Giáo dục

Cảm nhận về chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm Vợ Nhặt

Đề bài: Cảm nhận về chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm Vợ Nhặt

cam nhan ve chi tiet bua an dau tien don nang dau moi o phan cuoi tac pham vo nhat

Bạn đang xem bài: Cảm nhận về chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm Vợ Nhặt

Cảm nhận về chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm Vợ Nhặt

I. Dàn ý Cảm nhận về chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm Vợ Nhặt (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm “Vợ nhặt”.

2. Thân bài:

a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm:
– Kim Lân (1920 – 2007) là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, những sáng tác của ông thường hướng tới vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam.
– Tác phẩm “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân và được rút từ tập “Con chó xấu xí”.

b. Cảm nhận về chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm “Vợ nhặt”:

– Bữa ăn giản dị, thiếu thốn nói lên sự nghèo đói của những con người cùng khổ trong xã hội cũ:
+ Bữa cơm ngày đói trông thật thiếu thốn, thảm hại “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối , và một đĩa muối ăn với cháo”.
+ Bữa ăn ít ỏi với “niêu cháo lõng bõng” mỗi người được có “lưng hai bát đã hết nhẵn” khiến cho họ phải ăn “chè khoán” nhưng thực chất là cháo cám để cầm cự.
+ Miếng cám đắng chát và dễ nghẹn nhưng họ vẫn cố cho vào miệng vì nhà cũng chẳng còn cái gì để ăn cả.

– Bữa ăn ấm cúng, vui vẻ, chứa đựng niềm tin vào một tương lai tươi sáng:
+ Bà cụ Tứ cùng người con dâu thu xếp nhà cửa, quét dọn sân vườn cho sạch sẽ và chuẩn bị bữa cơm ngày đói.
+ Gọi là bữa cơm nhưng lại chẳng có cơm mà chỉ có cháo loãng nhưng “cả nhà đều ăn rất ngon lành”.
+ Trong bữa ăn cả nhà chỉ nói chuyện vui, toàn chuyện sung sướng sau này, bà cụ Tứ nói chuyện nuôi gà cho thấy niềm hi vọng vào một tương lai tươi sáng.
+ Bà cụ Tứ đã chuẩn bị một món quà bất ngờ cho đôi vợ chồng mới cưới: nồi cháo cám. Bà hào hứng giới thiệu “Chè khoán đây” cùng lời khen ngợi “ngon đáo để” đã toát lên niềm vui, niềm hạnh phúc của người mẹ.
+ Từng miếng cám đắng chát chứa đựng những nỗi tủi hờn “len vào tâm trí mọi người” nhưng họ vẫn thản nhiên đón nhận, nén những nỗi tủi nhục vào bên trong mà không ca thán một lời.

c. Đánh giá:
– Chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm đã tái hiện được một thực trạng bi thảm của chế độ Việt Nam trước cách mạng đó là nạn đói năm 1945.
– Qua chi tiết trên, ta thấy được niềm thương cảm sâu sắc của nhà văn Kim Lân trước những cảnh người cơ cực trong xã hội. Nhà văn đã sử dụng nghệ thuật nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc với nhiều chi tiết độc đáo như nồi cháo cám bằng những ngôn từ giản dị, mộc mạc.

3. Kết bài:

– Khái quát lại giá trị của chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm “Vợ nhặt”.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm Vợ Nhặt (Chuẩn)

Có một nhà văn Nga đã từng nói “Nghệ thuật sinh ra từ những thái cực và xung đột””. Quả đúng là như vậy, nhà văn Kim Lân đã thực sự sáng tạo khi tái hiện lại không gian và con người trong nạn đói năm 1945 qua tác phẩm “Vợ nhặt”. Trong bức tranh ấy, ta thấy được sự khốc liệt của chế độ thực dân phong kiến đã đẩy con người nghèo khổ vào bước đường cùng thế nhưng ở họ vẫn chứa đựng rất nhiều vẻ đẹp đáng trân quý. Chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm “Vợ nhặt” đã giúp ta hình dung được khủng cảnh thiếu thốn lúc bấy giờ với nhân vật Tràng, người “vợ nhặt” và bà cụ Tứ hết sức lạc quan, yêu đời.

Kim Lân (1920 – 2007) là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, những sáng tác của ông thường hướng tới vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam, những người sống cực nhọc, lam lũ, nghèo khổ trong xã hội. Ông viết chân thật và xúc động về đời sống người dân quê vì ông am hiểu sâu sắc về cảnh ngộ và tâm lí của họ. Tác phẩm “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân và được rút từ tập “Con chó xấu xí”. Câu truyện đã tái hiện lại khung cảnh ngày đói ở một làng quê nghèo đến nỗi anh cu Tràng bỗng tự nhiên “nhặt” được vợ mà không cần bất cứ sính lễ gì. Trong bữa ăn đầu tiên khi có nàng dâu mới thì cũng chỉ vỏn vẹn có niêu cháo loãng, lùm rau chuối và đĩa muối nhưng họ đều cố gắng nói những chuyện vui để xua đi cái đói.

