Giáo dục

Dàn ý cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương

Dàn ý cảm nhận về Lẽ ghét thương – Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá tổng hợp mẫu dàn ý chi tiết nhất đề văn phân tích và cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương (Nguyễn Đình Chiểu).

Dàn ý cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương

I. Mở bài

Bạn đang xem bài: Dàn ý cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương

– Trình bày những nét khái quát về tác giả Nguyễn Đình Chiểu và truyện thơ Truyện Lục Vân Tiên

– Trình bày những cảm nhận khái quát nhất của bản thân về đoạn trích Lẽ ghét thương: Nói lên những tình cảm yêu ghét rất phân minh, mãnh liệt và tấm lòng thương dân của Nguyễn Đình Chiểu

II. Thân bài

1. Cảm nhận về mối quan hệ giữa ghét và thương

– Mối quan hệ về lẽ yêu ghét được đúc kết ngay trong câu thứ 4 của đoạn trích:

+ “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”: cội nguồn sự ghét là lòng thương, thương là gốc ⇒ hai tình cảm đối lập nhưng thực chất là sự thống nhất, bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

⇒ Đây cũng chính là tuyên ngôn về lẽ ghét thương của ông Quán

– Cuối đoạn trích, một lần nữa mối quan hệ khăng khít giữa lẽ ghét và thương lại trở lại:

+ “Nửa phần lại ghét nửa phần lại thương”: Càng yêu thương nhân dân, tiếc thương những người tài đức lại càng căm ghét những kẻ hại dân hại đời.

2. Cảm nhận về lẽ ghét

– Những điều ông Quán ghét: việc tầm phào, ghét Kiệt, Trụ mê dâm, đời U, Lệ đa đoan, ghét đời Ngũ Bá phân vân, đời thúc quý phân băng…

⇒ Thực chất: ghét vua chúa đắm say tửu sắc, tàn bạo bất nhân, ăn chơi hưởng lạc, không chăm lo đến đời sống của dân, để triều đại suy tàn.

+ “Ghét đời”: ghét cả một đời, một triều đại, một chính quyền, một xã hội

+ Điệp từ “ghét”: tăng sức mạnh cảm xúc

+ Điệp từ dân: Cơ sở lẽ ghét chính là yêu dâm, lo cho dân

⇒ Tác giả đã đứng về phía nhân dân, xuất phát từ quyền lợi của nhân dân để ghét. Cội nguồn của lẽ ghét chính là lẽ thương.

3. Cảm nhận về lẽ thương

– Khi bàn về lẽ ghét, ông Quán thường ghét cả một “đời”, khi bàn về lẽ thương, ông hướng vào những người cụ thể:

+ Thương là thương đức thánh nhân

+ Thương thầy Nhan tử dở dang

+ Thương ông Gia Cát tài lành

+ Thương thầy Đổng Tử cao xa

+ Thương người Nguyên Lượng ngùi

+ Thương ông Hàn Dũ chẳng may

+ Thương thầy Liêm, Lạc đã ra

– Điệp từ “thương”: nhấn mạnh tình cảm đối với những người vì dân vì nước, cả đời bôn ba xuôi ngược, vất vả nhưng sự nghiệp không thành.

⇒ Thương bằng tình cảm chân thành và niềm tiếc nuối.

4. Cảm nhận về hình tượng nhân vật ông Quán

– Đây là nhân vật phụ nhưng để lại ấn tượng sâu sắc bởi:

+ Ông Quán xuất hiện đầu đoạn trích cho cảm nhận: thông kinh sử, bộc trực, thẳng thắn, yêu ghét phân minh rõ ràng ⇒ Là biểu trưng cho tính cách Nam Bộ và tư tưởng nhà văn.

+ Thông qua những lời bàn về lẽ ghét và lẽ thương: tình cảm yêu ghét của ông Quán rõ ràng, dứt khoát, nồng nàn, mãnh liệt. Thương ghét đều chân thành, sắc nhọn mà mộc mạc bình dị ⇒ Tình cảm của con người miền Nam.

– Đây là nhân vật Nguyễn Đình Chiều gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình bởi bản thân ông là người nằm trong cảnh ngộ đáng để “thương”. Ngoài ra đó còn là sự đồng cảm, kính yêu những vĩ nhân và tiếc thương cho cuộc đời, số phận của bản thân mình.

III. Kết bài

– Khái quát những đặc sắc nghệ thuật làm nên thành công của đoạn trích nói riêng và tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên nói chung: lời thơ mộc mạc, chân chất, đậm đà cảm xúc, sử dụng điển tích, điển cố…

– Liên hệ trình bày suy nghĩ bản thân về lẽ ghét thương trong xã hội hiện nay.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn tìm hiểu soạn bài Lẽ ghét thương

Bài văn mẫu cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương của Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn, là một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học trung đại Việt Nam. Tuy ông là một nhà thơ mù nhưng Nguyễn Đình Chiểu luôn chủ trương sáng tác văn học để “chở đạo, đâm gian”, vì thế mà các tác phẩm của ông luôn chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc. Và “Lục Vân Tiên” là một tác phẩm tiêu biểu về vấn đề đạo đức của con người được nhà thơ quan tâm và thể hiện ở nhiều góc độ. Đoạn trích “Lẽ ghét thương” nằm ở phần hai của tác phẩm đã chinh phục người đọc bởi tính nhân dân, bởi tình cảm yêu ghét phân minh và tấm lòng nhiệt thành với chính nghĩa, là nét đặc trưng tính cách của con người Nam Bộ qua nhân vật ông Quán. Và đó cũng chính là bản thân nhà thơ tự bộc bạch tình cảm của mình trước sự đời.

Lục Vân Tiên” không phải là tác phẩm đề cao trung, hiếu, tiết, hạnh mà là đề cao nhân nghĩa và phê phán tất cả những gì là bất nhân, bất nghĩa. Bao trùm tác phẩm là những tình cảm rất đẹp đẽ, hồn nhiên của những con người biết cứu giúp nhau trong hoạn nạn, yêu thương nhau lúc khó khăn, những người sống có chí tình chí nghĩa. Đoạn trích “Lẽ ghét thương” trong “Lục Vân Tiên” gồm hai sáu câu thơ lục bát, là lời của ông Quán. Trong đó mười câu nói về “ghét”, mười sáu câu nói về “thương”. Hoàn cảnh để ông lão bày tỏ lẽ ghét thương của mình là khi bắt gặp Lục Vân Tiên cùng với Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm thi thố với nhau. Đến khi Trịnh Hâm và Bùi Kiệm thua thì lại đổi cho bên Lục Vân Tiên gian lận. Chính vì thế ông Quán thấy bất bình và lên tiếng thể hiện sự ghét thương của bản thân mình. Có thể nói ở đây, ta thấy tác giả đã nhờ ông Quán nói lên sự ghét thương. Trong lời của ông, ta thấy rõ tư tưởng trung quân của Nguyễn Đình Chiểu trước hết không phải xuất phát từ vua mà từ dân, từ lợi ích của dân. Nhà thơ thấy chỉ có thể trung với những ông vua tốt, biết chăm lo cho dân, chứ đối với những ông vua xấu ác làm hại dân, gây đau khổ cho dân thì ông lại lên án sâu sắc. Bởi vậy, cái ghét, tình thương của ông xuất phát từ một tấm lòng yêu thương dân sâu xa nồng thắm:

“Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”

Suy nghĩ kĩ câu thơ này, ta nhận ra rằng gốc rễ, nguyên nhân sâu xa của nỗi ghét chính là tình thương dân sâu sắc. Tình thương chính là điểm tựa, là động lực tinh thần để nhà thơ lên tiếng phê phán những bọn xấu xa, những kẻ độc ác. Mười dòng thơ, từ “ghét” được lặp đi lặp lại tám lần, diễn tả tư tưởng, tình cảm của tác giả:

“Quán rằng mình: Ghét việc tầm phào

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm”

Lời lẽ thô mộc, âm hưởng đay nghiến như xiết vào lòng người. Ta tưởng như nhà thơ đã dồn nén, cô đúc vào đây tất cả sức mạnh của tình cảm để bộc lộ sự khinh ghét, căm giận đến tột độ những ngang trái, bất công trong cuộc đời.

Tám câu thơ tiếp theo, hai câu diễn tả cụ thể một nỗi ghét của nhà thơ. Ta thấy căn nguyên, gốc rễ của cái ghét: “Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm“, những cái “tầm phào”, những cái “đa đoan”, những cái “dối trá”, những cái “mê dâm” là vì chúng làm “dối dân”, làm dân nhọc nhằn, dân luống chịu lầm than muôn phần, làm dân đến nỗi “sa hầm sẩy hang”. Như vậy, căn nguyên của cái ghét là bởi vì tình thương sâu sắc đối với nhân dân. Những kẻ có quyền, có ô lọng đã lợi dụng chỗ dựa để lừa gạt, làm hại dân… Thực ra là những ông vua bạo ngược, những kẻ kéo bè phái gây chiến tranh hại dân… đời Kiệt, Trụ; đời U, Lệ, đời Ngũ Bá, Thúc, Quý:

“Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm

Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang

Ghét đời U, Lệ đa đoan

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần…”

Trong số câu thơ nói về lẽ ghét thì có bốn câu có từ “dân”, nói về nỗi khổ của dân:

“Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang

Khiến dân lấm chịu lầm than muôn phần

Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn 

Sớm đầu tối đánh lằng nhằng dối dân”

Nỗi ghét được giãi bày sâu đậm, cao độ. Để giãi bày những lời tâm huyết về nỗi ghét này được sâu đậm, Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng nghệ thuật điệp từ “ghét” trong câu thơ tám tiếng:

“Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm”

Nhà thơ đã vận dụng quy luật chuyển đổi cảm giác: Từ vị giác “cay đắng” kết hợp với từ “ghét” tạo nên một thứ cảm xúc đặc biệt. Với cách diễn đạt tăng cấp, Nguyễn Đình Chiểu cho thấy cái ghét của ông Quán chính là lòng căm cao độ, sâu cay. Ông căm thù tất cả những kẻ làm tổn hại đến cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.

Ở mười câu thơ trên, nhà thơ đã để lại cho ông Quán nói lòng căm thù bọn hại dân, để nói lòng thương dân thì ở mười sáu câu thơ này, nhà thơ lại để cho nhân vật bộc lộ lòng yêu thương dân trực tiếp với những bậc hiền nhân quân tử đời xưa, những con người tài cao đức lớn mà không gặp thời gặp vận, không nên sự nghiệp. Mở đầu là ông nói tình thương của mình đối với Khổng Tử vất vả, gian lao trong công việc truyền đạo Nho:

“Thương là thương đức thánh nhân

Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trầm lúc Khuông”

Ông Quán thương cả “Nhan Tử dở dang” chưa đạt công danh mà chết yểu. Thương Gia Cát Lượng “đã đành phôi pha, tài lành” nhưng không xoay chuyển nổi thời vận nhà Hán. Ông Quán còn bộc lộ tình thương đến số phận cay đắng của con người trước quy luật của tạo hóa, xã hội. Đổng Tử Chí lớn mà “không nguôi”, Nguyên Lượng “lại lui về cày”, Hàn Dũ bị “đày đi xa”, Liêm, Lạc bị xua đuổi….

Nếu như ở mười câu đầu, Nguyễn Đình Chiểu để cho nhân vật nói lên lòng căm thù bọn người hại dân để nói lên lòng thương dân, thì ở đoạn sau tác giả lại cho nhân vật bộc lộ trực tiếp lòng thương đối với những người có tài cao chí lớn, muốn phò vua giúp đời mà gặp phải bất hạnh nên nguyện vọng cứu dân không thực hiện được. Và để thể hiện tình cảm đó, nhà thơ đã sử dụng điệp từ “thương” tới chín lần. Nó không chỉ thể hiện tình yêu tha thiết ông dành cho từng đối tượng cụ thể mà còn bộc lộ một tình cảm bao la rộng lớn dành cho số phận cay đắng của con người trước những quy luật khắc nghiệt của tạo hóa. Đó cũng chính là những con người có ít nhiều nét đồng cảnh với Đồ Chiểu, một người từng nuôi chí hành đạo giúp đời. Nhưng cuộc đời nhà thơ gặp nhiều bất hạnh. Bởi thế, tình thương ở đây chính là niềm thương cảm sâu sắc của Đồ Chiểu.

Thông qua lời ông Quán, Nguyễn Đình Chiểu đã giãi bày tâm huyết của mình về lẽ ghét thương với con người. Hai trạng thái tình cảm đối nghịch nhưng lại thống nhất trong một con người. Thương và ghét đan xen, đó chính là một trái tim hòa cùng nhịp đập với cuộc đời, với nhân dân. “Lẽ ghét thương” nói riêng và “Lục Vân Tiên” nói chung xứng đáng là một bài ca đạo đức, là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc trong lòng người đọc.

» Tham khảo thêm:

  • Bài văn mẫu cảm nhận về Lẽ ghét thương

  • Phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương

Mời các bạn tìm đọc và tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 11 khác tại Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá.

Dàn ý cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương

Hướng dẫn lập dàn ý đề văn phân tích và trình bày cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương (Trích Lục Vân Tiên) của Nguyễn Đình Chiểu.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/dan-y-cam-nhan-ve-doan-trich-le-ghet-thuong/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button