhà tôi. Thế là anh em quen nhau từ đó.

Một buổi chiều hè, tôi rủ bé đi chơi vì biết bé rất buồn. Tôi hỏi:

– Bây giờ em thích cái gì để anh làm cho?

Bé Nhi nói:

– Anh biết không! Ngày xưa em mơ ước nhà em như một con thuyền lớn. Bố là cột buồm vững chãi còn mẹ là khoang thuyền che chở nắng mưa. Con thuyền nhà em sẽ chở những ước mơ của em đến đích. Vậy mà bây giờ nó chẳng bao giờ có thể thực hiện được.

– Đừng buồn em ạ! Hãy cố gắng lên! Nào, đi! Đi với anh!

Tôi dắt bé Nhi đi hái những lá tre nghe thật to để gấp thuyền lá thả trôi sông. Tôi cọng lá to nhất gặp một con thuyền thật đẹp tặng bé Nhi. Nhưng Nhi không giữ được, bé thả ngay xuống nước. Kỳ lạ là con thuyền lại không trôi. Nó mắc cạn vào ngay đám rong đang bò lổm ngổm ở giữa dòng. Bé Nhi nói:

– Đấy! Gia đình em bây giờ cũng như con thuyền đó, chẳng thể nào nó đi được, chỉ có thể chìm thôi!

Tôi nghe vậy thấy vừa tiếc, lại vừa thương Nhi, bèn cứ mang cả quần áo lội xuống sông vượt chiếc thuyền lên. Nước đến bụng rồi đến cổ. Bỗng “sụt” chân tôi trượt phải một hố bùn giữa sông ngay lúc tôi vừa với được chiếc thuyền. Tôi cố gắng chới với trong khi một tay vẫn dâng chiếc thuyền lên khỏi mặt nước. Mấy phút sau, tôi bò lên được tới bờ khi bụng đã uống no nước nhưng rất may không sao, còn lấy được con thuyền nguyên vẹn cho bé Nhi. Nhìn thấy tôi, con bé mặt tái mét và sợ hãi. Tôi khẽ an ủi:

– Em hãy giữ nó làm kỷ niệm và tin rằng có ngày nó sẽ được bơi thỏa thích trên sông.

Hôm đó, vì sợ mẹ mắng, tôi và bé Nhi ngồi ở bờ sông cho đến khô quần áo mới dám về. Đêm, tôi bị sốt cao nhưng vẫn giấu chuyện ban chiều không nói. Mẹ thì cứ tưởng tôi dãi nắng nên bị sốt. Cũng may sáng hôm sau, tôi đã đỡ nhiều. Ngay hôm bố mẹ nó hòa giải và về sống với nhau, nó rủ tôi đem chiếc thuyền ra sông thả.

Nhưng chiếc thuyền đã không không còn thả được. Thế là anh em tôi mải miết gấp những chiếc thuyền tre khác. Những chiếc thuyền gấp buổi chiều hôm ấy, chiếc nào cũng trôi về tận cuối dòng sông.

Điều bí mật giữa tôi và bé Nhi còn đến tận bây giờ. Đó cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất tuổi thơ tôi. Cho đến tận bây giờ, tôi với Nhi vẫn còn là những người bạn thân thiết cùng chia sẻ mọi buồn vui với nhau.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của Tmdl.edu.vn.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Văn Học

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button