Thông thường, những bữa cơm đầu tiên khi có nàng dâu mới sẽ thật đầy đủ và tươm tất. Thế nhưng bữa cơm đầu tiên khi anh cu Tràng “nhặt” được vợ của những năm 1945 thì lại vô cùng giản dị, nếu không muốn nói thiếu thốn và có phần thê thảm. Qua chi tiết bữa cơm đã nói lên sự nghèo đói của những con người cùng khổ trong xã hội cũ. Bữa cơm ngày đói trông thật thiếu thốn và thảm hại “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo”. Bữa ăn ít ỏi với “niêu cháo lõng bõng” mỗi người được có “lưng hai bát đã hết nhẵn” khiến cho họ phải ăn “chè khoán” theo định nghĩa của bà cụ Tứ nhưng thực chất là cháo cám để cầm cự. Cám vốn không phải đồ ăn dành cho con người, nay nó xuất hiện ngay trong bữa ăn của gia đình bà cụ Tứ đã cho thấy sự rẻ mạt của thân phận con người trong nạn đói. Miếng cám đắng chát và khó ăn nhưng họ vẫn cố cho vào miệng vì nhà cũng chẳng còn cái gì để ăn cả. Thế nhưng với nhiều người thì đây vẫn là một món ăn xa xỉ không phải ai cũng có nên họ đều ăn rất ngon miệng.

Tuy bữa ăn có thể thiếu thốn về vật chất nhưng nhất định không thể thiếu tình người trong ngôi nhà nhỏ. Bữa ăn nhà anh cu Tràng vô cùng ấm cúng, vui vẻ và chứa đựng một niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Bà cụ Tứ cùng người con dâu thu xếp nhà cửa, quét dọn sân vườn cho sạch sẽ để chuẩn bị cho bữa ăn. Việc làm này xuất phát từ niềm tin, niềm hi vọng mang tính tâm lí của người lao động bởi nhà cửa gọn gàng, ngay ngắn thì may mắn sẽ tới. Gọi là bữa cơm nhưng lại chẳng có cơm mà chỉ có cháo loãng nhưng “cả nhà đều ăn rất ngon lành”. Trong bữa ăn cả nhà chỉ nói chuyện vui, toàn chuyện sung sướng sau này, bà cụ Tứ nói chuyện nuôi gà cho thấy niềm hi vọng vào một tương lai đầy đủ chứ không phải chạy ăn từng bữa như bây giờ nữa. Trong bữa cơm ngày đói, bà cụ Tứ đã chuẩn bị một món quà cưới đặc biệt cho hai con, đó là một nồi cháo cám. Người mẹ ấy vui vẻ giới thiệu về món quà “Chè khoán đây” tươi cười đon đả lặng lẽ khen “ngon đáo để” như toát lên niềm vui, niềm hạnh phúc của người mẹ. Chính vì trong nồi cháo cám ấy chứa đựng cả một niềm yêu thương con vô bờ của người mẹ nên dù có đắng chát thì Tràng cũng “gợt một miếng bỏ vội vào miệng” trông rất ngon lành. Người con dâu cũng không còn vẻ “chao chát chỏng lỏn” như ngày đầu mới quen Tràng nữa mà thị cũng chấp nhận cái đắng cay, nghèo khổ, thị “điềm nhiên và vào miệng” như không có gì. Từng miếng cám đắng chát chứa đựng những nỗi tủi hờn “len vào tâm trí mọi người” nhưng họ vẫn thản nhiên đón nhận, nén những nỗi tủi nhục vào bên trong mà không ca thán một lời.

Chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm đã tái hiện được một thực trạng bi thảm của chế độ Việt Nam trước cách mạng đó là nạn đói năm 1945. Cái đói khủng khiếp ấy như thiêu đốt những con người hốc hác, “xanh xám như những bóng ma”. Thế nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì con người cũng nhất định không từ bỏ cuộc sống vì với họ tình yêu thương là tất cả. Qua chi tiết trên, ta thấy được niềm thương cảm sâu sắc của nhà văn Kim Lân trước những cảnh người cơ cực trong xã hội. Nhà văn đã sử dụng nghệ thuật nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc với nhiều chi tiết độc đáo như nồi cháo cám bằng những ngôn từ giản dị, mộc mạc để phác họa thành công bức tranh nạn đói tàn bạo, khủng khiếp năm 1945.

Nhà văn Kim Lân đã đem đến cho người đọc một áng văn có giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc. Chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm “Vợ nhặt” đã giúp cho người đọc cảm nhận được một bữa ăn thiếu thốn nhưng chứa đựng đầy ắp tình yêu thương và một niềm tin tươi sáng vào cách mạng.

————–HẾT—————

Hy vọng bài Cảm nhận về chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm “Vợ nhặt” trên đây sẽ giúp các em có cái nhìn tích cực về cuộc sống. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm những bài viết sau để củng cố lại kiến thức: Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt, Cảm nhận về vẻ đẹp tình mẫu tử của bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt, Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt, Cảm nhận về vẻ đẹp tình mẫu tử của bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/cam-nhan-ve-chi-tiet-bua-an-dau-tien-don-nang-dau-moi-o-phan-cuoi-tac-pham-vo-nhat/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button