Giáo dục

Phân tích hình ảnh Người đi đường trong bài thơ Đi đường

Đề bài: Phân tích hình ảnh Người đi đường trong bài thơ Đi đường

phan tich hinh anh nguoi di duong trong bai tho di duong

Bạn đang xem bài: Phân tích hình ảnh Người đi đường trong bài thơ Đi đường

Phân tích hình ảnh Người đi đường trong bài thơ Đi đường

I. Dàn ý Phân tích hình ảnh Người đi đường trong bài thơ Đi đường (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về Hồ Chí Minh và bài thơ Đi đường

2. Thân bài:

a. Nội dung:
– Từ việc đi đường gợi ra chân lý: vượt gian lao sẽ đi tới thắng lợi.

b. Phân tích hình ảnh người đi đường:

– Câu thơ đầu: lời tự sự của người đi đường:
+ “Đi đường: 2 từ nhẹ nhàng nhưng thực chất là con đường của người tù bị áp giải.
+ “Mới biết”: sự thấu hiểu nỗi mệt nhọc, gian lao trên đường chuyển lao.
+ Câu thơ là hình ảnh người đi đường đang bị xiềng xích trên đường đi, mệt mỏi nhưng không thể dừng bước.

– Câu thơ thứ hai:
+ Người tù phải liên tiếp vượt qua núi cao
+ Điệp từ “trùng san” và từ “hựu”: nói lên nỗi vất vả, gian khổ của người đi đường, vượt qua hết núi cao này tới núi cao khác, không ngừng nghỉ.

– Câu thơ thứ ba:
+ Là câu thơ chuyển tiếp, chuyển ý và phát triển thêm

– Câu thơ thứ tư:
+ Kết quả của cuộc hành trình dài là được đứng trên đỉnh núi cao ngắm nhìn thiên nhiên.
+ Chứa đựng sự sảng khoái, tự do
+ Hình ảnh người đi đường không còn nhỏ bé mà hiên ngang, đứng giữa đất trời.

– Tóm lại: Hình ảnh người đi đường trong bài thơ gợi lên hình ảnh của con người trong đời sống.
+ Cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng chỉ cần lạc quan, vững tin thì sẽ có được thắng lợi.
+ Với người chiến sĩ cách mạng: vượt qua khó khăn chồng chất, nhất định sẽ đi tới vinh quang.

3. Kết bài

– Khẳng định lại ý nghĩa của bài thơ.

II. Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh Người đi đường trong bài thơ Đi đường (Chuẩn)

Hồ Chí Minh – Người không chỉ là một nhà Cách mạng với tư tưởng lớn mà còn là một thi sĩ có nguồn cảm hứng dạt dào. Trong những năm 1940, khi người bị bắt nhốt trong nhà lao Tưởng Giới Thạch, Người đã viết lên tập Nhật kí trong tù gồm 133 bài thơ. Trong số đó có bài thơ Đi đường, bài thơ được lấy cảm hứng từ một lần chuyển lao của Người. Bài thơ đã xây dựng lên hình ảnh một người đi đường – người tù cách mạng vượt qua mọi gian lao với một ý chí sắt đá, một tinh thần lạc quan không gì lay chuyển được.

Bài thơ Đi đường ngắn gọn, giản dị nhưng hàm súc, từ việc đi đường núi gợi ra chân lý ở đời: vượt gian lao chồng chất thì nhất định sẽ đi tới thắng lợi vẻ vang:

“Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”

Mở đầu bài thơ là một lời tự sự của người tù cách mạng:

“Đi đường mới biết gian lao,”

Hai từ “đi đường” vang lên như một lời kể nhẹ nhàng, tưởng như lời kể của một người du khách nhưng thực chất ở đây lại là hình ảnh của người tù bị áp giải đi trên đường. Hai từ thôi nhưng người ta có thể hình dung được hình ảnh của người đi đường đang bị trói, chân mang xiềng xích, đi triền miên trong đói rét, trong cảnh nắng mưa đội đầu. Có đi thì “mới biết”, mới thấu hiểu được những nỗi cực nhọc trên đường áp giải. Câu thơ nghe thật nhẹ nhàng, ung dung nhưng ảnh chứa trong đó biết bao vất vả, gian lao. Chỉ một dòng thơ ngắn ngủi nhưng Hồ Chí Minh đã bao quát được cả thái độ đánh giá cũng như sự đúc kết được rút ra từ một cuộc hành trình dài. Và hình ảnh của người đi đường hiện lên trong chúng ta là hình ảnh của một người tù đang trong cuộc chuyển lao đầy vất vả. Thế nhưng, người tù ấy vẫn mang trong mình sự mẫn cảm của bậc chí sĩ, vượt lên trên tất cả gian lao bằng thái độ ung dung, làm chủ.

Để đến câu thơ thứ hai, người ta mới thấy được hết những nỗi vất vả, gian lao mà người tù phải trải qua:

“Trùng san chi ngoại hựu trùng san

Dịch thơ: Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”

Trên bước đường đi của người chiến sĩ cách mạng chỉ toàn là núi non điệp trùng. Câu thơ thứ hai đã cụ thể hoá những gian lao mà câu thơ đầu muốn nói. Nó không chỉ gợi ra cho người đọc về một không gian bát ngát, bao la, điệp trùng của thiên nhiên mà còn là sự vất vả, khổ cực của người đi đường. Bác đã dùng hai từ “trùng san – núi cao” trong một câu thơ chỉ để nhấn mạnh sự hiểm trở, trập trùng của đồi núi trên con đường áp giải của Người. Hơn thế nữa, hai chữ “trùng san” được đặt ở đầu và cuối câu, cùng với chữ “hựu – lại” ở giữa như muốn nói lên sự vất vả, vừa vượt qua được dãy núi này, còn chưa được nghỉ ngơi đã tới một dãy núi khác. Một từ “lại” nhưng mang một sức nặng ghê gớm, đè nặng lên tâm trí của người đi đường. “Trùng san” ở đây là một cảnh đẹp, hùng vĩ, thế nhưng nó cũng là một khó khăn đang “đè” lấy người tù cách mạng.

Người tù cứ đi như thế, hết “núi cao” này đến “núi cao” khác, để rồi đến cuối cùng:

“Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”

Câu thơ thứ ba là câu thơ chuyển ý của cả bài thơ, một mặt thể hiện sự tiếp diễn của việc đi đường, mặt khác nó lại phát triển theo hướng cao hơn nữa. Chữ “trùng san” ở đầu câu thứ ba điệp cùng hai từ ở câu trước đó đã tạo nên một vòng lặp. Nếu hai câu thơ đầu thể hiện sự chậm rãi, đều đặn như muốn nói lên sự mệt mỏi của người đi đường thì câu thơ thứ ba lại có một sự khẩn trương hơn, xốn xang hơn. Nó như một sự chuẩn bị cho một việc trọng đại.

Đường đi vượt qua bao núi non hùng vĩ, cứ điệp điệp trùng trùng hết dãy núi này tới dãy núi khác như một chuỗi dài bất tận khiến ta nản lòng. Thế nhưng, ở câu thơ cuối cùng, người đi đường hiện lên, không phải trong sự mệt mỏi, mà là trong sự sảng khoái, tự hào, trong vinh quang:

“Vạn lý dư đồ cố miện gian

(Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non)”

Người tù giờ đây không còn ở trong tư thế bị áp giải mà dường như Người đã trở thành một du khách đang đứng giữa thiên nhiên, đứng trên đỉnh núi cao mà say mê tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp. Trải qua bao khó khăn, vượt qua bao dãy núi hiểm trở, giờ đây Người đứng trên đỉnh cao để bao trọn trong tầm mắt tất cả. Ở những câu thơ trước, người đi đường bị rợn ngợp, bị che lấp bởi thiên nhiên thì ở câu thơ cuối này, hình ảnh người đi đường trở nên hiên ngang, cao lớn giữa thiên nhiên, đất trời.

Hình ảnh của người đi đường trong bài thơ Đi đường khiến ta liên tưởng tới con người giữa đường đời. Họ phải đi qua bao nhiêu khó khăn, vượt qua bao “núi cao trập trùng”, nhưng chỉ cần tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc đời thì chờ đợi ta sẽ là cả một không gian rộng lớn, là thành quả, vinh quang khiến ta tự hào. Đây cũng là chân lý đối với những con người làm Cách mạng, vượt qua khó khăn, vững tin niềm tin cách mạng thì thắng lợi nhất định về tay nhân dân.

Qua hình ảnh người đi đường trong bài thơ, Hồ Chí Minh muốn khẳng định cho chúng ta một chân lý ở đời: con người trong cuộc sống sẽ gặp vô số khó khăn, thế nhưng khi vượt qua mọi gian lao, vất vả thì nhất định chúng ta sẽ đi tới được thành công, thắng lợi. Đó là lời khuyên, lời dặn cho thế hệ chúng ta, và cả thế hệ mai sau về một tinh thần vững chắc, một ý chí bền bỉ để vượt qua mọi chông gai hướng tới thắng lợi..

—————–HẾT——————

Hồ Chí Minh đã để lại cho đời những áng văn thơ xuất sắc, trong số đó có tác phẩm Đi đường. Các em hãy cùng tham khảo: Cảm nhận về bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh, Sơ đồ tư duy Tẩu lộ (Đi đường), Phân tích bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh để hiểu rõ hơn bài thơ đặc sắc này của Người nhé!

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-hinh-anh-nguoi-di-duong-trong-bai-tho-di-duong/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Công thức Hóa Học

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button