Giáo dục

Cảm nhận về bi kịch của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

Đề bài: Cảm nhận về bi kịch của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

cam nhan ve bi kich cua nhan vat vu nuong trong chuyen nguoi con gai nam xuong

Bạn đang xem bài: Cảm nhận về bi kịch của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

Cảm nhận về bi kịch của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

I. Dàn ý Cảm nhận về bi kịch của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và nhân vật Vũ Nương.

2. Thân bài:

a. Khái quát:
– Vũ Nương là một người con gái “tình đã thuỳ mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp” được Trương Sinh đem “trăm lạng vàng” cưới về.
– Trương Sinh chồng nàng lại có tính “hay ghen”, đa nghi.
– Không lâu sau Trương Sinh đi lính, Vũ Nương ở nhà sinh con, chăm lo gia đình.
– Đến khi chồng trở về, vì tin lời con trẻ mà nghi ngờ nàng thất tiết.
– Vũ Nương đau khổ, nguyện thề với trời đất rồi trầm mình xuống sông.
– May mắn, nàng được Đức Linh Phi cứu sống.
– Sau này, Trương Sinh có lập đàn giải oan cho nàng, nhưng nàng chỉ hiện lên cảm tạ rồi biến mất.

b. Bi kịch của Vũ Nương: bi kịch gia đình, bi kịch xã hội

– Bi kịch gia đình:
+ Gả cho người chồng thất học và có tính “hay ghen”.
+ Chồng đi lính, nàng ở nhà một tay vun vén cho gia đình.
+ Đến khi Trương Sinh trở về, tin lời con trẻ mà “đinh ninh là vơ hư” và “nhiếc móc, đánh đuổi nàng đi”.
+ Vũ Nương đau khổ biện bạch nhưng Trương Sinh vẫn “không tin” vậy nên Vũ Nương đã quyết nguyện thề với trời rồi trầm mình xuống sông.

– Bi kịch xã hội: Lễ giáo phong kiến và chiến tranh phi nghĩa:
+ Lễ giáo phong kiến: Vũ Nương phải gả cho người mình không yêu thương, không được tự mình lựa chọn.
+ Nàng buộc phải tuân theo tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và “tam tòng tứ đức”.
+ Đây chính là một nguyên nhân gây ra bi kịch gia đình của Vũ Nương.
+ Chiến tranh phi nghĩa: Cuộc chiến tranh ba năm chia cắt vợ chồng Vũ Nương, vậy nên mới nảy sinh hiểu nhầm.
+ Chiến tranh chính là nguyên nhân gián tiếp đẩy Vũ Nương vào bi kịch cuộc đời.

c. Tổng kết:
– Vũ Nương là đại diện của người phụ nữ trong xã hội xưa: đảm đang, xinh đẹp và hiếu thảo.
– Nhưng nàng cũng như những người phụ nữ khác phải chịu những bi kịch do xã hội, lề thói cổ hủ gây ra.

3. Kết bài:
– Khẳng định lại vẻ đẹp của Vũ Nương
– Tấm lòng nhân đạo mà Nguyễn Dữ muốn gửi gắm.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về bi kịch của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương (Chuẩn)

Truyền kì mạn lục là tác phẩm gồm hai mươi câu chuyện viết bằng chữ Hán của tác giả Nguyễn Dữ. Các nhân vật trong Truyền kì mạn lục thường là người phụ nữ đức hạnh, mong muốn, khát khao có được tình yêu và hạnh phúc nhưng lại bị lễ giáo phong kiến xô đẩy vào những cảnh ngộ éo le, bất hạnh. Hoặc là những người trí thức có tâm huyết nhưng lại bất mãn với cuộc đời, không chịu trói mình trong danh lợi. Chuyện người con gái Nam Xương là câu chuyện thứ mười sáu của tác phẩm này. Truyện kể về nàng Vũ Nương xinh đẹp nết na thế nhưng cuộc đời nàng lại là một tấn bi kịch đẫm nước mắt.

