Đề bài: Cảm nghĩ về một bài ca dao mà anh (chị) yêu thích
Bạn đang xem bài: Cảm nghĩ về một bài ca dao mà anh (chị) yêu thích
Bài mẫu Cảm nghĩ về một bài ca dao mà anh (chị) yêu thích
I. Dàn ý Cảm nghĩ về một bài ca dao mà anh (chị) yêu thích
1. Mở bài:
– Trong những bài ca dao – dân ca nói về tình yêu nam nữ, người xưa thường ca ngợi sự gắn bó, thuỷ chung vì đó là nền tảng vững chắc của hôn nhân.
– Bài ca dao: Đố ai … là một ví dụ điển hình.
2. Thân bài:
* Cảm nghĩ của bản thân trước bài ca dao trên:
– Về hình thức, nó giống như kiểu hát đối đáp, giao duyên, thường thấy ở nông thôn xưa trong các dịp hội hè, đình đám…
– Đây là cách bày tỏ tình cảm hồn nhiên, dung dị nhưng giàu ý nghĩa.
– Hai câu đầu là lời thách đố của chàng trai: Đố ai quét sạch lá rừng… thể hiện quyết tâm mạnh mẽ vượt mọi trở ngại trên con đường đến với hôn nhân.
– Hai câu sau vừa là lời thách thức cản trở, vừa bày tỏ lòng chung thuỷ không gì lay chuyển được của chàng trai, có tác dụng động viên rất lớn đối với người yêu.
3. Kết bài:
– Là tiếng nói chân thành của trái tim tha thiết yêu thương nên bài ca dao trên sống mãi với thời gian.
II. Bài văn mẫu Cảm nghĩ về một bài ca dao mà anh (chị) yêu thích
Tục ngữ – ca dao – dân ca là kết tinh đời sống tình cảm của dân tộc Việt Nam từ đời nọ qua đời kia và được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đó chính là mạch nguồn vô tận nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người.
Trong những bài ca dao nói về tình yêu nam nữ, người xưa thường ca ngợi sự gắn bó, thuỷ chung, bởi yếu tố này là nền tảng của tình yêu, của hôn nhân và gia đình. Giữa những ràng buộc, định kiến khắt khe của xã hội phong kiến, nam nữ yêu nhau, muốn đến được với nhau phải vượt qua muôn ngàn gian nan, thử thách. Họ đã mượn ca dao để gửi gắm lòng mình. Bài ca dao dưới đây là một ví dụ tiêu biểu:
Đố ai quét sạch lá rừng,
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
Rung cây, rung cội, rung cành,
Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng.
Ta hãy tưởng tượng ra một cuộc hát đối đáp giữa bên nam và bên nữ ở chốn thôn quê trong những dịp hội hè, đình đám. Hình thức hát đối đáp rất quen thuộc được coi là cách bày tỏ tình cảm vừa hồn nhiên, dung dị, vừa giàu ý nghĩa. Mấy cô thanh nữ xinh tươi, duyên dáng là đối tượng để các chàng trai muốn kết thân. Còn gì hay hơn, tế nhị hơn những lời ca ngọt ngào, du dương dễ lay động trái tim đa cảm đang khao khát yêu thương. Cách nói cường điệu trong hai câu ca dao đầu đã hé lộ quyết tâm của chàng trai:
Đố ai quét sạch lá rừng,
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
Chàng trai đã đưa ra điều kiện mà không ai và không bao giờ có thể thực hiện được là chuyện quét sạch lá rừng. Nó cũng giống như chuyện đếm sao trên trời, đếm cá dưới nước vậy. Câu ca như một lời thách thức tất cả những gì là cản ngại trên con đường đến với tình yêu tự do, đến với người mà mình yêu mến. Ngay cách xưng hô rất tự tin: Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây cũng phản ánh rất rõ bản lĩnh cứng cỏi của chàng trai. Tưởng chừng như thiên nhiên cũng phải chiều theo ý muốn của con người. Hai câu ca dao tiếp theo:
Rung cây, rung cội, rung cành,
Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng.
Vẫn là lời thách thức nhưng ở mức độ cao hơn, quyết liệt hơn. Hình ảnh cơn gió đã mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng cho những thế lực ghê gớm ngăn trở tình yêu như sự cách biệt giai cấp giàu nghèo, sang hèn, quan niệm môn đăng hộ đối, định kiến xã hội, tôn giáo, mâu thuẫn giữa các dòng họ… Không đơn thuần là gió mạnh, có khi là phong ba, bão táp khó vượt qua. Ấy vậy. nhưng khi đã quyết thì những người đang yêu bất chấp tất cả: Ngữ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua.
Nhịp thơ ngắn 2 / 2 / 2, tiết tấu dồn dập kết hợp với điệp từ rung nhắc lại ba lần trong một câu gợi người đọc liên tưởng tới cảnh tượng ghê gớm của những trận cuồng phong dư luận trước các mối tình dám vượt qua ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến. Tuy vậy, đến câu thứ tư, nhịp điệu thơ lại ung dung, bình thản, khẳng định quyết tâm và niềm tin to lớn vào sự chung thuỷ không gì lay chuyển nổi của tình yêu: Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng.
Như vậy, rõ ràng bài ca dao trên là lời nhắn gửi tâm huyết của chàng trai đối với cô gái mà chàng yêu thiết tha, say đắm. Nó giống như ngọn lửa xua tan bóng đen của nỗi e dè, sợ hãi còn vướng vật trong óc, trong tim cô gái và tiếp thêm sức mạnh để cô vững bước trên con đường đã chọn, cho đến đích cuối cùng.
Là tiếng nói chân thành của những trái tim đang yêu tha thiết nên bài ca dao sẽ còn sống mãi với thời gian.
——————–HẾT———————
Bên cạnh Cảm nghĩ về một bài ca dao mà anh (chị) yêu thích các em cần tìm hiểu thêm những bài soạn khác trong Ngữ Văn lớp 8 như Soạn bài Dấu ngoặc đơn và dấu hai chấm hay phần Soạn bài Đề văn thuyết minh và cách làm bài văn thuyết minh nhằm củng cố kiến thức Ngữ Văn lớp 8 của mình.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/cam-nghi-ve-mot-bai-ca-dao-ma-anh-chi-yeu-thich/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục