VPN và Chế độ ẩn danh của trình duyệt (Incognito Mode) là hai trong số những tính năng phổ biến nhất mà người dùng internet tìm đến khi muốn bảo vệ hơn nữa quyền riêng tư của mình trên không gian trực tuyến.
Về cơ bản, VPN giúp bạn trở nên khó bị theo dõi hơn trong quá trình sử dụng internet, trong khi Chế độ ẩn danh cung cấp cho bạn một “nền tảng trình duyệt mới”, trong đó các dữ liệu duyệt web sẽ không được ghi lại.
Bạn đang xem bài: Sự khác biệt giữa chế độ ẩn danh của trình duyệt và VPN
Về bản chất là như vậy. Tuy nhiên trên thực tế khái niệm Chế độ ẩn danh và VPN khác nhau cụ thể ra sao? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Chế độ ẩn danh là gì?
Tính năng duyệt web riêng tư về lý thuyết có rất nhiều tên gọi khác nhau tùy theo mỗi trình duyệt. Chẳng hạn như InPrivate trong Microsoft Edge và Incognito Mode trong Google Chrome. Tuy nhiên, mục đích chính của tính năng này là đưa trình duyệt web của bạn vào trạng thái “mất trí nhớ tạm thời”. Nghĩa là bất cứ khi nào bạn truy cập chế độ ẩn danh, trình duyệt sẽ không lưu trữ dữ liệu liên quan đến các trang web bạn đã truy cập như thông thường: Không có địa chỉ, không có cookie, không có dữ liệu đăng nhập, không có bất cứ thứ gì trong phiên duyệt web được lưu lại. Ngoài ra, chế độ ẩn danh cũng cung cấp cho bạn trạng thái trình duyệt mới mà không có bất kỳ cookie nào. Điều này về cơ bản khiến bạn khó bị theo dõi hơn.
Tóm lại khi bạn duyệt web ở Chế độ ẩn danh, gần như mọi thao tác mà bạn thực hiện trong trình duyệt sẽ không được lưu lại. Các trang web bạn truy cập sẽ không xuất hiện trong mục lịch sử duyệt web, hoặc bật lên trong tab “đã truy cập gần đây”.
Đó là những ưu điểm mà Chế độ ẩn danh của trình duyệt web mang đến cho bạn. Vậy nhược điểm là gì?
Rõ ràng, mặc dù không có bất cứ dữ liệu duyệt web nào được trình duyệt ghi lại khi bạn sử dụng Chế độ ẩn danh, nhưng điều đó không có nghĩa là những dữ liệu này sẽ không bị các bên thứ ba khác tiếp cận.
Cụ thể, các trang web bạn truy cập vẫn có thể thấy địa chỉ IP của bạn. Nhà cung cấp dịch vụ internet vẫn có thể xem hoạt động của bạn. Và quản trị viên hệ thống tại nơi bạn làm việc sẽ vẫn biết bạn đang làm gì, truy cập vào những trang web nào trên máy tính của mình.
Nói cách khác, chế độ ẩn danh và các chế độ duyệt web riêng tư khác sẽ không giúp bạn ẩn mình trong thế giới trực tuyến.
VPN là gì?
VPN (Virtual Private Network – mạng riêng ảo), là một công nghệ mạng giúp tạo kết nối mạng an toàn khi tham gia vào mạng công cộng như Internet hoặc hệ thống mạng riêng do một nhà cung cấp dịch vụ sở hữu. Về cơ bản, VPN có nhiệm vụ định tuyến kết nối internet, vốn do ISP của bạn cung cấp, thông qua một mạng mã hóa, an toàn hơn được cung cấp bởi một bên thứ ba. Điều này sẽ thay đổi địa chỉ IP mà các trang web có thể nhìn thấy, đồng thời loại bỏ khả năng của ISP trong việc tiếp cận lưu lượng truy cập của bạn. Các mạng được mã hóa này có thể mô phỏng nhiều địa chỉ IP và vị trí khác nhau. Nói cách khác, các trang web bạn truy cập sẽ không thấy địa chỉ IP thực của bạn. Họ sẽ thấy địa chỉ IP của VPN, do đó không thể theo dõi được bạn.
Đồng thời, nó cũng cho phép bạn giả mạo vị trí của mình đến bất kỳ nơi nào trên thế giới. Các trang web sẽ thấy bạn đang duyệt từ khu vực của máy chủ VPN thay vì vị trí thực của riêng bạn. Điều này cho phép bạn phá vỡ các hạn chế liên quan đến vị trí địa lý khu vực, cũng là một cách tuyệt vời để vượt qua các hệ thống kiểm duyệt và theo dõi trực tuyến ở các quốc gia có chính sách hạn chế truy cập internet.
Nhìn chung, VPN giúp cải thiện tương đối triệt để quyền riêng tư tổng thể của bạn trong khi duyệt web, tránh con mắt nhòm ngó của tin tặc, các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) và kẻ trộm dữ liệu. Tất cả những điều đó khiến VPN trở nên phổ biến với nhiều người dùng internet trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là VPN có thể giúp đảm bảo sự riêng tư của bạn 100%. Đôi khi, chính các công ty cung cấp dịch vụ VPN cũng lén lút thu thập dữ liệu duyệt web của bạn và bán nó cho các bên thứ ba.
Sử dụng cùng lúc cả Chế độ ẩn danh và VPN
Mặc dù VPN và Chế độ ẩn danh của trình duyệt có thể không chia sẻ chung bất kỳ chức năng nào, nhưng về cơ bản chúng hoạt động cực kỳ hiệu quả với nhau. Nhiều hạn chế trong bảo mật VPN có thể được bù đắp bằng Chế độ ẩn danh. Ngược lại, một số thiếu sót của Chế độ ẩn danh cũng được khắc phục bởi VPN. Sử dụng song song hai tính năng bảo mật này sẽ khiến các bên thứ ba khó có thể theo dõi bạn hơn, đồng thời giúp bảo vệ tương đối triệt để sự riêng tư của bạn trong thế giới trực tuyến.
Ví dụ: trong cửa sổ duyệt web ở chế độ riêng tư và sử dụng VPN, bất kỳ cookie nào bạn thu thập được khi duyệt web cũng sẽ bị xóa. Đồng thời, các trang web bạn truy cập cũng không thể nhìn thấy địa chỉ IP thực của bạn. Nhà cung cấp dịch vụ internet của bạn không thể thấy những trang web bạn đang kết nối.
Mặc dù cả VPN và Chế độ ẩn danh đều không thể đảm bảo sự riêng tư hoàn toàn, nhưng việc sử dụng chúng cùng lúc sẽ mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích đáng giá.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/su-khac-biet-giua-che-do-an-danh-cua-trinh-duyet-va-vpn/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Tổng hợp