Đề bài: Bình luận về ý kiến: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn
Bạn đang xem bài: Bình luận về ý kiến: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn
I. Dàn ý Bình luận về ý kiến: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn
1. Mở bài
Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn.
2. Thân bài
– Cắt nghĩa câu nói:
+ Tai là bộ phận giúp con người tiếp thu những âm thanh, giúp con người tiếp nhận những thông tin từ thế giới bên ngoài.
+ Miệng là bộ phận phát ra âm thanh, là phương tiện để con người truyền đạt những thông tin, tình cảm ra thế giới bên ngoài.
-> Lí giải ý nghĩa câu nói: Câu nói của Đê-nông là lời khuyên chân thành, sâu sắc về cách con người ứng xử với nhau trong cuộc sống.
– Vì sao cần nghe nhiều hơn?
+ Nghe nhiều để thấu hiểu, đồng cảm, mở rộng vốn hiểu biết
+ Nắm bắt được những thông tin cần thiết, thấu hiểu được mọi lẽ; hiểu bản chất của vấn đề -> Có cách đối phó, cư xử phù hợp.
+ Mở rộng: Việc lắng nghe chỉ thực sự có ý nghĩa nếu con người thực sự chú tâm vào những thông tin mình tiếp nhận
– Vì sao cần nói ít hơn”?
+ Nói nhiều hơn để thỏa mãn những nhu cầu tức thời của bản thân mà không đủ kiên nhẫn để lắng nghe, thấu hiểu.
+ Khi nói quá nhiều các giác quan của con người sẽ bị phân tán, việc nghe cũng sẽ bị hạn chế, kết quả là chính chúng ta là người “phong bế” khả năng tiếp nhận thông tin.
+ Nếu con người chỉ biết thao thao bất tuyệt nói ra những suy nghĩ chủ quan của bản thân mà không thực sự hiểu được bản chất của vấn đề thì lời nói ấy dễ trở thành những lời võ đoán.
+ Khi nói nhiều, nghe ít con người cũng tự đánh mất cơ hội mở rộng kiến thức, hiểu biết về con người và cuộc sống xung quanh.
3. Kết bài
Khái quát lại giá trị của câu nói
II. Bài văn mẫu Bình luận về ý kiến: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn
Nếu cuộc sống là một hành trình đầy thử thách thì con người chính là những người lữ khách khát khao làm chủ, chinh phục hành trình ấy. Để có thể làm được điều ấy con người ngày nay vẫn cần không ngừng hoàn thiện bản thân, nâng cao vốn hiểu biết cũng như tôi rèn bản lĩnh sống. Bàn về nghệ thuật sống, nghệ thuật ứng xử trong cuộc sống, nhà triết học nổi tiếng Hi Lạp cổ Đê Nông đã từng nói: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều và nói ít hơn.
Câu nói của Đê-nông là lời khuyên chân thành, sâu sắc về cách con người ứng xử với nhau trong cuộc sống. Cuộc sống của con người sẽ thực sự có ý nghĩa nếu con người biết lắng nghe để đồng cảm, thấu hiểu hơn là nói là những điều vô nghĩa, không thấu đáo để thỏa mãn những nhu cầu ích kỉ của bản thân.
Tai mà miệng đều là những bộ phận trên cơ thể con người giúp con người lĩnh hội và trao đổi thông tin. Trong đó tai là bộ phận giúp con người tiếp thu những âm thanh, giúp con người tiếp nhận những thông tin từ thế giới bên ngoài. Nếu tai là nơi tiếp nhận thì miệng chính là bộ phận phát ra âm thanh, là phương tiện để con người truyền đạt những thông tin, tình cảm ra thế giới bên ngoài. Trong câu nói của nhà triết học Đê nông, ông có nhắc đến hai tai và một miệng, đây chính là cấu tạo tự nhiên của các bộ phận trên cơ thể người, tuy nhiên hiểu một cách sâu xa hơn, thông qua cấu tạo ngỡ như không thể tự nhiên, bình thường hơn ấy, nhà triết học đã truyền tải được một quan niệm sâu sắc về nghệ thuật ứng xử của con người: Để sống khiêm tốn, thấu đáo con người cần nghe nhiều hơn và nói ít hơn.
Nghe và nói đều là những hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, thiếu đi những bộ phận giác quan này con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp, hòa nhập với những mối quan hệ cũng như thế giới. Trước hết, vai trò của việc nghe chính là lĩnh hội thông tin, thông qua việc tiếp nhận, ghi nhớ những âm thanh, con người sẽ có thêm những kiến thức, hiểu biết biết. Khi đã nắm bắt được những thông tin cần thiết, thấu hiểu được mọi lẽ con người không chỉ tự hoàn thiện, nâng cao vốn hiểu biết, tôi rèn cho trí tuệ của bản thân mà qua đó còn hiểu được bản chất phức tạp, đa dạng của cuộc sống, từ đó có cách đối phó, chinh phục thích đáng.
Việc lắng nghe chỉ thực sự có ý nghĩa nếu con người thực sự chú tâm vào những thông tin mình tiếp nhận, mặt khác cùng với việc lắng nghe con người cần kết hợp với việc đánh giá, phân tích một cách thấu đáo để hiểu toàn diện, chi tiết về một vấn đề, hiện tượng nào đó. Lắng nghe mà không có chủ kiến, không biết chọn lọc đánh giá thì việc lắng nghe ấy cũng trở nên vô ích. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ đến câu chuyện cười Treo biển, người đàn ông trong câu chuyện là một người biết lắng nghe, biết tôn trọng những lời góp ý của người đi đường, đây vốn là điều nên làm, thế nhưng anh ta chỉ biết lắng nghe một chiều và làm theo một cách máy móc mà không hề có chủ kiến và những đánh giá riêng nên mới tạo nên câu chuyện dở khóc dở cười.
Nói là biểu hiện của nhu cầu bộc lộ tình cảm, quan điểm của bản thân đến những người đối diện, qua đó giúp gắn kết những mối quan hệ, giúp con người thấu hiểu lẫn nhau. Khác với việc nghe để lĩnh hội, nói không chỉ truyền tải thông tin, bộc lộ tình cảm mà nó có thể thay đổi nhận thức, tác động đến tâm lí, tư tưởng của người khác. Nói là hành động giao tiếp không thể thiếu, tuy nhiên nó chỉ thực sự cần thiết và có ý nghĩa khi con người dùng nó để bộc lộ những quan điểm, ý kiến cá nhân. Trong rất nhiều trường hợp khác, khi con người nói trong trạng thái nóng giận, mất bình tĩnh hay nói khi chưa thực sự tỏ tường, thấu đáo mà nói theo cảm nhận chủ quan, phán xét một chiều của bản thân thì lời nói ấy cũng có thể trở thành thứ vũ khí vô hình làm người khác tổn thương, là một trong những nguyên nhân gây rạn nứt những mối quan hệ vốn tốt đẹp.
Việc lắng nghe đòi hỏi sự trung và cả sự kiên nhẫn trong khi đó lời nói bất cứ lúc nào cũng có thể thốt ra một cách dễ dàng, cũng có lẽ vì vậy mà người ta thường nói nhiều hơn để thỏa mãn những nhu cầu tức thời của bản thân mà không đủ kiên nhẫn để lắng nghe, thấu hiểu. Khi nói quá nhiều các giác quan của con người sẽ bị phân tán, việc nghe cũng sẽ bị hạn chế, kết quả là chính chúng ta là người “phong bế” khả năng tiếp nhận thông tin, làm cho quá trình giao lưu đa chiều bị cản trở.
Nếu con người chỉ biết thao thao bất tuyệt nói ra những suy nghĩ chủ quan của bản thân mà không thực sự hiểu được bản chất của vấn đề thì lời nói ấy dễ trở thành những lời võ đoán, thậm chí những lời nói thiếu chọn lọc còn có thể làm tổn thương đến những người đang giao tiếp với mình.
Khi nói nhiều, nghe ít con người cũng tự đánh mất cơ hội mở rộng kiến thức, hiểu biết về con người và cuộc sống xung quanh. Con người ấy sẽ dần trở nên ích kỉ trong chính những mối quan hệ của mình và tụt hậu với sự phát triển của xã hội.
Như vậy, để hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực, trong cuộc sống và trong những mối quan hệ cá nhân, con người cần học cách lắng nghe để thấu hiểu, để đồng cảm. Khi biết lắng nghe con người cũng sẽ có cách nhìn nhận, đánh giá mọi việc trở nên thấu đáo, toàn diện hơn, như vậy lời nói khi nói ra cũng có giá trị và trở nên ý nghĩa hơn.
Cùng với nội dung bài Bình luận về ý kiến: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn, các em học sinh có thể tự củng cố kiến thức và kĩ năng viết bài của mình thông qua việc tham khảo một số bài văn hay lớp 11 khác như: Bình luận ý kiến sau: Tình bạn chân chính là viên ngọc quý, Bình luận về ý kiến: Đọc sách không cần nhiều, quan trọng nhất là đọc cho tinh, chọn cho kĩ, Bình luận ý kiến sau: Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người, Bình luận ý thơ sau: Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông.
Bản quyền bài viết thuộc trường Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Tmdl.edu.vn (tmdl.edu.vn)
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục