Bài ca nhà tranh bị gió thu phá của Đỗ Phủ đã thể hiện một cách sinh động nỗi khổ của nhà thơ khi căn nhà tranh bị gió thu phá nát. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, bài thơ còn bộc lộ niềm khao khát của nhà thơ mong muốn có một ngôi nhà vững chắc để che chở cho tất cả người nghèo trong thiên hạ.
Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá sẽ cung cấp tài liệu giới thiệu về nhà thơ Đỗ Phủ, nội dung bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”.
Bạn đang xem bài: Bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Phiên âm:
Bát nguyệt thu cao phong nộ hào,
Quyển ngã ốc thượng tam trùng mao.
Mao phi độ giang sái giang giao.
Cao giả quải quyến trường lâm sao,
Hạ giả phiêu chuyển trầm đường ao.
Nam thôn quần đồng khi ngã lão vô lực,
Nhẫn năng đối diện vi đạo tặc.
Công nhiên bão mao nhập trúc khứ,
Thần tiều khẩu táo hô bất đắc.
Quy lai ỷ trượng tự thán tức.
Nga khoảnh phong định vân mặc sắc,
Thu thiên mạc mạc hướng hôn hắc.
Bố khâm đa niên lãnh tự thiết.
Kiều nhi ác ngoa đạp lý liệt.
Sàng đầu ốc lậu vô can xứ,
Vũ cước như ma vị đoạn tuyệt.
Tự kinh táng loạn thiểu thuỵ miên
Trường dạ chiêm thấp hà do triệt.
An đắc quảng hạ thiên vạn gian,
Ðại tí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan,
Phong vũ bất động an như san.
Ô hô, hà thời nhãn tiền đột ngột kiến thử ốc,
Ngô lư độc phá thụ đống tử diệc túc.
Dịch thơ:
Tháng tám, thu cao, gió thét già
Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta
Tranh bay sang sông rải khắp bờ
Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa
Mảnh thấp bay lộn vào mương sa.
Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,
Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật,
Cắp tranh đi tuốt vào luỹ tre
Môi khô miệng cháy gào chẳng được,
Quay về chống gậy lòng ấm ức!
Giây lát, gió lặng, mây tối mực
Trời thu mịt mịt đêm đen đặc.
Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt,
Con nằm xấu nết đạp lót nát
Đầu giường, nhà dột chẳng chừa đâu
Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt
Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê
Đêm dài ướt át sao cho trót?
Ước được nhà rộng muôn ngàn gian
Khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,
Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn
Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,
Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!
(Khương Hữu Dụng dịch, trong Thơ Đỗ Phủ, NXB Văn học, Hà Nội, 1962)
I. Đôi nét về tác giả Đỗ Phủ
– Đỗ Phủ (712 – 770), tự Tử Mĩ, hiệu Thiếu Lăng, là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Đường.
– Ông làm quan trong một thời gian rất ngắn nhưng gần như sống trong cảnh đau khổ, bệnh tật.
– Năm 755, tướng An Lộc Sơn nổi dậy chống lại triều đình. Vì không được trọng dụng và cũng muốn tránh khỏi hiểm họa, ông cáo quan về quê ở cùng tây Nam.
– Đỗ Phủ cùng với Lý Bạch là hai nhà thơ vĩ đại và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
– Một số sáng tác tiêu biểu như:
- Tập thơ Ngao du nam bắc (731 – 745)
- Tập thơ Trường An khốn đốn (746 – 755)
- Tập thơ Lưu vong làm quan (756 – 759)
- Tập thơ Phiêu bạc tây nam (760 – 770)
II. Giới thiệu về Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
1. Hoàn cảnh sáng tác
– Năm 760, được bạn bè và người thân giúp đỡ, Đỗ Phủ dựng được một ngôi nhà tranh bên cạnh Cán Hoa ở phía Tây Thành Đô.
– Ông vừa ở chẳng được bao lâu thì căn nhà bị gió phá nát. Chính vì vậy, ông đã sáng tác bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá để thuật lại sự kiện này.
– Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông. Bút pháp hiện thực và tinh thần nhân đạo của bài thơ có ảnh hưởng sâu rộng đến thơ ca Trung Hoa sau này.
2. Bố cục
Gồm 4 phần:
- Phần 1. Khổ thơ thứ nhất: Cảnh nhà tranh bị gió thu phá.
- Phần 2. Khổ thơ thứ 2: Cảnh lũ trẻ trong thôn đến ăn cắp tranh.
- Phần 3. Khổ thơ thứ 3: Cuộc sống của gia đình trong đêm nhà tranh bị phá.
- Phần 4. Khổ thơ thứ 4. Mong muốn của nhà thơ về tương lai.
3. Nội dung
Bài thơ đã thể hiện được nỗi khổ của nhà thơ vì căn nhà tranh bị gió thu phá. Đồng thời bộc lộ khát vọng cao cả đó là có một ngôi nhà vững chắc để che chở cho tất cả người nghèo trong thiên hạ.
4. Nghệ thuật
Kết hợp nhiều phương thức biểu đạt, hình ảnh chân thực.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/bai-tho-bai-ca-nha-tranh-bi-gio-thu-pha/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục