Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc
Bạn đang xem bài: Phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc
Phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc
I. Dàn ý Phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả Kim Lân, tác phẩm “Làng”.
– Dẫn dắt vấn đề: Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc.
2. Thân bài:
a. Hoàn cảnh
– Ông Hai là người nông dân yêu làng, ông luôn tự hào về ngôi làng Chợ Dầu của mình.
– Trong kháng chiến, ông phải tản cư đi nơi khác nhưng lúc nào cũng nghe ngóng tin tức về làng.
b. Diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc
* Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc:
– Nghe tin làng theo giặc, ông như điếng người.
– Cúi gằm mặt xuống mà đi, cảm tưởng như đang mất một thứ gì rất quý giá mà bấy lâu mình hằng trân trọng, gìn giữ.
– Nằm vật ra giường, nước mắt cứ giàn ra.
* Mấy ngày hôm sau:
– Ông không dám nhắc tới câu chuyện phản bội của làng, không dám bước ra ngoài.
– Chỉ nghe một tiếng xì xầm, xôn xao đâu đây ông cũng ngỡ là người ta đang bàn về “chuyện ấy”- chuyện cái làng theo giặc.
– Lo lắng khi người chủ có ý định đuổi ra khỏi nhà.
– Đau khổ, dằn vặt khi phải lựa chọn theo làng hay theo cách mạng.
– Lựa chọn đứng về phía cách mạng “Làng yêu thì yêu thật, nhưng làng theo giặc thì phải thù”
* Khi trò chuyện với thằng con út:
– Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má.
– Ông nói thủ thỉ: “Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.”
=> Những diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đã thể hiện được tình yêu làng tha thiết.
c. Nghệ thuật
+ Biện pháp đối thoại, độc thoại nội tâm.
+ Ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ.
+ Khắc hoạ diễn biến tâm lí nhân vật đặc sắc.
3.Kết bài
Khẳng định lại vẻ đẹp nhân vật và tình cảm của tác giả.
II. Bài văn mẫu Phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc (Chuẩn)
Kim Lân là một nhà văn hiện thực tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam. Ông có một tình cảm mãnh liệt dành cho những người nông dân nghèo, vì vậy mà các tác phẩm của ông thương viết về đề tài người nông dân, nông thôn. “Làng” được Kim Lân “thai nghén” và cho ra đời năm 1948. Nhân vật chính trong tác phẩm là ông Hai, người nông dân có tình yêu làng tha thiết. Những diễn biến tâm trạng của ông khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai về người nông dân chân chất, yêu nước, yêu làng sâu sắc, tha thiết.
Ông Hai là người nông dân yêu làng, ông luôn tự hào và hãnh diện về ngôi làng Chợ Dầu của mình. Ở nơi tản cư, đi đâu ông Hai cũng “khoe” về làng mình, về truyền thống đấu tranh anh dũng, hào hùng của làng. Ông khoe làng mình đứng lên khởi nghĩa, tham gia những buổi tập chiến, nhập phong trào, ông khoe cả những ụ, những hào giao thông của làng,…Ông yêu cái làng hơn tất thảy những gì ông có, bởi thế mà ngày tản cư ông đâu nỡ chịu đi, đến khi bắt buộc phải rời xa thì ông càng tủi cực, buồn khổ: “ít nói, ít cười, cái mặt lúc nào cũng lầm lầm”. Đến nơi tản cư, ông càng nhớ làng da diết, ông nhớ những tháng ngày cùng anh em làm việc, bảo vệ, dựng xây quê hương “Ô, sao mà độ ấy vui thế”. Để khỏa lấp nỗi nhớ làng, hàng ngày ông chăm chỉ đi nghe những tin tức thời sự, tin tức kháng chiến, xem nó như một món ăn tinh thần không thể thiếu.
Nhưng rồi, như một tiếng sét giữa trời quang, ông Hai nghe được từ người tản cư về việc làng Chợ Dầu theo giặc. Còn gì đau đớn hơn điều ấy, khi niềm tin về ngôi làng mà bấy lâu ông yêu thương tha thiết như vụn vỡ. Càng yêu, càng hãnh diện về làng thì ông Hai càng đau khổ, bàng hoàng khi nghe tin làng mình theo giặc “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Sự thay đổi trên nét mặt, hành động đã cho thấy được nội tâm đầy đau đớn của ông. Trên đường về nhà, ông Hai “cúi gằm mặt xuống mà đi”, cảm tưởng như đang mất một thứ gì rất quý giá mà bấy lâu mình hằng trân trọng, gìn giữ.
Về đến nhà, sự ê chề, tủi hổ trào dâng trong lòng ông “nước mắt ông cứ giàn ra”, ông thương xót, lo lắng cho đàn con “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy”. Bằng cảm quan tinh tế, Kim Lân đã vẽ nên rõ nét tâm trạng của nhân vật qua sự xếp đặt ngôn từ có ý đồ để khắc họa sống động những dòng cảm xúc phức tạp của ông Hai. Trong người nông dân tội nghiệp ấy chỉ còn những nhục nhã, mặc cảm khi nghĩ chính mình là một tội đồ của đất nước, của cách mạng “Cực nhục chưa, cả làng Việt gian…Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước”. Chính những suy nghĩ ấy đã hành hạ lão khổ sở đến tột cùng. Những ngày sau đó, cả gia đình ông Hai sống trong sự ảm đạm, thê lương, cả vợ và các con lão cũng đều cảm nhận được sự thay đổi ấy: “Gian nhà lặng đi…Tiếng thở của ba đứa trẻ chụm đầu vào nhau ngủ nhẹ nhàng nổi lên, nghe như tiếng thở của gian nhà .”
Cũng từ hôm đó, ông Hai lúc nào cũng mang trong mình nỗi bất an, tủi nhục ê chề. Ông không dám nhắc tới câu chuyện phản bội của làng. Thậm chí, ông xấu hổ tuyệt giao với những người hàng xóm xung quanh mình “không dám bước chân ra đến ngoài”. Chỉ nghe một tiếng xì xầm, xôn xao đâu đây ông cũng ngỡ là người ta đang bàn về “chuyện ấy”- chuyện cái làng theo giặc. Chuyện mà vợ chồng ông Hai lo lắng nữa là bà chủ nhà biết tin, sẽ đuổi cả gia đình đi, rồi con cái họ sẽ đi về đâu, sống như thế nào. Khi chuyện đến tai chủ nhà, bà chủ đến bóng gió đuổi gia đình lão, ông Hai phải đối mặt với khó khăn “Thật là tuyệt đường sinh sống… đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi”. Nỗi đau đã nhức nhối, nỗi lo lắng lại càng tột cùng, thật là khổ càng thêm khổ, tủi càng thêm tủi.
Dù yêu làng bao nhiêu, nhưng làng theo giặc thì ông Hai không thể nào làm ngơ mà bảo vệ cái sai của làng “Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến. Bỏ Cụ Hồ…”. Câu nói chưa dứt hẳn, nước mắt ông đã “giàn ra”. Bật ra những lời ấy trong nỗi niềm khôn tả, hẳn ông đã rất đau, một nỗi đau khi phải đứng giữa hai lựa chọn: ngôi làng ông hết mực trân quý hay cách mạng cụ Hồ. Để khuây khỏa cho những nghĩ suy của mình, ông tâm sự với đứa con thơ dại. Lời nói của đứa con thơ “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm” cũng chính là những lời từ đáy lòng người nông dân yêu làng, yêu nước, lời của một người trung thành với cách mạng, với cụ Hồ, tình cảm ấy, tấm lòng ấy thật đáng trân trọng biết bao. Những diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đã thể hiện được tình cảm chân thành của một người yêu nước. Qua đó bộc lộ tình cảm, sự tin yêu của tác giả dành cho những người nông dân Việt, họ tuy nghèo nhưng giàu tình cảm, yêu quê hương, đất nước và trung thành tuyệt đối với cách mạng.
Bằng việc sử dụng các biện pháp đối thoại, độc thoại nội tâm, ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ và đặc biệt là ngòi bút tài hoa trong khắc hoạ diễn biến tâm lí nhân vật, Kim Lân đã dựng nên một ông Hai đầy chân thực với những phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng . Đó là một chân dung sống động về người nông dân chất phác, thật thà, yêu quê hương đất nước thiết tha, cảm động.
————–HẾT—————
Bên cạnh bài Phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc, các em có thể tham khảo thêm bài: Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, Phân tích truyện ngắn Làng của Kim Lân, Đóng vai ông Hai kể lại truyện ngắn Làng của Kim Lân, Phân tích diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng của Kim Lân để khám phá sâu hơn về tác phẩm.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-dien-bien-tam-trang-ong-hai-khi-nghe-tin-lang-theo-giac/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục