Giáo dục

Cảm nghĩ của em về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan

Đề bài: Cảm nghĩ của em về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan

cam nghi cua em ve bai tho qua deo ngang cua ba huyen thanh quan

Cảm nghĩ của em về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan
 

I. Dàn ý Cảm nghĩ của em về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Giữa hằng hà sa số những bậc quân tử hảo hán băn khoăn, trăn trở về việc nước, bà Huyện Thanh Quan mang một hồn thơ man mác buồn thương.
+ “Qua đèo Ngang” là tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, viết về khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình cùng tâm trạng nuối tiếc, cô đơn khi một mình đơn độc giữa đất trời.

2. Thân bài

– Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật
– Hai câu thơ đầu:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

+ Khung cảnh, không gian, thời gian: Buổi chiều: gợi nỗi buồn man mác nao lòng…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nghĩ của em về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Cảm nghĩ của em về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (Chuẩn)

Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nữ sĩ tài năng bậc nhất trong nền văn học trung đại Việt Nam. Giữa hằng hà sa số những bậc quân tử hảo hán băn khoăn, trăn trở về việc nước, thơ của bà mang một hồn thơ man mác buồn thương. “Qua đèo Ngang” là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp văn học của nữ thi sĩ, viết về khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình cùng tâm trạng nuối tiếc, cô đơn khi một mình đơn độc giữa đất trời rộng lớn.

Lựa chọn thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật thịnh hành thời bấy giờ cùng hệ thống niêm luật, gieo vần điệu quy củ, nghiêm tắc, bài thơ vừa nói lên tiếng lòng của người lữ khách khi bước tới vãn cảnh đèo Ngang. Bài thơ đã để lại tiếng vang lớn, đưa tên tuổi của bà Huyện Thanh Quan lên một tầm cao mới trong làng văn học đương thời

Mở đầu bài thơ, tác giả bao quát khung cảnh thiên nhiên bao la, rộng lớn:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lựa chọn khung cảnh kì vĩ, lấy điểm nhìn từ trên cao, thời gian là khi “bóng xế tà”, buổi chiều buồn thường gợi cho con người cảm giác cô độc, buồn thương. Một buổi chiều hoàng hôn hiu hắt, bước chân lữ khách “bước tới đèo Ngang”, một sự tình cờ tự nhiên, hòa hợp giữa người và cảnh. Đứng giữa sự rộng lớn của đất trời, một mình đứng trên đèo cao nhìn xuống, xung quanh chỉ có cỏ cây. Động từ “chen” cùng nghệ thuật liệt kê “cỏ”, “cây”, “đá”, “hoa” càng nhấn mạnh sự rậm rạp, hoang sơ của thiên nhiên. Người đọc hình dung ra bức tranh hoàng hôn bóng xế, một ngày sắp tàn lụi, trên đỉnh đèo thoai thoải, dưới chân là đá, là hoa, là cỏ cây, một bóng hình lẻ loi, đơn độc trầm ngâm suy tư, nghĩ ngợi. Cái nhỏ bé của con người khiến người ta cảm thấy rợn ngợp trước sự vĩ đại của thiên nhiên.

Nếu hai câu thơ đầu tác giả khắc họa khung cảnh sống động, hài hòa thì ở hai câu thơ sau, hình ảnh con người xuất hiện nhưng lại mang nét thưa thớt, ít ỏi:

Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Sự xuất hiện của con người càng làm tăng thêm cái hiu hắt, cô quạnh của khung cảnh. Biện pháp đảo ngữ “tiều vài chú”, “chợ mấy nhà” kết hợp cùng các tính từ ‘lom khom”, “lác đác”, so với sự hùng vị, choáng ngợp của đèo Ngang quả là sự đối lập rõ rệt. Cũng có bóng người đấy, nhưng chỉ là những hình bóng lưa thưa, heo hắt bên kia bờ sông. Sự u tịch của buổi chiều bao trùm lên vạn vật, không gian nhuốm màu buồn thương da diết đến lặng người.

Mượn cảnh tả tình, bà Huyện Thanh Quan mượn tiếng kêu của những loài chim để khéo léo lồng ghép nỗi u hoài, nhớ thương về giang sơn đất nước:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Nghệ thuật chơi chữ, con chim cuốc được biến thể thành từ đồng âm “quốc quốc”, chim đa đa trở thành “gia gia”. Quốc là đất nước, gia là gia đình, đứng trước cảnh tượng tiêu điều trong chiều hoàng hôn đang dần phai, nữ thi sĩ lại canh cánh nỗi nhớ thương đau lòng với tổ quốc, với quê hương. Đứng trên chính mảnh đất quê cha đất tổ của mình nhưng lại một lòng hướng về đất nước, phải chăng, cái mà nhà thơ nhung nhớ là những tháng ngày trù phú, sầm uất, là khung cảnh người đi lại tấp nập, huyên náo. Nỗi buồn gieo cả vào lòng người, mà “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nỗi buồn héo hon chứa đựng cả con người, cả cảnh vật nơi đây.

Trước không gian bao la, bát ngát của “đệ nhất hùng quan”, lòng người thi sĩ dường như có sự vương vấn, lưu luyến không muốn rời:

Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta

Bước chân lữ khách tìm đến đèo Ngang, cảnh đèo Ngang, sắc đèo Ngang khiến lòng người thi sĩ say đắm, chẳng muốn bước đi. Trời, non, nước, cảnh tượng thiên nhiên hài hòa, tráng lệ, để tơ lòng của tâm hồn nhạy cảm chỉ còn là “một mảnh tình riêng”. Ba tiếng “ta với ta” vang lên đầy quạnh hiu, một nỗi cô đơn thầm kín, cô đơn giữa cảnh tượng quá đỗi ngút ngàn, cô đơn giữa chính quê hương, đất nước. Mảnh tình riêng đây chính là nỗi u sầu, hoài niệm, nỗi lòng yêu kính của một nhân tài, một người con hiến mình cho tổ quốc.

Viết bằng thể thơ Đường luật với những niêm luật chặt chẽ, bài bản, nhưng “Qua đèo ngang” lại không gò bó, ép buộc. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận được sự công phu của tác giả khi lựa chọn những câu từ tả cảnh, tả tình đắt giá. Cảnh sắc tuyệt đẹp của đèo Ngang, nỗi buồn day dứt của một người có học thức và tấm chân tình, nghĩ tới nước nhà, giang sơn đã được bà Huyện Thanh Quan gói gọn trong vỏn vẹn tám câu thơ để đời.

——————HẾT——————–

Để bổ sung kiến thức hỗ trợ cho quá trình học tập, tìm hiểu bài thơ Qua đèo Ngang, bên cạnh bài Cảm nghĩ của em về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, các em có thể tìm đọc thêm nhiều bài văn đặc sắc như: Cảnh sắc thiên nhiên đèo Ngang và tâm trạng của người lữ khách xa quê qua bài thơ Qua đèo Ngang.Cảm nhận bài thơ Qua đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan, Phân tích bài thơ Qua đèo ngang- Bà huyện thanh quan, Vẻ đẹp cổ điển trong bài thơ Qua Đèo Ngang và Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/cam-nghi-cua-em-ve-bai-tho-qua-deo-ngang-cua-ba-huyen-thanh-quan/

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button