Vũ Nương là người con gái đẹp người đẹp nết “tính đã thuỳ mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp”. Nàng được gả cho Trương Sinh – là con nhà hào phú trong làng nhưng lại không có học, lại thêm tính “hay ghen, đối với vợ luôn phòng ngừa quá mức”. Không bao lâu sau, Trương phải đi lính, Vũ Nương ở nhà sinh con chờ chồng, vun vén gia đình, chăm lo cho mẹ già. Nhưng đến khi Trương sinh trở về, lại vì một câu nói của trẻ nhỏ mà nghi ngờ vợ mình thất tiết. Vũ Nương đau khổ, không thể thanh minh nên đã gieo mình xuống bến Hoàng Giang để chứng tỏ sự trong sạch. Nhưng nàng đã được cứu sống bởi Đức Linh Phi. Sau này, nàng nhờ người nói với Trương lập đàn giải oan cho mình, nhưng nàng chỉ hiện về trong phút chốc rồi biến mất.

Vũ Nương là đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến. Họ xinh đẹp, đức hạnh, chỉ mong cầu một cuộc sống yên bình, thế nhưng, những thế lực tàn bạo cùng lễ giáo phong kiến đã chèn ép, đè bẹp những ước mong nhỏ nhoi đó của họ, đẩy họ vào vòng bi kịch tột cùng. Bi kịch của Vũ Nương là bi kịch của gia đình xen lẫn bi kịch của xã hội.

Vũ Nương là người phụ nữ hiền hậu, đức hạnh nhưng bất hạnh thay, chồng nàng lại là một người thất học lại mang bản tình đa nghi, không hề tin tưởng vợ của mình. Nguyễn Dữ đã miêu tả Vũ Nương chỉ với vài dòng rằng nàng là một người con gái “tính đã thuỳ mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” nhưng chỉ cần từng đó, ta cũng hiểu được vẻ đẹp và sự đảm đang cũng như đức hạnh của nàng. Với những phẩm chất và sự đức hạnh như thế, lẽ ra Vũ Nương phải được gả cho một người chồng có công danh, có tri thức. Thế nhưng, nàng lại buộc phải lấy một người chồng tuy nhà giàu có nhưng thất học. Hơn thế, Trương Sinh – chồng nàng lại là kẻ “có tính hay ghen, đối với vợ phòng ngừa quá sức”. Trong hôn nhân, tình yêu và lòng tin tưởng là những điều kiện để cuộc hôn nhân luôn được hạnh phúc và bền vững. Thế nhưng, Trương Sinh kia lại “hay ghen”, luôn nghi ngờ vợ “thái quá” thì liệu Vũ Nương có thể một mình mà gìn giữ được hạnh phúc gia đình hay không?

Điều này đã được trả lời ngay khi Trương Sinh đi lính trở về. Trong khi Trương Sinh ở ngoài mặt trận, Vũ Nương đã một tay lo lắng cho mẹ già, săn sóc con nhỏ, coi sóc chuyện gia đình. Xa chồng, thương con, nàng thường trỏ tay vào cái bóng của mình trên vách, gọi đùa với con đó là “cha Đản” – chồng nàng. Có lẽ khi nàng làm thế, nàng chỉ muốn đứa con nhỏ của mình luôn có cha bên cạnh và nàng thì được sống trong tình yêu thương, chở che của chồng, dù rằng chỉ là trong tưởng tượng mà thôi. Nhưng chính điều đó là một phần không nhỏ tạo nên bi kịch trong đời của nàng!

Khi Trương Sinh trở về, trò chuyện với con, nghe con nói rằng “khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, nhưng chưa bao giờ bế Đản cả”, chàng ta đã mặc định rằng người vợ hiền của minh thất tiết mặc cho nàng có thanh minh, hàng xóm có “bênh vực, biện bạch” ra sao. Trương Sinh đều ra sức “mắng mỏ nhiếc móc, đánh đuổi đi”. Chính điều này đã dẫn tới cái chết đau lòng của Vũ Nương. Nàng rằng: “Thiếp vốn con kẻ khó, được gả vào cửa tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi bởi động việc binh đao. Cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết. Tô son, điểm phấn đã từng nguội lòng, ngõ liễu tường hoa chưa từng bén gót. Đâu có mất nết hư thân như lời chàng nói.” Thế nhưng lời tỏ bày của nàng dù tha thiết là thế nhưng Trương Sinh trước sau không hề tin một lời nàng nói ra, chỉ nhất nhất nghi ngờ rằng nàng đã “thất tiết”.

Bi kịch gia đình của Vũ Nương chính là gả cho một người chồng như Trương Sinh – một người chồng với thói gia trưởng và ghen tuông quá mức. Đó là nguyên nhân gây nên bi kịch đau đớn cuộc đời của nàng Vũ Nương xinh đẹp. Khi tới bến Hoàng Giang, nàng đã thề rằng “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ . Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Những lời sau cùng của nàng thật quá đỗi đau đớn! Tại sao một người phụ nữ hết lòng vì gia đình chồng, đảm đang, hiếu thảo lại rơi vào bi kịch này? Bao nhiêu ngày nàng mong ngóng chồng trở về để có một chỗ dựa vững chắc, giờ đây cũng chẳng thể được nữa. Bi kịch làm sao, đau xót làm sao?

Thế nhưng, nhắc đến bi kịch gia đình Vũ Nương thì không thể nhắc tới xã hội phong kiến, những lề thói xã hội, đó chính là những nguyên nhân gián tiếp đẩy nàng Vũ Nương vào bi kịch khốn cùng. Vũ Nương xinh đẹp, nết na, hiếu thảo, lại thêm “tư dung tốt đẹp”, nàng xứng đáng có một tình yêu đẹp, một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Thế nhưng lại phải chịu nỗi oan khuất tày trời mà nguyên nhân là do lề thói xã hội với tục sắp đặt hôn nhân, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” hay “xuất giá tòng phu”, “tam tòng tứ đức”. Đây là một trong những nguyên nhân gián tiếp đẩy Vũ Nương vào bi kịch cuộc đời nàng. Nếu như nàng được chọn lựa vị hôn phu của mình thì có lẽ số phận của nàng có thể sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng nàng phải tuân theo những lề thói cổ hủ mà vô tình phải chịu đựng cuộc sống bên một người chồng thất học, đa nghi.

Không chỉ là do lề thói xã hội phong kiến mà bi kịch của Vũ Nương còn là do chiến tranh phi nghĩa mà triều đình phong kiến gây nên. Nếu như không có cuộc chiến tranh ba năm đó, Trương Sinh sẽ không xa nhà, Vũ Nương cũng không phải gánh vác một mình, mà gây ra sự hiểu nhầm to lớn ấy. Chiến tranh đó đã cướp mất hạnh phúc của nàng và đẩy nàng tới bi kịch lớn nhất đời. Nó là nguyên cớ để bùng phát sự ghen tuông vô lý của Trương Sinh, là nguyên do thổi bùng lên tấn bi kịch đầy nước mắt của người con gái xinh đẹp ấy.

Vũ Nương – nàng là đại diện cho hàng ngàn những người phụ nữ dưới xã hội phong kiến đương thời. Họ có tất cả những vẻ đẹp, những phẩm chất cao quý, thế nhưng, cuộc sống của họ lại luôn rơi vào những bi kịch không lối thoát. Họ bị lễ giáo phong kiến, bị xã hội đẩy vào bước đường cùng đau khổ. Và ngòi bút của Nguyễn Dữ đã phần nào đó thấu hiểu, cảm thông, trân trọng những ước mơ, khát vọng và cả những bi kịch của họ. Đồng thời, ông cũng lên tiếng chỉ trích, tố cáo xã hội phong kiến tàn bạo đã gây nên đau thương cho những người dân vô tội, đặc biệt là những người phụ nữ.

——————-HẾT——————–

Truyện Người con gái Nam Xương đã cho ta thấy rõ những bi kịch của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến đương thời. Đồng thời cũng cho ta thấy được những giá trị nhân đạo mà Nguyễn Dữ muốn gửi gắm. Vậy nên các bài viết: Thuyết minh về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích nhân vật Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương, Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Suy nghĩ về kết thúc của Chuyện người con gái Nam Xương sẽ giúp ta càng hiểu rõ hơn về tác phẩm đặc sắc này!

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/cam-nhan-ve-bi-kich-cua-nhan-vat-vu-nuong-trong-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button