Giáo dục

Cảm nhận về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

Đề bài: Cảm nhận về nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ

cam nhan ve nhan vat mi trong truyen ngan vo chong a phu

Bạn đang xem bài: Cảm nhận về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

Cảm nhận về nhân vật Mị hay, tuyển chọn

I. Dàn ý Cảm nhận về nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu về tác giả và tác phẩm.
– Mị là một cô gái người dân tộc H’Mông ở Tây Bắc.

2. Thân bài:

a. Mị trước khi trở thành dâu nhà thống lý Pá Tra:
– Là một người con gái vừa xinh đẹp lại tài giỏi, cần cù
– Mị là người con hiếu thảo, chăm sóc cha già, thay cha làm nương trả nợ cho nhà thống lý.
– Có một tình yêu đẹp, Mị yêu trong tự do, khát khao hạnh phúc.
– Vì gia cảnh nghèo, cô bị “bắt” về làm con dâu gạt nợ nhà thống lý.
=> Mị là người con gái xinh đẹp, tài giỏi nhưng lại bị bắt trở thành vợ A Sử -con trai thống lý Pá Tra vì món nợ từ khi cha mẹ cô kết hôn.

b. Cuộc sống của Mị sau khi về làm dâu nhà thống Lý:
– Làm việc quần quật ngày đêm => Cuộc sống vất vả về thể xác, không được nghỉ ngơi suốt năm suốt tháng.
– Mị còn bị đày đọa về tinh thần:
+ Mị bị “bắt cúng trình ma” nhà thống lý => Nạn nhân của Thần quyền
+ Từ khi về làm dâu, Mị không còn được tự do “Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết”.
=> Chế độ thần quyền, cường quyền đã khiến Mị tê liệt. không còn sự phản kháng, sống lầm lũi như “con rùa nuôi trong xó cửa”.
– Sự đầu độc về thể xác và tinh thần đã khiến Mị trở nên cam chịu, nhẫn nhục, chỉ lặp đi lặp lại những công việc mà không còn cảm xúc gì “Sống trong cái khổ lâu Mị quen rồi”.
=> Mị trở nên chai lì cảm xúc, Mị không thấy đau, không thấy khổ cũng còn biết tới sự tồn tại của thời gian.

c. Khát vọng sống tiềm tàng trong con người Mị
– Ẩn sâu trong con người Mị là sức sống mạnh mẽ và nó đã bùng cháy lên trong đêm tình mùa xuân.
=> Mị nhận thức được bản thân còn trẻ, nhận thức được khát khao trong mình “Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.
– Khát khao tự do thôi thúc hành động của Mị. Mị thắp sáng căn phòng, mặc lên người chiếc váy mới để đi chơi.
– Mị bị A Sử bắt đứng trói cột nhưng tâm hồn cô đã tự do đi theo tiếng sáo “Mị vẫn nghe … những cuộc chơi”.
=> Sức sống tiềm tàng trong Mị bùng cháy mãnh liệt khi nghe thấy tiếng sáo, nó đánh thức những khao khát tự do trong cô, đánh thức cảm xúc trong con người cô.

d. Vùng lên thoát khỏi khổ cực:
– Sau đêm tình mùa xuân ấy, Mị lại trở về như này trước, lầm lũi, câm lặng.
– Vô cảm trước cảnh a Phủ bị đánh trói giữa sân.
– Giọt nước mắt của A Phủ đã đánh thức nỗi đồng cảm, bất bình của Mị
– Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ, chạy theo A Phủ để giải thoát mình.
=> Hành động cắt dây trói thả A Phủ đi của Mị không chỉ là giải thoát cho A Phủ mà còn là giải thoát cho cả bản thân Mị, để Mị vùng lên thoát khỏi kiếp sống đày đọa, khổ cực của người phụ nữ vốn tưởng như đã chết.

e. Nghệ thuật:
– Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế.
– Tình huống truyện đặc sắc, dựng lên bức tranh chân thực về sự tàn bạo và áp bức tận cùng của giai cấp thống trị vùng núi và cả những hủ tục.

3. Kết bài:

– Cảm nhận chung về nhân vật

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ (Chuẩn)

Tô Hoài có rất nhiều tác phẩm viết về con người và vùng đất Tây Bắc, trong đó Vợ chồng A Phủ là một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất. Vợ chồng A Phủ viết về đôi vợ chồng người H’Mông, về cuộc sống và số phận con người đất Hồng Ngài dưới ách thống trị của cường quyền và thần quyền. Trong tác phẩm này, nhà văn Tô Hoài đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Mị- người phụ nữ bất hạnh bị buộc trở thành người con dâu trừ nợ nhà thống lí.

Theo chân nhà văn bước vào tác phẩm, ta bước vào cuộc sống của Mi – một người con gái của dân tộc H’Mông nơi đây. Mị trước khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra có một cuộc sống rất yên bình như những người con gái khác. Mị xinh đẹp, có tài thổi sáo được nhiều chàng trai ngưỡng mộ. Mị còn là một người con hiếu thảo, một cô gái giỏi lao động.

Đến tuổi cập kê, Mị được rất nhiều chàng trai theo đuổi, không chỉ vì cô rất xinh đẹp, chăm chỉ làm lụng mà còn thổi sáo rất hay “Mị thổi sáo giỏi… Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo… Bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị hết núi này sang núi khác”.

Nhà Mị nghèo, cha mẹ ngày xưa lấy nhau phải vay bạc của nhà thống lý Pá Tra. Đến khi mẹ cô chết, nợ vẫn chưa trả được, vậy nên, Mị đã thay cha mẹ gánh việc nương rẫy để trả nợ cho nhà thống lý. Cô quả là một người con rất hiếu thảo!

Thế nhưng, mỗi năm “phải trả một nương ngô cho người ta” mà bao nhiêu năm vẫn chưa hết nợ, thống lí Pá Tra đã bảo với cha Mị rằng:”cho tao đứa con gái này về làm dâu, thì tao xoá hết nợ cho” và rồi xảy ra sự việc A Sử đến giả làm người yêu Mị bắt Mị về nhà hắn. Mị trở thành “con dâu gạt nợ” của nhà thống lí và bắt đầu những chuỗi ngày khổ cực, đày đọa cả thể xác và tinh thần.

Sau đêm hôm ấy, Mị chính thức trở thành con dâu nhà thống lý Pá Tra. Mang danh là con dâu nhà giàu thế nhưng cuộc sống của Mị lại chẳng khác gì kẻ tôi tớ, cả năm cả tháng Mị phải làm quần quật như con trâu con ngựa trong nhà. Mị phải làm việc không ngơi tay “Tết xong lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tưới sợi”, “con ngựa con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả ngày lẫn đêm”.

Cuộc sống đày đọa về thể xác quanh năm suốt tháng khiến Mị trở nên lầm lũi “mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”, “ở lâu trong khổ, Mị quen khổ rồi”. Cùng với sự áp bức về tinh thần đã biến Mị từ một cô gái xinh đẹp, yêu đời trở nên chai lì về cảm xúc. Từ ngày bị A Sử bắt về “cúng trình ma”, Mị đã cay đắng nghĩ rằng mình đã trở thành người nhà thống lí “Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”. Chế độ thần quyền tại Hồng Ngài đã gián tiếp đẩy một cô gái như Mị trở nên tê liệt, trở thành một người không còn suy nghĩ, sức sống hay cảm xúc.

Không chỉ thế, Mị còn là nạn nhân của chế độ cường quyền tàn ác mà đại diện ở đây là cha con thống lí Pá Tra, chúng đã cướp đi tất cả hạnh phúc, tình yêu của cuộc đời Mị, biến Mị trở thành một kẻ nô lệ không công cho nhà hắn.

Còn A Sử, Mị mang danh là vợ của hắn, thế nhưng, hắn đối xử với cô chẳng khác gì một kẻ người ở, một người nô lệ, bởi hắn chưa từng cho Mị đi chơi dù là mùa xuân lễ hội “chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết”. Trong đêm tình mùa xuân, khi tiếng sáo réo rắt cất lên ở nẻo xa, tâm hồn Mị chợt dạt dào những kỉ niệm về ngày trước, khi cô còn được sống trong tự do và hạnh phúc. Mị uống rượu và muốn được đi chơi Tết “Mị còn trẻ. Mị muốn đi chơi”, thế nhưng, A Sử khi biết được ý định của Mị, đã tàn nhẫn “xách một thúng sợi đay ra trói Mị vào cột nhà”, “quấn luôn tóc Mị lên cột, Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa”.

Mị sống trong nhà thống lý bị tước đoạt sự tự do, tước đoạt của niềm vui, tình yêu và hạnh phúc của đời Mị. Nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần đã khiến Mị trở nên tê liệt, trở nên chai lì cảm xúc, trở thành một cái xác không hồn “Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa”, “Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông ấy mà trông ra. Đến bao giờ chết thì thôi”.

Năm tháng ở nhà thống lí, Mị không còn thấy khổ, không còn biết đau nữa, cũng không còn biết tự do là gì, yêu thương là gì. Và cái buồng nơi Mị nằm trở thành cái địa ngục trần gian giam giữ không chỉ thể xác mà còn là tâm hồn của Mị, mà Mị nghĩ phải đến lúc chết, cô mới được giải thoát.

Cực khổ là thế, bị đàn áp, áp bức đến tê liệt là thế, những tưởng tất cả khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Mị đã bị vùi dập, dập tắt hết. Nhưng không, cái sức sống ấy nó ẩn mình tiềm tàng trong con người Mị và chợt bùng cháy lên thật mạnh mẽ trong đêm tình mùa xuân và trong đêm Mị giải cứu A Phủ.

Khi tiếng sáo gọi bạn trong đêm hội mùa xuân Hồng Ngài cất lên cùng với tiếng người cười nói, tiếng kèn, tiếng pao, lòng Mị đã dập dìu. Mị uống rượu để được say, để được quên đi nhưng “lòng Mị đang sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Tiếng sáo ấy như đánh thức cái khát khao tự do đang ngủ vùi trong sâu thẳm Mị sống dậy để Mị chợt thấy “phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước”. Mị nhận ra rằng “Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.

Đây là khát vọng sống và sự phản kháng đầu tiên của Mị từ khi bước chân vào nhà thống lý. Mị muốn được tự do, muốn được giải thoát “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”.

Khát vọng sống, khát vọng tự do cứ theo tiếng sáo dập dìu bay đến bên Mị “trong đầu Mị đang dập dờn tiếng sáo”, và Mị muốn được ra ngoài, muốn được đi chơi như “bao nhiêu người có chồng” khác. Vậy nên, “Mị quấn tóc lại. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách” để chuẩn bị đi chơi.

Ý thức cuộc sống đã trở về với Mị rồi! Khao khát sống, tự do, vui tươi bùng cháy mạnh mẽ trong lòng Mị. Dù bị A Sử bắt đứng trói cột không cho đi chơi, nhưng tâm hồn cô đã thoát lên, đi theo những tiếng sáo gọi bạn rồi “Trong bóng tối, Mị đứng im, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, mị nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi”.

Tiếng sáo ngày xuân đã đánh thức khát vọng sống tiềm tàng trong con người Mị. Tiếng sáo đã làm nó bùng cháy lên thật mãnh liệt, đã thôi thúc Mị có những phản kháng đầu tiên của một con người có xúc cảm. Tiếng sáo ấy cũng đã thổi bùng lên khát vọng tự do trong cô, đánh thức cảm xúc, ý thức về cuộc sống trong con người cô “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”.

Thế nhưng, sau đêm tình đó, Mị lại trở về những ngày trước, lại sống vô hồn, lầm lũi như “con rùa nuôi trong xó cửa”. Liệu có ai nghĩ rằng Mị sẽ có ngày vùng lên mà thoát khỏi sự áp bức, thoát khỏi địa ngục trần gian này chăng?

Sự kiện A Phủ đánh mất bò, bị đánh rồi bị trói đứng vào cột làm xôn xao cả bản. Thế nhưng, điều đó dường như chẳng làm ảnh hưởng gì tới Mi và cuộc sống của cô. Cô vẫn lầm lũi như thế, “thản nhiên thổi lửa, hơ tay” như mọi ngày. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng chết ở đấy, cũng thế thôi”. Mị không có xúc cảm, không còn thương xót cho một con người đau khổ, đáng thương như thế bởi cảm xúc trong cô đã chai lì, đã tê liệt rồi!

Thế nhưng, cảm xúc trong Mị chợt ùa về chỉ khi Mị nhìn thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen” của A Phủ. Mị chợt nhớ về đêm tình năm trước, khi cô cũng bị A Sử bắt trói đứng như thế “nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được”. Một cảm giác thương xót chợt len lỏi cháy lên trong lòng cô. Mị thương cảm cho số phận của A Phủ, cô đồng cảm bởi cô biết sự đau đớn mà A Phủ đang phải trải qua “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. … chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người kia phải chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết… Người kia việc gì phải chết”.

Mị thương cảm cho A Phủ, cô miên man trong dòng nghĩ ngợi, cô nghĩ A Phủ biết đâu có thể trốn được và thống lí Pá Tra sẽ cho rằng cô là người thả A Phủ đi rồi “Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị chết trên cái cọc ấy”. Nỗi sợ hãi bùng lên trong lòng cô, thế nhưng, sự thương xót và đồng cảm đã chiến thắng sự sợ hãi, cô “rón rén bước lại”, “rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây”, “gỡ hết dây trói trên người A Phủ” và “thì thào được một tiếng: Đi đi”. Mị đã giải thoát cho A Phủ, cho một con người bị áp bức như Mị được trở lại với tự do.

Thế nhưng, khi nghe tiếng bước chân của A Phủ “quật sức vùng lên, chạy”, “mị đứng lặng trong bóng tối”. Khát vọng sống chợt bùng lên mạnh mẽ trong lòng cô, thôi thúc bước chân cô chạy “băng đi” theo A Phủ. Mị sợ cái chết, Mị muốn được sống, Mị muốn được tự do và hạnh phúc, vậy nên Mị đã băng theo A Phủ và “thở trong hơi gió thốc lạnh buốt: A Phủ cho … ở đây chết mất”.

Mị đã chạy thoát khỏi địa ngục trần gian giam cầm thể xác và tâm hồn Mị, thoát khỏi những áp bức nô lệ của những kẻ cầm quyền. Hai con người đau khổ dìu nhau bước đi trong bóng tối, băng qua rừng trong đêm lạnh. Hành động cắt dây trói giải thoát cho A Phủ của Mị, cũng là hành động cắt dây trói giải thoát cho chính bản thân mình của cô, thoát khỏi kiếp sống đày đọa, khổ cực. Chính khát vọng sống, tự do đã giúp cô làm được điều đó.

Tô Hoài đã rất thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật Mị, đặc biệt là khi miêu tả những diễn biến tâm lý phức tạp của cô. Ông đã dẫn dắt cho người đọc thấy tâm lý của Mị từ những ngày cô còn được tự do đến khi bị đày đọa trong nhà thống lý rồi đến khi vùng lên giải thoát cho bản thân. Tất cả đều được miêu tả rất xuất sắc. Ông còn tái hiện được những phong tục của con người ở vùng núi Tây Bắc rất chân thực.

Tình huống truyện được xây dựng rất đặc sắc, là bức tranh sống động về chế độ cầm quyền tàn bạo, độc ác của vùng núi Tây Bắc. Nhưng qua đó, làm hiện lên khát vọng sống mạnh mẽ, tiềm tàng của những con người nơi đây.

Nhà văn đã xây dựng hình tượng nhân vật Mị vô cùng xuất sắc. Không chỉ mang tới bức tranh về cuộc sống bị áp bức của những số phận con người nhỏ bé vùng Tây Bắc mà còn vạch trần bộ mặt ác độc của bọn cầm quyền ở đó. Đồng thời Tô Hoài cũng phát hiện ra những phẩm chất cao đẹp và sức sống tiềm tàng của những con người nơi đây. Giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực đều được tái hiện rất xuất sắc thông qua hình tượng nhân vật Mị.

—————HẾT—————

Tác phẩm Vợ chồng A Phủ đã cho chúng ta thấy rõ cuộc sống của những người nghèo dưới ách thống trị của bọn thống trị. Chính vì sự tàn ác, chèn ép của chúng mà họ đã tìm đến ánh sáng của Cách mạng. Để tìm hiểu rõ hơn về tác phẩm này, hãy cùng đọc thêm các bài văn khác như Cảm nhận về nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân, Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ, Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của Vợ chồng A Phủ, Số phận người phụ nữ xưa và nay qua hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ nhé!

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/cam-nhan-ve-nhan-vat-mi-trong-truyen-ngan-vo-chong-a-phu/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button