Giáo dục

Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Sang thu

Đề bài: Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Sang thu

doan van cam nhan kho tho dau bai tho sang thu

Bạn đang xem bài: Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Sang thu

Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Sang thu

I. Dàn ý Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Sang thu (Chuẩn)

1. Mở đoạn:

– Giới thiệu về khổ đầu của bài thơ “Sang thu”.

2. Thân đoạn:

a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm và khổ đầu của bài thơ “Sang thu”

– Hữu Thỉnh sinh năm 1942, quê ở Tam Dương, Vĩnh Phúc. Ông là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ
– “Sang thu” được sáng tác năm 1977, được in lần đầu trên báo Văn nghệ, sau đó in lại trong tập “Từ chiến hào tới thành phố”- 1991.
– Khổ đầu bài thơ là những tín hiệu giao mùa đầu tiên mà nhà thơ bắt gặp trong khoảnh khắc thiên nhiên chuyển mình từ hạ sang thu

b. Cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ “Sang thu”

– Nhà thơ cảm nhận khoảnh khắc thu sang bằng những hình ảnh thiên nhiên gần gũi, bình dị:
+ “Hương ổi”: Đây là mùi hương quen thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam mỗi độ thu về. Mùi hương ấy tuy không nồng nàn nhưng thoang thoảng, nhẹ nhàng lan tỏa, trộn lẫn trong không gian.
+ “Gió se”: Loại gió heo may xuất hiện vào đầu mùa mang theo cái se se lạnh đặc trưng của thời tiết mùa thu miền Bắc Bộ.
+ “Sương chùng chình”: Những màn sương dùng dằng, nửa muốn ra đi, nửa muốn ở lại để níu giữ mùa hạ.

– Nhà thơ đón nhận những tín hiệu giao mùa với tâm thế ngạc nhiên, bâng khuâng:
+ “Bỗng”: Sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng.
+ Thành phần tình thái “hình như” đã diễn tả cảm xúc đầy bâng khuâng và nghi hoặc của tác giả.

– Nghệ thuật: Giọng thơ nhẹ nhàng, trầm lắng, biện pháp tu từ nhân hóa khiến bức tranh thiên nhiên trở nên sinh động, có hồn.

3. Kết đoạn:

– Sự thành công và dấu ấn của khổ đầu bài thơ “Sang thu” để lại trong lòng độc giả.

II. Bài văn mẫu Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Sang thu 

1. Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Sang thu, mẫu 1 (Chuẩn)

Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả về mùa thu trong trẻo, thơ mộng. Và sự thơ mộng, trong trẻo ấy được tác giả thể hiện rõ rệt nhất qua khổ đầu của bài thơ:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Nhà thơ đã cảm nhận khoảnh khắc thu sang bằng những hình ảnh thiên nhiên rất đỗi gần gũi, bình dị. Với Hữu Thỉnh, mùa thu bắt đầu bằng từ hương ổi – một mùi hương quen thuộc ở những làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Có lẽ người đọc sẽ bất ngờ bởi mùi hương dân dã ấy lại đi vào thơ ca một cách tự nhiên đến thế. Hương ổi không quá nồng nàn mà thoang thoảng, dịu nhẹ. Mùi hương ấy quá nồng nàn nhưng mà tỏa ra thành từng luồng, “phả” vào trong không gian. Và phải là một người gắn bó thân thiết với làng quê, có cách cảm nhận tinh tế thì Hữu Thỉnh mới có thể nhận ra được mùi hương ấy. Cũng là sứ giả của mùa thu, làn gió heo may mang theo chút se lạnh đầu mùa mơn man khắp da thịt khiến bao người xao xuyến. Hương ổi chín “phả” vào làn gió se đã khiến hương thơm như được đặc sánh lại trong không gian làng quê thanh bình, thơ mộng. Từ “bỗng” mở đầu khổ thơ thể hiện sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Dường như Hữu Thỉnh có chút bất ngờ khi ngửi thấy hương ổi trong gió. Chỉ bằng một từ “bỗng”, ông đã đánh thức mọi giác quan nơi bạn đọc để chúng ta có thể cảm nhận được trọn vẹn hương sắc mùa thu. Thu đến nhẹ nhàng nhưng cũng đột ngột khiến thi sĩ không khỏi nghi hoặc: “Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về”. Từ láy “chùng chình” giúp người đọc có thể hình dung được những màn sương đang cố ý trôi chậm lại để níu kéo chút dư âm của mùa hạ. Hữu Thỉnh đón nhận những tín hiệu giao mùa với tâm thế ngạc nhiên, bâng khuâng. Mặc dù đã thức nhọn khứu giác, xúc giác, thị giác để cảm nhận khoảnh khắc thu sang nhưng ông không vội vã đưa ra lời khẳng định “thu đã về” mà chỉ ý tứ phỏng đoán “Hình như thu đã về”. Đó vừa là tiếng reo vui, vừa là lời tâm sự thủ thỉ về bước chuyển mình của thiên nhiên, tạo vật. Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, trầm lắng cùng biện pháp tu từ nhân hóa, tác giả đã tái hiện được bức tranh thiên nhiên sinh động, có hồn. Khổ thơ đầu tiên đã ghi lại những phát hiện độc đáo của Hữu Thỉnh lúc thiên nhiên giao mùa. Qua đó cho thấy một tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên và gắn bó tha thiết với cuộc sống làng quê.

2. Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Sang thu, mẫu 2 (Chuẩn)

Hữu Thỉnh sinh năm 1942, ông là người con của huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Là một trong những nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ nên những vần thơ của ông mang dòng cảm xúc bâng khuâng, vương vấn trước đất trời và ấm áp tình người. Bài thơ “Sang thu” được Hữu Thỉnh viết năm 1977, hai năm sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu được tác giả cảm nhận bằng những hình ảnh thiên nhiên rất đỗi gần gũi, bình dị trong khổ thơ đầu tiên.Đang nồng nhiệt với mùa hạ thì Hữu Thỉnh bất chợt nhận ra tín hiệu của mùa thu bởi hương ổi chín thoảng bay trong gió. Đây là mùi hương quen thuộc của bất kì làng quê nào vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hương ổi tỏa ra thành từng luồng rồi “phả” vào trong không gian thoáng đãng, yên bình để gợi thương, gợi nhớ cho những ai có cơ hội ghé thăm chốn vườn tược. Hương ổi còn gợi nhắc những kí ức tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng bên những đứa bạn tinh nghịch, đáng yêu. Có ai từng gắn bó với làng quê mà lại không nhớ mùi hương đặc trưng ấy? Cùng với hương ổi, làn gió heo may se lạnh cũng là một tín hiệu giúp nhà thơ cảm nhận được khoảnh khắc giao mùa. Không chỉ có vậy, nhà thơ còn thấy được màn sương “chùng chình” bay qua ngõ xóm. Biện pháp tu từ nhân hóa đã khiến đám mây trở nên có hồn. Liệu có phải màn sương còn luyến lưu bịn rịn điều gì nên còn muốn dùng dằng, kéo dài thời gian vì chưa muốn chia tay mùa hạ? Có chút gì đó đột ngột nhưng cũng đầy bâng khuâng, hồ nghi. Nhà thơ cất lên lời phỏng đoán rất ý nhị “Hình như thu đã về”. Câu thơ giống như lời tâm sự thủ thỉ về phút chuyển giao tinh tế của thiên nhiên. Khổ thơ khép lại nhưng hương ổi chín, gió se và cả màn sương chùng chình vẫn vẹn nguyên trong cảm nhận của độc giả. Hữu Thỉnh quả là biết cách gợi thương gợi nhớ cho những tâm hồn yêu thơ khi miêu tả lát cắt giao mùa từ hạ sang thu nhịp nhàng, êm ái, đầy tình tứ.

3. Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Sang thu, mẫu 3 (Chuẩn)

Mùa thu đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận để các nghệ sĩ “xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”. Là một nhà thơ nhạy cảm, tinh tế, Hữu Thỉnh đã ghi lại khoảnh khắc “có thần” của cảnh vật lúc giao mùa qua những câu thơ nhẹ nhàng mà sinh động trong khổ 1. Từ “bỗng” mở đầu khổ thơ không chỉ khiến tác giả mà còn khiến tất cả chúng ta cảm thấy bất ngờ, ngạc nhiên trước thời khắc giao mùa. Nếu được sinh ra và gắn bó với làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ thì chắc hẳn không ai còn xa lạ với mùi hương của những quả ổi chín vàng ẩn mình sau kẽ lá. Mùi hương ấy không quá nồng nàn nhưng cũng đủ sức tỏa ra thành từng luồng, “phả” vào trong không gian. Nhờ cơn gió heo may của đầu thu mà hương ổi càng thơm ngọt quyến rũ, quyện sánh lại để gây bao ấn tượng cho những ai đặt chân đến chốn làng quê. Màn sương lúc giao mùa cũng để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng thi nhân qua biện pháp tu từ nhân hóa và từ láy “chùng chình”. Những hạt sương li ti đang giăng mắc trong không gian tạo thành màn sương mềm mại, mỏng manh, nhẹ nhàng trôi một cách thong thả qua ngưỡng cửa mùa thu. Sự góp mặt của các tín hiệu như gió se, hương ổi, sương “chùng chình” đã khiến chúng ta thảng thốt: “Hình như thu đã về”. Một chút bối rối, một chút bâng khuâng, lưu luyến là tâm trạng của thi nhân lúc giao mùa. Cách dùng từ “hình như” thật tinh tế và thấu đáo. Bởi lá vàng chưa rụng, sắc cúc chưa đậm nên nhà thơ chỉ khẽ khàng thủ thỉ, phỏng đoán. Thu đã sang với những gì ngọt ngào và dịu dàng nhất. Hữu Thỉnh đã huy động khứu giác, thị giác, xúc giác để cảm nhận trọn vẹn khoảnh khắc đáng giá này. Khổ thơ đầu tiên đã đánh thức cảm nhận của độc giả bằng những tín hiệu mùa thu thật gần gũi, bình dị nhưng cũng đầy tinh tế. Qua đôi mắt của con người đã từng đi qua bom đạn, mùa thu của làng quê khi đất nước hòa bình, tự do càng trở nên đáng yêu, đáng quý và đáng trân trọng biết nhường nào.

—————-HẾT——————-

Hi vọng các em sẽ có thêm cho mình những kiến thức bổ ích qua Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ “Sang thu”. Để vốn hiểu biết của mình thêm phong phú, các em có thể tham khảo những bài viết sau: Đoạn văn cảm nhận khổ thơ 2 bài thơ Sang thu, Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Sang thu, Cảm nhận hình ảnh thiên nhiên trong Mùa xuân nho nhỏ và Sang thu, Cảm nghĩ của em về 2 câu thơ cuối bài Sang thu.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/doan-van-cam-nhan-kho-tho-dau-bai-tho-sang-thu/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button