Đề bài: Chứng minh rằng Nước Đại Việt ta là một áng văn đầy niềm tự hào dân tộc
Bạn đang xem bài: Chứng minh rằng Nước Đại Việt ta là một áng văn đầy niềm tự hào dân tộc
Chứng minh rằng Nước Đại Việt ta là một áng văn đầy niềm tự hào dân tộc
I. Dàn ý Chứng minh rằng Nước Đại Việt ta là một áng văn đầy niềm tự hào dân tộc (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
– Nêu vấn đề nhận định: Nước Đại Việt ta là một áng văn đầy niềm tự hào dân tộc
2. Thân bài
a. Niềm tự hào về truyền thống nhân nghĩa của dân tộc:
– Tư tưởng nhân nghĩa là tư tưởng lớn của nhân dân, đất nước từ bao đời, tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, tác giả cũng tỏ bày mục đích lớn nhất của quốc gia là “cốt ở yên dân”.
– Mục đích: Tư tưởng “lấy dân làm gốc”- yên dân.
– Hành động: “trước lo trừ bạo” – Kẻ tàn ác- quân Minh bạo ngược, gây hấn lầm than, khổ cực cho nhân dân phải bị diệt trừ, nước an thì dân mới ấm.
=> Khẳng định việc tiên quyết là diệt trừ quân thù, bảo vệ đất nước. Đó cũng là mong cầu của bao thế hệ cha anh, của muôn triệu người dân Việt.
b. Niềm tự hào dân tộc thể hiện qua lời khẳng định chủ quyền, văn hiến, anh tài nhân kiệt của quốc gia Đại Việt:
– Bằng thủ pháp liệt kê, so sánh, đối chiếu giữa các triều đại cùng giọng thơ hào hùng, tác giả đã khẳng định vị trí của nước Đại Việt ta trong tương quan với các triều đại lớn.
– Đặt Đại Việt ngang hàng với các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên của Trung Quốc.
– Đó là một Đại Việt mạnh mẽ, kiên cường, có văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, chủ quyền riêng với phong tập tập quán, những nét văn hoá riêng với đầy đủ những anh tài, nhân kiệt.
c. Niềm tự hào dân tộc thể hiện qua việc ngợi ca những chiến thắng hào hùng của nước Đại Việt.
– Những chiến công hào hùng đã lưu danh sử sách, thất bại của Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã là minh chứng tiêu biểu cho điều ấy.
– Lưu dấu cho những chiến công đó là các địa danh lịch sử như sông Bạch Đằng, cửa Hàm Tử.
3. Kết bài
– Khẳng định lại vẻ đẹp của đoạn thơ.
– Liên hệ bản thân.
II. Bài văn mẫu Chứng minh rằng Nước Đại Việt ta là một áng văn đầy niềm tự hào dân tộc (Chuẩn)
Trong văn học trung đại Việt Nam, tình yêu nước là một nguồn cảm hứng lớn, nó như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài của văn hóa, lịch sử. Đã có rất nhiều những bài thơ hay, những tác phẩm hào hùng thể hiện tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ triều đại. Một trong những áng văn đầy niềm tự hào dân tộc đó là Nước Đại Việt ta của Nguyễn Trãi.
Tác phẩm được sáng tác vào năm 1428, khi Nguyễn Trãi thừa lệnh thay lời Lê Lợi viết Đại cáo Bình Ngô để tuyên bố với nhân dân về chiến thắng của đất nước trước quân Minh, giặc ngoại xâm tan rã, nước nhà được độc lập. Bài cáo như một bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ 2 của dân tộc sau Nam quốc sơn hà. Đoạn trích “Nước đại việt ta” trong tác phẩm là một áng văn chứa chan niềm tự hào dân tộc.
Trước hết, tác giả thể hiện niềm tự hào về truyền thống nhân nghĩa của dân tộc:
“Từng nghe
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Tư tưởng nhân nghĩa là tư tưởng lớn của nhân dân, đất nước từ bao đời, tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, tác giả cũng tỏ bày mục đích lớn nhất của quốc gia là “cốt ở yên dân”. Lấy dân làm gốc, mọi hành động cần bắt nguồn từ dân nhằm mang đến bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Việc nhân nghĩa nhất là việc làm vì cuộc sống ấm no, thái bình, thịnh trị của nhân dân. Ý chí dân tộc là phải trừ gian, diệt ác, mang lại cuộc sống an ổn cho người người, nhà nhà. Dân muốn yên thì giặc phải đánh, “trước lo trừ bạo” là thế. Kẻ tàn ác- quân Minh bạo ngược, gây hấn lầm than, khổ cực cho nhân dân phải bị diệt trừ, nước an thì dân mới ấm. Phép đối trong hai câu thơ kết hợp hài hoà cùng giọng văn đầy hùng hồn, tác giả đã nhấn mạnh, khẳng định việc tiên quyết là diệt trừ quân thù, bảo vệ đất nước. Đó cũng là mong cầu của bao thế hệ cha anh, của muôn triệu người dân Việt.
Lòng tự hào dân tộc còn được thể hiện qua lời khẳng định chủ quyền, văn hiến, anh tài nhân kiệt của quốc gia, dân tộc.
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Dường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhauSong hào kiệt đời nào cũng có”
Bằng thủ pháp liệt kê, so sánh, đối chiếu giữa các triều đại cùng giọng thơ hào hùng, tác giả đã khẳng định vị trí của nước Đại Việt ta trên trường quốc ta, ngang hàng với các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên của Trung Quốc. Đó là một quốc gia mạnh mẽ, kiên cường, có văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, chủ quyền riêng với phong tập tập quán, những nét văn hoá riêng. Các quốc gia khác phải tôn trọng lãnh thổ đất Việt, không có quyền xâm phạm, giày xéo. Không chỉ là một Đại Việt có lịch sử lâu đời, có nền độc lập riêng, Đại Việt ta còn tự hào với bao thế hệ anh tài, những nhân kiệt nơi nơi, từ vùng núi đến đồng bằng, từ biển cả đến non cao, đâu đâu cũng có những người hùng dũng cảm, tài trí và yêu quê hương:
“Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”
Hơn thế nữa, niềm tự hào dân tộc còn được Nguyễn Trãi thể hiện qua việc ngợi ca những chiến thắng hào hùng của nước Đại Việt, qua sức mạnh của chính nghĩa trên những trận chiến không khoan nhượng giữa ta và địch:
“Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét
Chứng cớ còn ghi”
Những chiến công hào hùng đã lưu danh sử sách, thất bại của Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã là minh chứng tiêu biểu cho điều ấy. Lưu dấu cho những chiến công đó là các địa danh lịch sử như sông Bạch Đằng, cửa Hàm Tử, không chỉ con người tham gia vào cuộc chiến chính nghĩa mà cả đất nước, non sông cùng chiến đấu, lưu danh sử sách với chiến công hùng hồn.
Niềm tự hào dân tộc toát ra trong từng lời thơ, tứ thơ. Qua đoạn trích, chúng ta thêm tự hào về thế hệ cha anh đi trước, tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Tin rằng, những học sinh như chúng ta và thế hệ mai sau sẽ noi gương người đi trước, học tập, trở thành
những người công dân có ích để dựng xây đất nước, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.
—————HẾT——————-
Qua bài phân tích trên, chắc hẳn các em cũng có thêm nhiều kiến thức và những kinh nghiệm làm bài văn nghị luận văn học. Các em cùng tham khảo thêm một số bài văn hay khác cùng chủ đề dưới đây để ôn luyện và làm bài thật tốt nhé: Phân tích đoạn trích Nước Đại Việt ta, Sơ đồ tư duy Nước Đại Việt ta , Chứng minh Nước Đại Việt ta là một bản tuyên ngôn bất hủ, Từ trích đoạn Nước Đại Việt ta em có suy nghĩ gì về lòng yêu nước.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/chung-minh-rang-nuoc-dai-viet-ta-la-mot-ang-van-day-niem-tu-hao-dan-toc/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục