Giáo dục

Ba bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến

Đề bài: Ba bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến nói về cái gì?

ba bai tho thu cua nguyen khuyen

Bạn đang xem bài: Ba bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến

Bàn về Ba bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến

Trước nay, ba bài Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh của Nguyễn Khuyến đã được bình phẩm rất nhiều. Những bài thơ này được coi là tiêu biểu cho hồn thơ Nôm Nguyễn Khuyến, xác lập vị thế Nguyễn Khuyến là “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”. Phần lớn các tác giả có xu hướng khẳng định ba bài thơ là những bức tranh nên thơ, vẽ đúng được điệu hồn của mùa thu làng quê đồng bằng Bắc Bộ; ẩn trong cảnh thu thanh bình là nỗi u hoài thầm kín về nỗi đau thời thế nước mất nhà tan mà bản thân bất lực, bế tắc. Phải nói rằng, những nhận định này không sai. Mỗi bài thơ thu của Nguyễn Khuyến thực là một bức tranh thuỷ mặc bằng ngôn từ, diễn tả được đúng thần thái cảnh thu đồng bằng Bắc Bộ với những hình ảnh đặc trưng: trời xanh, nước trong, lá vàng, khói trắng, ao, nhà, ngõ… Đọc ba bài thơ dễ nhận thấy không khí yên ả, dịu êm của làng quê tự bao đời. Tuy nhiên, tiếp cận từ góc độ khác là có thể thấy một sắc thái đối lập với sự nên thơ, thanh bình từ ba bài thơ thu. Một số tác giả đã bàn về phương diện này, song vẫn hướng đến khẳng định cái hay của bài thơ là cảnh đẹp của làng cảnh đồng bằng Bắc Bộ mùa thu và nỗi đau thời thế kín đáo của tác giả. Bài viết này xin bổ sung, nhấn mạnh theo lối cảm nhận mới: ba bài thơ thu của là kết tụ của những ngột ngạt, tàn tạ, thụ động, bế tắc cả cảnh lẫn tình. Với ba bài thơ thu, Nguyễn Khuyến là nhà thơ của những tang thương, tái tê đến giày vò, khắc khoải nỗi đau đời, đau thời.

1. Cảnh ngột ngạt, vắng lặng, hư ảo, tàn tạ, thụ động

Ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến cùng khắc hoạ cảnh vật ngột ngạt, vắng lặng, hư ảo, tàn tạ, thụ động.

Trạng thái ngột ngạt được diễn tả qua nhiều hình ảnh eo hẹp, tăm tối và cô lẻ. Đó là ao, nhà, ngõ… Đây là những không gian có điểm dị biệt với đặc điểm của văn chương trung đại truyền thống. Văn học trung đại thường coi trọng những không gian trời biển, núi sông rộng lớn, đặt con người trong tầm kích vũ trụ để thể hiện chí khí anh hùng “dọc ngang trời rộng, vẫy vùng bể khơi” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Nguyễn Khuyến đi theo một hướng khác. Ông mở đầu bài Thu điếu bằng hình ảnh cái ao bé nhỏ:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Cái ao làng, ao vườn thường là ao tù nước đọng, nhỏ hẹp rất nhiều so với hồ, đầm, phá… Cái ao có bờ quây vòng quanh, con con trong tầm mắt còn bị vo lại bởi cái lạnh của mùa thu và độ trong veo của nước. Theo tính chất vật lí, sự vật có sự giãn nở khi gặp độ nóng và co lại khi gặp độ lạnh. Khí lạnh lẽo của mùa thu làm người đọc có cảm giác chiếc ao bị thu hẹp hơn. Thêm nữa, tính từ “trong veo” vừa tuyệt đối hoá độ trong của nước vừa gợi ra cảm giác có thể nhìn rõ cả giới hạn chiều sâu của cái ao nhỏ. Thế là với từ “trong veo”, cái ao đã tỏ rõ giới hạn nhỏ nhoi của mình cả về chiều rộng lẫn chiều sâu! Chưa hết, độ nhỏ của cái ao còn bị thu thêm vào một lần nữa bởi vần “eo”- tiếng nào có vần này khi phát âm, miệng đều co tròn lại! Ngay trong câu thơ mở đầu, vần eo đã xuất hiện ở hai từ: lạnh lẽo, trong veo. “Eo” còn là bộ vần của bài thơ: veo, teo, vèo, teo, bèo tạo nên một cảm giác ngột ngạt, vây hãm! Như vậy, trạng thái nhỏ hẹp đã được thể hiện tới ba lần ở câu thơ đầu, sau mỗi từ ngữ, độ hẹp càng về sau càng thu thêm lại. Cái ao đã nhỏ còn như cố gắng co đến mức không thể nhỏ hơn được nữa. Tính chất nhỏ bé còn choán lấy toàn bài do tác giả lựa chọn vần “eo” cho cả bài thơ!

Đến câu thứ hai của bài Thu điếu, tính chất bé nhỏ tiếp tục được gia tăng hơn:

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Trên ao nhỏ xuất hiện một con thuyền bé. Từ chỉ số ít “một” kết hợp với từ láy “tẻo teo” khiến con thuyền càng nhỏ bé hơn – tưởng chỉ như một chấm nhỏ chút xíu, cỏn con và cũng không thể nhỏ hơn nữa! Trạng thái nhỏ hẹp này cũng xuất hiện ngay từ đầu bài Thu ẩm:

Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.

Cái nhà năm gian truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ cuối thế kỉ XIX vốn bé nhỏ được cụ thể thêm về sự nhỏ bé bằng từ thấp. Thấp đến mức le te – nghĩa là thấp đến mức cực độ, chừng như không thể thấp hơn được nữa, chỉ đủ cho người cúi đầu ra vào. Trạng thái nhỏ hẹp này tiếp tục được thể hiện qua không gian ngõ. Ngõ mở rộng không gian về chiều dài hơn một cái ao, một cái nhà, song nó chật hẹp. Trong bài Thu điếu, ngõ quanh co – không thẳng – đặc điểm này càng làm tăng lên độ nhỏ hẹp của kiểu đường làng ngõ xóm. Trong Thu ẩm, ngõ bị chìm trong đêm tối – ngõ tối. Độ tối một lần nữa thu thêm độ hẹp của con ngõ! Không gian nào cũng tù túng, nhỏ bé! Xét từng hình ảnh cũng thấy hình ảnh nào cũng nhỏ nhoi: cái ao, cái ngõ, cái lá, chút sóng, bèo, con thuyền… Có thể nói, trạng thái eo hẹp, tăm tối khiến cho cảnh thơ thu Nguyễn Khuyến có sắc thái ảm đạm, tù túng của cảnh nông thôn nghèo Bắc Bộ!

Cùng với sự ngột ngạt, tối tăm là trạng thái hư ảo, tàn tạ, thụ động. Ấn tượng này được biểu hiện trong rất nhiều hình ảnh dưới trời xanh. Ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, bài nào cũng có bầu trời xanh ngắt:

– Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
(Thu điếu)

– Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
(Thu ẩm)

– Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ, gió hắt hiu.(Thu vịnh)

Trời xanh là hình ảnh đặc trưng của mùa thu Bắc Bộ. Đó vốn là hình ảnh nên thơ, hiền dịu, trong sáng ở tâm cảm của nhiều người. Với người hiện đại, màu xanh là biểu tượng của hoà bình. Nhưng với văn chương trung đại, hình ảnh trời xanh còn gắn với ý niệm về một lực lượng siêu nhiên có sức mạnh ghê gớm, chi phối mọi biến cố của trần gian. Thế lực trời xanh khiến người ta khắc khoải, đau đớn trước những nỗi đau buồn không thể lí giải. Con người cất lên những tiếng hỏi không lời đáp, bế tắc, cay đắng với trời:

Xanh kia thăm thẳm từng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?
(Chinh phụ ngâm khúc – Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm)

Màu xanh trong văn chương cũng vậy, nó cũng nhiều khi có ý nghĩa chỉ cái vô cùng, vô tận khắc nghiệt của thiên nhiên. Khi xuất hiện màu xanh, nhiều nỗi tang thương đau buồn trải ra:

Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.
(Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)

Sau này, thơ Vũ Hoàng Chương (1916-1976) cũng có hai câu thơ mang màu xanh đậm chất suy tư, triết luận như thế:

Từ phen Trái Đất ra đi,
Lệ chia phôi đã xanh rì trùng dương.
(Nhịp trúc mùa thơ)

Những xanh trời, xanh biển, xanh cây, xanh mồ… khiến người ta rờn rợn! Nó chứng tỏ trời đất vẫn cứ mãi cao rộng, thời gian cứ trôi, cỏ cây cứ sống… Nó sống với bản thân nó, đối lập với cái hữu hạn, tàn lụi của con người. Trước cái màu xanh nghiệt ngã ấy, con người trở nên đau thương vời vợi bởi như bị tự nhiên vô cảm với những nỗi đau quặn xót của bản thân mình!

Trở lại với ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến. Trời xanh đã trở thành nền và làm nổi bật cái hữu hạn, nhỏ bé của mọi vật nói chung, con người nói riêng. Thêm nữa, dưới khoảng trời xanh ngắt, các sự vật, hiện tượng nối tiếp nhau biểu hiện sự thụ động, tàn tạ, hư ảo.

Cái hư ảo, tàn tạ trước hết được thể hiện ở thời gian của ba bài thơ thu. Cả ba bài thơ đều có bối cảnh là chiều và tối mùa thu. Người trung đại có tư duy âm dương rõ rệt. Mùa thu, chiều tối thuộc thời gian âm (dương là mùa xuân, mùa hạ; buổi sáng, buổi trưa…). Nguyễn Khuyến đặt thời gian âm của ngày vào thời gian âm của mùa. Chiều thu trong Thu vịnh. Rồi lại chiều và đêm lần lượt tiếp tục xuất hiện trong Thu ẩm, Thu điếu. Chỉ khác là lúc có trăng (Song thưa để mặc ánh trăng vào; Làn ao lóng lánh bóng trăng loe), lúc ngặt chỉ màu tối đen dày đặc trùm lấp, vây bủa đường thôn (Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè)… Bản thân thời gian chiều tối này gợi ý niệm về sự tàn lụi. Đi cùng với sự tàn lụi là hư ảo (luôn vận động, biến đổi, thoắt chốc đã chuyển từ dạng thức này sang dạng thức khác). Trong thời khắc tàn lụi, hư ảo của chiều tối mùa thu ấy, các hình ảnh khác lần lượt xuất hiện trong hệ thống với nó. Đó là cần trúc trong bài Thu vịnh:

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu

Từ láy lơ phơ gợi lên hình ảnh cần trúc gầy guộc, lá lưa thưa. Trước làn gió hắt hiu, cành trúc càng già yếu, xác xơ, bơ phờ. Nó gần như đã cạn kiệt sức sống. Hình ảnh lá vàng biểu thị sự tàn tạ rõ hơn:

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo

Lá vàng là chiếc lá đã bị chuyển từ màu xanh tràn đầy sinh khí sang màu vàng của sự già nua, cuối đời! Với hình ảnh chiếc cần trúc lơ phơ và lá vàng trước gió, cái tàn lụi trong thơ thu Nguyễn Khuyến đã được thể hiện cả ở hai góc độ: thời gian và sự vật. Những hình ảnh đó gợi sự hư ảo – sự kết thúc của kiếp cây lá!

Trạng thái hư ảo còn được khắc hoạ bổ sung ở tập hợp các hình ảnh khác. Đó là sóng nước, tầng mây, ánh sáng lập loè của đom đóm, cái phất phơ khói nhạt, cái lóng lánh ánh trăng loe. Cả hình ảnh khóm bèo trên ao cũng khiến ta liên tưởng đến từ “bèo bọt”! Tất cả những hình ảnh đó làm cho mọi tầng không gian cao xa (tầng mây), thấp gần (sóng nước, khói, trăng) đều không tĩnh tại mà được khắc hoạ trong xu thế động với các từ ngữ: gợn, lập loè, phất phơ, lóng lánh… Nó thay đổi (dù nhỏ) trong từng tích tắc. Thay đổi rõ nhất khiến nhân vật trữ tình thảng thốt là hình ảnh hoa năm ngoái, ngỗng nước nào:

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào.

Ở những câu trên, sắc thái thực – ảo còn nghiêng về cái thực. Đến những câu này, hình ảnh thơ chuyển sang hẳn góc độ ảo. Hoa năm ngoái có còn là bông hoa thực, hay chỉ là bông hoa còn sót lại trong tâm tưởng nhân vật trữ tình? Ngỗng nước nào diễn tả một trạng thái bất tri, vô tri – không biết, không hiểu. Năm ngoái là thời gian, nước nào là không gian. Cả thời gian và không gian đều chìm trong tâm thái chơi vơi, chới với.

Cùng với sự tàn lụi, hư ảo, sự vật hiện tượng trong ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến còn thụ động. Tính chất thụ động cũng được biểu thị ở mọi chiều kích không gian và ở các sự vật, hiện tượng:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
… Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
(Thu điếu)

Vì sao lại nói thụ động? Bởi lẽ, sóng, lá, mây, bèo đều không tự chủ. Chúng không thể tự chuyển động hoặc tự đứng yên mà luôn bị chi phối, phụ thuộc vào yếu tố khác. Sóng, lá, mây đều bị tác động bởi gió. Sóng theo làn hơi! Còn lá cũng không được cố định trên cây nữa mà đã lìa cành, bị gió cuốn vèo đi. Chiếc lá không thể tự định đoạt sẽ rơi về đâu mà gió đưa đến đâu thì ở tại đó! Chữ vèo vừa diễn tả độ bay nhanh vừa cho thấy sự không thể nào cưỡng lại gió của chiếc lá. Tầng mây cũng không tự định hướng được đường bay của mình giữa không trung. Nó còn có số phận trôi nổi hơn cả sóng và lá. Vì lẽ sóng trên ao có bờ, lá vàng chắc hẳn sẽ về với đất. Còn mây đi đâu, về đâu giữa bầu trời xanh mênh mông, vô tận? Tiếp nối với ý của các câu thơ trên, hình ảnh tầng mây thêm một lần nữa gia tăng yếu tố thụ động ở mức độ cao hơn, toàn diện hơn. Vì trên cao có mây, dưới thấp có bèo: mây trôi, bèo nổi – ở đâu cũng lênh đênh, phiêu bạt! Hình ảnh tầng mây lơ lửng giữa nền trời bổ sung thêm một ý nữa vào tính chất của các sự vật trong bài thơ: sự trôi nổi vô định, vô phương!

Có thể nói, bằng tài năng bậc thầy, Nguyễn Khuyến đã khiến cho ba bài thơ thu như những bức tranh 3D, 5D bằng ngôn ngữ, cho phép người đọc có cái nhìn “khúc xạ” nhiều chiều. Mỗi chiều thấy một sắc thái khác nhau. Người đọc dễ nhận thấy những bức tranh thu thơ mộng. Tuy nhiên, sang một hướng tiếp cận khác, ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến không còn vẻ đẹp nên thơ, thanh bình nữa! Người đọc có thể thấy sởn gai ốc, sợ hãi vì sự ngột ngạt, vắng lặng, hư ảo, tàn tạ, thụ động của cảnh vật.

Tìm hiểu chi tiết nội dung phần Soạn bài Phong cách ngôn ngữ báo chí để học tốt môn Ngữ Văn 11 hơn.

Bên cạnh nội dung đã học, các em cần chuẩn bị bài học sắp tới với phần Soạn bài Hạnh phúc của một tang gia để nắm vững những kiến thức Ngữ Văn 11 của mình.

2. Sự buồn thảm tê tái với tình đời đơn độc, chí khí cùng kiệt

Văn chương thời trung đại thường lấy cảnh ngụ tình. Đặc điểm nhỏ nhoi, hư ảo, thụ động của cảnh vật biểu thị cái nhỏ nhoi, hư ảo, thụ động của một kiếp người. Từ ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh thơ, hình ảnh con người trong ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến được thể hiện trong sự già nua, rệu rã, cô độc giữa cảnh tàn, thời tàn, đời tàn. Để thấy được phương diện này cần đặt những bài thơ thu của Nguyễn Khuyến vào hoàn cảnh sáng tác và cảm những bài thơ đó từ đặc trưng của văn chương trung đại với những đặc điểm ước lệ, sử dụng điển tích, điển cố…

Nguyễn Khuyến sáng tác ba bài thơ thu vào cuối thế kỉ XIX. Khi ấy, nước mất nhà tan, Nguyễn Khuyến cáo quan về quê Bình Lục – Hà Nam. Ông mang nỗi đau lớn của một con người hiển danh khoa bảng vào bậc nhất (Tam nguyên – ba lần đỗ đầu cả thi Hương, thi Hội và thi Đình) nhưng trở thành kẻ bất lực, vô nghĩa trước thời cuộc. Ba bài thơ thu khắc hoạ thấm thía nỗi đau của Tam nguyên Yên Đổ giữa thời mạt.

Trước hết là nỗi đau cô độc. Nỗi đau này hiện diện ở nhiều hình ảnh. Đó là chiếc thuyền, căn nhà, cái ngõ…

– Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
– Năm gian nhà cỏ thấp le te
– Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
– Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè

Chỉ có một con thuyền, năm gian nhà. “Một”- đây là số từ chỉ sự duy nhất – con thuyền đã nhỏ bé còn nổi đơn độc! “Năm” – tưởng có số lượng nhiều, nhưng lại vẫn chỉ là của một ngôi nhà nhỏ! Một con thuyền, một cái nhà là không gian của cá nhân. Thế giới đồng loại của con người được Nguyễn Khuyến mở rộng tới ngõ. Nhưng “ngõ” lúc thì chỉ đặc một màu tối, lúc thì vắng teo! Tức là vắng tanh, vắng ngắt, không có lấy một bóng người. Hình ảnh thơ có sự thay đổi việc diễn tả thế giới con người. Từ “một chiếc thuyền câu”, “năm gian nhà cỏ” – đồng nghĩa với việc có một người ngồi câu trên ao, có một người sống trong căn nhà, không gian mở rộng hơn với “ngõ” – lối của nhiều người lại qua, nhưng số “một”, số “năm” đến đây đã chuyển sang “vắng teo”. Thế là sự trống vắng đã ở mức tuyệt đối! Nó đẩy con người trên một cái ao, một cái nhà vào sự đơn độc với hiện tại.

Điều đáng nói thêm, trúc trong văn chương trung đại là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho bậc quân tử. Ngõ trúc vắng khách nghĩa là thế giới quân tử anh hùng cũng không còn một ai. Có thể khẳng định như vậy. Vì lẽ, những hình ảnh ước lệ tùng, cúc, trúc, mai vốn rất xanh tươi, khoẻ khoắn, đẹp đẽ trong thơ Nguyễn Trãi lại đều trở thành ảm đạm, mơ hồ trong thơ Nguyễn Khuyến. Trúc trong thơ Nguyễn Khuyến nào vắng teo (Ngõ trúc quanh co khách vắng teo), nào lơ phơ (Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu). Nó khiến người ta liên tưởng đến những bậc quân tử lay lắt không còn nhuệ khí, không còn khí chất “quân tử cố cùng”! Cô đơn với hiện tại, nhân vật trữ tình tìm đến việc kết nối với quá khứ ở bài Thu vịnh. Song:

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

Vậy là chẳng thể tri kỉ với người xưa! Nghĩa là chẳng thể tìm kiếm sự tương giao giữa cả hiện tại lẫn quá khứ. Hình ảnh con người đã bị đẩy lên đến mức cô đơn tuyệt đối. Chỉ còn cách mượn rượu giải sầu, nhưng trớ trêu thay:

Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy,
Độ năm ba chén đã say nhè.

Cô đơn, thảm thương nhất là hình ảnh con người thu mình trên cái thuyền bé ở cái ao nhỏ:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Hình ảnh này khiến ta liên tưởng đến điển tích Lã Vọng câu cá. Nhưng tương phản, trái ngược hoàn toàn về chất. Thời thế đảo điên, Khương Tử Nha – Lã Vọng về sống ẩn dật nơi thác sâu rừng thẳm. Tuy nhiên, ông đoán định, nắm chắc thời thế, biết rõ thời vận. Vì thế, ông ngày ngày ra câu cá ở bờ sông Vị chờ thời cơ để lập nghiệp lớn. Lưỡi câu của ông thẳng, không có mồi vì ông không câu cá mà đi “câu” minh chủ, công hầu, khanh tướng. Quả nhiên, ông đã “câu” được Cơ Xương. Về sau với tài an bang trị quốc bình thiên hạ, Khương Tử Nha đã lập nhiều công lao hiển hách trong công cuộc phạt Trụ, lập ra triều đại nhà Chu, và ông được phong hầu ở đất Tề, tức là Tề Thái Công sau này. Đó là một điển tích hết sức hào hùng, to lớn về một Khương Tử Nha kiên nhẫn để đợi thời cơ, làm nên sự nghiệp lớn khiến cho hậu thế ai cũng phải tôn kính.

Bậc Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng ở ẩn và ngồi câu. Nhưng là câu trong mùa thu lá vàng – tức là lúc thời tàn, đời tàn mà cuộc đời thì hạn hẹp như ao tù nước đọng; câu trong sự vô vọng bởi đơn độc; câu trong sự bi quan vì không biết thời thế sẽ đi đâu về đâu (như mây trôi trên trời xanh; bèo nổi dưới mặt nước); câu trong sự khoanh tay bó gối như ý thức rõ về sự bất tài của bản thân (tựa gối ôm cần)… Có thể nói đó là hình ảnh kết lại những nỗi đau đớn khôn nguôi của một bậc trí thức bất lực trước thực tế và không đoán định được tương lai của thời cuộc. Còn đâu khí phách của nhân vật chính nhân quân tử trong văn học trung đại? Không còn nữa tư thế: Hoành sóc giang san cáp kỉ thu (Cầm ngang ngọn giáo trấn giữ non sông đã mấy thu – Phạm Ngũ Lão). Không còn nữa khí thế:

Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.
(Nguyễn Công Trứ)

Chí cùng lực kiệt, Tam nguyên Yên Đổ tìm đến cảnh: cảnh buồn bã ảm đạm; tìm đến rượu: rượu chẳng thể giải sầu, tìm đến người: vắng teo, hiu hắt, tìm cố nhân lại thẹn với người xưa. Thế là không có ai làm bạn. Nhìn lại về mình thì thấy mình đã như chiếc lá vàng rơi giữa đời, giữa thời cuộc… Tất cả khiến Tam nguyên Yên Đổ đau đớn đến tê dại. Ông nhìn hoa mà tưởng hoa năm ngoái, nghe tiếng chim kêu trên trời mà tự hỏi:

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?

là bởi thời đẹp đẽ của cả bản thân và đất nước đã thuộc về quá khứ. Nay là cảnh đen tối của một đất nước nô lệ, lầm than. Ngỗng nước nào? Vì mọi vật trên đất nước này không còn là của mình nữa. Trời đất đã là của giặc, cỏ cây, chim muông cũng là của giặc. Câu thơ là tiếng kêu thương thất thần của một trí thức mất nước!

Ở ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến còn có một điều đáng lưu ý nữa. Đó là sự tổng hợp nhiều điển tích, điển cố: thi đề mùa thu, Đào Tiềm ở ẩn, Lã Vọng câu cá, lều cỏ Khổng Minh (thảo lư), rồi mộc, diệp, hoa, điểu, tửu… từ những câu:

– Ngô đồng nhất diệp lạc,
Thiên hạ tận tri thu.

(Một chiếc lá ngô đồng rụng,
Thiên hạ đều biết mùa thu đã đến)

(Sách ­Quảng quần phương phả­, Mộc phả)

– Cảm thời hoa tiễn lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm.

(Cảm thời hoa rơi lệ,
Hận biệt li, chim đau đớn lòng)
(Xuân vọng – Đỗ Phủ)

Nguyễn Khuyến đã “chế biến” thi liệu Hán học tài đến mức gần như làm mất hẳn đi dấu vết của điển. Đồng thời, ông “xoay ngược” một số điển, làm chúng khác biệt hoàn toàn về tính chất so với ý nghĩa ban đầu. Lã Vọng câu cá an nhiên, tin tưởng đợi vận thành một người ngồi câu trong nỗi bi quan, tuyệt vọng. Thảo lư – lều cỏ giữa rừng đầy tràn gió mát, trăng trong của Khổng Minh thành cái nhà cỏ thấp “le te” giữa xóm ngõ tối đen, chật hẹp. Trúc vốn là biểu tượng khỏe khoắn, thẳng tắp đến thơ Nguyễn Khuyến thành “lơ phơ” hiu hắt… Điều này khiến cho ba bài thơ thu có ý vị mỉa mai, chua chát. Nhà thơ trào phúng Nguyễn Khuyến đã có lối trào lộng kín đáo mà cay đắng khôn tả ở cả ba bài thơ thu!

Ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến cũng tổng hợp nhiều nỗi đau ông từng thổ lộ. Đó là nỗi đau cô đơn trong buổi xế chiều của cuộc đời:

Đời loạn đi về như hạc độc,
Tuổi già hình bóng tựa mây côi.
(Cảm hứng)

Nỗi đau mất nước:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
(Quốc kêu cảm hứng)

Nỗi xấu hổ với danh vị, bằng cấp ở đỉnh cao mà lại bất lực, vô dụng:

– Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng.
(Tự trào)

– Sách vở ích gì cho buổi ấy,
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già…
(Ngày xuân dặn các con)

Có thể nói, Nguyễn Khuyến đã điễn đạt sự thảm bại đến cùng của con người cá nhân mình. Ông kéo những thứ vốn là ước lệ: thi đề mùa thu, hình ảnh trời xanh, lá vàng, hoa, điểu…; những hình ảnh đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ: ao, nhà, ngõ… và cả tài thơ văn – gieo tử vận “eo” thành công để bọc nỗi đau xót khôn tả của mình về vận kiếp! Tài năng của Nguyễn Khuyến không chỉ là ở sự vận dụng sáng tạo thi liệu truyền thống kết hợp với việc sử dụng nhuần nhuỵ ngôn ngữ tiếng Việt, mà còn là ở chỗ Nguyễn Khuyến không dùng trực tiếp đến những từ ngột ngạt, bế tắc, đau đớn… mà người đọc vẫn thấy nỗi tê tái đến ứa máu qua từng con chữ, từng hình ảnh thơ! Đau buồn dồn tụ lại trong cả ba bài thơ cho thấy sừng sững chân dung một Tam nguyên Yên Đổ đau khổ, cay đắng về bản thân, về thời thế!

3. Kết luận

Tác phẩm nghệ thuật thường có tính đa nghĩa. Tác phẩm hay của những tác giả lớn càng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa đưa độc giả đi từ những khám phá này đến khám phá khác. Ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến là những tác phẩm như thế. Đây là những thi phẩm cho phép người đọc cảm nhận từ nhiều góc độ, chiều kích khác nhau. Đặt các hình ảnh của ba bài thơ thu vào cùng hệ thống, xem xét chúng dưới góc độ ước lệ của văn chương trung đại và hoàn cảnh sáng tác có thể nhận thấy cảnh sắc trong ba bài thơ thu không nên thơ, tâm sự trong ba bài thơ thu không dừng lại ở u hoài thầm kín. Ngược lại, đó là trạng thái tù túng ngột ngạt vây hãm, là sự nổi trôi, hư ảo, vô định của thế giới hiện tượng và sự nhỏ nhoi đơn độc, bất lực của con người trước cảnh tàn, đời tàn, thời tàn. Chính điều này khiến cho ba bài thơ thu Nguyễn Khuyến kết tụ sắc thái đau buồn, chán nản, tuyệt vọng của thơ Nôm Nguyễn Khuyến và thống nhất với đặc điểm con người trong sáng tác của ông: “Nhà nho xưa thường tự lí tưởng hoá mình, tự vận với các bậc danh sĩ quá khứ. Nguyễn Khuyến bước sang giai đoạn tự trào, tự phủ nhận”; “Ông là nhà thơ cổ điển đầu tiên thấy cái rỗng không của con người lí tưởng truyền thống, là nhà thơ mở đầu sự đổi thay các ý nghĩa tượng trưng của hệ thống thi pháp cổ xưa”. Chỉ riêng với ba bài thơ thu này, Nguyễn Khuyến đã vừa chứng tỏ một tài năng thi ca bậc thầy vừa thể hiện thấm thía nỗi lòng nhức nhối của một trí thức tự thấy mình bất lực, vô nghĩa trước thời cuộc!

Ngoài nội dung ở trên, các em có thể tìm hiểu thêm phần Soạn bài Câu cá mùa thu nhằm chuẩn bị trước nội dung bài Câu cá mùa thu – Nguyễn Khuyến SGK Ngữ Văn lớp 11.

Trong chương trình học Ngữ Văn lớp 11 phần bài Câu cá mùa thu là một nội dung quan trọng các em cần chú ý Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu đầy đủ.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/ba-bai-tho-thu-cua-nguyen-khuyen/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button