Giáo dục

Phân tích Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

Đề bài: Phân tích Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

phan tich nhung tro lo hay la va ren va phan boi chau

Bạn đang xem bài: Phân tích Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

Phân tích Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu
 

I. Dàn ý Phân tích Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

1. Mở bài

– Sơ lược về tác giả, tác phẩm.

2. Thân bài

a. Ý nghĩa nhan đề:
– Vạch trần những hành động và lời nói lố lăng, cùng với bản chất nham hiểm dối trá của Va-ren.
– Mở ra chủ đề chính của tác phẩm không chỉ là phơi bày bộ mặt cáo già, lố bịch của tên toàn quyền Va-ren mà còn thể hiện tấm lòng trân trọng, ngưỡng mộ tính cách kiên cường, bất khuất của lãnh tụ Phan Bội Châu.

b. Va-ren và lời hứa chăm sóc Phan Bội Châu:
– Va-ren nhận lời “chăm sóc” vụ Phan Bội Châu, đơn giản chỉ bởi sức ép của dư luận Pháp và Đông Dương, thế nên buộc tên này phải đưa ra một lời hứa cho xong việc nhằm trấn an nhân dân Việt Nam và Đông Dương.
– Đó là lời hứa “nửa chính thức”, chẳng có gì là chắc chắn, thực tế rằng hắn chỉ muốn “chăm sóc đến khi nào yên vị thật xong xuôi ở bên ấy đã”, điều đó đã phần nào bộc lộ được cái bản chất gian xảo của tên này.
– Việc tác giả viết “giả sử cứ cho rằng một vị Toàn quyền mà lại biết giữ lời đi chăng nữa thì chúng ta lại cứ được phép tự hỏi…ra sao” là đã ngầm cho độc giả được biết rõ bộ mặt thật của Va-ren, hắn cũng sẽ lại giống như những tên quan thực dân trước đây, tàn ác, dối trá và thích làm những trò lố bịch cộp mác chủ nghĩa, nhân văn, khai sáng và chúng chưa một lần giữ lời hứa, nhất là khi những lời hứa chẳng đem đến cho chúng chút lợi ích nào cả.

c. Cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu:
– Tác giả đã xây dựng nên hai hình tượng nhân vật với sự tương phản đối lập cực độ gay gắt.

* Va-ren:
– Là một tên Toàn quyền vừa nhậm chức, là tên bất lương nắm vai trò thống trị.

– Tác giả đã dùng một số lượng những từ ngữ lớn, hình tượng ngôn ngữ trần thuật để khắc họa hình ảnh, tính cách của Va-ren.
– Với nhân vật Va-ren, thì trong cuộc đối thoại (tưởng tượng) của hai nhân vật, y là người nói nhiều, với số lượng lời thoại lớn.
– Hiện lên là một con người vô cùng nham hiểm và thâm độc, luôn tỏ ra mình là một kẻ ban ơn, nhân đạo khi một tay đỡ gông, một tay bắt tay Phan Bội Châu đồng thời nói “Tôi mang tự do đến cho ông đây”.
– Y không ngừng ve vuốt dụ dỗ, bịp bợm một cách trắng trợn bằng những lời lẽ để thuyết phục Phan Bội Châu đầu hàng.
– Đem những cái tên như Nguyễn Bá Trác, Guy-xta-vơ, A-lếch-xăng,… vốn đều là kẻ phản bội ra để hòng lay chuyển tâm ý của Phan Bội Châu.
– Không tiếc khi kể ngay cả về cái lai lịch chẳng lấy gì làm hân hạnh của mình, một kẻ đã từng phản bội niềm tin của đồng đội, đồng chí trong Đảng xã hội rằng “Trước tôi là đảng viên xã hội đấy, và giờ đây thì tôi làm Toàn quyền…” để thuyết phục Phan Bội Châu theo gương mình nhằm có cuộc sống sung sướng, tự do,…

* Phan Bội Châu:
– Là một người tù cách mạng vĩ đại nhưng nay đã lâm vào cảnh thất thế.
– Dùng chính sự im lặng để diễn tả sự khinh bỉ, nét tính cách thanh cao làm đối lập với Va-ren.
– Chỉ giữ im lặng.
– Trái ngược lại với sự ba hoa, khoác loác đầy lố lăng của Va-ren thì hình ảnh Phan Bội Châu lại hiện lên với sự im lặng từ đầu đến cuối, ông phớt lờ mọi lời nói xảo trá, thuyết phục hài hước của Ven-ren và coi như hắn không hề tồn tại.
– Sự im lặng ấy của Phan Bội Châu đã thể hiện thái độ khinh bỉ cực độ, đồng thời cũng cho thấy bản lĩnh kiên cường của nhà cách mạng trước tên Toàn quyền vô sỉ, cho dù hắn có liên tục dụ dỗ hay gây áp lực cho ông đi chăng nữa.
– Nét tính cách của Phan Bội Châu càng được biểu hiện rõ khi tác giả dẫn lời của một nhân vật tưởng tượng – anh lính bồng súng chào ở cửa ngục, hay một người giấu tên => Tạo cho độc giả cảm giác khách quan mà còn một lần nữa tô đậm cái thái độ của Phan Bội Châu khi đối mặt với Va-ren ấy à sự khinh bỉ đến tột cùng.
=> Trần thuật xen lẫn các yếu tố bình luận hóm hỉnh, châm biếm rất phong phú và đa dạng của Nguyễn Ái Quốc đã làm nổi bật tình cảnh vừa lố bịch vừa hài hước của Va-ren đồng thời làm ngời sáng những nét đẹp phẩm chất tinh thần cách mạng của Phan Bội Châu, rất kiên cường, bản lĩnh, và một lòng trung với nước hiếu với dân.
 

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫu Phân tích Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

Nguyễn Ái Quốc là tên gọi rất nổi tiếng của Hồ Chí Minh được dùng trong giai đoạn hoạt động cách mạng của Bác từ năm 1919 đến năm 1945 và gắn liền với tờ báo Người cùng khổ, nhiều truyện ký và cả tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp được Bác viết trên chính đất Pháp, bằng tiếng Pháp trong khoảng những năm 1922-1925. Truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu được viết sau khi nhà yêu nước Phan Bội Châu bị bắt cóc vào ngày 18/6/1925 ở Trung Quốc và bị giải về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội để chuẩn bị đem ra xét xử, còn Va-ren thì chuẩn bị lên đường sang Việt Nam nhậm chức Toàn quyền Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm với mục đích kêu gọi cổ vũ phong trào biểu tình đòi thả Phan Bội Châu ở Việt Nam lúc bấy giờ, và nó đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và yêu mến của nhân dân Việt Nam bởi lối châm biếm thâm thúy, ngòi bút đả kích mạnh mẽ đến Ve-ren và chính quyền Pháp.

Với nhan đề “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”, thì cụm từ “những trò lố” đã có ý vạch trần những hành động và lời nói lố lăng, cùng với bản chất nham hiểm dối trá của Va-ren. Mở đầu cho những trang văn châm biếm, lần lượt bóc trần những hành động giả tạo, kệch cỡm của tên toàn quyền trong suốt câu chuyện, đồng thời mở ra chủ đề chính của tác phẩm không chỉ là phơi bày bộ mặt cáo già, lố bịch của tên toàn quyền Va-ren mà còn thể hiện tấm lòng trân trọng, ngưỡng mộ tính cách kiên cường, bất khuất của lãnh tụ Phan Bội Châu dù trong cảnh thất thế mà vẫn giữ cho mình một phong thái hiên ngang chính trực, một lòng trung với cách mạng, với dân tộc với đất nước.

Với Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu độc giả có thể dễ dàng nhận thấy truyện ngắn này được viết theo lối ký sự, thế nhưng có một điều thú vị ở đây rằng, đây lại không phải là một câu chuyện có thật mà chỉ là một sản phẩm hư cấu của Nguyễn Ái Quốc xuất phát từ việc trước khi về nhậm chức Toàn quyền Đông Dương, Va-ren đã có lời hứa là sẽ quan tâm tới Phan Bội Châu. Và thực tế lúc tác phẩm ra đời Va-ren vẫn chưa nhậm chức, việc viết Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc là để nhằm mục đích khơi dậy phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu trở nên mạnh mẽ, trở thành một sức ép lớn với chính Va-ren cũng như chính quyền Pháp về án của Phan Bội Châu khiến chúng phải dè chừng.

Ngay từ phần mở đầu của tác phẩm Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần sự dối trá và những trò lố của Va-ren bằng những câu văn đậm tính chất trào phúng, rằng chẳng phải vì một nguyên cớ nhân văn nào khác mà Va-ren nhận lời “chăm sóc” vụ Phan Bội Châu, đơn giản chỉ bởi sức ép của dư luận Pháp và Đông Dương, thế nên buộc tên này phải đưa ra một lời hứa cho xong việc nhằm trấn an nhân dân Việt Nam và Đông Dương. Và thực chất hắn hứa như vậy cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc nhậm chức của mình, bởi đơn giản rằng theo như Nguyễn Ái Quốc đó là lời hứa “nửa chính thức”, chẳng có gì là chắc chắn, hơn thế nữa từ lúc đó đến lúc hắn nhậm chức còn tới tận 4 tuần và Phan Bội Châu vẫn phải ở trong nhà tù. Và thực tế rằng hắn chỉ muốn “chăm sóc đến khi nào yên vị thật xong xuôi ở bên ấy đã”, điều đó đã phần nào bộc lộ được cái bản chất gian xảo của tên này. Việc tác giả viết “giả sử cứ cho rằng một vị Toàn quyền mà lại biết giữ lời đi chăng nữa thì chúng ta lại cứ được phép tự hỏi…ra sao” là đã ngầm cho độc giả được biết rõ bộ mặt thật của Va-ren, hắn cũng sẽ lại giống như những tên quan thực dân trước đây, tàn ác, dối trá và thích làm những trò lố bịch cộp mác chủ nghĩa, nhân văn, khai sáng. Bởi có một thực tế rằng trong quá trình khai thác thuộc địa, để có thể vơ vét được nhiều tài nguyên của cải, thậm chí đưa nhân dân ta đi làm bia đỡ đạn, thì những tên quan này đã nhiều lần đưa ra những lời hứa hẹn tốt đẹp, nghe vô cùng xuôi tai nhưng chúng chưa một lần giữ lời hứa, nhất là khi những lời hứa chẳng đem đến cho chúng chút lợi ích nào cả.

Tiếp đến cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu, tác giả đã xây dựng nên hai hình tượng nhân vật với sự tương phản đối lập cực độ gay gắt. Va-ren là một tên Toàn quyền vừa nhậm chức còn Phan Bội Châu là một người tù cách mạng, một bên là tên bất lương nắm vai trò thống trị, còn một bên là người cách mạng vĩ đại nhưng nay đã lâm vào cảnh thất thế. Cuộc đối mặt đã được Nguyễn Ái Quốc đặt cho một lời bình vô cùng xuất sắc thể hiện rõ nét sự tương phản gay gắt giữa hai nhân vật rằng “Ôi thật là một tấn bi kịch! Ôi thật là một cuộc chạm trán….”, giữa Va-ren, “một kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp” và một bên là vị lãnh tụ vĩ đại Phan Bội Châu người đã “hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi….”. Và nếu đọc tác phẩm ta có thể thấy rằng tác giả đã dùng một số lượng những từ ngữ lớn, hình tượng ngôn ngữ trần thuật để khắc họa hình ảnh, tính cách của Va-ren. Nhưng trái lại với Phan Bội Châu thì Nguyễn Ái Quốc lại dùng chính sự im lặng để diễn tả sự khinh bỉ, nét tính cách thanh cao làm đối lập với Va-ren. Đây có thể nói là một cách viết vừa có tính tả thực vừa có tính gợi vô cùng sinh động và lý thú, bộ lộ rất rõ nét sự đối lập tính cách giữa hai con người ở hai chiến tuyến khác nhau. Với nhân vật Va-ren, thì trong cuộc đối thoại (tưởng tượng) của hai nhân vật, y là người nói nhiều, với số lượng lời thoại lớn, còn Phan Bội Châu dường như chỉ giữ im lặng. Vậy nên có thể nói rằng đây là cuộc độc thoại do Va-ren tự biên tự diễn, rất đúng với cái bản chất lố bịch của hắn. Và chúng ta đều có thể nhận thấy rằng quan lời nói của mình Va-ren đã hiện lên là một con người vô cùng nham hiểm và thâm độc, luôn tỏ ra mình là một kẻ ban ơn, nhân đạo khi một tay đỡ gông, một tay bắt tay Phan Bội Châu đồng thời nói “Tôi mang tự do đến cho ông đây”. Y không ngừng ve vuốt dụ dỗ, bịp bợm một cách trắng trợn bằng những lời lẽ để thuyết phục Phan Bội Châu đầu hàng như là “Ông hãy để mặc đấy những ý nghĩ phục thù”, “bỏ đi những mưu đồ xưa cũ và thôi, chớ tìm cách xúi giục đồng bảo ông nổi lên”, “làm như vậy ông sẽ được tất cả, được cho đất nước ông, được cho bản thân ông”,… Không chỉ vậy hắn còn ghê gớm và lố bịch hơn khi đem những cái tên như Nguyễn Bá Trác, Guy-xta-vơ, A-lếch-xăng,… vốn đều là kẻ phản bội ra để hòng lay chuyển tâm ý của Phan Bội Châu. Lố bịch hơn nữa hắn còn không tiếc khi kể ngay cả về cái lai lịch chẳng lấy gì làm hân hạnh của mình, một kẻ đã từng phản bội niềm tin của đồng đội, đồng chí trong Đảng xã hội rằng “Trước tôi là đảng viên xã hội đấy, và giờ đây thì tôi làm Toàn quyền…” để thuyết phục Phan Bội Châu theo gương mình nhằm có cuộc sống sung sướng, tự do,…

