Giáo dục

Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa qua Cung oán ngâm và Trao duyên

Đề bài: Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa qua Cung oán ngâm và Trao duyên

bi kich cua nguoi phu nu trong xa hoi xua qua cung oan ngam va trao duyen

Bạn đang xem bài: Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa qua Cung oán ngâm và Trao duyên

 Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa qua Cung oán ngâm và Trao duyên
 

I. Dàn ý  Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa qua Cung oán ngâm và Trao duyên

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về đoạn trích “Nỗi sầu oán của người cung nữ” (trích “Cung oán ngâm khúc”) của Nguyễn Gia Thiều và đoạn trích “Trao duyên” (trích “Truyện Kiều”) của Nguyễn Du.
– Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa qua “Nỗi sầu oán của người cung nữ” và “Trao duyên”.

2. Thân bài

– Cả hai đoạn trích đều thể hiện bi kịch tình yêu, họ khao khát tình yêu, hạnh phúc nhưng đến cuối cùng lại tình yêu, hạnh phúc ấy lại không thành. Tuy nhiên, mỗi tác giả lại thể hiện bi kịch ấy theo một cách riêng.

a. Bi kịch tình yêu trong “Nỗi sầu oán của người cung nữ”
– Không gian sống: nơi “cung quế”, “phòng tiêu” cô đơn, hiu quạnh và lạnh lẽo. Nó đối lập với cuộc sống xa hoa, tấp nập, với thế giới bên ngoài
– Thời gian: đêm khuya
– Hình ảnh và tâm trạng của người cung nữ:
+ Người cung nữ hiện lên đầy thật đơn côi, lẻ bóng: “âm thầm chiếc bóng”
+ Đợi chờ trong vô vọng và phải cất lên lời oán trách “Khoảnh làm chi bấy chúa xuân/Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi”
+ Tâm trạng:

  • Buồn thương, đau đớn, xót xa: được thể hiện trực tiếp thông qua việc sử dụng các từ ngữ “chiều ủ dột”, “vẻ bâng khuâng” và hiện lên gián tiếp qua việc sử dụng các điển tích, điển cố: “giấc mai”, “hồn bướm”.
  • Tác giả đã dùng hàng loạt từ ngữ để biểu lộ trực tiếp cảm xúc của nhân vật trữ tình như “biếng”, “buồn”, “tủi”, “sầu”, “khắc khỏa”, “ngẩn ngơ’… Đồng thời, hành trình diễn biến của tâm trạng là hành trình theo chiều hướng bi kịch.
  • Đau đớn đến tột cùng, bẽ bàng trước thực tại, người cung nữ muốn bứt phá, muốn phá tung tất cả để vượt thoát nhưng đều vô ích.

→ Người cung nữ cảm nhận được rõ nét bi kịch của chính mình.

b. Bi kịch tình yêu trong “Trao duyên”
– Sử dụng từ “cậy” và từ “thưa” để diễn tả được vị thế của Kiều ngay lúc này: Kiều đang là người mang ơn, là người cậy nhờ em gái mình
– Kiều nói với em về hoàn cảnh của mình hiện tại và kể ngắn gọn cho em nghe chuyện tình của mình với Kim Trọng: tình yêu của Kiều và Kim Trọng đang độ mặn nồng, nhưng vì hoàn cảnh mà chia xa, Kiều đứng trước sự lựa chọn giữa hiếu và tình.
– Kiều trao kỉ vật cho Thúy Vân:
+ “Chiếc thoa”, “bức tờ mây”, “phím đàn”, “mảnh hương nguyền”,… Những vật đính ước, hẹn thề tưởng chừng như chỉ của hai, nhưng giờ đây lại thành “của chung”
+ “Duyên này” – mối tình của Thúy Kiều với Kim Trọng thì mãi là của riêng, nàng sẽ giữ mãi trong mình.
→ Qua hành động và những lời nói này có thể thấy Thúy Kiều rất đau đớn, dằn vặt khi trao kỉ vật cho em.
→ Yêu Kim Trọng, khao khát hạnh phúc nhưng đến cuối cùng tình yêu ấy lại tan vỡ, những điều đó xét đến cùng là biểu hiện của bi kịch tình yêu mà Thúy Kiều phải gánh chịu.

3. Kết bài

Khái quát về bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa qua hai đoạn trích và nêu cảm nghĩ của bản thân.

