Giáo dục

Bình luận về câu tục ngữ Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều

Đề bài: Bình luận về câu tục ngữ Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều

binh luan ve cau tuc ngu ngoc vo cung quy gia nhung ngoc tam hon con quy gia hon nhieu

Bạn đang xem bài: Bình luận về câu tục ngữ Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều

 

Phần 1: Dàn ý bình luận về câu tục ngữ Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều

Xem chi tiết Dàn ý Bình luận về câu tục ngữ Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều tại đây

 

Phần 2: Bài văn mẫu Bình luận về câu tục ngữ Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều

Bài làm:

Trong cuộc sống hiện đại, khi xã hội phát triển mạnh mẽ, con người dần chạy theo những giá trị vật chất phù phiếm, coi đó là lẽ sống là lý tưởng, để rồi họ quên mất những giá trị tinh thần đẹp đẽ, quên đi việc nuôi dưỡng tâm hồn mình, con người ta dần trở nên lạnh nhạt, vô cảm, thiếu mất đi cái chất nhân văn, hướng thiện bản ngã. Nhưng mấy ai hiểu được những thứ vật chất xa xỉ đến đâu cũng chỉ là lớp vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài, cũng chẳng thể che giấu được bản chất bên trong, có câu tục ngữ “Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn”, hơn tất cả, chẳng có thứ gì có thể so sánh được với vẻ đẹp tâm hồn bất tận.

Hẳn ai cũng biết và nhận định rằng ngọc là một thứ vô cùng quý giá, rất được vua chúa, quý tộc thời xưa ưa dùng, cho đến ngày hôm nay ngọc lại càng hiếm hơn nữa, chẳng dễ gì mà khai thác được một khối ngọc đẹp. Rồi từ đó chế tác ra biết bao thứ trang sức tinh xảo hoa lệ, mà biết bao người ao ước sở hữu. Câu tục ngữ “Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn” ví tâm hồn con người cũng như một viên ngọc vậy, thậm chí viên ngọc ấy còn quý giá hơn cả thứ ngọc cao sang, đắt đỏ kia. Hẳn ông cha ta trước khi truyền lại câu nói thâm thúy này đã phải suy nghĩ và chiêm nghiệm rất nhiều, để kết luận rằng tâm hồn con người là thứ ngọc vô giá, chẳng có một loại châu báu nào sánh bằng.

Vậy tâm hồn là gì? Theo tôi hiểu, thì tâm hồn là những giá trị nội tại bên trong của con người, bao gồm những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, cách đối nhân xử thế cùng nhiều giá trị đạo đức, nghĩa lý khác. Chúng được hình thành nhờ sự giáo dục từ khi con người ta bắt đầu có nhận thức, chịu ảnh hưởng nhiều tác động bên ngoài, như tình cảm gia đình, bạn bè, môi trường sống,… Mà hình thành nên một thế giới nội tâm vô cùng phong phú và phức tạp, cho đến hiện tại vẫn chưa có một nhà khoa học nào có thể giải thích về thế giới tâm hồn của con người, mà chỉ có thể đưa ra những lý luận sơ bộ.

Để nói một cách dễ hiểu thì nhân cách và đạo đức chính là biểu hiện rõ ràng nhất của tâm hồn, một con người có nhân phẩm, tư cách đạo đức tốt, thì hẳn phải có một tâm hồn cao đẹp, một tâm hồn đã được nuôi dưỡng trong một môi trường tốt, được nhận đầy đủ tình cảm yêu thương. Và ngược lại người có tâm hồn đen tối, lệch lạc thì những biểu hiện ra ngoài của họ thông qua cách hành xử đều có thể thấy rõ ràng, dù họ có cố gắng che giấu bằng những lời nói hoa mỹ, bằng vẻ ngoài xinh đẹp thì những thứ lệch lạc trong tâm hồn vẫn toát lên qua từng hành động, chỉ cần một chút tinh ý là ta đã có thể nhận ra.

Có thể nói, tâm hồn chính là hòn ngọc vô giá của con người, ta tưởng như đó chính là “nội đan”, là căn cơ để con có thể sống và hạnh phúc trong thế giới này. Có người nói, những người có tâm hồn nhàm chán, khô khan, thậm chí là một tâm hồn vô cùng ích kỷ nhưng vẫn sống rất tốt. Vậy có lẽ các bạn đã lầm tưởng, ý tôi ở đây là sống chứ không phải tồn tại, con người ta khi sống cần hướng lòng mình về những giá trị cao đẹp, hướng thiện và nhân văn để cuộc sống có thêm màu sắc. Một con người luôn luôn có tấm lòng bao dung, nhân hậu hẳn được mọi người quý trọng và tin tưởng, cuộc sống có mục đích tốt đẹp luôn khiến con người ta hạnh phúc và tránh xa khỏi những suy nghĩ tiêu cực, đen tối và tuyệt vọng. Có được điều đó hay không, tất cả là dựa vào hòn ngọc tâm hồn của bạn liệu có đủ đẹp, đủ sáng hay không. Còn những con người coi thường giá trị và ý nghĩa của vẻ đẹp tâm hồn thì thường sống trong những suy nghĩ tiêu cực, ích kỷ, không biết cảm thông chia sẻ, dần dà họ lâm vào bế tắc, stress thậm chí có những hành động điên cuồng, đó là một sai lầm nghiêm trọng khi không chịu chú ý đến vẻ đẹp tâm hồn nội tại, chú ý đến cái gọi là “nguyên khí” mà chỉ chăm chăm tìm kiếm những thứ vật chất xa vời, vô bổ.

