Đề bài: Cảm nhận đoạn 3 Phú sông Bạch Đằng
Bạn đang xem bài: Cảm nhận đoạn 3 Phú sông Bạch Đằng
Cảm nhận đoạn 3 Phú sông Bạch Đằng
I. Dàn ý Cảm nhận đoạn 3 Phú sông Bạch Đằng (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu về bài Phú sông Bạch Đằng.
– Dẫn dắt vào đoạn 3 tác phẩm.
2. Thân bài
Suy ngẫm và bình luận của các bô lão về chiến công xưa:
a. Nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của ta với địch
– Thiên thời: “Từ vũ trụ đã có giang san”: thuận ý trời, phù hợp với quy luật khách quan.
– Địa lợi: “đất trời cho nơi hiểm trở”: Bạch Đằng giang, với địa hình thuận lợi cho việc bày binh bố trận.
– “Nhân hoà”: anh hùng, hào kiệt trong thiên hạ, người đủ trí đức “giữ cuộc điện an” → Giữ vai trò quyết định đến thắng lợi.
=> Làm nên những chiến thắng vẻ vang trên sông Bạch Đằng nhờ có “thiên thời- địa lợi, nhân hòa”, trong đó các bô lão khẳng định vai trò quan trọng nhất là con người.
b. Niềm tiếc thương vô hạn cảnh cũ, người xưa
– Bạch Đằng giang là minh chứng cho một lịch sử hào hùng của thời đại.
– “Tiếng thơm”: ghi dấu tên mình trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Nghìn năm nhân dân ngợi ca, tự hào.
– “Tiếc thương”: sông thương nhớ “ủ mặt”, người nhớ thương”lệ chan”.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị đoạn thơ.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận đoạn 3 Phú sông Bạch Đằng (Chuẩn)
Trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, cùng với những chiến thắng lẫy lừng, có rất nhiều địa danh đã đi vào trang sử dân tộc với những chiến công hào hùng, vĩ đại như: Cửa Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa,… Nhưng có lẽ địa danh gợi nhiều cảm hứng nhất là dòng sông Bạch Đằng- dòng giang của chiến thắng, của lịch sử oanh liệt một thời. Nhiều tác phẩm văn học viết về nó với cảm hứng tự hào, ngợi ca, đặc biệt với bài thơ Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu. Đặc biệt, trong đoạn 3 của bài phú, tác giả đã mượn lời của các bô lão để thể hiện những suy ngẫm và bình luận của các bô lão về chiến công xưa.
Nếu như trong đoạn hai bài thơ, chúng ta được sống lại một thời kỳ lịch sử hào hùng với trận quyết chiến anh dũng trên sông Bạch Đằng của quân dân ta thì đoạn ba, chúng ta càng tự hào hơn khi được cảm nhận thêm về những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của ta với địch.
“Tuy nhiên:
Từ có vũ trụ,
Đã có giang sơn
Quả là: trời đất cho nơi hiểm trở,
Cũng nhờ: nhân tài giữ cuộc điện an!”
Cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền dân tộc là cuộc chiến chính nghĩa. Cuộc chiến ấy là phù hợp với quy luật tất yếu, có áp bức thì có đấu tranh, được lòng dân, thuận ý trời. Tất cả đều chung ý chí, đấu tranh để giành lại giang san cho Tổ quốc. Hơn thế nữa, trong cuộc chiến, ta còn có được địa lợi “đất trời cho nơi hiểm trở”, nhất là Bạch Đằng giang, với địa hình thuận lợi cho việc bày binh bố trận. Đặc biệt hơn, nguồn cội của thắng lợi vẻ vang phải kể đến “nhân tài”- anh hùng, hào kiệt trong thiên hạ, người đủ trí ra giúp dân giúp nước mới “giữ cuộc điện an”. Đức cao tài rộng của Trần Nhân Tông, tài trí sáng suốt của Trần Quốc Tuấn, của các tướng sĩ vương hầu tại Bến Bình Than,… tất cả đã làm nên sức mạnh của của quân dân ta trong cuộc chiến chống giặc. Ta còn nghe vang vọng đâu đây lời vừa Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn đáp vừa Trần Nhân Tông “Năm nay đánh giặc nhàn” khi được hỏi “Giặc đánh thì làm thế nào?”. Ta còn thấy đâu đây hình ảnh hai chữ “Sát thát” bày tỏ quyết tâm, trên dưới một lòng chống giặc xâm lăng của quần thần nhà Trần. Cách nhìn nhận thế giặc dễ đánh không phải là thái độ chủ quan mà dựa trên tài cầm quân thao lược, nhìn xa trông rộng và niềm tin vào sức mạnh toàn dân, ý chí chiến đấu cùng kinh nghiệm trải qua hai cuộc kháng chiến trước đây của quân ta. Lời nói của Trần Quốc Tuấn bước vào địa hạt văn chương một lần nữa khẳng định tài cao, trí sâu của bậc hiền tài trong thiên hạ, qua đó thể hiện tinh thần, hào khí Đông A mang tầm vóc của thời đại, tầm vóc của một dân tộc anh hùng, một đất nước anh hùng.
“Tiếng thơm còn mãi, bia miệng không mòn.
Đến chơi sông chừ ủ mặt,
Nhớ người xưa chừ lệ chan.”
Bạch Đằng giang là minh chứng cho lịch sử chống ngoại xâm đầy hào hùng của dân tộc, thời đại. Tiếng thơm của cuộc chiến, của những người bước vào cuộc chiến chính nghĩa được lưu lại muôn đời, được người đời sau tự hào. Họ, những có những người anh hùng hữu danh, có những người vô danh, không tên không tuổi, họ đã góp sức mình làm nên đất nước ngàn năm, xây đắp cuộc đời tươi đẹp. Có những người đã ngã xuống, hi sinh nơi chiến trận, sông thương nhớ “ủ mặt”, người nhớ thương”lệ chan”. Lời bình luận kết hợp cùng ngôn từ bộc bạch cảm xúc, các vị bô lão không chỉ khẳng định giá trị của cuộc chiến chính nghĩa, vai trò của nhân tài trong thiên hạ mà còn bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, nỗi nhớ khôn nguôi của mình trước những mất mát, đau thương của dân tộc. Qua đó thể hiện được tư tưởng nhân văn cao đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta từ bảo đời.
Đoạn 3 bài phú với lời văn trữ tình sâu lắng, âm điệu ngợi ca đã góp phần tạo nên nét đặc sắc của văn bản Phú sông Bạch Đằng. Đọc đoạn phú nói riêng và tác phẩm nói chung, ta thêm tự hào về một thế hệ đi trước bản lĩnh và dũng cảm, từ đó, nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý chí quyết tâm học tập dựng xây và phát triển nước nhà, xứng đáng với thế hệ cha anh.
—————–Tổng kết——————
Bên cạnh bài Cảm nhận đoạn 3 bài Phú sông Bạch Đằng, các em có thể củng cố kiến thức về tác phẩm qua việc tham khảo những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Phân tích đoạn 2 Phú sông Bạch Đằng, Thuyết minh về hình tượng nhân vật khách trong đoạn đầu bài Phú Sông Bạch Đằng, Phân tích cảm hứng yêu nước trong bài Phú sông Bạch Đằng, Cảm nhận về lòng yêu nước của Trương Hán Siêu trong bài Phú sông Bạch Đằng.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/cam-nhan-doan-3-phu-song-bach-dang/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Công thức Hóa Học