II. Bài văn mẫu  Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa qua Cung oán ngâm và Trao duyên

Đề tài về người phụ nữ luôn là một đề tài lớn của văn học mọi thời đại và văn học trung đại cũng không ngoại lệ. Viết về người phụ nữ, các tác giả văn học trung đại không chỉ thể hiện những phẩm chất tốt đẹp, cao quý mà còn đề cập tới số phận đầy bất hạnh và bi kịch của họ. Với cách thể hiện rất riêng, mang dấu ấn của mỗi nhà văn, song đoạn trích “Nỗi sầu oán của người cung nữ” (trích “Cung oán ngâm khúc”) của Nguyễn Gia Thiều và đoạn trích “Trao duyên” (trích “Truyện Kiều”) của Nguyễn Du đều đã thể hiện được bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa.

Người phụ nữ trong xã hội xưa, dưới những hủ tục hà khắc của xã hội phong kiến cùng quan niệm “trọng nam khinh nữ”, họ đã phải chịu biết bao cay đắng, tủi nhục, số phận đầy đau khổ và gánh trên mình biết bao nỗi bi kịch. Đoạn trích “Nỗi sầu oán của người cung nữ” (trích “Cung oán ngâm khúc”) của Nguyễn Gia Thiều và đoạn trích “Trao duyên” (trích “Truyện Kiều”) của Nguyễn Du đã thể hiện bi kịch tình yêu, họ khao khát tình yêu, hạnh phúc nhưng đến cuối cùng lại tình yêu, hạnh phúc ấy lại không thành. Tuy nhiên, mỗi tác giả lại thể hiện bi kịch ấy theo một cách riêng.

Trước hết, trong đoạn trích “Nỗi sầu oán của người cung nữ” tác giả Nguyễn Gia Thiều đã thể hiện bi kịch khao khát hạnh phúc nhưng cuối cùng dang dở của người cung nữ – trước được vua yêu chiều nhưng khi nhan sắc đã phai tàn thì lại bị bỏ rơi. Mở đầu đoạn trích, tác giả đã mở ra không gian sống, tình cảnh lẻ loi, cô đơn của người cung nữ.

Trong cung quế âm thầm chiếc bóng,
Đêm năm canh trông ngóng lần lần.
Khoảnh làm chi bấy chúa xuân!
Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi.
Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ,
Gác thừa lương thức ngủ thu phong.
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng,
Gương loan bẻ nửa, dải đồng xé đôi

Đoạn thơ đã mở ra không gian sống của người cung nữ, đó là nơi “cung quế”, “phòng tiêu” cô đơn, hiu quạnh và lạnh lẽo. Nó đối lập với cuộc sống xa hoa, tấp nập, với thế giới bên ngoài và có lẽ chính khoảng thời gian đêm khuya càng tô đậm thêm sự tĩnh mịch, cô đơn đến rợn người ấy. Và để rồi, trong khoảng không gian, thời gian ấy, hình ảnh người cung nữ hiện lên đầy thật đơn côi, lẻ bóng, điều đó được thể hiện rõ nét qua hàng loạt các hình ảnh, từ ngữ “âm thầm chiếc bóng” vẫn ngày này qua ngày khác ngóng trông, chờ đợi. Nhưng tất cả những điều đó chỉ còn là vô vọng và buộc lòng mình nàng phải cất lên lời oán trách “Khoảnh làm chi bấy chúa xuân/Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi”. Lời thơ cất lên thật đau đớn, xót xa, như tiếng lòng của người phụ nữ trong hoàn cảnh bị ruồng rẫy, bỏ rơi. Hơn ai hết, người cung nữ ý thức được bi kịch, nỗi đau của mình và có lẽ đó cũng chính là hoàn cảnh, số phận của những người cung nữ dưới xã hội phong kiến.

Không dừng lại ở đó, để làm nổi bật bi kịch tình yêu, hạnh phúc của người cung nữ, tác giả Nguyễn Gia Thiều đã tập trung thể hiện nỗi buồn thương, đau đớn, xót xa trong nỗi lòng của nàng. Nỗi niềm tâm trạng ấy được thể hiện trực tiếp thông qua việc sử dụng các từ ngữ “chiều ủ dột”, “vẻ bâng khuâng” và hiện lên gián tiếp qua việc sử dụng các điển tích, điển cố: “giấc mai”, “hồn bướm”. Đặc biệt, nỗi niềm cô đơn, đau đớn đến quằn quại được thể hiện rõ nét qua phép tiểu đối “ngấn phượng liễu”- ‘dấu dương xa”, gợi lên sự đối lập giữa quá khứ hạnh phúc, ấm êm với thực tại lẻ loi, cô đơn. Càng buồn, càng cô đơn, người cung nữ lại càng muốn đợi chờ, ngóng trông nhưng càng ngóng trông, càng lắng nghe lại càng thất vọng, nghịch cảnh đẩy đưa khiến nỗi lòng lại càng thêm đau đớn, nặng nề. Tác giả đã dùng hàng loạt từ ngữ để biểu lộ trực tiếp cảm xúc của nhân vật trữ tình như “biếng”, “buồn”, “tủi”, “sầu”, “khắc khỏa”, “ngẩn ngơ’… Đồng thời, hành trình diễn biến của tâm trạng là hành trình theo chiều hướng bi kịch, nỗi buồn, sự đau đớn đã khiến con người ta dần mất đi lí trí. Đau đớn đến tột cùng, bẽ bàng trước thực tại, người cung nữ muốn bứt phá, muốn phá tung tất cả “Đang tay muốn dứt tơ hồng/ Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra” để vượt thoát nhưng đều vô ích. Và có lẽ, hơn lúc nào hết, người cung nữ cảm nhận được rõ nét bi kịch của chính mình.

Với đoạn trích “Trao duyên” của Nguyễn Du, người đọc cũng dễ dàng nhận thấy được bi kịch tình yêu của người phụ nữ trong xã hội xưa. Bi kịch ấy thể hiện rõ nét qua việc Thúy Kiều thuyết phục Thúy Vân để trao duyên cho em và cảnh Thúy Kiều trao lại kỉ vật cho em. Có thể thấy, Thúy Kiều đã dùng những lí lẽ hết sức thuyết phục để nhờ Thúy Vân nối duyên với Kim Trọng.

Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Tác giả Nguyễn Du đã thực sự tài năng khi sử dụng từ “cậy” và từ “thưa” để diễn tả được vị thế của Kiều ngay lúc này. Hành động của Kiều đối với Vân – em gái của mình, tưởng chừng như vô lí nhưng nó lại đầy sức thuyết phục bởi giờ đây Kiều đang là người mang ơn, là người cậy nhờ em gái mình thay mình nối duyên với Kim Trọng. Và để rồi, sau hành động ấy, Thúy Kiều đã khéo léo đưa ra những lí lẽ để thuyết phục em. Kiều nói với em về hoàn cảnh của mình hiện tại và kể ngắn gọn cho em nghe chuyện tình của mình với Kim Trọng.

Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa gặp em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai

Tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng với bao hẹn thề đang ở những ngày hạnh phúc nhất, ấy vậy mà vì hoàn cảnh, tai họa ập đến, tình yêu ấy đành “đứt gánh” giữa đường. Thêm vào đó, Thúy Kiều phải đứng giữa sự lựa chọn giữa hiếu và tình, và có lẽ nàng không còn có sự lựa chọn nào khác. Đau đớn và xót xa đến tột cùng, Kiều đành nhớ Vân thay mình nối duyên với Kim Trọng. Đồng thời, trong lời thuyết phục em, Kiều còn nói về cái chết của mình – một cái chết đầy cảm kích trước hành động của Thúy Vân qua việc sử dụng hàng loạt các thành ngữ “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”. Yêu Kim Trọng đậm sâu, nhưng đành phải trao duyên cho em, có lẽ nỗi đau đớn trong Kiều không thể nào diễn tả hết được.

Thêm vào đó, bi kịch tình yêu của Kiều còn được thể hiện rõ nét qua hành động Kiều trao kỉ vật và dặn dò Thúy Vân.

Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa

Thúy Kiều đã trao lại cho Vân những kỉ vật tình yêu của mình và Kim Trọng – “chiếc thoa”, “bức tờ mây”, “phím đàn”, “mảnh hương nguyền”,… Những vật đính ước, hẹn thề tưởng chừng như chỉ của hai, nhưng giờ đây lại thành “của chung” song “duyên này” – mối tình của Thúy Kiều với Kim Trọng thì mãi là của riêng, nàng sẽ giữ mãi trong mình. Qua hành động và những lời nói này có thể thấy Thúy Kiều rất đau đớn, dằn vặt khi trao kỉ vật cho em. Yêu Kim Trọng, khao khát hạnh phúc nhưng đến cuối cùng tình yêu ấy lại tan vỡ, những điều đó xét đến cùng là biểu hiện của bi kịch tình yêu mà Thúy Kiều phải gánh chịu.

Tóm lại, đoạn trích “Nỗi sầu oán của người cung nữ” (trích “Cung oán ngâm khúc”) của Nguyễn Gia Thiều và đoạn trích “Trao duyên” (trích “Truyện Kiều”) của Nguyễn Du đều đã thể hiện được bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của hai tác giả.

Để hiểu được số phận bất hạnh, bi kịch tình yêu của những người phụ nữ trong xã hội xưa, bên cạnh  Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa qua Cung oán ngâm và Trao duyên, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích đoạn trích Trao duyên, Cảm nhận về đoạn Trao duyên, Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Phân tích đoạn trích Sau phút chia li (Chinh phụ ngâm khúc)

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/bi-kich-cua-nguoi-phu-nu-trong-xa-hoi-xua-qua-cung-oan-ngam-va-trao-duyen/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button