Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó
Bạn đang xem bài: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó
Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó
I. Dàn ý Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Chí Minh và tác phẩm “Tức cảnh Pác Bó
+ Hồ Chí Minh được khẳng định là một danh nhân văn hóa, một chính trị gia, nhà tư tưởng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là một cây bút lớn của nền văn học dân tộc.
+ Về bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác trong cuộc sống cách mạng gian khổ.
– Nêu cảm nhận chung về bài thơ: Bài thơ đã làm sống lại hình ảnh Bác Hồ với những phẩm chất cao quý.
2. Thân bài
a. Khái quát về bài thơ “Tức cảnh Pác Bó”
– Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác vào tháng 2/1941, khi đó Bác Hồ trở về để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài.
– Giá trị nội dung: Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên và tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
b. Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó
* Luận điểm 1: Cuộc sống cách mạng đầy gian khổ, khó khăn nhưng vẫn có sự hòa hợp của Bác đối với thiên nhiên
– Trong cảnh sinh hoạt:
+ Không gian nơi ở: trong hang, ngoài suối, nơi rừng sâu nhiều nguy hiểm
+ Thức ăn: “cháo bẹ”, “rau măng” – những thức ăn vùng rừng núi, chỉ là những cây cối mọc dại hái vào nấu tạm thành bữa ăn.
– Cảnh làm việc:
+ Nơi làm việc: suối, bàn đá
+ Điều kiện làm việc: đơn sơ, giản dị
-> Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn vô cùng và đầy rẫy những nguy hiểm.
– Thời gian: sáng – tối, thường xuyên lặp đi lặp lại
– Hoạt động: ra – vào
=> Lối sống đều đặn, quy củ của Bác luôn hòa hợp với thiên nhiên, với cuộc sống núi rừng. Cuộc sống dù thiếu thốn về vật chất nhưng được sống giữa thiên nhiên núi rừng Pác Bó mới chính là điều Bác cần.
* Luận điểm 2: Phong thái ung dung, tinh thần lạc quan, vui vẻ, ý chí và tinh thần thép của Bác
– “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”: cuộc sống nhẹ nhàng, đơn giản, đều đặn ngày nào cũng như ngày nào
– “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”: Cuộc sống thiếu thốn nhưng Bác luôn giữ tinh thần lạc quan, giọng điệu hóm hỉnh, coi những khó khăn ấy như “phù phiếm”
– “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”: Tư thế, tác phong làm việc vô cùng thoải mái, không căng thẳng, gò bó, áp lực dù đó là công việc cách mạng quan trọng và khó khăn.
– “Cuộc đời cách mạng thật là sang”: Câu thơ vừa là lời khẳng định hùng hồn, vừa là lời nói đầy giản dị, hóm hỉnh.
– “Sang” ở đây không phải là sống trong vàng bạc, nhung lụa, sống trên vạn người, mà cái “sang” này chính là sang trong tâm hồn, sang trong phong thái của người chiến sĩ cách mạng.
– Chữ “sang” tưởng như trái ngược lại hoàn toàn với hoàn cảnh khắc nghiệt, thiếu thốn ở 3 câu thơ đầu nhưng với một con người như Bác, thì đó lại là lời kết luận cho tất cả, bởi sống giữa thiên nhiên núi rừng Pác Bó, sống dưới bầu trời của dân tộc chính là điều “sang” nhất trong cuộc đời cách mạng của Bác.
* Về nghệ thuật
– Tác giả sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, súc tích, bình dị
– Ý thơ diễn tả tự nhiên, hóm hỉnh và vui tươi
– Ngôn ngữ thì bình dị, gần gũi như những lời ăn tiếng nói hàng ngày.
– Các biện pháp nghệ thuật: đối, nhịp thơ 4/3…
3. Kết bài
– Nêu cảm nhận và đánh giá của em về bài thơ.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó (Chuẩn)
Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa vĩ đại và là một nhà văn nhà thơ tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam. Thơ ca của Bác giàu tính hiện thực và mang giá trị nhân văn cao. Trong đó, nổi bật có bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” mang đậm tư tưởng của một người Cách mạng hết mình vì Tổ quốc.
Nhắc đến Bác Hồ là nhắc đến một người lãnh tụ vĩ đại của đất nước, bên cạnh sự nghiệp cách mạng, tìm đường giải phóng dân tộc thì Bác Hồ luôn có những tác phẩm văn học đặc sắc để làm phong phú cho thơ ca Việt Nam. Khi trở về nước nhà sau 30 năm bôn ba nước ngoài, Bác lựa chọn hang Pác Bó của tỉnh Cao Bằng để làm nơi hoạt động cách mạng, trong quá trình hoạt động Bác cũng có cách sống và sinh hoạt giống như một người dân vùng núi.
Với câu thơ mở đầu “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”, khung cảnh thiên nhiên tại nơi đây được hiện ra đầy chân thực và gần gũi. Cuộc sống của Bác được hòa mình với thiên nhiên nên phải chăng vì thế mà Người “tức cảnh sinh tình”. Với vị trí là một người chính trị cách mạng cốt cán và đặc biệt như Bác thì đáng lẽ ra Bác phải được ở không gian lộng lẫy và xa hoa, nhưng trong bài thơ Bác lại hoạt động và sinh sống trong một không gian nhỏ hẹp của hang Pác Bó. Trong lúc hoàn cảnh đất nước đang rất khó khăn thì Người luôn sẵn sàng chia sẻ những thiếu thốn cùng với nhân dân. Trong câu thơ tác giả đã sử dụng ngôn từ có sự đối xứng nhịp nhàng với nhau: sáng – tối, ra – vào, suối – hang. Hành động: “Sáng ra, tối vào” thể hiện sự lặp đi lặp lại trong cuộc sống sinh hoạt đời thường của Bác.
Để nhấn mạnh hơn nữa những khó khăn đang gặp phải thì nhà thơ tự cảm nhận rằng “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng” – đồ ăn thức uống của Bác cũng chẳng phải là sơn hào hải vị mà đều là những món ăn dân dã “cháo bẹ rau măng”. Cháo bẹ, rau măng là thứ đơn sơ mà bình dị, những thứ đồ này dễ tìm thấy ở miền núi. Nó là thứ đồ ăn luôn sẵn sàng phục vụ Bác trong cuộc hành trình tìm kiếm con đường cứu nước của Bác. Đồng bào, chiến sĩ ăn gì thì Bác ăn nấy, không phân biệt nghèo – hèn, cao – sang, Bác sẵn sàng chia sẻ chung nỗi cơ cực của mọi người mà không oán thán. Dẫu cho cực khổ bao nhiêu, thiếu thốn thế nào thì Người vẫn là chí sĩ cách mạng hết lòng vì nước vì dân.
Có lẽ với Bác lúc này “không gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc Việt Nam nên dù “bàn đá có chông chênh” cỡ nào thì Bác vẫn ung dung “dịch sử Đảng”. Nếu như những nhà thơ nhà văn thời trung đại thường có xu hướng trốn tránh thế sự cuộc đời đầy rối ren và bon chen bất lực thì ở đây Bác vẫn một lòng một dạ lo cho toàn dân ta. Bác sẵn sàng lăn xả vào cuộc chiến đấu, vào đời sống gian truân cực nhọc để hoạt động, để tìm đường cứu nước. Mặc dù thiếu thốn đủ thứ về điều kiện sống nhưng với Bác tinh thần hướng về dân tộc không bao giờ nguôi. Tư thế chông chênh của bàn đá chỉ càng khắc sâu thêm tâm hồn tốt đẹp của một vị lãnh tụ vĩ đại. Sự chông chênh vừa gợi lên cái thế không vững vàng cùng với nhiều vất vả nhưng toát lên vẻ kiên cường hiên ngang không chịu khuất phục của Người. Qua đó ta thấy được dáng vẻ tự tin, chắc chắn vào tương lai tươi sáng của cách mạng dân tộc.
Câu kết cuối bài “Cuộc đời cách mạng thật là sang” được Bác Hồ của chúng ta diễn tả một cách khá dí dỏm và hóm hỉnh mang sự vui vẻ và lạc quan. Người không coi những thiếu thốn khó khăn đó là sự khổ cực, ngược lại Người luôn thấy những điều giản dị mình đang có được là sự quý báu, là sự giàu sang mà không phải ai cũng có được. Để có được một tinh thần thép như vậy, thì Hồ Chí Minh quả là một người vĩ đại. Bác là một người dành cả một đời để cống hiến sức lực cho dân tộc. Bác là con người mộc mạc, giản dị nhưng lại có một tinh thần thép, kiên cường, một lòng vì dân, vì nước.
Với ngôn từ hết sức đơn giản, gần gũi, Bác đã vẽ nên bức tranh cuộc sống chân thực mang đầy ý chí kiên cường của một người làm cách mạng. Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” đã lột tả được vẻ đẹp nội tâm sâu sắc của Hồ Chí Minh. Bác vẫn luôn là một nhà chính trị lỗi lạc và nhà văn, nhà thơ nổi bật trong nền văn học Việt Nam.
—————–HẾT——————-
Để giúp các em có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về bài thơ, bên cạnh bài Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó, các em có thể tham khảo thêm các bài viết Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó, Hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ Tức cảnh Pác Pó, Bình giảng bài thơ Tức cảnh Pác Bó, Con người Hồ Chí Minh hiện lên qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/cam-nhan-ve-dep-tam-hon-cua-ho-chi-minh-qua-bai-tho-tuc-canh-pac-bo/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục