Giáo dục

Bình giảng một vài bài thơ Hai cư

Đề bài: Bình giảng một vài bài thơ Hai cư

binh giang mot vai bai tho hai cu

Bạn đang xem bài: Bình giảng một vài bài thơ Hai cư

Bình giảng một vài bài thơ Hai cư

 

I. Dàn ý Bình giảng một vài bài thơ Hai cư
 

1. Mở bài

– Sơ lược về Ba-sô và phong cách sáng tác.
– Sơ lược về thể thơ Hai cư đặc sắc nội dung nghệ thuật.
 

2. Thân bài

a. Bài thơ số 1: “Đất khách…cố hương”:

– Tác giả rời Ê-đô trở về cố hương Mi-ê sau 10 năm xa cách, từ đó có cơ hội nhìn nhận lại định nghĩa về quê hương.
– Đứng trước sự tương phản của quá khứ – hiện tại, Mi-ê và Ê-đô, giữa cái bất tận của không gian, thời gian và cái hữu hạn của đời người tác giả đã nhận ra một chân lý, một quy luật nhân sinh sâu sắc về diễn biến tình cảm của con người, chỉ cần gắn bó với bất cứ nơi nào thì nghiễm nhiên rằng nơi ấy đã trở thành “cố hương”.
– Quý ngữ trong bài thơ là hai từ “mùa sương”.

b. Bài thơ số 4 “Tiếng vượn…tái tê”:

– Trong một lần đi ngang qua rừng nghe tiếng vượn hú “não nề”, cùng với cơn gió mùa thu hiu lạnh nhà thơ đã có những mường tượng về kiếp nhân sinh ngắn ngủi của con người.
– Sự xót thương cho số phận của những đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng khiến lòng ông “tê tái”.
– Quý ngữ trong bài là từ “mùa thu”.

c. Bài thơ số 6 “Từ bốn phương…hồ Bi-oa”:

– Bút pháp đối lập tương phản giữa cái vô cùng vô tận của trời đất trong “bốn phương trời xa”, đối lập với những cái mỏng manh nhỏ bé tầm thường trong cuộc sống con người như cánh hoa đào, mặt hồ gợn sóng.
– Bút pháp lấy động tả tĩnh, gợi ra tính chất Thiền tông, sự hài hòa của vạn vật trong cuộc sống, cái này làm nổi bật cái kia, một cách nhẹ nhàng, vắng lặng và mềm mại.
– Qúy ngữ ẩn giấu “cánh hoa đào” gợi tả mùa xuân.

3. Kết bài

Nêu những nhận xét chung về thơ Hai cư.

 

II. Bài văn mẫu Bình giảng một vài bài thơ Hai cư

Ma-su-ô Ba-sô (1644-1694) là một nhà thơ hàng đầu của Nhật Bản, đường thời ông thích những cuộc du hành dài dọc khắp đất nước và lấy đó làm nguồn cảm hứng để sáng tác thơ Hai cư. Nếu như Trung Quốc nổi bật với thể thơ Đường thi niêm luật chặt chẽ, nội dung rộng lớn nhưng hàm súc và cô đọng chỉ trong 28 chữ thì Nhật Bản lại nổi tiếng với thơ Hai cư chỉ gồm 17 âm tiết, rồi vì tiếng Nhật đa âm tiết, thế nên thành ra cả bài thơ chỉ vỏn vẹn có mấy từ. Thơ Hai cư không ham kể tả nhiều mà giống như thơ Đường, chỉ tập trung vào một phong cảnh hoặc sự vật nhất định, rồi chấm phá gợi ra những cảm xúc suy tư. Có thể nói thơ Hai cư tựa như những bức tranh thủy mặc tuy đơn giản nhưng có sức gợi mạnh mẽ, mang đậm tinh thần Thiền tông và thấm đẫm nền văn hóa phương Đông. Trong thơ Hai cư con người và vạn vật luôn nằm trong các mối quan hệ chặt chẽ khăng khít, các hiện tượng tự nhiên luôn có sự chuyển hóa với các phạm trù tương phản như “vũ trụ – con người, vô hạn – hữu hạn, không gian – thời gian, hữu hình – vô hình, có – không, đen – trắng, tĩnh – động, tối – sáng, nhất thời – vĩnh hằng…”. Bên cạnh đó về mặt cảm thức thẩm mỹ thơ Hai cư đề cao những cái Nhẹ nhàng, Vắng lặng, Đơn sơ, U huyền, Mềm mại,… Để làm rõ các đặc điểm độc đáo trên của thể thơ này chúng ta cần đi vào tìm hiểu, phân tích một số bài thơ Hai cư của Ba-sô để nhận định rõ hơn.

Như đã giới thiệu ở trên có thể thấy rằng cả tám bài thơ được in trong sách giáo khoa đều có một đặc điểm chung ấy là tính chất tương phản có trong từng bài thơ bao gồm sự tương phản giữa “vũ trụ – con người, vô hạn – hữu hạn, không gian – thời gian, hữu hình – vô hình, có – không, đen – trắng, tĩnh – động, tối – sáng, nhất thời – vĩnh hằng…”. Sự tương phản, đối lập độc đáo này chính là nét rất riêng của thơ Hai cư, góp phần chính là nổi bật và gợi ra những cảm xúc mà tác giả đã gửi gắm trong thơ. Thêm vài đó đọc thơ Hai cư thì ai cũng có thể đọc, nhưng để hiểu thì độc giả cần có vốn hiểu biết sâu rộng về hoàn cảnh sáng tác bài thơ, cùng với một tâm hồn khoáng đạt, giàu sức liên tưởng, từ đôi câu chữ mà có thể thấm nhuần được cái cảm xúc mà tác giả muốn hướng tới. So với Đường thi, Hai cư cũng là một thể thơ đã đạt đến đỉnh cao của sự hàm súc, dẫu rằng có vài chỗ vẫn không thể so được, bởi thơ Đường có tầm bao quát rộng lớn hơn hẳn.

Quê của Ba-sô vốn ở Mi-ê, sau này ông rời quê đến sống ở kinh đô Ê-đô (Ky-ô-tô ngày nay), mãi đến mười năm sau mới có dịp quay trở về quê cũ. Sau khi trở về cố hương tác giả đã lần nữa nhìn nhận lại cuộc đời mình, nhìn nhận lại những gì được mất trong những năm tháng đi xa, rồi chợt tác giả phát hiện dường như Ê-đô nay đã trở thành quê hương thứ hai của mình.

“Đất khách mười mùa sương
Về thăm quê ngoảnh lại
Ê-đô là cố hương”

Sau nhiều năm xa quê, tuổi đời ngày một lớn dần, đứng giữa hai không gian, hai khoảng thời gian khác nhau, giữa đất khách Ê-đô và vùng cố hương Mi-ê, giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái bất tận của thời gian không gian, rồi nhìn lại cái hữu hạn của đời người, chẳng mấy chốc mà tóc đã điểm bạc. Ba-sô bỗng chợt nhận ra rằng bất kể nơi nào mình từng gắn bó, từng có một quãng thời gian sinh sống và trải nghiệm cũng đều vô cùng quý giá, con người cần biết trân trọng nó hơn. Ông dõi mắt ngắm Mi-ê vốn tưởng thân thuộc yêu thương, nhưng cõi lòng lại hướng về Ê-đô tha thiết, giống như Chế Lan Viên đã từng viết trong Tiếng hát con tàu rằng: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Như vậy trước cái rộng lớn bao la của không gian, thời gian Ba-sô đã gói lại lòng mình một triết lý, một quy luật nhân sinh sâu sắc về diễn biến tình cảm của con người, chỉ cần gắn bó với bất cứ nơi nào thì nghiễm nhiên rằng nơi ấy đã trở thành “cố hương” trong lòng ta. Trong bài thơ này cũng xuất hiện một nét đặc trưng khác của thơ Hai cư ấy là “quý ngữ”, tức là từ chỉ mùa, xác định thời điểm trong thơ. Đó là từ “mùa sương”, không rõ ràng mùa sương ở Nhật Bản có khác gì so với Việt Nam hay không nhưng thiết nghĩ rằng nó là chỉ khoảng thời gian giữa mùa đông và mùa xuân. Tác giả nói “mười mùa sương” thì có nghĩa là 10 năm trời đã qua đi, nhìn chung thì cụm này khá dễ hiểu, đôi lúc ta cũng có thể tưởng tượng rằng tác giả đang ngầm nói đến tuổi tác của mình, mùa đông tức là ám chỉ người đã già.

Đó là nhân buổi về quê mà làm thơ, rồi cũng có khi tác giả ghé chân qua một khu rừng thì bỗng nghe tiếng khóc của trẻ con, tiếng khóc của đứa trẻ bị cha mẹ bỏ vào rừng vì quá nghèo đói không thể nuôi được con, ông cũng có những xúc cảm nhất định để viết nên bài thơ.

“Tiếng vượn hú não nề
Hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc
Gió mùa thu tái tê”

Đôi tai của nhà thơ nghe thấy tiếng vượn hú buồn thảm “não nề”, thì trong lòng ông lại có những chuyển biến, những suy vi về cuộc sống của con người Nhật Bản thời buổi đó. Sự nghèo đói, sự khó khăn khiến họ đang tâm đem bỏ con vào rừng, điều ấy khiến nhà thơ nghe tiếng vượn mà ngỡ tiếng trẻ con, bởi hễ nhìn thấy khu rừng (bối cảnh tĩnh), kết hợp với cái động của tiếng vượn hú thì dễ dàng liên tưởng đến những kiếp nhân sinh ngắn ngủi bị bỏ rơi. Qúy ngữ “mùa thu”, cùng tiếng vượn hú, tiếng trẻ con đã đem đến một bức tranh buồn bã, “tê tái” cả lòng người, bởi mùa thu vốn đã buồn, gió mùa thu vốn đã lạnh lẽo, lại càng khiến người ta có nhiều trầm ngâm và suy tư về cuộc đời hơn cả.

Hoặc khi ngắm mùa xuân đến, hoa đào rơi lả tả nhà thơ lại có những xúc cảm mới mẻ để viết nên một bài thơ Hai cư độc đáo, nằm trong sự tương phản đối lập đặc trưng của thể thơ này.

“Từ bốn phương trời xa
Cánh hoa đào lả tả
Gợn sóng hồ Bi-oa”

Qúy ngữ trong bài thơ này không rõ ràng như hai bài trên mà nó ẩn dưới cụm “cánh hoa đào”. Vậy lúc nào thì hoa đảo nở rộ, rõ ràng là chỉ có mùa xuân mới có cái cảnh hoa đào rơi lả tả ấy. Sức gợi của bài thơ còn nằm ở sự đối lập tương phản giữa một không gian rộng lớn, bao la “bốn phương trời xa”, với những cái mỏng manh và nhỏ bé là “cánh hoa đào”, hay cái hữu hạn, tầm thường trong cuộc sống là mặt hồ gợn sóng. Ngoài ra bút pháp nghệ thuật trong bài còn nằm ở sự tương quan giữa động và tĩnh, trong một không gian rộng lớn như vậy mà tác giả nghe được cánh hoa đào rơi “lả tả”, nghe được cái gợn sóng tí ti của mặt hồ, thì hẳn rằng đó phải là một không gian vô cùng tĩnh lặng, và hồn người rõ ràng càng phải thanh tịnh, trong sáng đủ để cảm nhận được sự chuyển hóa của mùa xuân, của thiên nhiên như vậy. Bút pháp lấy động tả tĩnh, mang hơi hướng Thiền tông này có lẽ có nhiều nét tương đồng với Vương Duy, một nhà thơ nổi tiếng thời Thịnh Đường của Trung Quốc.

Chung quy lại thơ Hai cư bao gồm ba đặc trưng chính, thứ nhất là phản ánh mối quan hệ tương phản giữa các sự vật hiện tượng trong trời đất, chúng vừa đối lập, nhưng cũng lại hỗ trợ lẫn nhau, để làm nên sự hài hòa của tạo hóa. Thứ hai đó là nghệ thuật chấm phá, chỉ gợi chứ không tả, tạo ra cho độc giả những khoảng trống lớn trong thơ, để được tự do tưởng tượng, suy diễn. Thứ ba đó chính là tính chất Thiền định, hơi hướng nhân đạo nhân văn, hướng con người về những triết lý sâu sắc, những bài học quý giá trong cuộc đời thông qua các cảm thức thẩm mỹ về sự Nhẹ Nhàng, Vắng lặng, Đơn sơ, U huyền, Mềm mại,…

———————HẾT———————-

Hai cư là thể thơ truyền thống của Nhật Bản mà đỉnh cao của thơ hai cư là Ba-sô. Tìm hiểu chi tiết về một số tác phẩm của Ba-sô, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 10 khác như: Soạn bài Thơ Hai-cư,  Khái quát đặc sắc về nội dung và nghệ thuật Thơ Hai-cư, Phân tích bài thơ Hai-cư của Ba-sô đã được Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá giới thiệu và đăng tải.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/binh-giang-mot-vai-bai-tho-hai-cu/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button