Giáo dục

Bi kịch tha hóa của hai nhân vật Chí Phèo và hồn Trương Ba

Đề bài: Bi kịch tha hóa của hai nhân vật Chí Phèo và hồn Trương Ba

bi kich tha hoa cua hai nhan vat chi pheo va hon truong ba

Bạn đang xem bài: Bi kịch tha hóa của hai nhân vật Chí Phèo và hồn Trương Ba

Dàn ý, văn mẫu phân tích bi kịch tha hóa của hai nhân vật Chí Phèo và hồn Trương Ba hay, đặc sắc
 

I. Dàn ý Bi kịch tha hóa của hai nhân vật Chí Phèo và hồn Trương Ba

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần phân tích.

2. Thân bài

a. Điểm chung trong sự tha hóa của Chí Phèo và hồn Trương Ba:

– Bị tha hóa nhân cách từ tốt đẹp, lương thiện sang xấu xa, ghê gớm, rồi cuối cùng bị mọi người, bị xã hội chối bỏ một cách đau đớn.
– Kết thúc bi kịch bằng cái chết.

b. Bi kịch tha hóa của Chí Phèo:

* Bi kịch xuất thân:
– Là một đứa trẻ bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ, được cả làng Vũ Đại chuyền tay nhau nuôi nấng, 20 trôi qua, đứa trẻ đỏ hỏn cũng trở thành một thanh niên khôi ngô, hiền lành, lương thiện lại chăm chỉ làm ăn.

* Bi kịch tha hóa trở thành lưu manh:
– Sự lẳng lơ của bà ba, cùng với cái óc ghen tuông độc ác của Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào cái nhà tù thực dân thối nát – cái nhà tù đi vào là người nhưng đi ra là quỷ.
– Tha hóa về nhân hình: Chí Phèo ra tù với bộ dạng bặm trợn gớm ghiếc.
– Tha hóa về nhân phẩm:
+ Vừa ra tù đã ra chợ chè chén rượu mận thịt chó suốt từ trưa tới chiều.
+ Đến nhà Bá Kiến ăn vạ, chửi bới.
+ Sau hắn chửi không được thì hắn đánh nhau với Lý Cường.
+ Đập nát chai rượu không rồi lấy mảnh sành rạch mặt, máu me be bét để ăn vạ.

* Bị tha hóa trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại:
– Sự độc ác, mưu mẹo đê tiện của Bá Kiến đã dễ dàng dỗ được Chí Phèo trở thành tay sai cho hắn, Chí Phèo bước trên con đường đâm thuê chém mướn cho người ta, bán rẻ linh hồn để đổi lấy vài đồng cắc uống rượu.
– Hắn ngày càng lún sâu vào bi kịch tha hóa, trượt dài trên con đường tội lỗi, cùng những cơn say triền miên hết năm này đến tháng nọ không hồi tỉnh. Và cứ say là hắn lại làm bất kể việc gì mà người ta giao.

* Bi kịch bị chối bỏ quyền làm người:
– Tình yêu với Thị Nở trở thành sợi dây hy vọng duy nhất nối hắn với thế giới loài người, là cơ hội duy nhất để hắn quay về với hai chữ “lương thiện”. Nhưng những lời cay đắng nghiệt ngã của bà cô, thốt ra từ bằng sự dở hơi, bực bội của Thị Nở: “Đàn ông đã chết hết hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ” đã dập tắt mọi hy vọng của hắn.
– Cả làng Vũ Đại này đã từ bỏ hắn, đã không còn xem hắn là một con người cần được sống cần được yêu thương, thông cảm nữa.
– Lúc này đây đối với Chí Phèo không còn gì tốt hơn ngoài việc lựa chọn cái chết để giải thoát.

b. Bi kịch tha hóa của hồn Trương Ba:

* Khởi nguồn bi kịch:
– Trương Ba vốn là người làm vườn, thiện lương có tâm hồn thanh cao, đẹp đẽ, rất biết yêu thương vợ con và được mọi người kính trọng.
– Nam Tào vì vội đi dự tiệc mà gạch nhầm tên của Trương Ba trong sổ trời, khiến ông phải chết oan ức. Đế Thích mất đi một người đối cờ hợp ý, thế nên đã khuyên nhủ Nam Tào, Bắc Đẩu cho Trương Ba sống lại bằng cách gửi hồn Trương Ba vào xác anh hàng thịt mới chết.
=> Sự ích kỷ của Đế Thích cùng với sự sai càng thêm sai của hai viên quan nhà trời đã đẩy Trương Ba vào một tình huống vô cùng khó đỡ: Hồn Trương Ba nhưng xác lại là của anh hàng thịt. Sự “sống” lại kỳ dị của hồn Trương Ba đã khiến cho cả hai gia đình lâm vào thế khó xử, trong khi đó bản thân Trương Ba lại càng đau khổ hơn khi không được sống đúng với bản thân mình.

* Bi kịch tha hóa:
– Hồn Trương Ba đau khổ nhận ra sau một thời gian chung đụng với cái xác thô lỗ, dường như ông ngày càng trở nên giống nó, ông ham uống rượu, thích ăn thịt, lại cũng chẳng mấy mặn mà với trò đánh cờ vốn trước đây là cả một niềm say mê,…
– Cuộc đối thoại gay gắt giữa hồn và xác, xác với giọng điệu mỉa mai, ghê gớm dường như đã lấn át hết những lý lẽ yếu đuối, sự chỉ trích trong tức giận của hồn Trương Ba.
+ Trương Ba vẫn luôn cho rằng mình có một tâm hồn cao khiết, thánh thiện, chỉ tại những khao khát ham muốn tầm thường của cái xác khiến ông thay đổi.
+ Xác người hàng thịt lại rất mạnh mẽ vạch trần sự tha hóa trong tâm hồn Trương Ba khi sống trong thân xác hàng thịt: Chuyện ham ăn ngon, thích uống rượu, cả những ham muốn nhục dục tầm thường với vợ anh hàng thịt cũng bị cái xác bóc mẽ.
=> Trương Ba vô cùng đau khổ và hổ thẹn, ông chỉ muốn cái xác im miệng ngay, không chịu chấp nhận rằng mình đã đổ đốn ra như thế.
– Hồn Trương Ba ưa sĩ diện và luôn cho rằng mình có một tâm hồn “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn” và nhất quyết đổ cho xác hàng thịt cái lỗi khiến ông phải tham gia vào cả những ham muốn, khao khát tầm thường của nó, để bản thân mình được “thanh thản”.

* Bi kịch bị người thân chối bỏ:
– Suốt cả cuộc đời luôn Trương Ba được mọi người yêu quý kính trọng, thế mà giờ đây sự yêu quý kính trọng ấy thay bằng sự ghê sợ, xa lánh, gia đình tan nát.
+ Ý muốn rời bỏ ngôi nhà của người vợ.
+ Anh con trai muốn bán khu vườn ông yêu quý để mở cửa hàng thịt.
+ Đứa cháu gái hét lên “tôi không phải là cháu ông”, nó vạch ra tất cả những gì vụng về, thô lỗ của ông trong suốt thời gian qua.
+ Người hàng xóm phê bình ông đổi tính đổi nết.
– Sự trở về kỳ dị và cả sự đổ đốn của ông đã khiến cho một gia đình vốn đang ấm êm hạnh phúc bỗng trở nên lộn xộn, bung bét, ai cũng sống trong đau khổ dằn vặt.
– Cuối cùng trước những tâm sự, bộc bạch của cô con dâu, hồn Trương Ba mới thực sự tỉnh ngộ.
+ Còn gì đau đớn hơn khi người ta không được sống với đúng bản chất thực sự của mình, mà như Trương Ba nói với Đế Thích “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
+ “Tôi đã chết rồi, hãy để cho tôi chết hẳn”, ông quyết tâm rời bỏ thế gian, để giữ lại cái hồn thanh sạch cao khiết của mình, chứ nhất quyết không muốn sống một cuộc đời bị chi phối bởi xác thịt nữa.

3. Kết bài

Nêu tổng kết, ý nghĩa.
 

II. Bài văn mẫu Bi kịch tha hóa của hai nhân vật Chí Phèo và hồn Trương Ba

Sinh ra trong thời đại và bối cảnh lịch sử khác nhau, cách nhìn nhận về cách vấn đề trong xã hội của Nam Cao và Lưu Quang Vũ cũng rất khác nhau. Nếu như bản thân Nam Cao giai đoạn trước cách mạng thường tập trung khai đề tài người nông dân và trí thức nghèo với ánh mắt và giọng văn lạnh lùng, nhưng đau đớn xót xa. Nam Cao vạch rõ hiện thực xã hội trước cách mạng, cũng như những bi kịch của con người bất hạnh như Chí Phèo kể về sự tha hóa của họ do sự chèn ép tối tăm, tàn ác của chế độ. Thì bản thân Lưu Quang Vũ cầm bút lúc cách mạng đã thành công, đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình từ chiến tranh, và bản thân tác giả lại cũng có những góc nhìn mới về con người và xã hội lúc bấy giờ. Sự tha hóa không còn do hiện thực xã hội tàn khốc, mà sự đổ đốn đến từ chính sự tham lam, gục ngã của con người trước những giá trị phàm tục, tầm thường thông qua nhân vật hồn Trương Ba. Có thể thấy rằng tuy đối tượng, chủ đề, và thể loại khai khác nhau nhưng cuối cùng cả Nam Cao và Lưu Quang Vũ vẫn luôn hướng về một tư tưởng “nghệ thuật vị nhân sinh” chung nhất, với bi kịch phổ biến của con người – bi kịch tha hóa nhân cách.

Điểm chung của Chí Phèo và hồn Trương Ba đều nằm ở việc bị tha hóa nhân cách từ tốt đẹp, lương thiện sang xấu xa, ghê gớm, rồi cuối cùng bị mọi người, bị xã hội chối bỏ một cách đau đớn. Và cuối cùng đối với bi kịch tha hóa của bản thân họ đã chiến thắng, giành lại được cho mình bản chất thiên lương, nhưng cái giá phải trả đều quá đắt đỏ. Khi Chí Phèo quyết định giết Bá Kiến để trả thù cho những đau khổ của mình và tự sát, thì bản thân hồn Trương Ba lại chọn rời bỏ xác anh hàng thịt, từ chối nhập hồn vào cu Tị và vĩnh viễn chết đi. Có thể nói rằng hành trình tiến tới bi kịch tha hóa của cả hai nhân vật này dẫu có khác nhau về nhiều điểm, nhưng cách họ giải quyết vấn đề dẫu cực đoan, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc, bởi những bi kịch ấy không còn con đường lựa chọn nào khác ngoài các kết thúc cuộc đời.

Bi kịch của Chí Phèo có lẽ đã bắt đầu từ lúc hắn ra đời, một đứa trẻ bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ, được cả làng Vũ Đại chuyền tay nhau nuôi nấng, rồi thoáng chốc 20 trôi qua, đứa trẻ đỏ hỏn cũng trở thành một thanh niên khôi ngô, hiền lành, lương thiện lại chăm chỉ làm ăn. Nhưng có lẽ chính cái vẻ trẻ trung sức vóc, cùng với sự lương thiện ấy đã khiến Chí Phèo phải gánh chịu bi kịch, cái xã hội này dường như không cho kẻ nghèo hèn được sống tử tế. Sự lẳng lơ của bà ba, cùng với cái óc ghen tuông độc ác của Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào cái nhà tù thực dân thối nát – cái nhà tù đi vào là người nhưng đi ra là quỷ. 7, 8 năm qua đi, Chí Phèo trở về với bộ dạng bặm trợn gớm ghiếc “trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! … Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”. Đấy, người ta nhấn đi nhấn lại mấy chữ “trông gớm chết” để bộc lộ sự thảng thốt, ngờ vực về một kẻ chẳng biết có phải anh Chí hiền lành năm xưa không. Đó mới chỉ là sự tha hóa về ngoại hình, sự tha hóa về nhân phẩm của Chí Phèo mới đáng để người ta ngẫm ngợi về cái nhà tù thực dân ghê gớm ấy, gần chục năm nó đã trả lại cho làng Vũ Đại một thằng lưu manh chính hiệu, vừa ra tù đã tót ra chợ chè chén rượu mận thịt chó suốt từ trưa tới chiều. Và càng đáng sợ hơn khi Chí Phèo say rồi thì hắn lại đến nhà Bá Kiến ăn vạ, thoạt đầu hắn chửi, nhưng thảm hại thay người ta chỉ tò mò chứ chẳng ai dám ra đối đáp với hắn thành ra “chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu!”. Sau hắn chửi không được thì hắn đánh nhau với Lý Cường, chán chê hắn quyết nằm ăn vạ. Nhưng người ta có tưởng tượng được cảnh Chí Phèo ăn vạ ghê gớm thế nào không, hắn đập nát chai rượu không rồi lấy mảnh sành rạch mặt, máu me be bét. Còn đâu nữa một anh Chí hiền lành, chăm chỉ, mà chỉ còn một Chí Phèo lưu manh, đánh mất hết liêm sỉ ở cái nhà tù thực dân khốn nạn, trở thành một kẻ tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân phẩm. Và rồi sự độc ác, mưu mẹo đê tiện của Bá Kiến đã dễ dàng dỗ được Chí Phèo trở thành tay sai cho hắn, Chí Phèo bước trên con đường đâm thuê chém mướn cho người ta, bán rẻ linh hồn để đổi lấy vài đồng cắc uống rượu. Hắn ngày càng lún sâu vào bi kịch tha hóa, trượt dài trên con đường tội lỗi, cùng những cơn say triền miên hết năm này đến tháng nọ không hồi tỉnh. Và cứ say là hắn lại làm bất kể việc gì mà người ta giao. Chí Phèo giờ đây không phải là tên lưu manh thích uống rượu ăn thịt chó, rạch mặt ăn vạ nữa mà trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chút thiên lương của hắn còn sót lại sau khi ra tù đã bị rượu chè và bè lũ phong kiến tay sai chà đạp, giết chết tự thuở nào rồi. Từ bi kịch tha hóa, Chí Phèo tiếp tục bị đẩy vào bi kịch đau đớn nhất cuộc đời mình, hắn bị từ chối quyền làm người. Khi tình yêu với Thị Nở trở thành sợi dây hy vọng duy nhất nối hắn với thế giới loài người, là cơ hội duy nhất để hắn quay về với hai chữ “lương thiện”. Nhưng ai cho hắn “lương thiện” khi hắn phải nhận lại những lời cay đắng nghiệt ngã của bà cô, thốt ra từ bằng sự dở hơi, bực bội của Thị Nở: “Đàn ông đã chết hết hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ”. Cuối cùng thì sự khao khát lương thiện, khao khát được “làm hòa” với mọi người của Chí Phèo đã vỡ tan như một loại bong bóng xà phòng, đẹp nhưng không thể chịu nổi một cái chạm nhẹ của xã hội. Hắn nhận ra cuộc đời hắn đi qua 40 năm cuộc đời, trong đó có 20 năm trượt dài trong rượu chè, đâm chém thực sự đã khiến hắn không thể quay trở lại như cái thời hắn 20 tuổi được nữa. Cả làng Vũ Đại này đã từ bỏ hắn, đã không còn xem hắn là một con người cần được sống cần được yêu thương, thông cảm nữa. Lúc này đây đối với Chí Phèo không còn gì tốt hơn ngoài việc lựa chọn cái chết để giải thoát, thế nhưng trước lúc ấy hắn phải trả thù cái kẻ đã gây ra cho hắn tất cả mọi đau đớn – Bá Kiến. Rồi làng Vũ Đại trước cái chết của Chí Phèo – Bá Kiến, họ cũng chỉ dửng dưng “Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc!”. Đau đớn thay cho một kiếp người bị đày đọa.

Không lạnh lùng, đau đớn như giọng văn của Nam Cao, cũng không khủng khiếp như cuộc đời đầy bi kịch của Chí Phèo, thế nhưng Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ lại đem đến cho ta những cái nhìn đầy triết lý về cuộc đời của một con người. Con người ta vốn có một tâm hồn thanh sạch, cao quý, nhưng đứng trước cám dỗ, trước những ham muốn tầm thường thì không ít người bị tha hóa, sự tha hóa đổ đốn ấy nó diễn tiến một cách chậm rãi, từ từ, nó không ghê gớm dồn dập như Chí Phèo, thế nhưng lại tựa như căn bệnh ung thư quái ác, giai đoạn cuối mới để chủ nhân phát hiện, muốn cứu chữa e thật khó!

