Đề bài: Tả cây hoa cúc
Bạn đang xem bài: Tả cây hoa cúc
Văn mẫu tả cây hoa cúc lớp 4, lớp 5 hay nhất
I. Dàn ý Tả cây hoa cúc (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về cây hoa cúc
2. Thân bài
– Cây hoa cúc được trồng ở đâu? Từ bao giờ?
– Đặc điểm cây hoa cúc:
+ Cúc thường mọc thành bụi lớn
+ Thân cây màu xanh, nhỏ bằng 1 ngón tay
+ Từ thân cúc mọc ra những chiếc lá nhỏ màu xanh đậm, viền lá hình răng cưa
+ Mỗi cây hoa cúc mọc ra nhiều nhánh nhỏ, mỗi nhánh nhỏ lại mọc ra vài ba nụ hoa
+ Nụ cúc nhỏ, hình tròn, những cánh cúc chụm vào nhau
+ Khi cúc nở hoa, những cánh hoa xòe ra đối xứng.
+ Cánh hoa cúc nhỏ, mỏng. Một bông hoa cúc có rất nhiều cánh, từ 40-50 cánh
+ Hoa cúc có nhiều loại, phổ biến nhất là cúc vàng, cúc trắng
– Ý nghĩa của hoa cúc:
+ Thường được cắm trang trí trong gia đình
+ Biểu tượng cho sự may mắn, tài lộc
3. Kết bài
Tình cảm của em với cây hoa cúc:
+ Yêu thích cây hoa cúc
+ Mỗi khi nhìn cây hoa cúc tự tay vun trồng ngoài vườn –> Hạnh phúc, tự hào
II. Bài văn mẫu Tả cây hoa cúc
Bố em là một người rất yêu hoa, bố đã dành cả một góc sân lớn để trồng hoa. Trong khu vườn nhỏ ấy có những khóm hồng kiều diễm, những bụi thược dược rực rỡ, rồi cả những chậu lan yêu kiều, lạ mắt. Nhưng em lại thích nhất là những nàng cúc vàng dịu dàng nép mình trong một góc nhỏ.
Cúc đó không phải do bố em mang về trồng, mà vào dịp Tết năm ngoái mẹ mua một chậu cúc về trưng trong nhà, hết tết thì em và mẹ đem ra vườn trồng. Đến nay từ một cây cúc đã mọc thành cả bụi, rực rỡ cả góc sân, kéo biết bao nhiêu là ong bướm đến đùa vui, kiếm mật. Cúc thường mọc thành bụi lớn, chúng thích tụ tập lại với nhau, cành cây này đan vào cây khác. Thân cây to cỡ chừng một ngón tay, phần gốc thì cứng cắp gần như hóa gỗ, càng về đến ngọn thân càng mềm. Cúc là loài nhiều lá, lá mọc suốt từ gần gốc tới gần ngọn cây. Lá cây dạng lông chim, tức là một tán lá lớn lại có nhiều nhánh nhiều lá nhỏ hơn. Lá thường có màu xanh thẫm, mỏng, sờ vào có cảm giác hơi nhám, lại có mùi hắc gay mũi. Một gốc cây phân làm nhiều nhánh, vươn thẳng, rồi cứ mỗi một thân như vậy lại mọc ra vài ba búp hoa. Ban đầu hoa còn chưa thành hình, chỉ là một đài hoa hình tròn cứng ngắc, màu xanh nhạt. Cỡ tầm dăm bữa nửa tháng búp hoa to dần rồi hé nở ra những cánh hoa đầu tiên. Bông cúc cứ nở to dần, khi hoa nở hoàn toàn phải to cỡ nắm tay trẻ con. Những cánh cúc mỏng manh xếp chen chúc nhau trên đài hoa, nhưng lại khiến hoa có một vẻ đẹp thật tự do, không cần quá cầu kỳ kiểu cách như nhiều loài hoa khác. Cũng giống như lá, hoa cúc có mùi hắc đặc trưng, nên hiếm ai khen hoa thơm, mà chỉ khen hoa đẹp. Nhìn cả góc vườn có tới mấy chục bông hoa cúc vàng tươi nở cùng một lượt trông thật thích mắt.
Hoa cúc rất dễ trồng, hầu như chẳng phải chăm bón gì mấy, chỉ cần tưới nước 2 ngày một lần, thỉnh thoảng nhổ cỏ quanh gốc là được. Ta cũng chẳng cần phải gây giống, bởi hạt rụng xuống lại mọc thành vô số cây con. Cây mẹ chưa già, cây con đã kịp ra hoa, xanh tươi rực rỡ. Cúc trong văn hóa Việt Nam là loài hoa tượng trưng cho lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ, đồng thời thể hiện sự trường tồn, sung túc. Văn hóa Trung Quốc thì mệnh danh cúc là một trong “tứ quân tử” sáng ngang với tùng, trúc, mai, thể hiện đức tính giản dị, rực rỡ, tinh thần lạc quan của con người.
Em rất yêu thích hoa cúc. Mỗi lần ra vườn, nhìn thấy khóm cúc mà em và mẹ tự tay vun trồng, em lại cảm thấy thật vui và tự hào. Em sẽ chăm sóc vườn hoa thật tốt, để những bụi hoa ấy cho những đóa hoa xinh đẹp, góp phần tô điểm cuộc cuộc sống.
———————-HẾT———————-
Văn miêu tả là dạng văn sử dụng lời văn để miêu tả đặc tính của sự vật, hiện tượng, giúp cho người đọc, người nghe có thể hình dung rõ hơn . Để luyện tập và dành điểm cao với dạng văn này, học sinh và các thầy cô giáo có thể tham khảo thêm các Bài văn hay lớp 5 tả cảnh, tả người khác như Tả cây hoa sen, tả buồng chuối đang trổ bông, Tả quang cảnh trường em vào mùa hè, tả cô giáo chủ nhiệm lớp em,…
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/ta-cay-hoa-cuc/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục