Đề bài: Chứng minh rằng trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Sa Pa không lặng lẽ
Bạn đang xem bài: Chứng minh rằng trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Sa Pa không lặng lẽ
Chứng minh rằng trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Sa Pa không lặng lẽ
I. Dàn ý Chứng minh rằng trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Sa Pa không lặng lẽ
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa.
Nêu nhận định cần chứng minh: Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Sa Pa không lặng lẽ
2. Thân bài
a. Phân tích vẻ đẹp “lặng lẽ” của Sa Pa
– Sự “lặng lẽ” của Sa Pa được thể hiện qua vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng, trầm tư của thiên nhiên, tạo vật làm say đắm lòng người.
– Sự “lặng lẽ” của Sa Pa được thể hiện qua cuộc sống lao động âm thầm của những con người không tên tuổi.
b. Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Sa Pa không lặng lẽ bởi cuộc sống của những con người ngày ngày lao động miệt mài, hăng say không ngừng nghỉ
– Nhân vật anh thanh niên
+Là người lao động có lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với công việc.
+ Là người có nếp sống văn minh, những thói quen tích cực
+ Là người cởi mở, biết trân quý tình cảm con người, hiếu khách
+ Luôn làm việc hết mình nhưng xem đó chỉ là những cống hiến bé nhỏ
– Nhân vật ông kĩ sư vườn ra Sa Pa
+ “ngày này qua ngày khác” ngồi im trong vườn su hào để quan sát cách những chú ong lấy phấn.
+ Kiên trì đi thụ phụ phấn cho từng cây su hào
– Nhân vật anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét
+ Vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết
+ Luôn ở trong tư thế sẵn sàng làm việc
→ Những phẩm chất cao đẹp và sự hi sinh của con người lao động đã phá vỡ không khí tưởng chừng như thầm lặng của Sa Pa
3. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
II. Bài văn mẫu Chứng minh rằng trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Sa Pa không lặng lẽ
Với vẻ đẹp nên thơ, trữ tình, mảnh đất Sa Pa đã trở thành nguồn cảm hứng của biết bao người nghệ sĩ trên hành trình khám phá các giá trị thẩm mĩ. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Tuy nhiên, trong truyện ngắn này, bên ngoài chiếc vỏ bọc của sự thầm lặng là một Sa Pa không hề lặng lẽ.
Trước hết, độc giả có thể thấy được sự “lặng lẽ” của Sa Pa thông qua vẻ đẹp trữ tình của thiên nhiên làm say đắm lòng người. Bức tranh nên thơ của phong cảnh, tạo vật đã được làm nổi bật thông qua những nét vẽ đầy thơ mộng: những rặng đào cùng “những đường núi quanh co uốn lượn kề bên con thác trắng xóa, những cánh đồng cỏ với sắc xanh tươi non trong thung lũng cùng những đàn bò lang “cổ đeo chuông đang thung thăng gặm cỏ”, cây cối xuất hiện với gam màu tươi tắn: “những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”, các loài hoa được phác họa qua sự phong phú, đa dạng qua vẻ đẹp rực rỡ và tỏa ngát hương ngay giữa mùa hè với ” hoa dơn, thược dược, lay ơn, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong…”. Bối cảnh nên thơ, trữ tình của thiên nhiên trong không gian cao rộng chính là phông nền để tác giả miêu tả những chi tiết thi vị, lãng mạn. Ánh nắng trên núi rừng Sa Pa được miêu tả với một vẻ đẹp kì lạ, đầy sắc màu làm mê hoặc và say đắm lòng người: “Nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây, những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc…”, rồi “nắng mạ bạc cả con đèo”. Những tia nắng đó còn là yếu tố tô đậm vẻ đẹp của mây mù chốn núi rừng Sa Pa: “mây bị nắng xua,cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương”. Qua sự tinh tế trong việc lựa chọn chi tiết, hình ảnh, tài năng trong việc sử dụng ngôn từ, nhà văn Nguyễn Thành Long đã phác họa thành công bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp “lặng lẽ”, thơ mộng, trữ tình và trầm tư. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tình yêu thiên nhiên, sự rung động trước cái đẹp của tác giả.
Trên phông nền lãng mạn, nên thơ của thiên nhiên, cuộc sống con người chốn núi rừng Sa Pa xuất hiện cùng lòng nhiệt thành, say mê lao động. Điều này được thể hiện qua hình ảnh nhân vật anh thanh niên âm thầm làm việc, cống hiến với sự nhiệt huyết, hăng say, tận tụy. Dù công việc diễn ra khó khăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng anh vẫn hoàn thành trong “lặng lẽ”, không ồn ào, không khoa trương và chưa bao giờ nghĩ đến ngày sẽ được tôn vinh, đền đáp.
Tuy có nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa” nhưng Sa Pa không hề lặng lẽ như chiếc vỏ bọc của sự nên thơ. Bên trong vẻ đẹp trữ tình của thiên nhiên tạo vật là sự cống hiến thầm lặng nhưng vẫn diễn ra hằng ngày của con người lao động. Chính những phẩm chất cao đẹp và sự hi sinh của họ đã phá vỡ không khí tưởng chừng như thầm lặng của Sa Pa. Nhân vật anh thanh niên chính là hình tượng thể hiện rõ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Giữa sự lặng lẽ của những đám mây, cây cỏ, loài hoa, anh thanh niên vẫn tận tụy làm việc với lòng nhiệt thành, hăng say và tinh thần trách nhiệm với triết lí: “[…] khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Lời nói chân thành mà anh bộc bạch với người họa sĩ cùng sự say mê, niềm tự hào đã cho thấy anh luôn coi công việc là lẽ sống. Sống một mình trên đỉnh núi cao 2700 mét, anh còn rèn luyện cho bản thân một lối sống văn minh và nề nếp. Đó là những thói quen tích cực như trồng rau, nuôi gà và đặc biệt, anh luôn xem sách là một người bạn thân thiết, gần gũi để mở mang hiểu biết và giao tiếp với thế giới bên ngoài. Tất cả những hành động đó đã giúp anh vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, khó khăn trong công việc, đồng thời chống chọi với nỗi cô đơn và sự “thèm người”. Cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ nhưng thú vị giữa anh, cô kỹ sư nông nghiệp và bác họa sĩ đã tô đậm hơn nữa sự cởi mở, lòng nhiệt tình và trân quý tình cảm của anh thanh niên. Như vậy, anh thanh niên chính là đại diện tiêu biểu cho bức chân dung của con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bên cạnh nhân vật anh thanh niên, trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, nhà văn Nguyễn Thành Long còn phác họa chân dung những con người âm thầm làm việc, phá vỡ chiếc vỏ bọc “lặng lẽ” của Sa Pa. Dù chỉ xuất hiện gián tiếp qua lời kể của anh thanh niên nhưng họ đều để lại những ấn tượng sâu sắc. Đó là ông kĩ sư vườn ra Sa Pa “ngày này qua ngày khác” ngồi im trong vườn su hào để quan sát cách những chú ong lấy phấn, thụ phấn một cách tỉ mỉ, và ông kiên trì đi thụ phụ phấn cho từng cây su hào để tạo ra năng suất cao hơn và nâng cao chất lượng. Đó là anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết, luôn ở trong tư thế sẵn sàng làm việc: “nửa đêm mưa gió,rét buốt,mặc, cứ nghe sét là choáng choàng chạy ra”. Như vậy, bên trong một Sa Pa với vẻ đẹp nên thơ là những con người làm việc trong âm thầm, nhưng cũng chính điều đó đã phá vỡ vỏ bọc lặng lẽ của thiên nhiên núi rừng Sa Pa, bởi những cống hiến của họ dù thầm lặng nhưng rất đỗi cao cả, góp phần tạo nên một bản anh hùng ca về công cuộc lao động của con người mới.
Như vậy, qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể hoàn toàn khẳng định rằng, khác với nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa”, Sa Pa không hề lặng lẽ. Bên trong vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của thiên nhiên tạo vật là cuộc sống của những con người ngày ngày lao động miệt mài, hăng say không ngừng nghỉ để cống hiến hết mình cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
—————–HẾT——————-
Lặng lẽ Sa Pa là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thành Long viết về những con người đang ngày đêm cống hiến âm thầm cho đất nước. Tìm hiểu về tác phẩm, bên cạnh bài Chứng minh rằng trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Sa Pa không lặng lẽ, các em học sinh có thể tham khảo những bài văn hay lớp 9 khác như : Phân tích triết lí sống trong Lặng lẽ Sa pa, Hãy phân tích tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa, Nghị luận về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/chung-minh-rang-trong-truyen-ngan-lang-le-sa-pa-cua-nguyen-thanh-long-sa-pa-khong-lang-le/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục