Giáo dục

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo hay nhất (15 Mẫu)

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo hay nhất với dàn ý chi tiết cùng 15 bài văn mẫu được thầy cô chọn lọc từ các bài văn đạt điểm cao sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em hoàn thành tốt bài viết đoạn văn về lòng hiếu thảo theo văn phong riêng của mình thêm sinh động, súc tích nhất.

Đề bài: Anh/chị hãy viết bài Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo trong đó bàn luận về vai trò của lòng hiếu thảo đối với cuộc sống con người.

Bạn đang xem bài: Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo hay nhất (15 Mẫu)

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo
Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo

Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo

1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: lòng hiếu thảo

2. Thân bài

a. Giải thích lòng hiếu thảo là gì?

– Là sự hiếu kính, biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ

– Là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

b. Biểu hiện của lòng hiếu thảo?

– Ngoan ngoãn, lễ phép, kính trọng ông bà, cha mẹ

– Yêu thương, chăm sóc, chia sẻ, giúp đỡ ông bà, bố mẹ

– Cố gắng học tập, làm việc để báo đáp công ơn sinh thành

c. Ý nghĩa của lòng hiếu thảo?

– Lòng hiếu thảo là nghĩa vụ của mỗi người đối với ông bà, cha mẹ

– Hiếu thảo là cơ sở hình thành nhân cách, đạo đức con người, thước đo giá trị nhân phẩm

d. Thực trạng về lòng hiếu thảo của thế hệ trẻ ngày nay?

– Cần phê phán mạnh mẽ những người bất hiếu, vô cảm, coi thường cha mẹ, bất kính với ông bà,…

– Tuyên dương những tấm gương hiếu thảo để phát huy tốt truyền thống hiếu thảo của dân tộc

3. Kết bài

Rút ra bài học nhận thức và liên hệ bản thân về lòng hiếu thảo

10 Bài văn mẫu Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo hay nhất

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 1

Hiếu thảo là một trong những phẩm chất đạo đức căn bản, cốt lõi và quan trọng nhất của con người. Lòng hiếu thảo hiểu một cách đơn giản đó là sự biết ơn, yêu thương, kính trọng của con cái đối với bậc sinh thành là cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Có rất nhiều cách để thể hiện lòng hiếu thảo, có thể là hành động cụ thể, cũng có thể là tình cảm âm thầm, lặng lẽ. Trong cuộc sống hàng ngày, lòng hiếu thảo có thể chỉ là sự lễ phép, đi thưa về gửi, hỏi thăm sức khỏe ông bà, đơn giản như nấu một bữa ăn ngon, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng chờ bố mẹ về ăn cơm. Đó chính là biểu hiện của lòng hiếu thảo của con cái, một người con hiếu thảo chắc chắn là người con ngoan, một người tốt của xã hội, hiếu thảo với cha mẹ là tiền đề để họ biết yêu thương, san sẻ với những người xung quanh, từ đó lan tỏa tình thương đến mọi người. Những người con bất hiếu có những hành động, lời nói bất kính, xúc phạm đến ông bà, cha mẹ ắt sẽ phải lên án nghiêm khắc. Chúng ta phải biết ơn khi vẫn còn cha mẹ để báo hiếu, phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thật nhiều để sau này không phải hối hận.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 2

Mỗi con người chúng ta được sinh ra, được trưởng thành, được thành đạt trên cõi đời này đều do công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Công ơn trời biển ấy kể sao cho xiết! Chính vì thế, chúng ta cần phải luôn hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Công cha nghĩa mẹ to lớn vô cùng. Không có cha mẹ thì sẽ không có chúng ta. Mẹ phải vất vả chín tháng mười ngày thai nghén bao gian truân, cơ cực. Chín tháng hay chín năm, gian khó khôn cùng để sinh ra ta. Mẹ chắt chiu dòng sữa nuôi con khôn lớn. Khi con ốm đau, mẹ quên ăn quên uống, thức trắng cùng những cơn sốt, cơn đau của con, thao thức lo toan. Khi con đã lớn lên: từ bát cơm mỗi ngày, từ manh áo đến mọi tiện nghi học hành cha mẹ lo cho con tất cả. Cha mẹ như cánh cò cần cù nhẫn nại, vật lộn với đời thường để chắt chiu lo cho con ăn học thành tài. Cha mẹ hết lòng vì con cái, chẳng giành lại cho mình điều gì. Chẳng ai biết giới hạn cuối cùng của việc thế nào là trọn đạo; chỉ biết rằng, nụ cười mẹ cha khi thấy con được điểm tốt, niềm mãn nguyện khi con biết vâng lời phải, sự tự hào khi con lớn khôn, đấy là minh chứng cho thấy con đã làm đúng đạo của mình rồi. Cha mẹ sẽ hạnh phúc làm sao khi bạn mạnh khỏe, ngoan ngoãn học hành. Cha mẹ sẽ đau đớn biết bao khi nhìn nguồn sống, niềm tin của mình sa ngã? Chẳng cần làm những điều cao cả, đôi khi chỉ cần chạy đến ôm mẹ như thuở còn thơ thôi, ấy cũng đã là trọn đạo rồi. Mỗi con người có một cách thể hiện tình cảm, lòng hiếu thảo với cha mẹ khác nhau, chúng ta hãy sống trọn đạo làm con để cuộc đời thêm ý nghĩa hơn.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 3

Hiếu thảo là tình cảm tự nhiên và cũng là đạo đức của con người. Người con hiếu thảo luôn biết kính trọng và yêu thương cha mẹ của mình. Cha mẹ nuôi con không bao giờ mong được đền đáp lại công lao ấy. Nhưng nghĩa vụ của mỗi người con là phụng dưỡng khi cha mẹ tuổi già sức yếu. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải phấn đấu học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, trở thành những công dân tốt, đem lại niềm vui, niềm tự hào cho ba mẹ. Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương hiếu thảo đáng được khen ngợi, tiêu biểu là những câu chuyện trong “Nhị thập tứ hiếu”. Bên cạnh đó vẫn có những kẻ bất hiếu, không vâng lời cha mẹ, ngược đãi cha mẹ mình, luôn làm cha mẹ đau lòng. Đó là những người đáng bị phê phán trong xã hội. Tóm lại, bổn phận làm con phải biết giữ tròn chữ hiếu với đấng sinh thành. Ngày nay, không chỉ hiếu thảo với cha mẹ, chữ hiếu còn được mở rộng ý nghĩa như trong lời Bác Hồ dạy: “Trung với nước, hiếu với dân”.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 4

Từ xưa đến nay lòng hiếu thảo luôn luôn là một truyền thống của dân tộc ta. Nếu theo nho giáo thì chữ Hiếu luôn đặt lên hàng đầu. Lòng hiếu thảo chính là sự kính trọng, biết ơn của mình đối với ông bà, cha mẹ. Hiếu thảo chính là sự thể hiện hành động yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc về già. Những người đã có ơn với chúng ta. Cha mẹ là những người để mang nặng đẻ đau, nuôi nấng chúng ta lên người. Hiếu thảo chính là một truyền thống tốt của dân tộc ta đã được gìn giữ từ xưa đến nay. Sống hiếu thảo là một lối sống đẹp, luôn ghi nhớ những công ơn của ông bà, cha mẹ. Nhờ có lòng hiếu thảo giúp gắn kết các thế hệ trong một gia đình, mọi người sống trong môi trường tràn ngập lòng yêu thương, sự kính trọng cùng lòng biết ơn với các bậc sinh thành. Câu ca dao đã có câu

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 5

Hiếu thảo với ông bà cha mẹ vốn là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, và đây cũng là một trong những phẩm chất tốt đẹp cần có ở con người. Lòng hiếu thảo có nghĩa là kính trọng ông bà, cha mẹ và tổ tiên của mình. Đó còn là hành động yêu thương chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ ông bà khi già yếu và trách nhiệm thờ phụng khi họ qua đời. Hiếu thảo chính là giá trị cốt lõi của và là trung tâm trong hệ thống đạo đức của nho giáo. Nó không chỉ biểu hiện qua tình cảm mà còn biểu hiện trong những hành động cụ thể.Biểu hiện của người có lòng hiếu thảo chính là biết cung kính ông bà cha mẹ, biết vâng lời và làm cho cha mẹ vui lòng. Khi cha mẹ khỏe mạnh thì ngoan ngoãn vâng lời, khi già yếu th, ốm đau thì hết lòng chăm sóc phụng dưỡng. Khi cha mẹ nhắm mắt xuôi tay thì thành tâm thờ cúng. Con người chúng ta ai cũng cần phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ, họ là những người đã nuôi dưỡng và dạy ta nên người, mỗi con người sinh ra đều có tổ, có tông có nguồn có cội, thân tộc. Chính vì thế chúng ta cần phải biết ơn những người đã sinh thành ra ta, nó còn là lối sống chuẩn mực của dân tộc Việt Nam ta, Nhị thập tứ hiếu luôn là bài học giáo dục đạo đức ngàn đời còn mãi. Sống hiếu thảo là lối sống cao đẹp, biết quý trọng công ơn dưỡng dục của ông bà cha mẹ thể hiện niềm tri ân đối với các bậc sinh thành. Lòng hiếu thảo thể hiện sự bao dung sống có trách nhiệm. Bên cạnh đó, lòng hiếu thảo luôn được mọi người yêu mến, trân trọng và thành công trong cuộc sống và môi trường tràn ngập yêu thương, sự kính trọng đối với các bậc sinh thành. Giá trị của một người con không thể hiện ở sự giàu có sang trọng mà nó chính là ở tấm lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo thể hiện lối sống trọng tình nghĩa và cũng là nét đẹp cao quý của nền văn hóa Việt Nam.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 6

Đạo làm con là phải hết lòng phụng dưỡng, báo đáp mẹ cha, vì thế Hiếu Thảo là tình cảm tự nhiên và cũng là đạo đức của con người. Người con hiếu thảo là người con luôn biết kính trọng và yêu thương cha mẹ của mình. Cha mẹ nuôi con không bao giờ mong được đền đáp lại công lao ấy – nhưng nghĩa vụ của mỗi người con là phụng dưỡng khi cha mẹ tuổi già sức yếu. Lòng hiếu thảo luôn mang lại hạnh phúc cho gia đình, làm cho gia đình yên ấm. Hiếu thảo cũng mang lại một xã hội tốt đẹp văn minh. Bởi gia đình vốn là tế bào của xã hội. Nếu mỗi gia đình là những tấm gương hiếu thảo thì xã hội này sẽ tốt đẹp biết bao. Muốn vậy ta cần phê phán những kẻ bất hiếu, không vâng lời cha mẹ, ngược đãi cha mẹ mình, luôn làm cha mẹ đau lòng. Đúng như đức nhân Khổng Tử từng nói: “Tội ác lớn nhất của con người chính là tội bất hiếu”. Tóm lại, bổn phận làm con phải biết giữ tròn chữ hiếu với đấng sinh thành. Ngày nay, không chỉ hiếu thảo với cha mẹ, chữ hiếu còn được mở rộng ý nghĩa như trong lời Bác Hồ dạy: “Trung với nước, hiếu với dân”.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 7

Con người Việt Nam ta rất xem trọng lòng hiếu thảo, bởi hiếu thảo là một truyền thống quý báu từ ngàn xưa của dân tộc. Ông bà, cha mẹ là người sinh thành, cho ta sự sống, được làm người. Vì vậy, phận là con cháu phải biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ để đền đáp lại công ơn sinh thành dưỡng dục. Bằng tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng, yêu thương thì những người con mới có thể phần nào đền đáp công ơn sinh thành. Lòng hiếu thảo xuất phát từ những hành động rất giản đơn, đó là yêu thương, luôn nghe lời cha mẹ, phụng dưỡng ông bà khi già yếu, chăm sóc cha mẹ khi ốm đau. Việc hiếu nghĩa phải luôn luôn ghi nhớ, thực hành hàng ngày, chứ không chờ đến lúc ốm đau mới hỏi han, chăm sóc, hay chờ đến lúc chết mới than khóc, đau buồn. Lòng hiếu thảo chính là thước đo giá trị của con người chứ không phải tiền bạc hay địa vị cao sang, ai cùng từ cha mẹ sinh ra, nếu không báo hiếu cha mẹ thì đó là người vô tâm, vô cảm, ngược lại còn ngỗ nghịch, cãi lại cha mẹ thì đó là người con bất hiếu, không xứng đáng nhận được sự tôn trọng của mọi người.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 8

Từ xưa đến nay, người dân Việt Nam ta luôn sống với đạo lí lấy chữ Hiếu làm cốt. Chữ hiếu có vai trò quan trọng trong đời sống con người dù ở thời đại nào đi nữa. Có thể thấy, chữ hiếu trong lòng hiếu thảo mang một ý nghĩa to lớn đối với đồng bào ta. Vậy lòng hiếu thảo có ý nghĩa là gì? Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ có nghĩa là tình cảm, thái độ kính trọng, tôn thờ, biết ơn cha mẹ của mình. Lòng hiếu thảo thể hiện phẩm chất đạo đức tốt mà chúng ta cần có, là nghĩa vụ mà chúng ta phải làm. Nó còn là thước đo để đánh giá phẩm chất, đạo đức của con người. Mỗi chúng ta được sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục nên người đều là nhà công lao vất vả, to lớn của cha mẹ. Khi nhận về phải biết cho đi, đề đáp những công ơn, tình cảm cao đẹp đó một cách trọn vẹn nhất. Bản thân chúng ta khi cha mẹ còn sống khỏe mạnh, phận làm con phải biết yêu thương, tôn thờ và kính trọng. Phải biết chăm sóc cha mẹ đỡ đần thuốc thang khi cha mẹ già yếu, bệnh tật. Tuy nhiên, trong cuộc sống xã hội hiện nay vẫn còn xuất hiện những đứa con bất hiếu, vong ơn bội nghĩa, phủi bỏ, vội vàng quên đi những tháng năm cha mẹ yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ nên người. Lại có những kẻ này còn quay ngược lại chửi mắng đánh đập, đôi khi còn tàn nhẫn hơn đó chính là giết chính cha mẹ của mình. Hoặc đôi khi có những nơi có tục lệ rất cổ hủ như khi cha mẹ già yếu thì theo tập tục thì những người con phải mang cha mẹ mang bỏ lên núi bơ vơ một mình… những con người và những hành động này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án. Lòng hiếu thảo là phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người mà ai ai cũng nên có. Chúng ta cần yêu thương, tôn thờ, chăm sóc khi cha mẹ già yếu, bệnh tật… cha mẹ chỉ có một, những gì họ hi sinh cho ta xứng đáng nhận được sự đền đáp trọn vẹn.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 9

Dân tộc Việt Nam ta có vô vàn truyền thống tốt đẹp được kế thừa và phát triển cho đến tận ngày nay. Một trong số đó nổi bật nhất chính là lòng hiếu thảo. Hiếu thảo chính là tôn trọng cha mẹ và tổ tiên của mình, đó là cách hiểu trong triết học Nho giáo. Hiểu đơn giản hơn thế, hiếu thảo được thể hiện trong hành động, lời nói với cha mẹ, tổ tiên. Việc phụng dưỡng, chăm sóc họ khi còn sống, thờ phụng họ khi qua đời, luôn mang lại niềm vui cho họ, ấy chính là hiếu thảo. Vậy vì sao ta phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ tổ tiên? Bởi họ chính là người đã sinh ra ta, cho ta một cơ thể khỏe mạnh, một trái tim biết yêu thương, nuôi ta khôn lớn thành người. Không chỉ vậy, họ còn dạy ta nên người, luôn dành cho ta những thứ tốt nhất để ta lớn lên thật vẹn toàn, không thua kém ai. Cha mẹ, người thân luôn là chỗ dựa vững chắc phía sau cổ vũ, động viên, nâng đỡ mỗi chúng ta trên chặng đường đời, là bến đỗ bình yên nhất luôn dang tay chào đón chúng ta. Người sống hiếu thảo sẽ luôn được mọi người tôn trọng, yêu mến và coi đó là tấm gương cho các thế hệ sau này và người khác noi theo học tập. Những câu chuyện về con người hiếu thảo như vua Thuấn dù bị cha đánh chửi, bị mẹ kế và em trai hãm hại nhưng vẫn luôn hiếu kính họ, vẫn luôn bảo vệ cha những lúc ông gặp nguy hiểm, nhường nhịn em trai mình; hay như Chử Đồng Tử lấy chiếc khố duy nhất táng cha; những cô cậu bé còn nhỏ tuổi nhưng đã vừa học vừa làm chăm sóc cha mẹ ông bà bị bệnh của mình… Vô vàn những câu chuyện làm chúng ta cảm động đang xảy ra xung quanh ta hàng ngày. Ấy vậy nhưng vẫn có những con người sống thờ ơ, vô cảm, bội bạc. Họ không quan tâm đến cha mẹ của mình, mặc kệ họ tự sinh tự diệt, ích kỷ chỉ vì riêng bản thân. Những con người ấy đáng bị lên án và trừng phạt. Hiếu thảo là một đức tính mỗi người cần phải có, không chỉ đơn giản là để ta sống cho trọn vẹn mà còn là hành trang cần thiết để ta bước vào đời.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 10

Hiếu thảo là một trong những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Lòng hiếu thảo là tấm lòng biết ơn, kính trọng sâu sắc của bậc con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Lòng hiếu thảo được biểu hiện bằng những tình cảm, hành động cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Đó có thể là sự lễ phép, kính trọng, cũng có thể là tình yêu thương, cảm thông sâu sắc, là sự cố gắng học tập và làm việc để đền đáp công ơn sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ của cha mẹ, ông bà. Trong cuộc sống, nếu chúng ta biết hiếu thảo, biết yêu thương, trân trọng những người thân trong gia đình thì không chỉ tạo ra niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn góp phần làm cho xã hội văn minh hơn. Thật vậy! Đấng sinh thành là những người đã đưa chúng ta đến với cuộc đời, nuôi dưỡng, bảo bọc và che chở cho ta bằng tất cả tình yêu thương. Vì vậy, hiếu thảo không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của mỗi người con, người cháu trong gia đình. Chúng ta cần ý thức được điều này, sống và làm việc có trách nhiệm, luôn yêu thương, kính trọng bề trên, không ngừng cố gắng để đền đáp công ơn, tình cảm to lớn của cha mẹ. Bên cạnh đó, cần lên án, phê phán những hành động bất hiếu, vô cảm, thậm chí là đánh đập người thân của một bộ phận người trong xã hội hiện nay. Tóm lại, lòng hiếu thảo từ xưa đến nay vẫn luôn là đạo lý tốt đẹp được truyền từ đời này sang đời khác, chúng ta cần biết giữ gìn và phát huy thật tốt truyền thống đạo lý đó.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 11

Lòng hiếu thảo là thái độ, tình cảm, là cách ứng xử, đối đãi của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Một người con hiếu thảo luôn biết nghe lời, làm cha mẹ vui lòng và biết quan tâm, chăm sóc cha mẹ khi đau ốm. Một người cháu hiếu thảo luôn biết hỏi thăm sức khỏe ông bà, phụng dưỡng khi về già. Đôi khi lòng hiếu thảo chỉ đơn giản là sự hỏi han, một cử chỉ ân cần, một hành động yêu thương, đó cũng là hiếu thảo. Lòng hiếu thảo chẳng thể đong đếm được bởi cách cảm nhận của mỗi người là khác nhau, cách thể hiện cũng khác nhau, tuy nhiên chỉ cần đó là lòng hiếu thảo của con cháu thì bất kỳ ông bà hay cha mẹ nào cũng đều cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc. Chúng ta chỉ có một cha mẹ trên đời, vì thế phải trở thành một người con hiếu thảo để báo đáp công ơn trời biển của cha mẹ, đừng để mình trở thành một người con bất hiếu khiến cha mẹ buồn lòng. Lòng hiếu thảo không chỉ giúp chúng ta đáp đền công lao sinh thành mà còn nuôi dưỡng trong chúng ta những tình cảm tốt đẹp. Khi biết yêu thương ông bà, cha mẹ chúng ta mới có thể yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ những người xung quanh mình. Chúng ta hãy là những người con hiếu thảo, một người giàu lòng nhân ái để không công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 12

Từ xưa đến nay, người dân ta luôn lấy lòng hiếu thảo làm gốc. Và con cháu đời sau cứ thế học tập, noi theo. Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ có nghĩa là tình cảm, thái độ kính trọng, tôn thờ, biết ơn cha mẹ của mình. Lòng hiếu thảo thể hiện phẩm chất đạo đức tốt mà chúng ta cần có, là nghĩa vụ mà chúng ta phải làm. Nó còn là thước đo để đánh giá phẩm chất, đạo đức của con người. Mỗi chúng ta được sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục nên người đều là nhà công lao vất vả, to lớn của cha mẹ. Khi nhận về phải biết cho đi, đề đáp những công ơn, tình cảm cao đẹp đó một cách trọn vẹn nhất. Bản thân chúng ta khi cha mẹ còn sống khỏe mạnh, phận làm con phải biết yêu thương, tôn thờ và kính trọng. Phải biết chăm sóc cha mẹ đỡ đần thuốc thang khi cha mẹ già yếu, bệnh tật. Khi chúng ta sống với lòng hiếu thảo, không chỉ khiến gia đình ta hạnh phúc mà nó còn là tiền đề quan trọng để tạo dựng tinh thần đoàn kết, lan tỏa thông điệp đạo đức tốt đẹp, tích cực ra xã hội. Tuy nhiên, trong cuộc sống xã hội hiện nay vẫn còn xuất hiện những đứa con bất hiếu, vong ơn bội nghĩa, phủi bỏ, vội vàng quên đi những tháng năm cha mẹ yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ nên người, những con người và những hành động này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án. Lòng hiếu thảo là phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người mà ai ai cũng nên có. Chúng ta cần yêu thương, tôn thờ, chăm sóc khi cha mẹ già yếu, bệnh tật… cha mẹ chỉ có một, những gì họ hi sinh cho ta xứng đáng nhận được sự đền đáp trọn vẹn.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 13

Đức Phật đã từng dạy: “Tột cùng của điều thiện không gì hơn hiếu. Tột cùng của điều ác không gì hơn bất hiếu”. Bao nhiêu lần nhớ lại lời của Ngài, tôi vẫn xúc động và thấm thía lời dạy về sự hiếu thảo trong cuộc đời. Hiếu thảo là tình cảm tự nhiên và cũng là đạo đức của con người. Người con hiếu thảo luôn biết kính trọng và yêu thương cha mẹ của mình. Cha mẹ nuôi con không bao giờ mong được đền đáp lại công lao ấy. Nhưng nghĩa vụ của mỗi người con là phụng dưỡng khi cha mẹ tuổi già sức yếu. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải phấn đấu học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, trở thành những công dân tốt, đem lại niềm vui, niềm tự hào cho ba mẹ. Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương hiếu thảo đáng được khen ngợi, tiêu biểu là những câu chuyện trong “Nhị thập tứ hiếu”. Bên cạnh đó vẫn có những kẻ bất hiếu, không vâng lời cha mẹ, ngược đãi cha mẹ mình, luôn làm cha mẹ đau lòng. Đó là những người đáng bị phê phán trong xã hội. Tóm lại, bổn phận làm con phải biết giữ tròn chữ hiếu với đấng sinh thành. Ngày nay, không chỉ hiếu thảo với cha mẹ, chữ hiếu còn được mở rộng ý nghĩa như trong lời Bác Hồ dạy: “Trung với nước, hiếu với dân”.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 14

Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ vốn là một truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc ta, là một trong những phẩm chất tốt đẹp cần có ở mỗi con người. Lòng hiếu thảo có nghĩa là kính trọng ông bà, cha mẹ và tổ tiên của mình. Hiếu thảo còn là hành động yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi già yếu và thờ phụng sau khi họ qua đời. Hiếu thảo vốn là trung tâm trong hệ thống đạo đức của Nho giáo. Lòng hiếu thảo của con người không những được thể hiện trong thái độ, tình cảm mà còn được biểu hiện qua hành động cụ thể. Người có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính ông bà, cha mẹ; biết vâng lời và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn. Họ luôn biết sống đúng chuẩn mực, thực hiện lễ nghi hiếu nghĩa đối với các bậc sinh thành. Lúc cha mẹ còn khỏe mạnh, họ hiếu thuận vâng lời, lắng nghe dạy bảo. Lúc cha mẹ ốm đau, già yếu, họ hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng. Khi cha mẹ qua đời, họ thành tâm thờ cúng. Con người sống phải có lòng hiếu thảo vì ông bà, cha mẹ là những người đã sinh thành và dưỡng nuôi ta khôn lớn, luôn dành cho ta những gì tốt đẹp nhất trên cuộc đời này. Mỗi con người sinh ra đều có nguồn cội, thân tộc. Bởi thế, ta phải biết ơn những người đã sinh thành, dưỡng nuôi và giáo dục ta nên người. Hiếu thảo còn là một lối sống tốt đẹp đã trở thành chuẩn mực trong truyền thống văn hóa Việt Nam. “Nhị thập tứ hiếu” luôn là bài học giáo dục đạo đức ngàn đời còn mãi. Sống có lòng hiếu thảo là lối sống cao đẹp, biết quý trọng công ơn dưỡng dục của ông bà cha mẹ, thể hiện niềm tri ân sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Lòng hiếu thảo thể hiện sự bao dung, sống có trách nhiệm. Người có lòng hiếu thảo luôn được mọi người yêu mến, trân trọng và thành công trong cuộc sống. Nhờ có lòng hiếu thảo giúp gắn kết các thế hệ trong một gia đình, mọi người sống trong môi trường tràn ngập lòng yêu thương, sự kính trọng cùng lòng biết ơn với các bậc sinh thành. Giá trị của một người con được nhìn nhận không phải ở sự giàu sang, quyền quý, mà nó thể hiện qua chữ “Hiếu”. Nhưng hiện nay còn tồn tại nhiều người có lối sống bất hiếu, vô lễ, đánh đập đối xử tàn nhẫn, bỏ rơi cha mẹ già. Họ thể hiện một lối sống vô ơn, một nhân cách kém cỏi. Những người như thế thật đáng chê trách. Qua đây, bản thân chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước cùng nhìn nhận lại đạo đức của bản thân, sống phải có lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo thể hiện lối sống trọng tình trọng nghĩa, là nét đẹp cao quý trong nền văn hóa Việt Nam và qua đó, giúp ta thấm thía rằng: “Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu”.

Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo – Mẫu 15

Từ những bài học đạo đức đầu tiên, bài học ta được học số một chính là bài học về lòng hiếu thảo, phải sống sao cho xứng đáng với công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ ông bà tổ tiên và đền đáp lại. Quả thực vậy, lòng hiếu thảo là một đức tính vô cùng cần thiết mỗi con người cần có trong xã hội ngày nay. Hiếu thảo, hiểu đơn giản và cụ thể nhất chính là việc ta hiếu kính người bề trên trong gia đình, phụng dưỡng họ khi về già… Đó là những việc mà bất cứ ai cũng cần phải làm được bởi đó là cách để ta đền đáp công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ tổ tiên. Mẹ đã mang nặng đẻ đau ta chín tháng mười ngày, vất vả sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn. Cha cùng mẹ cực nhọc mỗi ngày, luôn dành cho ta những thứ tốt nhất để ta có một tuổi thơ tươi đẹp và đầy đủ. Họ cho ta một mái ấm, một bến bờ hạnh phúc, lúc nào cũng hết mình vì ta chẳng hề đòi hỏi gì. Hiếu thảo với họ, không phải bởi vì họ bắt buộc, mà đó là sự tự nguyện tự giác đền đáp, là thước đo đánh giá con người. Bởi họ dành cả cuộc đời trẻ trung chăm sóc ta, đến khi về già, ta lại dành của mình để chăm sóc họ. Một con người sống hiếu thảo là người có tình nghĩa, giàu lòng yêu thương, đáng mến. Nhìn về lịch sử dân tộc và các nước khác, những con người từ bỏ công danh như Châu Thọ Xương để tìm mẹ, mặc kệ tuổi già mà mặc đồ sặc sỡ làm trò cho cha mẹ mình vui cười không âu lo như Lão Lai Tử… Cho đến những cô bé cậu bé, dù còn nhỏ tuổi nhưng đã biết phụ giúp gia đình, thậm chí là cùng lo toan bươn chải chăm sóc cha mẹ/ông bà già yếu bệnh tật của mình. Vô vàn những tấm gương hiếu thảo đang sống và làm việc mỗi ngày xung quanh ta. Hiếu thảo, đôi khi chỉ đơn giản là xuất phát từ những hành động nhỏ nhặt, giản đơn nhất. Bạn đã làm được hay chưa?

***************************

Qua bài viết trên, các em đã được tìm hiểu về truyền thống hiếu thảo của dân tộc ta, bên cạnh đó các em có thể tìm hiểu thêm về truyền thống nhân nghĩa – thương người như thể thương thân của Việt Nam qua các bài sau: Nghị luận về câu nói Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương, Nghị luận xã hội về mái ấm tình thương, Nghị luận xã hội Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương, Nghị luận xã hội Tình thương là hạnh phúc của con người.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/nghi-luan-xa-hoi-200-chu-ve-long-hieu-thao/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button