Giáo dục

Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

cam nhan ve dep cua nhan vat thuy van trong doan trich chi em thuy kieu

Bạn đang xem bài: Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

I. Dàn ý Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu về đoạn trích Chị em Thúy Kiều và nhân vật Thúy Vân.

2. Thân bài

– Khái quát về Thúy Vân:
+ Là con gái thứ hai trong gia đình Vương viên ngoại, em gái của Thúy Kiều
+ Là một người con gái đẹp: Cốt cách thanh cao, duyên dáng như mai, tâm hồn trong sáng “mai cốt cách”, thanh khiết như tuyết “tuyết tinh thần”.
+ Sở hữu vẻ đẹp hoàn hảo “Mười phân vẹn mười”.

– Vẻ đẹp thanh cao, đài các của Thúy Vân:
+ “Trang trọng” gợi ra vẻ đẹp sang trọng, quý phái.
+ Khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu tựa vầng trăng “khuôn trăng đầy đặn”
+ Lông mày dài, đen đậm như con ngài “nét ngài nở nang”
+ Nụ cười của nàng tươi tắn, rạng rỡ như hoa, giọng nói trong trẻo như ngọc.
+ Mái tóc của Thúy Vân bồng bềnh, mềm mại hơn mây, làn da tươi sáng, mịn màng hơn tuyết.
+ Nghệ thuật: Ước lệ tượng trưng kết hợp cùng biện pháp liệt kê đã tái hiện sống động chân dung, vẻ đẹp của Thúy Vân.
=> Thúy Vân hiện lên trong trang thơ của Nguyễn Du với vẻ đẹp thanh cao, dịu dàng, nền nã của một tiểu thư đài các.

– Vẻ đẹp dịu dàng, phúc hậu dự đoán một cuộc đời bình yên, êm đềm:
+ “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” không chỉ gợi ra ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp mỹ lệ sánh ngang với tự nhiên của Thúy Vân mà còn gợi ra sự hài hòa, cân đối.
+ Vẻ đẹp của Thúy Vân xuất chúng, hơn người nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của tự nhiên, phù hợp với quan niệm thẩm mĩ trong xã hội phong kiến xưa.
+ Hai từ “thua”, “nhường” làm nổi bật lên vẻ đẹp mỹ lệ, dự báo cuộc đời bình yên, êm đềm, không có những sóng gió, thăng trầm.

3. Kết bài

Cảm nhận chung về vẻ đẹp của Thúy Vân

II. Bài văn mẫu Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều (Chuẩn)

Truyện Kiều tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm viết về mười lăm năm “đoạn trường” của Thúy Kiều, người con gái tài tài sắc nhưng có số phận truân chuyên, bạc mệnh. Không chỉ lên án xã hội đen tối, đồng cảm, bênh vực với số phận bất hạnh của con người, tài năng và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du còn được thể hiện qua những trang thơ khắc họa vẻ đẹp, tài năng, nhân cách của con người. Chị em Thúy Kiều đoạn trích thể hiện rõ nét bút pháp tài hoa, tấm lòng trân trọng của nhà thơ với vẻ đẹp “mười phân vẹn mười” của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Bên cạnh nhân vật trung tâm là Thúy Kiều, vẻ đẹp của Thúy Vân dưới ngòi bút của Nguyễn Du cũng hiện lên thật sống động, ấn tượng.

Mở đầu đoạn trích, nhà thơ Nguyễn Du đã có những giới thiệu khái quát về nguồn gốc, địa vị và vẻ đẹp xuất chúng, hơn người của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân.

“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”

Thúy Vân là người con thứ trong gia đình Vương viên ngoại, em gái của Thúy Kiều. “Ả tố nga” dùng để chỉ những người con gái đẹp. Thông qua việc sử dụng những hình ảnh ước lệ tượng trưng kết hợp với đảo ngữ, nhà thơ Nguyễn Du đã mang đến cho người đọc những ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp của cả hai chị em. Thúy Vân cùng chị của mình đều là những người con gái có tài sắc hơn người, cốt cách nhẹ nhàng, thanh tao như mai, tâm hồn trong sáng, thanh khiết tựa tuyết. Đều sở hữu nhan sắc xuất chúng “mười phân vẹn mười”, thế nhưng của Thúy Vân và Thúy Kiều đều mang những vẻ đẹp riêng.

Vẻ đẹp của Thúy Vân được nhà thơ Nguyễn Du tập trung miêu tả trong bốn câu thơ sau của đoạn trích.

Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”

“Trang trọng” gợi ra vẻ đẹp sang trọng, quý phái. Thúy Vân hiện lên trong trang thơ của Nguyễn Du với vẻ đẹp dịu dàng, nền nã của một tiểu thư đài các. Sử dụng những hình ảnh ước lệ tượng trưng quen thuộc trong thơ ca cổ “hoa”, “ngọc”, “mây”, “tuyết” kết hợp với biện pháp liệt kê, nhà thơ đã phác họa đầy sống động chân dung, vẻ đẹp của Thúy Vân. Đó là một người con gái xinh đẹp, dịu dàng với khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu tựa vầng trăng “khuôn trăng đầy đặn”, lông mày dài, đen đậm như con ngài “nét ngài nở nang”, nụ cười của nàng tươi tắn, rạng rỡ như hoa, giọng nói trong trẻo như ngọc. Bên cạnh khuôn mặt, nét ngài, nụ cười, giọng nói thì vẻ đẹp của Thúy Vân còn được đặc tả thông qua hình ảnh mái tóc và làn da:

“Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”

Vẻ đẹp của Thúy Vân như một “tuyệt tác” của tạo hóa, sự hoàn hảo của ngoại hình khiến những vẻ đẹp của tự nhiên như mây, tuyết cũng phải “thua”, “nhường”. Mái tóc của Thúy Vân bồng bềnh, mềm mại hơn mây, làn da tươi sáng, mịn màng hơn tuyết. Ở đây, nhà thơ Nguyễn Du đã rất tinh tế khi lấy tự nhiên để làm nổi bật lên vẻ đẹp của con người. Mây và tuyết đều là những hình ảnh trong tự nhiên, biểu tượng cho những thứ đẹp đẽ, cao quý. Câu thơ “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” không chỉ gợi ra ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp mỹ lệ sánh ngang với tự nhiên của Thúy Vân mà còn gợi ra sự hài hòa, cân đối. Vẻ đẹp của Thúy Vân xuất chúng, hơn người nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của tự nhiên, phù hợp với quan niệm thẩm mĩ trong xã hội phong kiến xưa. Hai từ “thua”, “nhường” được sử dụng thật khéo, nó không chỉ được dùng để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân, đó là vẻ đẹp khiến mây phải thua, tuyết phải nhường mà còn góp phần dự báo cho cuộc đời, số phận của nàng. Sự dịu dàng, phúc hậu trong ngoại hình, tính cách mang đến dự cảm về tương lai bình yên, êm đềm, không có những sóng gió, thăng trầm của nàng.

Như vậy, chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, nhà thơ Nguyễn Du đã thành công dựng lên bức chân dung tuyệt mĩ của Thúy Vân. Đó là một thiếu nữ trong độ tuổi trăng tròn cùng vẻ đẹp thanh cao, đài các. Dưới ngòi bút tài hoa của nhà thơ, người đọc không chỉ ấn tượng với vẻ đẹp hoàn hảo, mỹ lệ của Thúy Vân mà còn có những dự cảm tốt đẹp về tương lai, cuộc sống êm đềm, bình đạm của nàng sau này.

—————–Tổng kết——————

Khám phá vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều dưới ngòi bút tài hoa, uyên bác của đại thi hào Nguyễn Du, bên cạnh bài Cảm nhận vẻ đẹp của Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích 4 câu thơ đầu của đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Phân tích nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Cảm nhận về vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều trong Chị em Thúy Kiều, Phân tích đoạn trích chị em Thúy Kiều.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/cam-nhan-ve-dep-cua-nhan-vat-thuy-van-trong-doan-trich-chi-em-thuy-kieu/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button