Trương Ba vốn là người làm vườn, thiện lương có tâm hồn thanh cao, đẹp đẽ, rất biết yêu thương vợ con và được mọi người kính trọng. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không có việc một viên quan cai quản chuyện sống chết của nhân gian là Nam Tào vì vội đi dự tiệc mà gạch nhầm tên của Trương Ba trong sổ trời, khiến ông phải chết oan ức. Đế Thích thân là một thần tiên, cũng là bạn cờ chí cốt với Trương Ba, thấy bạn chết oan, bản thân lại mất đi một người đối cờ hợp ý, thế nên Đế Thích đã khuyên nhủ Nam Tào, Bắc Đẩu cho Trương Ba sống lại bằng cách gửi hồn Trương Ba vào xác anh hàng thịt mới chết. Sự ích kỷ của Đế Thích cùng với sự sai càng thêm sai của hai viên quan nhà trời đã đẩy Trương Ba vào một tình huống vô cùng khó đỡ: Hồn Trương Ba nhưng xác lại là của anh hàng thịt. Sự “sống” lại kỳ dị của hồn Trương Ba đã khiến cho cả hai gia đình lâm vào thế khó xử, trong khi đó bản thân Trương Ba lại càng đau khổ hơn khi không được sống đúng với bản thân mình.

So với Chí Phèo, sự tha hóa của nhân vật được chính bản thân nhân vật nhận ra. Hồn Trương Ba bắt đầu nhận ra sau một thời gian chung đụng với cái xác thô lỗ, dường như ông ngày càng trở nên giống nó, ông ham uống rượu, thích ăn thịt, lại cũng chẳng mấy mặn mà với trò đánh cờ vốn trước đây là cả một niềm say mê,… Đặc biệt là sau chuyện người hàng xóm phê phán ông dạo này đổi tính, đổi nết, con trai ông hư hỏng hơn, cháu gái trở nên xa lánh mình, Trương Ba lại càng đau khổ. Điều ông muốn ngay lúc đó chính là được thoát ra khỏi cái xác “âm u, đui mù” của hàng thịt ngay lập tức, dù chỉ một chút thôi cũng được. Bi kịch tha hóa của Trương Ba tiếp tục được làm rõ thông qua cuộc đối thoại gay gắt giữa hồn và xác, xác với giọng điệu mỉa mai, ghê gớm dường như đã lấn át hết những lý lẽ yếu đuối, sự chỉ trích trong tức giận của hồn Trương Ba. Trong khi bản thân Trương Ba vẫn luôn cho rằng mình có một tâm hồn cao khiết, thánh thiện, chỉ tại những khao khát ham muốn tầm thường của cái xác khiến ông thay đổi. Thì xác lại rất mạnh mẽ vạch trần sự tha hóa của hồn Trương Ba trong thân xác hàng thịt: Chuyện ham ăn ngon, thích uống rượu, cả những ham muốn nhục dục tầm thường với vợ anh hàng thịt cũng bị cái xác bóc mẽ. Vì đó là sự thật khiến Trương Ba vô cùng đau khổ và hổ thẹn, ông chỉ muốn cái xác im miệng ngay, ông không muốn nghe những lời vạch trần ghê tởm như thế nữa, hay là chính bản thân ông không chịu chấp nhận rằng mình đã đổ đốn ra như thế. Nhưng có một sự thật rằng hồn Trương Ba đã thực sự chiều theo cái xác nhiều điều, hồng Trương Ba ưa sĩ diện và luôn cho rằng mình có một tâm hồn “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn” và nhất quyết đổ cho xác hàng thịt cái lỗi khiến ông phải tham gia vào cả những ham muốn, khao khát tầm thường của nó, để bản thân mình được “thanh thản”. Những lý lẽ sắc bén, trần trụi của cái xác đang dần khiến cho những lý lẽ về sự cao khiết, thanh sạch của ông bị chặn lại, Trương Ba nhận ra rằng cái xác nói đúng, nhưng bản thân ông vẫn không thể nào chấp nhận được chuyện một đời người 60 năm trong sạch, thanh cao cuối cùng lại đổ đốn chỉ vì vài tháng chung đụng với cái xác thịt “âm u, đui mù” kia.

Tiếp nối bi kịch tha hóa, chính là bi kịch Trương Ba bị những người thân ruột thịt chối bỏ, bi kịch ấy không gay gắt, kinh khủng như Chí Phèo, nhưng nó lại khiến một người như Trương Ba đau khổ tột cùng, một nỗi đau dần dà gặm nhấm âm ỉ trong tâm hồn. Suốt cả cuộc đời luôn được mọi người yêu quý kính trọng, thế mà giờ đây sự yêu quý kính trọng ấy thay bằng sự ghê sợ, xa lánh, khởi đầu với ý muốn rời bỏ ngôi nhà của người vợ, sau đó là chuyện anh con trai muốn bán khu vườn ông yêu quý để mở cửa hàng thịt, rồi đến chuyện đứa cháu gái hét lên “tôi không phải là cháu ông”, rồi nó vạch ra tất cả những gì vụng về, thô lỗ của ông trong suốt thời gian qua. Có thể nói rằng đó là những diễn tiến không thể ngờ được đối với hồn Trương Ba, là một đòn giáng chí mạng, khiến ông không thể nào chối cãi được về sự tha hóa khốn nạn của mình. Sự trở về kỳ dị và cả sự đổ đốn của ông đã khiến cho một gia đình vốn đang ấm êm hạnh phúc bỗng trở nên lộn xộn, bung bét, ai cũng sống trong đau khổ dằn vặt. Cuối cùng trước những tâm sự, bộc bạch của cô con dâu, một người không cùng máu mủ ruột già, nhưng lại rất thấu hiểu nỗi khổ của ông, cũng như nỗi khổ của toàn gia đình lúc này, hồn Trương Ba mới thực sự tỉnh ngộ. Việc hồn một đằng, xác một nẻo vĩnh viễn không thể chung sống với nhau mãi được, sự chi phối của cái xác đã khiến ông và gia đình ông đau khổ tột cùng. Còn gì đau đớn hơn khi người ta không được sống với đúng bản chất thực sự của mình, mà như Trương Ba nói với Đế Thích “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Biết nỗi khốn khổ của hồn Trương Ba, nhưng Đế Thích vẫn không tỉnh ngộ mà lại tiếp tục đề nghị ông nhập vào xác của cu Tị, một đứa trẻ lên mười, để hồn Trương Ba tiếp tục được sống nhưng là sống những ngày tháng không toàn vẹn lần nữa. Nhưng lần này Trương Ba từ chối, ông nói “Tôi đã chết rồi, hãy để cho tôi chết hẳn”, ông quyết tâm rời bỏ thế gian, để giữ lại cái hồn thanh sạch cao khiết của mình, chứ nhất quyết không muốn sống một cuộc đời bị chi phối bởi xác thịt nữa. Đồng thời nhân vật cũng đua ra một chân lý rất đắt “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm”, và ông chính là minh chứng rõ nét nhất, phải chăng ông chết hẳn đi, thì có lẽ gia đình bây giờ đã quay trở lại những ngày tháng bình yên và họ sẽ vẫn tiếc nhớ, kính trọng ông như ngày ông còn sống, chứ không phải là cảnh xa lánh, ghê sợ như này.

Dù Chí Phèo và hồn Trương Ba có hai kiểu tha hóa khác nhau, nhưng điểm chung nhất đó là họ vẫn luôn tỉnh ngộ và nhận ra được sự tha hóa của bản thân, đồng thời cố gắng đấu tranh một cách mạnh mẽ để được trở lại với những giá trị nhân văn nguyên bản, giữ lại cho mình bản chất thiên lương cao đẹp. Chí Phèo vì sự chèn ép của xã hội phong kiến tàn ác mà tha hóa thành quỷ dữ, nên quyết chết để thoát khỏi số phận đầy bi kịch, hắn không muốn sống tiếp cái kiếp khốn khổ, đọa đày và cô độc ấy nữa. Còn bản thân hồn Trương Ba vì sự tắc trách của những kẻ trên mà phải chịu cảnh hồn một đằng xác một nẻo, phải gánh chịu sự đau khổ, day dứt, sự xa lánh của người thân, nên cũng quyết rời bỏ nhân thế để giữ lại cho mình một tâm hồn cao khiết, thanh sạch. Cuối cùng thì con người ở thời đại nào, hoàn cảnh nào cũng luôn đấu tranh cho chữ “thiện”, đó là niềm tin và tư tưởng mà Nam Cao cùng Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình.

——————– Hết —————–

Bài mẫu gợi ý phân tích Bi kịch tha hóa của hai nhân vật Chí Phèo và hồn Trương Ba trên đây đã giúp các em tìm hiểu, khám phá về những nét tương đồng và khác biệt trong bi kịch tha hóa của hai nhân vật chính trong truyện Chí Phèo của Nam Cao và truyện Hồn Trương Ba ra hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Tiếp theo, để có thêm dữ liệu tham khảo cho bài làm, các em có thể tham khảo thêm Phân tích truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Phân tích đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Phân tích tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, Phân tích nhân vật Thị Nở,…

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/bi-kich-tha-hoa-cua-hai-nhan-vat-chi-pheo-va-hon-truong-ba/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button