Giáo dục

Chứng minh thiên nhiên đẹp và gợi cảm qua những bài thơ Tràng giang, Đây mùa thu tới, Đây thôn Vĩ Dạ

Đề bài: Chứng minh thiên nhiên đẹp và gợi cảm qua những bài thơ Tràng giang, Đây mùa thu tới, Đây thôn Vĩ Dạ

chung minh thien nhien dep va goi cam qua bai tho trang giang day mua thu toi day thon vi da

Bạn đang xem bài: Chứng minh thiên nhiên đẹp và gợi cảm qua những bài thơ Tràng giang, Đây mùa thu tới, Đây thôn Vĩ Dạ

Chứng minh thiên nhiên đẹp và gợi cảm qua những bài thơ Tràng giang, Đây mùa thu tới, Đây thôn Vĩ Dạ

1. Chứng minh thiên nhiên đẹp và gợi cảm qua những bài thơ Tràng giang, Đây mùa thu tới, Đây thôn Vĩ Dạ, mẫu số 1:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

 

Thật vậy, từ xưa đến nay, thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thi sĩ và thông qua những bức tranh thiên nhiên để ghi lại dấu ấn cá nhân độc đáo riêng của mỗi người. Dưới mỗi con mắt quan sát tinh tế và sự cảm nhận khác nhau của người nghệ sĩ, thiên nhiên luôn hiện ra với muôn hình dáng vẻ và ẩn chứa những nét tâm trạng riêng của tác giả. Cùng khám phá vẻ đẹp và sự gợi cảm của thiên nhiên qua những vần thơ trong Tràng giang của Huy Cận, Đây mùa thu tới của Xuân Diệu và Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

 

Nhắc đến Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử là ta nhắc đến ba hồn thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới những năm 30 của thế kỉ XX. Họ đều là những thi sĩ có cách nhìn thiên nhiên rất độc đáo, mới mẻ, khác biệt và một trái tim nhạy cảm, rung động mãnh liệt trước vẻ đẹp, vẻ gợi cảm của thiên nhiên. Nhưng ẩn chứa kín đáo sau vẻ đẹp và sự gợi cảm ấy là tâm trạng phảng phất nỗi buồn của những trí thức đương thời trước thời cuộc đầy tăm tối.

 

Trước hết, cùng Huy Cận trải lòng mình qua bức tranh thiên nhiên Tràng giang với nét đẹp cổ điển, đầy thi vị:

 

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng

 

Đọc những dòng thơ đầu, ta như mường tượng ra trước mắt khung cảnh sông nước mênh mông, êm đềm, tĩnh lặng với những “sóng gợn”, “con thuyền”,… – thi liệu thường thấy trong thơ văn cổ điển. Từng lớp sóng bạc cứ nối dài, nối dài, lan xa trong không gian tạo nên bức tranh đẹp hùng vĩ, phóng khoáng, vô biên. Thêm một nét chấm phá “củi một cành khô” bồng bềnh trên mặt nước và hình ảnh con thuyền gác mái trôi xuôi lại khiến cho cảnh bình dị, thân thuộc mà cũng thật thơ mộng mang linh hồn của quê hương xứ sở. Nhưng đứng trước khung cảnh như vậy, nhìn những con sóng “buồn điệp điệp”, nhà thơ cũng dâng trào trong lòng nỗi buồn như từng lớp sóng cuộn, triền miên không nguôi, hình ảnh “củi một cành khô” gợi sự lạc lõng, cô độc của tác giả hay cũng chính là của lớp người trí thức đương thời tâm huyết nhưng không tìm thấy con đường đi của mình, bơ vơ, lạc lõng trước cuộc đời. Bức tranh tâm cảnh ẩn chứa đằng sau bức tranh ngoại cảnh, nỗi buồn của lòng người như lan tỏa sang cả thiên nhiên.

 

cam nhan ve buc tranh thien nhien trong 3 bai tho trang giang day mua thu toi day thon vi da

Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong Tràng Giang, Đây mùa thu tới, Đây thôn Vĩ Dạ

 

Nỗi buồn côn đơn cứ thế thấm sâu hơn vào cảnh vật:

 

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cố liêu

 

Dường như dòng tràng giang mở rộng hơn về không gian, hình ảnh: Có thêm lơ thơ vài cồn cát nhỏ, có thêm âm thanh của tiếng chợ chiều là âm thanh quen thuộc, gần gũi của quê hương, bầu trời với những vạt nắng chiều buông xuống và một bến sông nhỏ nằm im lìm trong nắng sớm. Đây đều là những hình ảnh bình dị mang linh hồn của làng mạc, những nét phác họa đó đã tạo nên bức tranh đẹp tĩnh lặng, yên bình. Và không gian ấy còn được mở rộng thành không gian ba chiều mênh mông, rợn ngợp với “nắng xuống, trời lên, sông dài”, hình ảnh vũ trụ không có đáy, mở rộng không cùng, tạo cảm giác “sâu chót vót”. Chẳng ai có thể có cách kết hợp từ độc đáo, táo bạo như Huy Cận khi sử dụng một từ chỉ chiều cao với từ gợi chiều sâu càng khiến vũ trụ vô biên, rợn ngợp. Nhưng ẩn sâu trong bức tranh thiên nhiên đầy gợi cảm đó lại là nỗi buồn cô liêu của người thi sĩ với kiếp người bé nhỏ trước sự rộng lớn, rợn ngợp của cuộc đời.

 

Qua đến khổ 3 bài thơ, vẫn là dòng tràng giang mênh mông sóng nước:

 

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

 

nhưng cảnh vật được tô điểm thêm đó là những cánh bèo hàng nối hàng trôi trên sông, những bờ xanh, bãi vàng hai bên bờ – những hình ảnh hết sức bình dị, thân thuộc. Trước cảnh mênh mông sóng nước, thi nhân nhìn bèo dạt mây trôi mà lòng tự vấn “về đâu”, nhìn cầu, nhìn chuyến đò ngang mà không khỏi khắc khoải, cô quạnh. Bút pháp tả cảnh ngụ tình đã khắc họa rõ nét hơn nỗi buồn cô đơn của một người hay cũng chính là của cả lớp người lúc bấy giờ.

 

Thiên nhiên trong tràng giang tiếp tục được khắc họa rõ nét hơn qua những câu thơ cuối:

 

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

Lòng quê dờn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

 

Bốn câu thơ cuối vẽ nên những nét vẽ tuyệt đẹp của buổi hoàng hôn trên quê hương xứ sở bằng vài nét chấm phá với những hình ảnh ước lệ quen thuộc “cánh chim chiều, chòm mây chiều”. Không giống như những nhà thơ cổ điển khác, mây chiều trong thơ Huy Cận đẹp rực rỡ, sống động, đầy sinh khí, mang vẻ đẹp linh hồn quê hương xứ sở. Từng lớp mây chất chồng lên nhau, “đùn” cao, tỏa rộng chiếm lĩnh cả không gian, vũ trụ. Vũ trụ như mở rộng hơn, hùng vĩ, vô biên. Mặt trời khuất sau những đám mây, chiếu những tia nắng lên khiến mây như những “núi bạc” sáng lấp lánh. Hoàng hôn trên quê hương đẹp như một miền cổ tích. Trên nền cảnh hoàng hôn ấy điểm thêm một vài hình ảnh độc đáo: “chim nghiêng cánh nhỏ”, tác giả đã dùng điểm vẽ diện để tô đậm hơn cái hùng vĩ của bầu trời, tạo nên những nét vẽ đầy thơ mộng cho buổi hoàng hôn.. Bầu trời hoàng hôn đẹp hùng vĩ, thơ mộng, rực rỡ đầy sinh khí với những dáng hình thân quen, mang linh hồn quê hương xứ sở là vậy nhưng vẫn ẩn trong đó là nỗi xót xa, cô đơn, quạnh vắng của cái Tôi trong kiếp người nhỏ bé. Và thông qua những nét vẽ đẹp đẽ, đầy gợi cảm của thiên nhiên, tác giả cũng thể hiện tình yêu quê hương, đất nước thầm kín của mình.

 

Đồng điệu với Huy Cận, nhà thơ Xuân Diệu cũng gửi gắm nỗi lòng mình qua bức tranh thiên nhiên mùa thu với những nét vẽ lãng mạn nhưng mang vẻ tĩnh lặng, buồn thương:

 

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

 

Nhà thơ mở đầu bài thơ Đây mùa thu tới bằng hình ảnh “hàng liễu đìu hiu” mà không phải là những hình ản đặc trưng riêng của mùa thu như những nhà thơ khác. Có lẽ bởi cái nhìn đầy tinh tế, tài quan sát liên tưởng phong phú và dụng ý nghệ thuật riêng biệt, độc đáo của “ông hoàng thơ tình”. Dưới con mắt của thi sĩ, những lá liễu như mái tóc buông dài của người con gái, đẹp gợi cảm nhưng lại mang nét buồn bã “đìu hiu”, cô đơn, “đứng chịu tang” với ngàn hàng lệ tuôn dài. Thật khó mà tưởng tượng bức tranh mùa thu lại mở ra buồn bã, cô tịch, đìu hiu đến như vậy. Nhưng khi đọc những câu thơ tiếp theo:

 

Đây mùa thu tới mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng

 

Không gian bức tranh thiên nhiên như bừng sáng hơn bởi tiếng thốt lên đầy vui mừng của người thi sĩ khi mùa thu đã gõ cửa. “Áo mơ phai dệt lá vàng” là một hình ảnh thiên nhiên đầy tươi sáng, mang đúng đặc trưng của mùa thu với phông nền “lá vàng”. Nhưng nếu thu chỉ có lá vàng thì “thu” của Xuân Diệu cũng chỉ giống như “thu” của những nhà thơ khác, mà dưới sự quan sát và trái tim nhạy cảm của mình, ông đã vẽ nên những nét vẽ cụ thể về bức tranh thiên nhiên mùa thu của riêng mình:

 

Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

Những luồng run rẩy, rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh

 

Phải là một nhà thơ đầy tinh tế, tài hoa trong việc sử dụng, kết hợp từ ngữ thì Xuân Diệu mới vẽ ra trước mắt người đọc khung cảnh của mùa thu đầy chân thực, gợi cảm đến vậy bằng ngôn ngữ. Không chỉ một, mà “hơn một” loài hoa đã rụng cành, nét vẽ này đã nêu bật được đặc trưng của mùa thu xứ sở, mỗi khi thu đến, cây cối bắt đầu rụng lá, rụng hoa. Nhưng quy luật sinh trưởng của tạo hóa muôn đời là vậy, cớ sao khi đọc những dòng thơ của Xuân Diệu, ta lại cảm thấy một nỗi buồn cô đơn, mênh mang, trống trải đến như vậy. “Sắc đỏ” của cây lá xâm chiếm toàn bộ không gian khu vườn, cảnh vật “run rẩy, rung rinh, khô gầy, mỏng manh”… cho ta thấy cái se lạnh của khí trời mùa thu đã thực sự đến. Thiên nhiên có lãng mạn, gợi cảm đấy song lại mang một vẻ đẹp tàn tạ, héo úa đến nao lòng.

 

Cái se lạnh của khí trời như lan tỏa hơn trong những câu thơ tiếp theo:

 

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ

Non xa khởi sự nhạt sương mờ

Đã nghe rét muốt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò

Mây vẩn từng không chim bay đi

Khí trời u uất hận chia li

 

Có thể thấy hình ảnh thiên nhiên vừa gần lại vừa xa, mở rộng về chiều dài của những lớp “non xa”, đẩy cao hơn bởi “nàng trăng tự ngẩn ngơ” trên bầu trời cao thẳm, và được bao bọc bởi lớp sương mỏng, tạo hình ảnh vừa thực, vừa ảo, vừa thơ mộng nhưng cũng không kém phần độc đáo. Thu về không chỉ mang theo lá vàng, những làn sương mỏng manh mà nó còn mang theo cái “rét mướt”, không phải rét buốt, rét tê tái mà là rét mướt kết hợp với từ “luồn” khiến người đọc có cảm giác không khí rét đang len lỏi vào trong những cơn gió theo chân nàng thu về với đất trời. Thật là một hình ảnh hiếm thấy trong thi ca!. Lại một lần nữa, tài năng và sự sáng tạo của Xuân Diệu được thể hiện qua việc xây dựng hình ảnh sáng tạo “mây”. Nhắc đến mây mùa thu, ta thường nhắc đến những tầng mây xanh ngắt, trời trong veo,… nhưng ở đây, Xuân Diệu lại mang đến cho chúng ta hình ảnh “mây vẩn từng không”. Bầu trời mùa thu như cũng mang vẻ đượm buồn, u uất trong cuộc chia li “trời mây” và những chú chim bay về phương Nam tránh rét. Nhưng bức tranh ngoại cảnh cũng chỉ là làm nền cho bức tranh tâm cảnh bên trong của con người với cảm xúc nhớ thương buồn lặng: “Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói/ Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?”. Cũng giống như Huy Cận, Xuân Diệu cũng gửi vào bức tranh thiên nhiên trời thu những cảm xúc của cái Tôi cá nhân buồn lãng mạn, nhớ thương da diết, nỗi cô đơn lan tỏa sang cả cảnh vật.

 

Khác với vẻ lãng mạn, thơ mộng nhưng buồn bã, đìu hiu trong những trang thơ Tràng giang của Huy Cận, Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của thi sĩ họ Hàn (Hàn Mặc Tử) hiện lên thật sống động, tươi xinh, đẹp đẽ:

 

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

 

Bài thơ mở ra bằng câu hỏi với âm điệu tha thiết, triền miên. “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” nghe như một lời trách cứ, dỗi hờn hay cũng chính là lời mời gọi của người thôn Vĩ với thi sĩ, nhưng thực chất đó chính là lời tác giả tự mời gọi chính mình trong nỗi khát khao được về chơi thôn Vĩ. Vậy có gì độc đáo thú vị ở thôn Vĩ mà nhà thơ lại khao khát đến vậy?. Bức tranh thiên nhiên mở ra bằng hình ảnh cái “nắng hàng cau, nắng mới lên”, ánh nắng chan hòa rực rỡ tỏa sáng, bừng dậy cả không gian. Khu vườn Vĩ Dạ vừa rực rỡ tinh khôi vừa mát lành, dịu nhẹ đối lập với sự tĩnh lặng, trầm tư của Huế. Cảnh vườn được tác giả vẽ bằng những nét bút từ xa đến gần, từ cao đến thấp, tuy là “vườn ai” phiếm định nhưng gợi lên khung cảnh sống động, tươi mới, lung linh với những khu vườn “mướt”, sum suê, mơn mởn, mỡ màng, mềm mượt, một vẻ đẹp đầy sức sống. Màu xanh của cây cối là màu “xanh như ngọc” vừa gợi vẻ trù phú, vừa gợi sự lộng lẫy, quý phái. Câu thơ không chỉ tả cảnh mà còn là lời trầm trồ khen ngợi cảnh sắc đẹp đẽ, gợi cảm, quyến rũ của tác giả trước khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của Vĩ Dạ. Không chỉ vậy, cảnh thôn Vĩ còn hiện lên đầy thơ mộng, ấm áp bởi có sự xuất hiện của con người xứ Huế với lối sống kín đáo, hay ngại ngùng, e thẹn. Chỉ qua mấy dòng thơ đầu, tác giả Hàn Mặc Tử đã vẽ lên trước mắt người đọc cảnh vườn đặc trưng của xứ Huế ấm áp, tươi trẻ, tràn đầy nhựa sống, cảnh và người cùng hòa quyện hài hòa.

 

Bức trangh ngoại cảnh xứ Huế được mở rộng hơn về không gian với cảnh sông nước mây trời mang nét rất riêng chỉ nơi đây mới có:

 

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay!

 

Trên cao gió thổi nhẹ, mây chầm chậm trôi, phía dưới sông Hương uốn mình lững lờ chảy, những bông hoa bắp lay động trong gió. Nhịp thơ chậm, dàn trải gợi sự mênh mang của sóng nước mây trời và không khí yên bình, nhịp sống khoan thai trầm tư đặc trưng nét tính cách riêng biệt của người dân Huế mộng mơ. Cùng với đó là bức tranh đêm trăng trên sông Hương thơ mộng, huyền ảo, cả dòng sông như tràn ngập ánh trăng lóng lánh, lung linh, hư ảo: Dòng sông trăng, bến sông trăng, thuyền chở đầy trăng. Có thêm trăng, bức tranh thiên nhiên sống động, tươi trẻ ban sáng đã chuyển thành bức tranh kì bí, huyền ảo, lung linh, gợi cảm biết nhường nào. Phải có một tình yêu thiên nhiên, gắn bó với mảnh đất xứ Huế thiết tha sâu nặng và con mắt tinh tế, nhạy cảm thì thi sĩ Hàn mới có thể vẽ nên bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu đến như vậy. Nhưng “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, ẩn sau bức tranh ngoại cảnh đó là bức tranh tâm cảnh của nhà thơ, vui vì cảnh đấy nhưng cũng thật buồn thương, cô đơn lan tỏa cả vào cảnh vật, thấm cả vào gió mây đất trời.

 

2. Chứng minh thiên nhiên đẹp và gợi cảm qua những bài thơ Tràng giang, Đây mùa thu tới, Đây thôn Vĩ Dạ, mẫu số 2:

Trong phong trào Thơ mới, thiên nhiên trở thành nguồn cảm hứng, là tri âm tri kỉ của những nhà thơ, nhà văn mang tâm hồn mỏng manh, nhạy cảm. Mỗi một cây bút lại có một “người tình” thiên nhiên, người thì giao cảm với sự lững lờ của dòng sông mùa thu, người lại nhìn thấy mình qua giọt sương long lanh đậu trên lá,… Đối với Huy Cận, Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử, ba cây bút nổi bật nhất của giai đoạn thơ 30 – 45, thiên nhiên là nơi mang sầu, mang khổ trong lòng để tỏ bày với thế gian, thiên nhiên đẹp và buồn như lăng kính cuộc đời của những tâm hồn thi sĩ bâng khuâng.

 

Cùng hoạt động trong nhóm bút Tự lực văn đoàn, Xuân Diệu, Huy Cận và Hàn Mặc Tử vừa có cái tôi riêng biệt không trộn lẫn, vừa có những nét đồng điệu về lối hành văn và các giác quan cảm thụ. Với Xuân Diệu, văn chương là cái “nghiệp”, cái tôi của ông luôn trong trạng thái e dè, lơ sợ một sự kết thúc, một dấu chấm hết cho cuộc đời. Huy Cận tìm thấy nỗi buồn trong những biến chuyển nhẹ nhàng của thiên nhiên, ông coi văn chương như dòng chảy trong huyết quản.  Còn Hàn Mặc Tử, trả qua một cuộc đời mất mát, thương đau, những gì vương lại trong tâm hồn ấy chỉ còn là những bóng hình mờ ảo với khát khao được giao hòa, được tan ra cùng gió. Với những cá tinh riêng biệt ấy, họ đã tạo nên những màu sắc hài hòa cho làng văn nghệ Việt Nam đương thời. Duy có một điểm chung giữa thơ ca của họ, là thiên nhiên luôn đeo sầu, đeo cảm, cảnh vật chứa đựng cảm xúc con người, cảnh lúc nào cũng đẹp và sầu cùng lúc. Với tư tưởng đó, Huy Cận viết nên “Tràng Giang”, Xuân Diệu sáng tác “Đây mùa thu tới” và Hàn Mặc Tử cùng “Đây thôn Vĩ Dạ” là một minh chứng cho cảnh thiên nhiên vừa đẹp, vừa gợi cảm và vừa buồn thương sâu sắc.

 

“Đây Thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử một bức tranh phong thủy hữu tình chứa đựng những tâm sự, nỗi mong nhớ thầm kín về một mối tình gắn liền cùng mảnh đất Vĩ Dạ thân thương. Truyện kể rằng, Hàn Mặc Tử đem lòng yêu một cô gái Huế, hai người buộc phải chia cắt vì bệnh tật và sóng gió cuộc đời, để rồi đến khi nhận được tấm thư tay có gửi kèm ảnh con sông Hương trong một đêm trăng thanh vắng dập dìu, tâm hồn chàng thi sĩ đã biên lên một bài thơ kiệt xuất. Chẳng phải thư tình sến sẩm, cũng không hoàn toàn là thơ tả cảnh đẹp thiên nhiên mà trong đó, người ta nhìn thấy một trái tim rung động, một thiên nhiên đẹp xinh mộng mơ nhưng lại ẩn chứa biết bao nhiêu niềm thương nỗi nhớ muộn sầu, đớn đau của tác giả.

 

buc tranh thien nhien trong trang giang day thon vi da day mua thu toi

 

Chứng minh thiên nhiên đẹp và gợi cảm qua những bài thơ Tràng giang, Đây mùa thu tới, Đây thôn Vĩ Dạ

 

 Thiên nhiên trong thơ Hàn Mặc Tử bắt đầu hiện lên với “nắng hàng cau nắng mới lên”, “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Không gian mở rộng và cao với ánh nắng mật ngọt, “nắng mới”, màu nắng còn nguyên sơ, dịu dàng. Ánh nắng bao phủ lên vạn vật, lên hàng cau bên hiên mái nhà tranh, lên những luống rau xanh mướt trong vườn. Ở đây, tác giả dùng từ “mướt” và “xanh như ngọc” để tả khu vườn, cái xanh mướt, xanh ướt át, màu xanh được phủ một lớp nước trong suốt bóng bẩy. Hòa cùng với ánh nắng, những giọt nước còn đọng trên tán lá điểm xuyết cho màu xanh những viên ngọc thiên nhiên lấp lánh, tưởng như cả bầu trời, cả cầu vồng đã nằm gọn trên đọt lá xanh tươi. Khung cảnh làng quê thanh tĩnh mở ra thật ngọt ngào và tình tự, mang lại cảm giác bình yên, nguyên sơ và gần gũi. Ở nơi có ánh nắng vàng, có khu vườn mát mắt, tâm hồn con người như được phơi trải cùng thiên nhiên,

 

Nhưng ngay sau đó, thiên nhiên đã mất đi vẻ đẹp trong sáng, thanh thuần, thay vào đó là sự chia li, buồn khổ:

 

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

 

“Gió theo lối gió, mây đường mây” thể hiện sự chia lìa, cách trở. Gió thổi từng đám mây lặng lờ trôi trên bầu trời thanh thẳm, ở dưới là dòng nước sông Hương quanh năm suốt tháng gờn gợn, bên bờ là hoa bắp lay theo từng biến chuyển của làn gió. Dòng nước sông Hương là biểu tượng của xứ Huế mộng mơ, con sông Hương chảy ngược nước từ biển về, trải quanh thành phố như một dải lụa thơ mộng. Nhưng dường như, con sống không đơn thuần không chỉ là sông Hương, mà là con sông trong lòng tác giả. Phải chăng, nước sông Hương đọng lại cũng như nỗi buồn chất chứa bể sở trong lòng nhà thơ, nỗi buồn từ biển khơi bao la chất chứa trong tấm lòng người thi sĩ. Bức trnah tả cảnh ngụ tình “buồn thiu”, con sóng lăn tăn buồn bã hay long người có hàng ngàn con sóng nhỏ không yên. Bút pháp tả cảnh ngụ tình, từ cảnh vật gợi lên cảm xúc mang đến cho thiên nhiên trong “Đây thôn Vĩ Dạ” một màn sương mờ man mác, màn sương của sự day dứt, nhớ nhung khắc khoải.

 

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”, cảnh thiên nhiên mở ra mang hơi thở huyễn hoặc, huyền ảo. cặp hình ảnh “thuyền”, “trăng” quen thuộc trong cảm nhận của Hàn Mặc Tử trở thành “sông trăng”, ánh trăng dát bạc lên dòng sông, khiến dòng sông như thuộc về ngân hà. Chiếc thuyền kia là thuyền đón trăng, ánh trăng phủ bạc lên những con sóng bạc đầu, cảnh tình như vẽ, Trong thơ của Hàn Mặc Tử luôn có tính nhạc trầm bổng và tính họa gợi tả, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, bao hàm được tất cả dụng ý của nhà thơ. Với những nét chấm phá độc đáo, khung cảnh thiên nhiên giống như chiếc máy du hành ngược thời gian, từ ban ngày khi có nắng mới vàng tươi đến ánh trăng vằng vặc trên trời cao rộng. Từng cảnh vật đều mang một vẻ buồn man mác, một nỗi buồn khó định hình hay gọi tên. Cũng phải thôi, vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, thẳm sâu trong lòng thi sĩ là một nỗi nhớ nhung, nhớ quê nhà, nhớ người tình, nhớ cả khung cảnh với nắng mới, với không khí trong lành, nhớ xứ Huế mộng mơ. Cảnh thiên nhiên đẹp mà buồn, nỗi buồn khắc khoải không nguôi dễ khiến người đọc cảm giác tâm trạng cũng chùng xuống theo từng nhịp thơ, để rồi đồng cảm với tác giả một nỗi buồn thiên thu.

 

Nỗi buồn của Xuân Diệu đượm lên từng hơi thở của cảnh vật trong “Đây mùa thu tới” khiến thiên nhiên có phần ảm đạm, thê lương. Mùa thu trước nay vẫn gắn với sự điêu tàn, buồn rầu, dưới cái nhìn của Xuân Diệu lại càng trở nên bi thảm hơn. Ngay từ đầu bài thơ, bức tranh thiên nhiên đã hiện lên với vẻ cô tịch:

 

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

 

“Liễu”, biểu tượng của mùa thu với vẻ đẹp mỏng manh, yếu ớt, “liễu yếu đào tơ”. HÀng loạt những từ gợi sự mất mát, buồn sầu “đìu hiu”, “đứng chịu tang”, “buồn”, “buông xuống”, “lệ ngàn hàng”. Nỗi buồn ập đến dồn dập, hối hả qua lối tả của Xuân Diệu. Những cành liễu rủ xuống như mái tóc cô gái rũ xuống, thân liễu gầy gò nương tựa vào nhau nhưng vẫn trung xuống sát mặt đất, “lệ ngàn hàng” như tiếc thương cho ai đó vừa lìa xa cõi trần. Dáng vẻ của Liễu gợi cho người đọc hình ảnh về người phụ nữ Việt Nam duyên dáng, thanh mảnh nhưng bất hạnh, yếu đuối. Nỗi buồn gửi gắm vào hình ảnh cây liễu khiến thiên nhiên mang vẻ ảm đạm, buồn thương.

 

“Với áo mơ phai dệt lá vàng”, màu vàng của nắng thứ không phải vàng ươm như màu mật nắng hạ, cũng không le lói như chút nắng đông hiếm hoi mà là màu sắc mờ ảo, thanh thoát, nhẹ nhàng. Cách miêu tả “áo mơ” với “lá vàng” cùng động từ “dệt” khiến nắng như chuyển động trên từng lùm cây, tán lá. Từng bước chân nàng thu mang đến chút ánh sáng tươi sắc cho khung cảnh vốn xám xịt buồn tẻ.

Thiên nhiên trong “Đây mùa thu tới” lắng đọng và tình tự hơn khi tác giả tập trung miêu tả cây cỏ đang chuyển mình trước khí thu.

 

Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh

 

“Hơn một loài hoa”, “hơn một” có thể là một con số bất kì, không xác định cụ thể. Quả thực ít có nhà thơ nào lại dùng từ này để chỉ số lượng, nhưng dường như, đặt vào hoàn cảnh tả mùa lá rụng, nó lại trở nên gợi cảm đến lạ kì. Mùa thu, mùa cây thay lá, mùa lá lìa cành, nhìn những cành hoa rụng xuống mà lòng thi sĩ như vỡ vụn, như cái cách lá và cây chìa lìa đôi ngả. Bên trên có liễu “đứng chịu tang”, bên dưới có loài hoa “rụng cành”, cảm giác chia lìa, tang tóc, sự cảm về sự chấm hết đang cận kề. Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”, sự đối lập giữa hai màu sắc như một cánh cửa giao thoa của đất trời. Màu xanh của lá dần chuyển sang màu vàng, cuối cùng là màu đỏ ối. Động từ “rũa” khiến câu thơ trở thành câu động, dường như sắc đỏ đang từng bước, từng bước thay đổi không gian, làm phai nhạt cả màu lá, báo hiệu về mùa lá rụng xào xạc, man mác heo may. Sự sống của lá cây ngày càng mai một khiến tâm trạng nhà thơ trở nên lo lắng, sợ hãi trước sự kết thúc của mùa thu.

 

Những luồng run rẩy rung rinh lá

 Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh

 

 Câu thơ gợi sự lạnh lẽo, bốn phụ âm “r” liên tiếp khiến ngay cả người đọc cũng cảm nhận được cái run của lá cây yếu ớt bám trụ lại trên cành cây khẳng khiu, gầy guộc. Phải chăng, cùng với nỗi sợ lá cây héo úa là nỗi lo về ngày lá lìa cành, rời khỏi thâm, là ngày sự sống kết thúc, là sự sợ hãi trong tâm khảm Xuân Diệu. Sự trơ trọi của cây lá mùa thu hay chính là tâm hồn của nhà thơ, trước những sự biến chuyển của thiên nhiên, nhà thơ cảm thấy như chính tâm hồn mình cũng đang là mùa thu, mùa của nỗi buồn, của sự quạnh hiu cô tịch.

 

 Thiên nhiên trong ” Đây mùa thu tới” đẹp một cách sầu thương, bi kịch, gợi cảm giác thê lương và da diết. Chính bởi hồn thơ nhạy cảm và tư tưởng sống gấp gáp, vội vàng, sống hết mình cho tuổi trẻ của Xuân Diệu mà thơ ông luôn hàm chứa sự lo sợ, lo lắng về một ngày tuổi xuân biến mất, mọi thứ chìm vào cõi u tịch lạnh lẽo. Tả cảnh ngụ tình, tác giả bộ lộ một hệ suy nghĩ vô phương hướng, lạc lối giữa cuộc đời nhiều uẩn khúc trái ngang, bị mắc kẹt trong những luồng suy nghĩ về không gian và thời gian do chính mình tạo nên.

 

Tiếng thơ man mác nỗi sầu, một tâm hồn nhạy cảm với thiên nhiên, Huy Cận đưa nỗi buồn gửi vào con sông, vào bến thuyền. Với “Tràng Giang”, qua việc tả khung cảnh thiên nhiên tiêu điều, xơ xác trong một buổi chiều tàn vừa ca ngợi khung cảnh bờ bãi sông Hồng thơ mộng, hữu tình, vừa thể hiện nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết trong lòng người.

 

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

 

Con sông dài bất tận với những ngọn sóng gờn gợn mặt nước, chậm rãi, từ tốn đi với từ láy “điệp điệp” tạo sũ chuyển động. Mặt nước tỏa sóng, con sông lặng lờ trôi, nỗi buồn cũng từ ấy mà trải dài trải rộng vô bờ bến. Giữa không gian vời vợi sóng nước ấy là con thuyền bé nhỏ “xuôi mái nước song song”, kết hợp cùng từ láy “điệp điệp” tạo sự chùng chình, chậm rãi, câu thơ như được kéo dài hơn, nỗi buồn dường như dài đến bất tận.

 

Hình ảnh độc đáo “củi một cành khô lạc mấy dòng” mang đến những liên tưởng thú vị cho bài thơ. Tác giả dùng nghệ thuật đảo ngữ, thay vì “một cành củi khô lạc mấy dòng” thì lại viết là “củi một cành khô lạc mấy dòng” gợi sự bé nhỏ, trơ trọi, lênh đênh vô định giữa dòng nước. Từ “củi” khiến cho người đọc cảm nhận được sự heo hút, cô đơn đến ám ảnh.

 

Cảnh vật hai bên bờ sông khiến thiên nhiên trong bài thơ vừa đẹp, vừa gợi cảm:

 

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống trời lên sâu chót vót,

Sông dài trời rộng bến cô liêu.

 

Sử dụng hệ thống từ láy “lơ thơ”, “đìu hiu”, “chót vót” để gợi sự trống vắng, ít ỏi của cảnh vật nơi đây. Những cồn cát “lơ thơ” giữa bờ bãi ngút ngàn, làn gió heo may “đìu hiu” thổi sao mà cô liêu, buồn thảm. Cái buồn của lòng người thấm đượm vào thiên nhiên, thiên nhiên trở nên vừa cao, vừa rộng, cảm giác như vô biên. Con người bé nhỏ đứng giữa cái mênh mông của trời, cái bất tận của sông nước, không thể tránh khỏi cảm giác đơn côi. Tâm hồn của người nghệ sĩ khi ấy dường như đang buồn cùng với cảnh vật, buồn bởi sự thưa người, vắng vẻ, buồn bởi nỗi niềm bị chia lìa, xa cách. Càng cố kiếm tìm chút hơi ấm của con người, lại càng chỉ thấy “bèo dạt về đâu, hàng nối hàng”, “bờ xanh tiếp bãi vàng”, “không một chuyến đò ngang”. “Bèo dạt về đâu” chỉ sự mất phương hướng, lạc trôi vô định của những khóm bèo tây, hay chính là sự chơi vơi của nhà thơ đối với cuộc đời. Nơi đây chỉ còn lại mình Huy Cận với “bờ xanh tiếp bãi vàng”, không hề có một sự giao tiếp nào với con người. Người đọc dễ bị ám ảnh bởi những hình ảnh liên tiếp để đặc tả nỗi khát khao được trò chuyện, được giao hòa cùng với sự vắng vẻ đến đáng sợ của bờ bãi sông Hồng. Một mình ông ở nơi đồng không mông quạnh, chuyến đò ngang đưa ông đến đây cũng đã xa phía tận chân trời, chỉ còn ông làm bạc với xao xác heo may, với sự đìu hiu, đau thương đến nao lòng.

 

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa.

 

Thời gian đã ngả sang xế chiều, chim muông vội vã bay đi tìm chỗ trú ẩn trước khi màn đêm buông xuống. Một bức họa kì vĩ, có mây trên cao phủ trắng đầu núi, phủ lên đỉnh núi một lớp sương mờ bàng bạc, điểm xuyết trên nền trời là vài cánh chim chao liệng, ríu rít tim nơi trú ngụ. Động từ “đùn” độc đáo và mới lạ, gợi sự di chuyển của những tầng mây chồng chéo lên nhau, đám này đùn đám kia tạo thành một lớp mây dày đặc. Trước cái cảnh mây trời bảng lảng cùng núi non, với hồn thơ trữ tình lãng mạn, thiên nhiên dưới ngòi bút của Huy Cận vừa có sự hùng vĩ, tráng lệ lại vừa da diết, buồn thương, chất chứa tình cảm của người con xa xứ nhớ quê hương.

 

Ba phong cách khác nhau, ba cá tính riêng biệt, nhưng cảnh vật thiên nhiên trong thơ của Huy Cận, Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử đều mang nét đẹp đặc trưng, đồng thời gợi cảm giác buồn bã, bi thương. Những hình ảnh đặc trưng như cây cối, hoa lá, sông nước được các tác giả khai thác triệt để, đặt trên phương diện cảm xúc để dễ dàng gửi gắm tâm hồn nhạy cảm của mình. Sử dụng những biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, so sánh, nhân hóa nhuần nhuyễn cùng cách chọn lọc ngôn từ đắt giá, sáng tạo, cả ba bài thơ đã để lại dấu ấn vô cùng to lớn cho nền văn học nước nhà. Đặc biệt trong số đó, thiên nhiên được đặc biệt đề cao, là phương tiện truyền tải, gửi gắm cảm xúc giữa những nhà thơ và bạn đọc qua mọi thế hệ.

 

——————HẾT——————–

Như vậy, có thể thấy rằng, bức tranh thiên nhiên trong ba tác phẩm Tràng giang (Huy Cận), Đây mùa thu tới (Xuân Diệu), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) đều mang những nét đẹp, gợi cảm riêng biệt, mỗi bức tranh đều có những nét xinh xắn, quyến rũ riêng và đặc trưng cho từng phong cách nghệ thuật của mỗi nhà thơ. Tuy nhiên, điểm gặp gỡ giữa ba nhà thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ mới này là sự hòa quyện của tinh hoa thơ ca truyền thống và thơ Đường kết hợp với thơ ca lãng mạn, chủ nghĩa trưng của Pháp. Bởi vậy, ẩn sau mỗi bức tranh ngoại cảnh là bức tranh tâm cảnh, ẩn chứa tâm trạng cô đơn, bế tắc, bất lực của cái Tôi cá nhân hay của tầng lớp trí thức bấy giờ trước thời cuộc. Ngoài ra các bạn tham khảo thêm Phân tích bức tranh quê và tấm lòng yêu đời của Hàn Mặc Tử trong Đây thôn Vĩ Dạ, Phân tích khổ 3 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Khung cảnh thôn Vĩ Dạ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ.

 

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/chung-minh-thien-nhien-dep-va-goi-cam-qua-nhung-bai-tho-trang-giang-day-mua-thu-toi-day-thon-vi-da/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button