Văn Học

Dàn ý giải thích câu Học học nữa học mãi ngắn gọn

Giải thích câu tục ngữ học, học nữa, học mãi

Dàn ý giải thích nội dung lời khuyên của Lê Nin Học, học nữa, học mãi

Lập dàn ý Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: Học học nữa học mãi. Đây là nội dung bài viết số 6 lớp 7 đề 5. Trong bài viết này Tmdl.edu.vn xin chia sẻ mẫu dàn ý giải thích câu Học học nữa học mãi ngắn gọn giúp các bạn nắm được các ý chính để làm bài viết giải thích câu Học học nữa học mãi sao cho hay và ý nghĩa.

Bạn đang xem bài: Dàn ý giải thích câu Học học nữa học mãi ngắn gọn

1. Dàn ý giải thích câu Học học nữa học mãi – mẫu 1

1. Mở bài

– Nêu vấn đề cần giải thích: cần học tập không ngừng

– Trích dẫn câu nói của Lê – nin: “Học, học nữa, học mãi”

2. Thân bài

a, Giải thích

– Học: là hành động tiếp thu, lĩnh hội tri thức của người khác thành của bản thân mình.

– Học nữa: thúc giục học tập nhiều hơn.

– Học mãi: việc học là việc suốt đời và cả đời dù là với bất kì ai.

=> Câu nói khuyên ta luôn phải nỗ lực học tập, không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội.

b, Biểu hiện của “Học, học nữa học mãi”

– Nguyễn Hiền là trạng nguyên đầu tiên và cũng là trạng nguyên nhỏ tuổi nhất nước ta. Ông từ nhỏ đã không có điều kiện đi học nên lân la ở cửa các lớp học để học ké bài. Bằng sự ham hỏi hỏi, tìm tỏi, ông đã đỗ trạng khi chỉ mới 12 tuổi.

– Bác Hồ là tấm gương sáng của tinh thần học tập không ngừng nghỉ. Bác có khả năng thông thạo 30 ngoại ngữ khác nhau. Khi bôn ba tìm đường cứu nước, Bác luôn tranh thủ học từng tí một: viết từ mới lên cánh tay, dán giấy khắp nơi,… Bằng cách đó, Bác có thể giao tiếp với tất thảy bạn bè trên thế giới, tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc.

– Cụ Lê Phương Thiệt ở Quảng Nam dù 80 tuổi vẫn đi học cao học. Năm 62 tuổi cụ mới bắt đầu học đại học. Cụ là hình ảnh đẹp về tinh thần học tập bất diệt của con người, không phân biệt tuổi tác. Cụ là minh chứng sáng rõ nhất chõ một chân lí: sự học không bao giờ là muộn với bất kì lứa tuổi nào mà chỉ đáng tiếc khi ta không học.

c, Tại sao cần “Học, học nữa, học mãi”?

– “Bể học vô hạn” nên ta cần tiếp thu tri thức một cách không ngừng nghỉ mới theo kịp trình độ phát triển của nhân loại.

– Sự cố gắng học tập không ngừng nghỉ sẽ giúp ta tiếp thu được nhiều tri thức, nâng cao tầm hiểu biết, là nền tảng để làm việc hiệu quả, có năng suất hơn người khác.

– Học ở đây không chỉ là kiến thức sách vở mà còn là học kĩ năng sống, còn ngồi trên ghế nhà trường thì không chỉ học từ sách mà còn học thầy cô, bạn bè; đi làm rồi vẫn cần phải học, học từ đồng nghiệp, học từ mọi người trong xã hội.

– Tri thức được mở rộng không chỉ có lợi cho công việc của bản thân mà còn giúp mọi người nhìn bạn với cái nhìn khác: tôn trọng, ngưỡng mộ.

– Nếu không học sẽ tự đánh lùi bản thân so với tiến độ học tập của xã hội.

d. Bài học rút ra từ câu nói

– Nắm vững kiến thức ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường để có nền tảng học những điều cao hơn.

– Biết chọn lọc kiến thức phù hợp với trình độ tiếp nhận của bản thân.

– Biết lập mục tiêu học tập và tu dưỡng quyết tâm để thực hiện mục tiêu đó.

– Cần học hỏi từ mọi người: bạn bè, thầy cô, người lớn,…

e, Mở rộng vấn đề

– Những cách học sai lầm:

+ Học liên tục nhưng không có phương pháp học đúng đắn khiến việc học trở nên vô ích: học tủ, học vẹt

+ Học vì lợi ích chứ không phải vì người khác: học vì nghĩ bị cha mẹ ép buộc, học chỉ chăm chăm quan tâm đến điểm số,…

– Một số bạn trẻ hiện nay coi thường việc học, chểnh mảng những giờ học trên lớp, đi làm rồi chểnh mảng việc nâng cao tay nghề, kiến thức chuyên môn.

3. Kết bài

– Khẳng định tính đúng đắn của câu nói “Học, học nữa, học mãi”

– Liên hệ với bản thân: trách nhiệm học tập, tìm tòi tri thức để hoàn thiện mình, trở thành một công dân có ích cho cộng đồng và xã hội.

2. Lập dàn ý giải thích câu Học, Học Nữa, Học Mãi – mẫu 2

I/ Mở bài

– Trên con đường tiến tới đài vinh quang của nhân loại, chẳng bao giờ có dấu chân của kẻ lười biếng.

– Qua đó Lê-nin đã nhắc nhở chúng ta về thái độ học tập không ngừng bằng một câu nói nổi tiếng: “Học, học nữa, học mãi.

II/ Thân bài

1) Giải thích ngắn (là gì?)

– “Học” là sự kế thừa những kiến thức mà ông cha ta để lại.

– Khi học chúng ta phải tìm hiểu và mở rộng các kiến thức đã thu nhân được từ thế giới xung quanh.

– “Học nữa” là chúng ta phải học từ trình độ này đến trình độ khác.

– Nâng cao trình độ và sự hiểu biết của mình về mọi mặt và ở bất cứ nơi nào

– “Học mãi” có nghĩa là chúng ta phải không ngừng học tập.

– Phải luôn luôn tìm tòi và nghiên cứu những kiến thức mà ta đã học được.

– Từ ngàn xưa, lợi ích của việc học tập là đúc kết những tinh túy và áp dụng chúng
vào cuộc sống.

– Chỉ khi có học thức chúng ta mới có thể góp phần đem lại một xã hội văn minh và
tiến bộ.

– Như thế lời dạy của Lê-nin mang hàm ý khuyên răn chúng ta phải học hỏi không
ngừng và học suốt đời.

2) Lý giải cơ sở nảy sinh vấn đề (Tại sao?)

*LĐ1:

– Kiến thức mà ta biết chỉ là một giọt nước, còn những điều ta chưa biết là biển cả.

+Chỉ có học tập mới giúp ta thỏa mãn sự hiểu biết và sự tò mò của con người.

+Học là con đường ngắn nhất trong hành trình đến với tri thức.

*LĐ2:

– Học tập là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi con người

+nghĩa vụ: ai cũng phải học tập để có nền tảng kiến thức, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ Quốc

+ trách nhiệm: học tập phải là một quá trình nghiêm túc, góp phần xóa nạn mù chữ ở nước ta

+quyền lợi: ai cũng có quyền được học, được trở thành người văn minh, có tri thức

*LĐ3:

– Học tập đem lại lợi ích cho bản thân

+ bảo vệ bản thân

+ tự nuôi sống bản thân

– Và qua đó ta cũng có thể khẳng định giá trị của mình qua những kiến thức mà ta đã áp dụng.

3) Phương hướng vận dụng (Như thế nào?)

– Chúng ta phải cố gắng học tập thật chăm chỉ.

– Với mỗi con người sẽ có nhiều cách học khác nhau, nhưng quan trọng nhất là học phải đi đôi với hành.

– phải luôn học tập không ngừng (qua mỗi giờ trên Trái Đất lại có thêm một phát
minh mới ra đời)

– học ở nhà trường và tham khào thêm nhiều từ sách vở, từ kinh nghiệm của mọi người xung quanh

– Nhân vật điển hình

+ nhà bác học nổi tiếng Đắc-uyn: “Nhà bác học không có nghĩa là ngừng học”.

+Bác Hồ người lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam.