Trái ngược lại với sự ba hoa, khoác loác đầy lố lăng của Va-ren thì hình ảnh Phan Bội Châu lại hiện lên với sự im lặng từ đầu đến cuối, ông phớt lờ mọi lời nói xảo trá, thuyết phục hài hước của Ven-ren và coi như hắn không hề tồn tại. Sự im lặng ấy của Phan Bội Châu đã thể hiện thái độ khinh bỉ cực độ, đồng thời cũng cho thấy bản lĩnh kiên cường của nhà cách mạng trước tên Toàn quyền vô sỉ, cho dù hắn có liên tục dụ dỗ hay gây áp lực cho ông đi chăng nữa. Nét tính cách của Phan Bội Châu càng được biểu hiện rõ khi tác giả dẫn lời của một nhân vật tưởng tượng – anh lính bồng súng chào ở cửa ngục rằng, thấy có sự thay đổi nét mặt của người tù, đó là “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy”. Việc dẫn lời như vậy không chỉ tạo cho độc giả cảm giác khách quan mà còn một lần nữa tô đậm cái thái độ của Phan Bội Châu khi đối mặt với Va-ren ấy à sự khinh bỉ đến tột cùng, và trong mắt ông rốt cuộc Va-ren cũng chỉ là một đứa trẻ, một con khỉ thích làm trò mà thôi. Chưa dừng lại ở đó thái độ khinh ghét của Phan Bội Châu lại một lần nữa được đẩy lên cao khi Nguyễn Ái Quốc tiếp tục trích dẫn lời của một nhân chứng thứ hai quả quyết cho rằng Phan Bội Châu đã nhổ vào mặt Va-ren, và tác giả cũng ỡm ờ rằng “cũng có thể lắm”. Sự trần thuật xen lẫn các yếu tố bình luận hóm hỉnh, châm biếm rất phong phú và đa dạng của Nguyễn Ái Quốc đã làm nổi bật tình cảnh vừa lố bịch vừa hài hước của Va-ren đồng thời làm ngời sáng những nét đẹp phẩm chất tinh thần cách mạng của Phan Bội Châu, rất kiên cường, bản lĩnh, và một lòng trung với nước hiếu với dân.

Kết thúc đoạn đối thoại tác giả đã có một lời bình khá thú vị mà chúng ta cần xem xét rằng “Nhưng xét binh tình, thì đó chỉ vì Phan Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu Phan Bội Châu”, đó là một lời bình thật hóm hỉnh và sâu sắc. Hai chữ “không hiểu” ấy đã được tác giả khéo léo giải thích rằng không phải là do khác biệt về ngôn ngữ bởi vốn dĩ đã có người thông ngôn, mà ở đây “không hiểu” là bởi hai con người này hoàn toàn khác nhau về lý tưởng, về mục đích sống, thế nên vĩnh viễn họ cũng chẳng thể có một cuộc nói chuyện “thấu hiểu” được. Và dù cho Va-ren có nói nhiều hơn nữa những lời bịp bợm dối trá thì đối với Phan Bội Châu y cũng chỉ là một kẻ xa lạ, một kẻ không đáng để bận tâm, không cần lãng phí hơi sức tiếp chuyện mà làm gì.

Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu với lối viết trào phúng, lời dẫn chuyện hóm hỉnh hài hước, dùng thể loại bút ký, cùng với các nhân vật hư cấu, ngòi bút tưởng tượng tài hoa, sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc đã dựng lên một cuộc chạm trán sinh động, đặc sắc giữa hai con người ở hai chiến tuyến khác nhau. Từ đó là nổi bật lên nét tính cách, thái độ và bản lĩnh kiên cường của Phan Bội Châu trước tên Toàn quyền Va-ren xảo trá, đê tiện, luôn ba hoa khoác loác, thích làm trò lố bịch.

———————HẾT—————————-

 Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là tác phẩm mang tính luận chiến mạnh mẽ của Nguyễn Ái Quốc khi trực tiếp châm biếm, đả kích tên toàn quyền Varen. Bên cạnh bài Phân tích Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, các em có thể tìm hiểu thêm về đặc sắc nội dung và nghệ thuật của tác phẩm qua một số bài văn mẫu đặc sắc khác như: Soạn bài Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội ChâuÝ nghĩa nhan đề Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, Phân tích nhân vật Phan Bội Châu trong Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châucủa Hồ Chí Minh.

 

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-nhung-tro-lo-hay-la-va-ren-va-phan-boi-chau/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button