Phân tích các tác phẩm văn học lớp 9Phân tích tác phẩm

Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh- tác giả, bố cục, nội dung, dàn ý, phân tích

Tổng hợp tài liệu Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh- tác giả, bố cục, nội dung, dàn ý, phân tích. Mời các bạn cùng TMDL tham khảo bài mẫu dưới đây.

Đề bài: Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh- tác giả, bố cục, nội dung, dàn ý, phân tích

Bạn đang xem bài: Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh- tác giả, bố cục, nội dung, dàn ý, phân tích

Phân tích Sang Thu
Phân tích Sang Thu

Tác giả tác phẩm

Tác giả Hữu Thỉnh

– Hữu Thỉnh: Tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
– Năm 1963, ông nhập ngũ vào binh chủng Tăng – Thiết giáp rồi trở thành cán bộ văn hóa, tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ.
– Ông đã tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa III, IV, V. Từ năm 2000, ông là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 2005, Hữu Thỉnh là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 2010, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên Hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.
– Năm 2012, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ được Hữu Thỉnh sáng tác vào gần cuối năm 1977 (sau ngày giải phóng đất nước 2 năm) trong một cuộc thi sáng tác thơ ca tại trại hè. Bài thơ được in lần đầu ở báo Văn nghệ, sau đó in trong tập thơ Từ chiến hào đến thành phố (xuất bản năm 1991).

Bố cục

– Khổ 1: Những tín hiệu báo hiệu thu về và cảm xúc ngỡ ngàng, ngạc nhiên của tác giả
– Khổ 2: Khung cảnh thiên nhiên lúc giao mùa từ hạ sang thu
– Khổ 3: Những biến chuyển của đất trời khi sang thu và suy ngẫm triết lí về đời người của tác giả.

Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật

a. Giá trị nội dung

Sang thu là những cảm nhận hết sức tinh tế của nhà thơ trước khoảnh khắc giao mùa và những suy ngẫm của tác giả về cuộc đời ẩn chứa qua bức tranh thiên nhiên ấy.

b. Giá trị nghệ thuật

– Thể thơ năm chữ ngắn gọn, hàm súc.
– Sử dụng các biện pháp tu từ đặc sắc, hình ảnh thơ giàu sức gợi.
– Ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị.

Sơ đồ tư duy

so do tu duy bai tho sang thu

Dàn ý bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

a. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về nhà thơ Hữu Thỉnh.
– Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Sang thu”.

b. Thân bài

* Khổ 1: Những tín hiệu trong phút giây giao mùa từ hạ sang thu

– Những tín hiệu thu sang:
+ Tín hiệu mùa thu độc đáo: hương ổi – mùi hương dân dã mộc mạc, đặc trưng làng quê Bắc Bộ đầu thu.
+ Chi tiết “gió se”: gió se lạnh, hơi khô.
+ Động từ “phả”: gió đưa hương ổi bay xa đánh thức cả một không gian làng quê.
+ “Sương chùng chình”: nghệ thuật nhân hóa qua từ láy “chùng chình”: gợi những hạt sương li ti mềm mại, giăng màn qua ngõ, màn sương như dùng dằng, như cố ý chậm lại, nửa sang thu nửa còn như luyến tiếc mùa hạ.

– Tâm trạng của con người:
+Từ “bỗng”: mở đầu bài thơ gợi cảm giác bất ngờ.
+ Những tín hiệu thu sang nhưng nó rất nhẹ nhàng, mơ hồ nên nhà thơ vẫn băn khoăn: “Hình như thu đã về”
+ Tình thái từ “hình như”: thể hiện cảm giác hoài nghi, bối rối khi nhận ra mùa thu.

* Khổ 2: Quang cảnh trời đất khi sang thu

– Hai câu đầu: dấu hiệu của mùa thu không còn mơ hồ, mờ ảo mà đã rõ nét hơn.
+ Không gian: cao hơn, xa rộng hơn với bầu trời và dòng sông
+ Cấu trúc đối nhịp nhàng, phép nhân hóa: “Sông được lúc dềnh dàng – Chim bắt đầu vội vã”.

– Hai câu sau: bức tranh giao mùa tuyệt đẹp:
+ Thu đang ở nơi cửa ngõ nên đám mây mới chỉ vắt nửa mình.
+ Cụm từ “vắt nửa mình”, gợi đám mây như một dải lụa mềm mại, bồng bềnh vắt sang bầu trời thu → dùng hình ảnh của không gian: đám mây, để diễn tả sự vận động của thời gian.

* Khổ 3: Những biến đổi của đất trời và suy ngẫm của tác giả về cuộc đời

– Hai câu đầu: Các phó từ chỉ mức độ: đã, vẫn, cũng
=> Chỉ mức độ của nắng , mưa, sấm, chớp đã chừng mực và ổn định hơn:
+ Ánh nắng cuối hạ vẫn còn nồng nhưng đã bớt oi ả, gay gắt.
+ Những cơn mưa chợt đến, chợt đi của mùa hè đã vơi dần.
+ Những tiếng sấm cũng thưa thớt với thanh âm nhỏ dần.
→ Những dư âm còn sót lại của mùa hạ đã nhạt dần và cảnh sắc mùa thu trở nên đậm nét hơn.

– Hai câu cuối: Suy ngẫm của tác giả về cuộc đời con người
+ Tả thực: hàng cây đã lớn, đã trải qua bao mùa thay lá, sẽ vững vàng hơn trước những tiếng sấm bất ngờ.
+ Phép nhân hóa và ẩn dụ: Sấm là những vang động bất thường, những khó khăn của cuộc đời, Hàng cây đứng tuổi như người từng trải, họ sẽ vững vàng hơn trước những tác động, những sóng gió của cuộc đời.

c. Kết bài

Khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

 Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Viết về đề tài mùa thu, nếu trong thơ ca trung đại có chùm ba bài thơ thu “Thu điếu”, “Thu vịnh”, “Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến, thơ Mới có “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư thì thơ ca hiện đại sau năm 1975 nổi bật với bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Đây là bài thơ đã khắc họa bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa với những biến chuyển nhẹ nhàng của tạo vật. Đồng thời bài thơ cũng thể hiện sự cảm nhận tinh tế của tác giả.

Hữu Thỉnh là nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc. Bài thơ “Sang thu” được ông sáng tác năm 1977, in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”. Mở đầu tác phẩm là tâm trạng bất ngờ, thảng thốt của tác giả khi nhận ra mùa thu đã về với thiên nhiên và con người:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Dấu hiệu đầu tiên giúp Hữu Thỉnh nhận ra tiết trời đã sang thu là hương ổi. Đây là một trong những đặc trưng tiêu biểu của mùa thu Bắc Bộ. Những làn gió thu nhè nhẹ lướt qua mang theo hương ổi đang ở độ chín khiến con người cảm thấy dễ chịu vô cùng. Gió thu không quá mạnh như gió mùa Đông Bắc, nó chỉ là những làn gió heo may mang theo cái se lạnh đầu mùa. Không quá nhẹ nhàng cũng không quá ào ạt nhưng loại gió này đủ sức làm hương ổi ở vùng quê lan rộng ra trong không gian. Theo “Từ điển tiếng Việt” của Hoàng Phê, “phả là bốc mạnh và tỏa ra thành luồng” gợi mùi hương ổi nồng nàn đang phiêu du cùng làn gió. Nếu các nhà thơ khác gắn mùa thu với hương cốm hay những chiếc lá vàng quen thuộc thì Hữu Thỉnh lại gắn mùa thu với hương ổi. Có thể nói đây là nét mới mẻ, sự sáng tạo thu hút bạn đọc của tác giả.

Không chỉ cảm nhận mùa thu bằng khứu giác, xúc giác, Hữu Thỉnh còn cảm nhận mùa thu bằng thị giác qua hình ảnh sương thu đang “chùng chình”. Dường như chúng đang nửa muốn đi, nửa muốn ở lại và đang cố ý trôi chầm chậm để giăng mắc vào cảnh vật thiên nhiên, để được con người chiêm ngưỡng vẻ đẹp mỏng manh của mình. Những làn sương trăng trắng chuyển động chầm chậm, dùng dằng như đang cố tình để khiến con người nhận ra chúng, nhận ra tín hiệu của mùa thu. Mặc dù được cảm nhận bằng sự tổng hòa của các giác quan nhưng có lẽ do thu về một bất ngờ quá nên nhà thơ chưa kịp chuẩn bị tinh thần đón nhận. Từ ngữ “hình như”đã thể hiện sự bâng khuâng, mơ hồ đến ngạc nhiên của tác giả.

Hữu Thỉnh đã mở rộng tầm nhìn, quan sát bao quát và kĩ càng hơn để có thể chắc chắn với cảm nhận của mình:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”.

Dòng sông mùa thu trở nên hiền hòa hơn bao giờ hết. Nó chảy thong thả gợi sự bình yên, êm dịu. Dường như dòng sông còn vương vấn mùa hạ chưa muốn dứt nên cố tình chảy chậm lại để lưu giữ những gì còn sót lại của mùa hạ đã qua. Trái ngược với sự chậm rãi của dòng sông là sự gấp gáp, vội vã của cánh chim. Thu sang cũng là lúc những đàn chim chuẩn bị về phương Nam tránh rét để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của mùa đông. Biện pháp nhân hóa đã làm bức tranh thiên nhiên khi chớm thu trở nên có hồn, gần gũi và sinh động. Biện pháp này khiến đám mây mang trạng thái nuối tiếc của con người. Vì nuối tiếc mà đám mây chỉ “vắt nửa mình sang thu” còn nửa kia thì đang nhớ thương mùa hạ.

Tác giả đã khép lại bài thơ bằng những lời thơ mang đầy tính chiêm nghiệm sâu sắc:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”.

Nắng, mưa, sấm là những đặc trưng không thể thiếu của mùa hạ. Nắng vẫn còn nồng nàn nhưng cũng không quá gay gắt như những ngày hạ oi bức. Những cơn mưa rào của mùa hạ cũng thưa dần và tiếng sấm cũng nhẹ nhàng hơn. Các từ “vơi dần”, “bớt” vừa thể hiện mức độ, vừa thể hiện cường độ của các hiện tượng nắng, mưa, sấm. Tiếng sấm của mùa thu đã thưa đi, ít dữ dội hơn nên cây cối không còn bị giật mình vì sấm sét. Hai câu thơ cuối bài còn mang ý nghĩa hàm ẩn. “Sấm” tượng trưng cho những âm thanh, vang động bất thường xảy đến trong cuộc đời, “hàng cây đứng tuổi” là ẩn dụ cho những con người từng trải qua biết bao khó khăn, vấp ngã. Giống như “hàng cây đứng tuổi”, khi con người đã trải qua những giông tố trong cuộc đời thì sẽ vững vàng hơn, bình tĩnh và bản lĩnh hơn. Đồng thời cũng có được những chiêm nghiệm bổ ích cho bản thân. Chúng ta không còn bị bất ngờ trước những điều xảy ra bất thường của thế giới xung quanh nữa. Bởi lẽ giông tố sẽ giúp cây bám rễ sâu hơn vào trong lòng đất, giông tố sẽ giúp mỗi con người trưởng thành hơn. Đó cũng là triết lí mà nhà thơ Hữu Thỉnh muốn gửi gắm đến bạn đọc. Chúng ta hãy giữ một thái độ tích cực, tâm thế chủ động để có thể đương đầu với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống này.

Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn giúp tác giả dễ dàng thể hiện mạch cảm xúc và sự cảm nhận tinh tế về bức tranh thiên nhiên lúc sang thu. Ngôn ngữ thơ giản dị, hình ảnh thơ có tính biểu cảm cao đã tạo nên một bức tranh giao mùa tuyệt đẹp. Đó là bức tranh được thổi hồn từ Hữu Thỉnh – một con người giàu sự trải nghiệm.

Cảm nhận về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, Hữu Thỉnh được biết đến qua những sáng tác mang đậm xúc cảm bâng khuâng, vấn vương thể hiện một hồn thơ tinh tế, nhạy cảm. Điều này được thể hiện rõ qua bài thơ “Sang thu” được sáng tác vào cuối năm 1977. Thông qua thi phẩm, chúng ta có thể thấy được sự chuyển biến nhẹ nhàng của thời khắc giao mùa từ cuối hạ sang thu trong không gian làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ qua tâm hồn nhạy cảm và tinh tế của tác giả.

Với tâm hồn yêu thiên nhiên, tác giả Hữu Thỉnh đã mở rộng mọi giác quan để cảm nhận những biến chuyển của đất trời. Bước đi của thời gian trong khoảnh khắc giao mùa được miêu tả trước hết qua cảm nhận của khứu giác:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”

Nếu như “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu miêu tả mùa thu với bức tranh những chiếc lá rơi rụng tựa như “áo mơ phai dệt lá vàng”, nhà thơ Lưu Trọng Lư đắm mình trong không gian tĩnh lặng: “Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô”,… thì tác giả Hữu Thỉnh miêu tả “hương ổi” là tín hiệu giao mùa khi đất trời từ hạ sang thu. Qua lăng kính tâm hồn đầy tinh tế của tác giả, “hương ổi” trở thành sứ giả báo hiệu mùa thu về. Hương vị mộc mạc, ngọt ngào lan tỏa và dường như sánh lại, ướp ngọt lan tỏa không gian. Bằng việc sử dụng động từ “phả”, tác giả Hữu Thỉnh đã miêu tả thành công hương ổi thơm ngọt cùng làn gió heo may se lạnh đầu mùa – tín hiệu thứ hai báo hiệu mùa thu về và đem đến cảm giác bâng khuâng, xao xuyến trong tâm hồn độc giả. Không chỉ dừng lại ở đó, nhà thơ tiếp tục vận dụng thị giác để miêu tả làn sương thu “chùng chình qua ngõ”. Bằng biện pháp nhân hóa, tác giả đã khắc họa thành công những hạt sương mai với nét tâm trạng lưu luyến cùng hành động cố ý chậm lại, thong thả vướng vít khi bước qua ngưỡng cửa từ hạ sang thu. Trong không gian đó, nhà thơ mơ hồ nhận ra đất trời đang có những chuyển biến: “Hình như thu đã về”. Trước bước đi của thời gian, Hữu Thỉnh không tránh khỏi sự bâng khuâng, ngỡ ngàng. Các tình thái từ “Bỗng…”, “Hình như….” đã góp phần diễn tả thành công điều này, đồng thời khắc họa nét những cảm nhận ban đầu đầy tinh tế của nhà thơ khi mùa thu về.

Nếu ở khổ thơ thứ nhất, nhà thơ sử dụng mọi giác quan để cảm nhận những tín hiệu của mùa thu thì ở khổ thơ thứ hai, tác giả đã mở rộng chiều kích không gian để miêu tả quang cảnh thiên nhiên. Mọi cảnh vật lúc này đều được tái hiện ở trạng thái “động” trong sự thay sắc và vận động: “Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã”. Bằng biện pháp tu từ nhân hóa kết hợp thủ pháp đối lập, sự vật hiện tượng hiện lên rõ nét, sinh động với dòng sông lững lờ trôi êm đềm với dòng chảy nhẹ nhàng và làn nước thu trong trẻo cùng những chú chim bắt đầu hành trình di cư, “vội vã” bay về phương Nam tránh rét. Và hình ảnh “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu” xuất hiện trong bối cảnh đó, tạo nên một liên tưởng hết sức độc đáo: đám mây như một dải lụa mềm mại vắt ngang giữa trục thời gian từ cuối hạ sang thu để diễn tả khoảnh khắc: “Trời thu thay áo mới” (trích “Đất nước” – Nguyễn Đình Thi). Qua những hình ảnh thiên nhiên được chắt lọc, miêu tả, chúng ta có thể thấy được tâm hồn tinh tế, cảm nhận sâu sắc, nhạy bén và tình yêu thiên nhiên của tác giả Hữu Thỉnh.

Trước bầu trời thu đang dần đổi khác, nhà thơ đã mượn cảnh để thể hiện những suy ngẫm đầy triết lí về cuộc sống con người:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Sự vận động trái chiều của các hiện tượng thiên nhiên được tô đậm thông qua thủ pháp đối lập: “Vẫn còn” – “vơi dần”, “nắng” – “mưa”, thể hiện rõ những biến chuyển và sự vận hành có quy luật của sự vật hiện tượng trong thời khắc giao mùa. Trên bối cảnh đó, bao suy ngẫm về cuộc đời con người xuất hiện: “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi”. Ở hai câu thơ cuối kết thúc bài thơ, hình ảnh thiên nhiên trở thành ẩn dụ cho những quy luật của cuộc sống con người: nếu như sấm là hình ảnh ẩn dụ cho những phong ba bão táp, bão giông cuộc đời thì “hàng cây đứng tuổi” là ẩn dụ miêu tả hình ảnh con người trưởng thành, chín chắn qua khó khăn. Cũng giống như tiếng sấm cuối hạ nhỏ dần không còn đủ sức làm lay động những hàng cây đã trải qua bao mùa “thay áo mới”, con người từng trải sẽ ung dung, bình thản hơn để đón nhận những biến động của cuộc đời sau khi trải qua những chông gai, thử thách trên đường đời. Bằng tài năng trong việc lựa chọn hình ảnh, tác giả Hữu Thỉnh đã khéo léo tái hiện mối liên hệ giữa đất trời và con người trong thời khắc giao mùa. Đó cũng chính là bức thông điệp mà nhan đề “Sang thu” truyền tải.

Như vậy, bài thơ “Sang thu” đã tái hiện bức tranh thu qua những tín hiệu và thay đổi, biến chuyển của cảnh vật. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tâm hồn tinh tế, giao hòa với thiên nhiên cũng như tình yêu thiên nhiên sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Cảm nhận về khổ thơ đầu bài Sang Thu

Hữu Thỉnh là nhà thơ viết khá nhiều về con người, thiên nhiên, về những cảnh vật đời thường của cuộc sống. Tác phẩm “Sang thu” của ông là một trong những bài thơ hiện đại viết về bức tranh mùa thu của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ rất đặc sắc. Khổ thơ đầu bài thơ đã gợi tả những dấu hiệu biến chuyển của đất trời cùng cảm nhận của tác giả khi bất chợt nhận ra mùa thu đã về.

Một năm trời đất có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, thế nhưng dường như mùa thu là mùa mà các thi nhân dành cho nó một sự ưu ái riêng biệt. Và tác giả Hữu Thỉnh cũng vậy, ông đã vẽ lên bức tranh mùa thu về bằng những nét vẽ hết sức đặc sắc, mang đậm phong vị của vùng đồng bằng Bắc Bộ:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”

Ổi là thức quả quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Nó đại diện cho mùa thu, gợi nhắc đến đêm rằm trung thu với những mâm cỗ rực rỡ sắc màu. Vào khoảnh khắc buổi sáng giao mùa, nhà thơ bỗng bất chợt nhận ra mùi hương quen thuộc đang chờn vờn trong gió thu se lạnh. Từ “bỗng” gợi lên một cảm giác đột ngột, bất chợt bắt gặp một điều gì đó vô cùng quen thuộc, mà ở đây là “hương ổi” chín đang lặng lẽ lan tỏa vào trong làn gió mới se se lạnh. Rồi tiếp đó là động từ “phả” được đặt ở ngay đầu câu đã khắc họa hương ổi quấn quýt trong không gian. Những mùi hương thường được gió nâng niu, cuốn đi theo từng làn vậy mà ở đây, “hương ổi” chín, hương vị đầu tiên của mùa thu dường như lại đang chủ động “phả” mình vào làn gió lạnh đang lướt qua. Hai động từ đó được đặt ở đầu câu phải chăng thể hiện sự bất ngờ, ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của nhà thơ khi bất chợt nhận ra những tín hiệu của mùa thu đất trời là hương ổi, là làn gió se lạnh và khô? Tất cả những tín hiệu ấy hoà với nhau, chạm tới những khứu giác nhạy bén của người nghệ sĩ để ông vừa kịp mở lòng, đón lấy và tận hưởng khoảnh khắc bắt đầu của mùa thu nơi đồng bằng Bắc Bộ này.

Không chỉ có “hương ổi”, có “gió se”, mùa thu con mang tới những màn sương mù mờ ảo: “Sương chùng chình qua ngõ”. Câu thơ đã đạt tới mức tinh tế khi nhân hoá hình ảnh sương thu. Màn sương ấy không mạnh mẽ bao trùm mà nhẹ nhàng, e thẹn như một cô gái mới lớn. Sương “đi” qua ngõ mà còn cố tình chậm lại, cố tình “chùng chình” một chút, phải chăng là đang chờ mong một điều gì đó? Đường làng, ngõ xóm được bao quanh bởi một màn sương mờ ảo. Tất cả cảnh vật đều lặng im trong màn sương ấy, không hề có bất cứ chuyển động nào ngoài những bước đi chầm chậm, lặng lẽ của sương thu. Nó gợi cho chúng ta hình ảnh về một làng quê nông thôn thật yên bình. Tất cả những cảnh vật trong đó đều lung linh, kì diệu nhưng cũng thật mộc mạc, giản dị dưới làn sương mờ hư ảo.

Đọc ba câu thơ đầu, người ta như cảm nhận được sự vận động rất chậm rãi của mùa thu đang chuyển mình. Mọi thứ đều mờ hồ không rõ, “hương ổi”, “gió se”, “sương”, nó khiến cho lòng người dường như cũng mơ hồ không rõ. Và chính tác giả cũng phải thốt lên trong sự mơ hồ, lưỡng lự rằng: “Hình như thu đã về”. Không phải là một câu khẳng định, đó là một câu hỏi lòng tự hỏi lòng của nhà thơ rằng: thu liệu đã về chưa? Thu đã về từ bao giờ, từ khoảnh khắc nào? Đó là sự hoài nghi, là chút bối rối của thi nhân khi cảm nhận thời khắc chuyển giao của đất trời.

Ở thơ của Nguyễn Khuyến hay Xuân Diệu, ta thấy được một sự mạnh mẽ, một không khí mùa thu đậm đặc:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”

(Thu điếu)

Hay như : “Đây mùa thu tới, mùa thu tới” (Đây mùa thu tới – Xuân Diệu) – một lời thông báo về sự xuất hiện của thu. Thì trong thơ Hữu Thỉnh, ta lại thấy một sự do dự, ngập ngừng khó tả bởi cảm nhận của ông là sự kín đáo, thâm trầm mà cũng rất tinh tế.

Khổ thơ đầu bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh chỉ với hai mươi chữ nhưng lại mang tới cho người đọc những cảm nhận riêng biệt về một mùa thu nơi đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với đó là nghệ thuật nhân hoá được sử dụng hết sức tài tình khiến cho ta cảm nhận được những dấu hiệu của trời đất cùng những cảm xúc tinh tế của nhà thơ khi đất trời vào thu. Ngôn ngữ thơ trong sáng, mộc mạc, giản dị cùng những hình ảnh thơ giàu sức gợi cũng làm nên thành công cho khổ thơ này.

Đoạn thơ đã mang tới cho ta một bức tranh đầu thu bình dị của một làng quê yên bình. “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh đã góp phần làm phong phú kho tàng những bài thơ về mùa thu của văn học nước nhà. Trải qua nhiều thế hệ nhưng nó vẫn luôn là một trong những tác phẩm mùa thu hay nhất của nền văn học Việt Nam.

Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu

Giữa bộn bề mưu sinh của cuộc sống, chẳng mấy ai còn bận tâm hay dành thời gian để cảm nhận thời khắc giao mùa. Nếu mùa xuân là của của sự sống đâm chồi nảy lộc, mùa hạ là mùa của hoa thơm trái ngọt, mùa đông là mưa dầm gió bấc thì mùa thu là mùa của lá rơi và kỷ niệm. Bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh thực sự đã mang giây phút giao mùa sang thu chạm đến sự rung động của người đọc. Khoảnh khắc nhận ra thu về vừa ấn tượng lại dịu dàng và rất tinh tế.

Đối với Hữu Thỉnh, dấu hiệu để nhận biết mùa thu sang không phải là lá vàng rơi rụng mà là hương ổi chín thơm ngọt ngào. Một mùi hương tuy bình dị, dân dã nhưng lại rất đặc trưng và quen thuộc.

“Bỗng  nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Từ “bỗng” mở đầu bài thơ cho thấy tác giả khi ấy rất ngỡ ngàng, bất chợt nhận ra một mùi hương thân thuộc từ trong ngọn gió se se lạnh. Động từ “phả” được đảo lên đầu câu không chỉ diễn tả sự giao thoa, hòa quyện giữa hương ổi và gió se mà còn gợi sự vận động, lan tỏa nhẹ nhàng của một hương thơm thanh mát, dịu nhẹ của hương ổi trong không gian. Tác giả Hữu Thỉnh đã cảm nhận được dấu hiệu mơ hồ của mùa thu bằng các giác quan: khứu giác, thị giác và bằng cả tâm hồn nhạy cảm của một con người tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống.

“Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Cách cảm nhận của tác giả thật khéo léo, những màn sương sớm được nhà thơ ví là đang “chùng chình” đi qua ngõ, mang vẻ ngập ngừng, thong dong, không chắc rằng thu đã về hay chưa, và để rồi cảm thấy bâng khuâng nhận ra “thu đã về”. “Hình như” đã diễn tả sự mơ hồ, không xác định trong cảm giác của nhà thơ khi bắt gặp những dấu hiệu chưa thực sự rõ nét của mùa thu.

Nếu trong khổ thơ đầu Hữu Thỉnh mơ hồ cảm nhận được những dấu hiệu của mùa thu thì sang khổ thơ thứ hai, sự thay đổi của đất trời khi thu sang được cảm nhận vô cùng rõ ràng. Quá trình chuyển biến của thiên nhiên khi sang thu hiện hữu ở mọi cảnh vật, khiến cho con người ta nhận ra mùa thu đang ngày càng hiện hình rõ nét chứ không còn mơ hồ nữa.

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Có thể thấy, sự biến chuyển của không gian, thiên nhiên trong quá trình sang thu đã được nhà thơ cảm nhận tinh tế qua nhiều yếu tố và bằng nhiều giác quan, đặc biệt đó là sự cảm nhận từ chính sự rung động của tác giả trước mùa thu. Dòng sông bước vào mùa thu không còn nước dâng cao chảy xiết mà “dềnh dàng” một cách nhẹ nhàng, yên ả, gợi lên vẻ đẹp dịu dàng của bức tranh thiên nhiên mùa thu. Những cánh chim cũng bắt đầu “vội vã” bay về phương Nam tránh rét. Hình ảnh thú vị đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” khiến người đọc liên tưởng đám mây kia không phải vật vô tri vô giác mà bỗng trở nên có hồn, có cảm xúc. Trong khoảnh khắc giao mùa, đám mây mùa hạ cuối cùng di chuyển một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển “vắt nửa mình sang thu”, dường như đám mây ấy vừa mong chờ thu sang nhưng cũng như lưu luyến, nuối tiếc phải chia tay mùa hạ.

Nếu như cuộc đời con người cũng như bốn mùa trong năm thì mùa thu là mùa mà ở đó con người ta đã trưởng thành, đã đủ chín chắn để chiêm nghiệm ra nhiều điều.

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Tiết trời mùa thu vẫn còn vương vấn cái oi nồng của mùa hạ “còn bao nhiêu nắng”, tuy vẫn sáng nhưng không chói chang gay gắt mà nhạt dần, dịu dần. Vẫn có mưa, nhưng không còn là những cơn mưa rào đến bất ngờ và đi trong thoáng chốc “vơi dần cơn mưa”. Trời vào thu cũng đã bớt đi những tiếng sấm đột ngột và bất ngờ trên những hàng cây đứng tuổi. Hai câu thơ cuối bài được coi là câu thơ hay nhất cũng là kết tinh giá trị tư tưởng cho toàn bộ bài thơ:

“Nắng cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Nắng, mưa hay sấm đều là những tác động bất ngờ và bất thường tự nhiên. Từ hiện tượng bất thường của thời tiết, tác giả Hữu Thỉnh đã gợi cho người đọc những chiêm nghiệm sâu sắc về tác động của nghịch cảnh trong cuộc đời mỗi người. “Hàng cây đứng tuổi” là những hàng cây cổ thụ, đó cũng là biểu tượng cho những con người đã trưởng thành. Khi con người đã trưởng thành, đã từng đi qua những bão táp, giông tố sẽ vững vàng, kiên cường hơn hơn trước những biến cố bất ngờ của cuộc sống.

Đất trời cuối hạ sang thu chuyển mình một cách rất nhẹ nhàng nhưng rõ rệt, nhờ có nhà thơ Hữu Thỉnh với bài “Sang thu” mà người đọc đã có cơ hội lắng mình trong giây phút để cảm nhận thu về. Không chỉ là sự cảm nhận về thay đổi thời tiết, thiên nhiên mà còn để nhìn nhận về chính bản thân mình sau những đổi thay.

Kết luận:

Trên đây là Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh- tác giả, bố cục, nội dung, dàn ý, phân tích, cùng với 4 bài văn mẫu Cảm nhận về khổ cuối bài thơ Sang Thu, để thấy hết được những đặc sắc cũng như giá trị tư tưởng của bài thơ Sang thu, các em có thể tham khảo thêm ở TMDL nhé.

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích các tác phẩm văn học lớp 9

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button