Từ một số những nhận định trên, có thể thấy ngọc tâm hồn vô cùng quan trọng và quý giá đối với mỗi một con người, chúng ta cần phải nuôi dưỡng và chăm sóc nó mỗi ngày, để nó ngày một tươi sáng và đẹp đẽ hơn, dù đó là thứ ngọc vô hình vô dạng. Vậy chăm sóc như thế nào là đúng? Người ta thường nói tâm hồn trẻ thơ như một tờ giấy trắng, vẽ gì trên đó cũng thành hình, thành nét khó mà có thể vãn hồi, vậy nên các bậc cha mẹ cần hết sức cẩn thận và lưu ý trong cách giáo dục và yêu thương con cái của mình, chớ nên làm tổn hại tinh thần trẻ thơ, bởi chúng vô cùng, vô cùng nhạy cảm. Khi trẻ lớn hơn một chút thì nên lựa chọn cho chúng những cuốn sách hay, dạy chúng cách chọn bạn, cách đối nhân xử thế và quan trọng nhất cha mẹ phải là tấm gương sáng mẫu mực cho chúng noi theo. Với những người đã trưởng thành, việc chăm sóc và liên tục bồi dưỡng tâm hồn mình cũng vô cùng quan trọng, bởi tâm hồn là thứ dễ bị tác động vấy bẩn, thế nên chúng ta cần định hướng một con đường sạch đẹp để dẫn lối tâm hồn. Siêng năng đọc sách, tìm tòi những giá trị nhân văn, nhân bản trong cuộc sống là một giải pháp cực kỳ hữu hiệu. Hơn thế nữa, tìm tòi những giá trị tốt đẹp từ những người bạn, người thầy cũng là một điều hay. Hãy nhớ hướng thiện, bác ái là nguồn nước ngọt nuôi dưỡng tâm hồn tuyệt vời nhất, đừng để cho viên ngọc vốn xinh đẹp lại bị mờ ố bởi những suy nghĩ tiêu cực, hành vi xấu xa làm tổn hại tâm hồn và nhân cách.

Qua đó, tôi cũng hết sức khuyên bảo và động viên mọi người chớ nên nhìn vào vẻ bề ngoài của một con người để đánh giá họ, mặc dù chúng cũng phản ánh ít nhiều. Nhưng trên cả, chúng ta đừng vội phán xét bất kỳ ai khi chưa nhìn thấy tâm hồn của họ, bởi thường những thứ tuyệt diệu lại hay có cái vỏ không mấy đẹp đẽ, hút mắt người xem. Bởi đơn giản họ quan trọng và bồi dưỡng những giá trị nội tại nhiều hơn cả, mà chỉ khi bạn thực sự chân thành và tinh tế mới khám phá được. Điều đó cũng đúng khi nói về những con người có vẻ trầm lặng, hướng nội, thực tế họ chẳng sợ điều gì, chỉ đơn giản rằng họ muốn lặng lẽ quan sát thế giới, muốn nuôi dưỡng viên ngọc tâm hồn với một tư thế thong dong, thay vì xông pha náo nhiệt.

Tựu chung lại, mỗi một con người từ khi sinh ra đã được Thượng đế cho một “hạt cát tâm hồn”, nhiệm vụ của chúng ta suốt cả cuộc đời đó chính là làm con trai nuôi dưỡng hạt ngọc ấy. Ngọc có đẹp hay không, là chính nhờ vào công sức, chăm nuôi của chính chúng ta, gia đình và xã hội. Loại ngọc ấy, chẳng có bất kỳ thứ châu báu nào sánh được, cũng chẳng có ai có thể dùng tiền để mua được, bởi nó là thứ vô giá, là vật báu của thế gian, là căn nguyên phát triển của con người, chớ dại mà tìm cách phá hủy.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/binh-luan-ve-cau-tuc-ngu-ngoc-vo-cung-quy-gia-nhung-ngoc-tam-hon-con-quy-gia-hon-nhieu/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button