(Bác đã không ngừng học hỏi từ các nước láng giềng và đem những tinh túy ấy áp dụng vào nước ta.)

– Qua đó đã góp phần nâng lên giá trị chân lí của Lê-nin.

4 ) Phê phán:

– Trong trường học: có những học sinh lười biếng không chăm chỉ học hành, kiến thức
dở dang

– Trong xã hội: những người tự kiêu mãn nguyện với những gì mình đã làm được, nên
không chịu tiếp tục học hỏi.

III/ Kết bài:

– Câu nói: “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin là câu nói mang ý nghĩa nhân văn lớn cho con người.

– Nó sẽ luôn là một ngọn đèn sáng soi đường dẫn lối cho chúng ta bước tới đài vinh quang của nhân loại.

3. Giải thích câu Học, học nữa, học mãi là như thế nào?

1. Mở bài

Con người là sinh vật kì diệu nhất được tạo hóa tạo ra. Họ có khối óc, có tri thức mà không có bất cứ sinh vật nào trên quả địa cầu này sánh được. Và học chính là hành động tiếp thu, gìn giữ, phát triển duy nhất để tăng vốn tri thức ấy lên, phục vụ cho sự cải thiện đời sống của con người. Hiểu tầm quan trọng của việc học, nhà bác học Lê – nin đã khẳng định trong câu nói của mình: “Học, học nữa, học mãi”.

2. Thân bài

Để hiểu điều Lê – nin muốn nói, trước tiên ta cần hiểu “học” là gì? “Học” là hành động tiếp thu, lĩnh hội tri thức của người khác thành của bản thân mình. “Học nữa” lại thúc giục ta học tập nhiều hơn nữa. “Học mãi” nhấn mạnh việc học là việc của cả đời, dù là với bất kì, dù bất kì đâu. Câu nói khuyên ta phải nỗ lực học tập, không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội. Nhưng không nên hiểu “học” ở đây đơn giản là việc lĩnh hội kiến thức sách vở mà còn cả lĩnh hội những kiến thức sống, cách phân biệt tốt xấu. Biết nhận ra yếu điểm của bản thân, khắc phục nó để hoàn thiện mình. “Kẻ dốt nát không phải là kẻ kém trí thông minh mà là kẻ không biết học hỏi, tìm tòi, khám phá, và sẽ mãi mãi không có tự do vì trước mặt anh ta luôn là một thế giới xa lạ.” Vậy nên chỉ có học ta mới có cơ hội tìm hiểu, khám phá và biến “thế giới xa lạ” kia thành mục tiêu tìm tòi thú vị.

Thực tế đã chỉ rằng, những con người có tinh thần “Học, học nữa, học mãi” thì tất yếu thành công. Nguyễn Hiền là trạng nguyên đầu tiên và cũng là trạng nguyên nhỏ tuổi nhất nước ta. Vì điều kiện gia đình không cho phép nên ông chỉ có thể lân la ở các của lớp học để học ké bài. Bằng sự ham học hỏi, tìm tòi nên ông đã đỗ trạng nguyên khi chỉ mới 12 tuổi. Chính niềm đam mê học tập đã giúp ông đạt được những thành quả tuyệt vời. Bác Hồ cũng là một tấm gương vô cùng sáng của tinh thần học tập không ngừng nghỉ, “học nữa” trong mọi hoàn cảnh. Khi bôn ba khắp năm châu bốn bể tìm đường cứu nước, người đã chịu đựng bao khổ cực đắng cay:

“Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng biển

Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi,

Những đất tự do, những trời nô lệ,

Những con đường cách mạng đang tìm đi.”

(Chế Lan Viên)

Vất vả vậy mà Người vẫn tranh thủ học từng tí một: viết từ mới lên cánh tay, dán giấy khắp nơi,… Bằng cách đó, Người có thể nói được 30 ngoại ngữ khác nhau, giao tiếp với bạn bè năm châu, tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc…Hay như tấm gương “học mãi” của cụ Lê Phương Thiệt ở Quảng Nam dù 80 tuổi vẫn đi học cao học. Năm 62 tuổi cụ mới bắt đầu học đại học. Đây chính là hình ảnh đẹp về tinh thần học tập bất diệt của con người, không phân biệt tuổi tác. Cụ là minh chứng sáng rõ nhất cho một chân lí: sự học không bao giờ là muộn với bất kì lứa tuổi nào mà chỉ đáng tiếc khi ta không học…. Đó chỉ là những hạt cát nhỏ trong vô vàn những tấm gương hiếu học, để ta thấy được rằng thái độ học tập luôn là tiêu chí căn bản nhất để đánh giá một con người, nhất là trong xã hội hiện nay.

Vậy tại sao chúng ta cần phải “Học, học nữa, học mãi”? “Bể học vô hạn”, cuộc sống thay đổi từng ngày nên chỉ có tiếp thu tri thức một cách không ngừng nghỉ mới theo kịp trình độ phát triển của nhân loại. Trong sự tiến bộ đó, nếu bạn không cố gắng, bạn sẽ bị đào thải. Nỗ lực tiếp thu những tinh hoa mới của thế giới sẽ giúp ta nâng cao tầm hiểu biết, là nền tảng để làm việc có hiệu quả, có năng suất hơn người khác. Nhà thơ A. Ru – đa – ki đã từng nói: “Không kho báu nào quý bằng học thức, hãy tích lũy lấy nó lúc bạn còn đủ sức.” Nhưng đừng nên hiểu “học thức” ở đây đơn thuần là kiến thức sách vở mà nó còn bao hàm cả kĩ năng sống. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì không chỉ học từ giấy mực mà còn học từ thầy cô, bạn bè; đi làm rồi thì lại học từ đồng nghiệp, mọi người trong xã hội. Người có tri thức không chỉ giúp bản thân thăng tiến trong sự nghiệp mà còn khiến mọi người đánh giá, nhìn nhận mình bằng con mắt khác: có thể là tôn trọng, có thể là ngưỡng mộ,… Điều ấy thật hạnh phúc đúng không? Học tốt vừa phát huy truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc ta, vừa giúp xã hội phát triển.

Câu nói: “Học, học nữa, học mãi” cho ta những bài học thật quý giá để nhắc nhở bản thân. Trước hết, mỗi học sinh cần nắm vững kiến thức ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường để có nền tảng vững chắc, sau này có thể học những điều cao hơn. Học nhưng không phải cứ đâm đầu học là tốt mà cần chọn lọc những kiến thức phù hợp với trình độ phát triển của bản thân để học tập có hiệu quả. Tiếp theo cần biết đề ra mục tiêu bản thân và quyết tâm thực hiện mục tiêu đó. Nếu con người cứ sống mãi trong thành công hiện tại mà không biết “mài dũa” thêm thì rốt cuộc chỉ thành những viên ngọc bỏ đi:

“Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài

Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi”

(Ca dao)

Và hơn cả, cần có thái độ học tập từ tất cả những người xung quanh: học từ bạn bè, thầy cô, người lớn,.. Chỉ có “Học, học nữa, học mãi” mới là chìa khóa của mọi rương hòm kho báu trên đời.

Nhiều bạn trẻ rất hiếu học nhưng lại bị sai lầm trong phương pháp học: học liên tục nhưng không đúng cách khiến việc học trở nên vô ích (học tủ, học vẹt) hay học vì lợi ích, điểm số, học vì bị ép buộc chứ không nghĩ là học cho bản thân mình. Nhưng đáng buồn hơn, một số bạn còn coi thường việc học, chểnh mảng học tập, không chịu nâng cao tay nghề của bản thân trong công việc, nghĩ mình đã giỏi rồi mà không chịu tu dưỡng thêm mà họ những bạn ấy không biết rằng: “Nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại.” Tức là những cá nhân ấy chỉ làm chậm lại sự tiến bộ của xã hội.

3. Kết bài

Như vậy, câu nói “Học, học nữa, học mãi” là hoàn toàn đúng đắn. Nó như một lời kêu gọi thôi thúc ta cần chăm chỉ hơn, cần cù hơn trong việc tìm tòi tri thức để hoàn thiện mình, trở thành một công dân có ích cho cộng đồng, xã hội. Câu nói vẫn như một khẩu hiệu thiết thực về niềm đam mê học tập của người trước dặn dò các thế hệ mai sau.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học – Tài liệu của Tmdl.edu.vn.

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Văn Học

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button