Giáo dục

Cảm nhận 6 câu thơ đầu đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Đề bài: Cảm nhận 6 câu thơ đầu đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

cam nhan 6 cau tho dau doan trich kieu o lau ngung bich

Bạn đang xem bài: Cảm nhận 6 câu thơ đầu đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Cảm nhận 6 câu thơ đầu đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

I. Dàn ý Cảm nhận 6 câu thơ đầu đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu chung về đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.
– Dẫn dắt vào 6 câu đầu đoạn trích.

2. Thân bài

– Câu thơ đầu đã cho thấy được hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều:
+ “Khóa xuân”: khóa kín tuổi xuân
+ Diễn tả tình cảnh đáng thương của Thúy Kiều khi bị giam lỏng tại lầu Ngưng Bích.

– Thiên nhiên rộng lớn, hoang vắng không một bóng người:
+ Nghệ thuật liệt kê, đối lập tương phản “non xa”, “trăng gần” mở ra không gian rộng lớn, rợn ngợp của thiên nhiên
+ Đảo ngữ “bát ngát”: rộng lớn, mênh mông
→ Con người trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn. Làm nổi bật tâm trạng cô đơn, lạc lõng.
+ “xa trông”: ánh mắt mong đợi, trông chờ
+ Từ trên lầu cao, trông ra xa chẳng thấy nổi một tin lành hay bóng người tâm giao, chỉ thấy những dãy núi mờ xa, mấy bụi hồng hắt hiu, đôi ba cồn cát vàng trên sông
=> Thiên nhiên càng rộng lớn, con người càng cô đơn. Kiều như chơ vơ, trơ trọi giữa không gian mênh mông, một màu hoang vắng đượm trên cảnh vật.

– Tâm trạng đau đớn, xót xa của Thúy Kiều:
+ Thành ngữ “Mây sớm đèn khuya” : Thời gian tuần hoàn, lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa.
+ Tính từ “bẽ bàng” diễn tả nỗi chán ngán, tủi hổ cho thân phận mình của nàng.
+ “như chia tấm lòng”: sự đồng điệu giữa cảnh vật của thiên nhiên và tâm trạng của con người.
→ Cảnh vật như hòa nhập làm một với con người mà mang nỗi u sầu, trống trải, cô đơn.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của 6 câu thơ đầu trích đoạn.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận 6 câu thơ đầu đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là một trong những trích đoạn hay thể hiện rõ tâm trạng cô đơn, buồn tủi và nỗi nhớ thương của Kiều khi lâm vào nghịch cảnh. Trong trích đoạn, sáu câu đầu là bức tranh thiên nhiên mang màu tâm trạng của nhân vật.

“Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”.

Hai từ “Khóa xuân” diễn tả tình cảnh đáng thương của Thúy Kiều khi bị giam lỏng, chôn vùi tuổi xuân tại lầu Ngưng Bích.Tú Bà hứa hẹn với Kiều đủ điều mật ngọt để rồi giam lỏng nàng chốn không người. Còn gì đau đớn hơn khi đang độ sắc xuân, hương xuân, tuổi của những mộng mơ, căng tràn nhựa sống lại phải chịu cảnh giam mình, thiếu tự do. Ba câu thơ tiếp tác giả khắc họa một bức tranh thiên nhiên bát ngát, mênh mông nhưng hiu quạnh, không một bóng người. Các sự vật “non’, “tấm trăng”, “cát vàng”, “bụi hồng”,… kết hợp cùng các tính từ “xa”, “gần”, để diễn tả không gian rộng lớn mà hiu hắt của cảnh vật. Tất cả đều gợi lên nét hoang vắng, buồn bã của thiên nhiên. Biện pháp liệt kê kết hợp với phép đối lập tương phản được sử dụng tài tình đã thành công tái hiện khung cảnh thiên nhiên mênh mông, rợn ngợp nhưng buồn vắng, không một bóng người trước lầu Ngưng Bích.

Thiên nhiên càng rộng lớn, con người càng cô đơn. Kiều như chơ vơ, trơ trọi giữa không gian mênh mông, một màu hoang vắng đượm trên cảnh, một màu buồn thương nhuốm trên thân người. Từ trên lầu cao, trông ra xa chẳng thấy nổi một tin lành hay bóng người tâm giao, chỉ thấy những dãy núi mờ xa, mấy bụi hồng hắt hiu, đôi ba cồn cát vàng trên sông…Dường như, tất thảy mọi điều đều ngoài tầm với, xa vời với thực tại nghiệt ngã nàng đang chịu. Tìm đến mảnh trăng gần bầu bạn, nghĩ chăng Kiều có thể được vơi đi nỗi lòng. Nhưng rồi trăng nào có thấu! Là trăng không hiểu hay lòng người đa mang?

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”.

Không gian buồn thương, thời gian cũng nào dừng lại, sớm khuya, ngày đêm nàng vẫn một mình lẻ bóng. Suốt ngày “thui thủi quê người một thân”nào có ai để bầu bạn, tỏ bày. Nàng chỉ đành làm bạn với đèn khuya, mây sớm trong “bẽ bàng”. Tính từ láy “bẽ bàng” được đặt đầu câu đặc tả nỗi chán ngán, tủi hổ, xót xa cho thân phận mình của Kiều. Thành ngữ “Mây sớm đèn khuya” : Thời gian tuần hoàn, lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa.. Cả thời gian và không gian dường như đang kìm hãm con người, khiến tâm trạng kẻ trong chốn Ngưng Bích nào được chút niềm vui dẫu là ít ỏi. Nàng đang lâm vào bi kịch cô đơn tuyệt đối, nỗi nhớ ngày một thêm dài và nỗi buồn ngày một thêm lớn.

Sáu câu thơ lục bát ngắn gọn đầu đoạn trích đã gợi tả được bức tranh tâm cảnh của Kiều trong những ngày tháng ở lầu Ngưng Bích. Kiều thật đáng thương biết bao! Một người con hiếu thảo, có tấm lòng vị tha ấy đáng ra phải được sống trong hạnh phúc, ấm êm nhưng nàng thật đáng thương biết bao. Phải chăng đúng như câu nói của tác giả “tài hoa bạc mệnh” đã gắn với thân phận Kiều?

——————-HẾT——————-

Bên cạnh bài Cảm nhận 6 câu thơ đầu đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, các em có thể tham khảo thêm những bài văn hay sau đây để củng cố kiến thức về tác phẩm và rèn luyện kĩ năng cảm thụ văn học: Cảm nhận về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích tám câu thơ cuối trong bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/cam-nhan-6-cau-tho-dau-doan-trich-kieu-o-lau-ngung-bich/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button