Giáo dục

Dàn ý cảm nhận 6 câu thơ cuối đoạn trích Cảnh ngày xuân

Dàn ý chi tiết phân tích cảm nhận về 6 câu thơ cuối bài Cảnh ngày xuân

I. Mở bài

– Giới thiệu đoạn trích Cảnh ngày xuân

Bạn đang xem bài: Dàn ý cảm nhận 6 câu thơ cuối đoạn trích Cảnh ngày xuân

+ Đoạn trích này được viết sau đoạn tả tài sắc của chị em Thúy Kiều.

+ Đoạn trích là bức tranh mùa xuân đầy rực rỡ, sinh động với không khí náo nhiệt của những ngày lễ hội đầu năm.

– Giới thiệu sáu câu thơ cuối: tâm trạng luyến tiếc, trầm buồn của chị em Thúy Kiều và cảnh xuân trong ánh chiều tà.

Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dang tay ra về

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

II. Thân bài

1. Khái quát về đoạn trích Cảnh ngày xuân:

– Đoạn thơ Cảnh ngày xuân là một bức tranh thiên nhiên tả cảnh mùa xuân đẹp với một không khí lễ hội rộn ràng và tưng bừng.

– Cảnh mùa xuân được Nguyễn Du tả theo trình tự không gian và thời gian.

+ Bức tranh chiều xuân:

  • Nên thơ, đượm buồn với cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về.
  • Bức tranh buổi chiều được miêu tả với nét đẹp dịu dàng, thanh nhẹ, nhuốm màu tâm trạng.
  • Bút pháp: tả cảnh ngụ tình.

⇒ Gợi lên tâm trạng tiếc nuối, luyến tiếc, thơ thẩn của chị em Kiều.

+ Hình ảnh chị em Thúy Kiều ra về sau ngày du xuân

Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dang tay ra về.

– Nghệ thuật:

+ Từ láy: “tà tà” gợi ra hình ảnh trời chiều, sự vận động chậm rãi như muốn níu kéo thêm khoảnh khắc tươi đẹp của lễ hội.

+ Từ “thơ thẩn” gợi trạng thái vô thức đầy vẻ tiếc nuối.

+ Không gian lúc chiều tà

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần theo phong cảnh có bề thanh thanh.

Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

=> Cảnh vẫn mang cái thanh, cái dịu của mùa xuân: nắng nhạt, khe nước nhỏ, một nhịp cầu bắc ngang.

+ Cảnh vật dường như nhạt dần, lặng dần, mọi chuyển động đều nhẹ nhàng.

+ Không gian mang dáng dấp nhỏ nhoi, bé hẹp, phảng phất buồn.

+ Cảm giác bâng khuâng khó tả của con người.

– Nghệ thuật:

  • Từ láy “Nao nao”, “tà tà”, “thanh thanh”: mang cảm giác phảng phất buồn của cảnh vật và tâm trạng con người.
  • Từ láy “Thơ thẩn”: sự bần thần, tiếc nuối, lặng buồn.

⇒ Cảm giác bâng khuâng, xao xuyến về một ngày du xuân đã tàn.

⇒ Vẻ đẹp tâm hồn của những nam thanh nữ tú tha thiết với niềm vui cuộc sống, nhạy cảm và sâu lắng.

III. Kết bài

– Nội dung: Tâm trạng tiếc nuối, quyến luyến, thơ thẩn của chị em Thúy Kiều khi phải chia tay với hội xuân.

– Nghệ thuật: Sử dụng bút pháp cổ điển tả cảnh ngụ tình.

Bài văn mẫu tham khảo

Nguyên tắc của thơ xưa, khi miêu tả cảnh bao giờ cũng gắn với con người và thể hiện tình cảm của đối tượng. Khung cảnh luôn là vật chiếu, khúc xạ những tâm tư, tình cảm của nhân vật “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Không nằm ngoài nguyên tắc chung đó, thơ Nguyễn Du cũng thể hiện tương tự như vậy. Sáu câu thơ cuối trong đoạn trích Cảnh ngày xuân không chỉ kể về kết thúc ngày hội du xuân, mà còn thể hiện những xúc cảm, suy nghĩ của nhân vật.

Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Trời đã về chiều, mặt trời đã dần ngả về phương tây. Trong văn học cổ hay hiện đại, thời gian buổi chiều luôn là khoảng thời gian gợi nhiều nỗi niềm, tâm trạng. Bởi vậy, cái “dan tay” của ba chị em tưởng lại vui, mà hóa ra lại thấm đẫm tâm trạng bâng khuâng, man mác buồn. Thời gian mùa xuân trôi nhanh cũng như ngày lễ hội đi qua. Sau những cái ồn ào, đông vui, tấp nập của không khí mùa xuân là những khoảng lặng khi ngày hội tàn, để lại trong lòng người biết bao tâm sự.

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

Khung cảnh hiện lên với nhưng nét bé nhỏ, trong trẻo, tác giả dùng hàng loạt các từ “thanh thanh”, “tiểu” “nho nhỏ” gợi sự nhỏ bé, mảnh mai của cảnh vật. Dường như về chiều mọi vật đều trở nên thanh mảnh và bé nhỏ hơn, ánh nắng cũng nhạt dần, mờ dần. Bức tranh vừa mơ mộng, nên thơ vừa phảng phất hiu quanh, man mác buồn. Trong bốn câu thơ tác giả còn sử dụng hàng loạt các từ giàu giá trị tạo hình và biểu cảm. Đặc biệt là từ láy “nao nao” gợi lên cảm giác bâng khuâng, xao xuyến về một ngày vui, đồng thời nó cũng như một dự cảm về những điều sắp xảy ra. Cái “nao nao” ấy vừa thể hiện dư âm của cái đã qua – ngày hội tàn, vừa là dự cảm cho những gì sắp tới – gặp nấm mộ Đạm Tiên. Cách tả tình, tả cảnh của Nguyễn Du thật khéo léo và tinh tế, chuyển cảnh mà có cảm tưởng như chưa hề có bất cứ chuyển động nào. Đó là cái thần tình của người nghệ sĩ tài hoa.

Đầu và cuối tác phẩm Nguyễn Du đã dựng lên hai bức tranh thiên nhiên nhưng đồng thời cũng là hai bức tranh tâm trạng. Bức tranh đầu náo nức, vui tươi, tràn ngập sức sống bao nhiêu thì bức tranh cuối lại đạm đạm, hiu hiu, man mác buồn bấy nhiêu. Khung cảnh không chỉ là cảnh mà còn là tình, là tâm trạng của những trái tim nhạy cảm, dễ rung động, đồng thời cảnh ấy còn mang tính chất dự báo về cuộc gặp gỡ định mệnh của Thúy Kiều phía sau. Qua đó càng khẳng định hơn nữa tài năng nghệ thuật bậc thầy của Nguyễn Du.

Để lột tả vẻ đẹp của bức tranh cũng như tâm trạng của nhân vật, Nguyễn Du tỏ ra là người hết sức khéo léo trong việc sử dụng ngôn từ. Ông sử dụng linh hoạt các từ láy: nao nao, tà tà, thanh thanh,… vừa diễn tả khung cảnh vừa miêu tả tâm trạng nhân vật. Ngoài ra cũng cần kể đến giọng điệu thơ tha thiết, luyến tiếc, phảng phất nỗi buồn. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tài ba.

Bằng ngôn từ tài hoa, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình khéo kéo, Nguyễn Du đã vẽ nên bức tranh sau hội thật đẹp mà cũng thật buồn. Bức tranh ấy thấm đẫm tâm trạng của những con người trẻ tuổi sau ngày lễ hội vui tươi. Đồng thời bức tranh ấy cũng làm nền cảnh cho sự xuất hiện của các sự kiện tiếp theo.

——————————————————————–

Trên đây là phần hướng dẫn lập dàn ý chi tiết cho bài văn phân tích cảm nhận về 6 câu thơ cuối bài Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du. Hi vọng các bạn đã có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình được hay hơn.

Tham khảo những bài văn hay lớp 9 khác tại thư mục tài liệu Văn mẫu 9 do Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá sưu tầm và tuyển chọn. Chúc các bạn luôn học tốt !

Dàn ý cảm nhận 6 câu thơ cuối đoạn trích Cảnh ngày xuân

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn nêu cảm nhận về 6 câu thơ cuối bài Cảnh ngày xuân (trích trong Truyện Kiều) của Nguyễn Du.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/dan-y-cam-nhan-6-cau-tho-cuoi-doan-trich-canh-ngay-xuan/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button