Tài liệu hướng dẫn lập dàn ý phân tích hình tượng Tnú trong Rừng xà nu chi tiết và cụ thể của Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá với hệ thống luận điểm, luận cứ, sơ đồ tư duy kèm theo bài văn mẫu hay và chất lượng giúp các em tham khảo.
Hướng dẫn lập dàn ý phân tích hình tượng Tnú trong Rừng xà nu
1. Phân tích đề
– Kiểu đề: thuộc dạng đề nghị luận văn học (phân tích nhân vật trong tác phẩm văn học)
Bạn đang xem bài: Dàn ý phân tích hình tượng Tnú trong Rừng xà nu
– Vấn đề nghị luận: Hình tượng nhân vật Tnú (Các em cần phải nhớ những chi tiết, sự kiện liên quan đến nhân vật và ý nghĩa của nhân vật trong tác phẩm).
– Phạm vi dẫn chứng, tư liệu: các chi tiết, câu văn, từ ngữ thuộc phạm vi văn bản Rừng xà nu, mà chủ yếu là nhân vật Tnú.
2. Xác lập luận điểm, luận cứ
– Luận điểm 1: Khái quát hoàn cảnh nhân vật Tnú
– Luận điểm 2: Những phẩm chất của Tnú.
3. Sơ đồ tư duy
Sơ đồ tư duy phân tích hình tượng nhân vật Tnú
4. Chi tiết dàn ý phân tích nhân vật Tnú trong Rừng xà nu
a) Mở bài
– Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó với Tây Nguyên, một trong những tác phẩm thành công viết về mảnh đất này là Rừng xà nu.
– Tnú là nhân vật trung tâm của tác phẩm: là người anh hùng kết tinh vẻ đẹp của cộng đồng.
b) Thân bài
* Hoàn cảnh:
– Tnú vốn là đứa trẻ mồ côi, cha mẹ chết sớm, lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương của dân làng Xô Man, là đứa con chung của cộng đồng nên hội tụ vẻ đẹp cộng đồng.
* Phẩm chất
+) Dũng cảm, gan dạ, kiên cường
– Lúc còn nhỏ:
+ Xung phong đi nuôi giấu cán bộ, từ nhỏ đã giác ngộ lí tưởng cách mạng (trước đó những người bị làm nhiệm vụ này đã bị sát hại dã man: anh Sút, bà Nhan), giác ngộ lí tưởng Đảng.
+ Tnú học chữ thua Mai, nhưng khi anh Quyết nói, Tnú cầm đá đập vào đầu mình để nêu cao quyết tâm, Tnú ý thức sâu sắc về nhiệm vụ của mình mà cố gắng học.
+ Đi rừng rất tháo vát, nhanh nhẹn, bị giặc bắt mà không run sợ, chỉ tay vào bụng “cộng sản đây này”, khi bị tra tấn Tnú vẫn kiên cường, vẫn trung thành với Đảng.
– Khi trưởng thành:
+ Sau khi Tnú vượt ngục trở về, anh Quyết đã hi sinh, Tnú đã thay anh lãnh đạo dân làng Xô Man chuẩn bị vũ khí đánh giặc.
+ Khi chứng kiến vợ con bị tra tấn, anh đã xông vào cứu vợ con.
+ Tnú bị bắt, bị đốt 10 đầu ngón tay, Tnú không kêu van “người cộng sản không hề kêu van”, “trợn mắt nhìn thằng Dục”,…
+) Sự trung thành tuyệt đối với cách mạng, tính kỉ luật cao
– Còn nhỏ đã tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng “Cán bộ là Đảng, Đảng … này còn”.
– Sau đêm kinh hoàng (vợ con bị giết), anh không bi quan mà gia nhập lực lượng giải phóng quân trả thù cho dân làng, gia đình.
– Khi lập được chiến công, được nghỉ một ngày phép về thăm làng, anh đã chấp hành đúng quy định.
+) Có trái tim yêu, sục sôi căm giận
– Khi tham gia lực lượng giải phóng quân, anh rất nhớ nhà, nhớ quê hương, chỉ được về một đêm anh vẫn trở về.
– Là người chồng người cha hết lòng yêu thương vợ con: không chịu đựng được cảnh vợ con bị bắt giết, Tnú lao ra cứu, dang hai cánh tay ôm lấy vợ con, nhưng anh vẫn bị bọn giặc bắt.
– Yêu thương nồng nàn thì căm thù càng sâu sắc: ở Tnú có 3 mối thù lớn là mối thù của bản thân (2 lần bị giặc tra tấn, lưng còn nhiều vết sẹo, bàn tay cụt đốt), mối thù gia đình (vợ con bị giết), mối thù của buôn làng.
+) Hình ảnh đôi bàn tay:
+ Bàn tay yêu thương: anh Quyết nắm lấy tay Tnú, Mai nắm lấy tay Tnú khi anh trở về,…
+ Bàn tay đau thương (chứng kiến cảnh vợ con chết, chịu sự tra tấn của kẻ thù)
+ Bàn tay căm thù: chứng tích của lòng hận thù
+ Bàn tay báo thù: giết giặc trả thù cho Mai, cho con, cho dân làng Xô Man
+ Là nhân chứng cho con đường của dân làng Xô Man: “chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo”
=> Nhận xét: Câu chuyện bi tráng của cuộc đời Tnú là sự thể hiện đầy đủ nhất cho chân lí lịch sử “chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo”, phải vùng lên đấu tranh vũ trang mới có thể chiến thắng.
Tham khảo chi tiết một số bài văn mẫu phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong truyện Rừng xà nu để cảm nhận rõ ý nghĩa hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong việc thể hiện tính chất bi tráng của cuộc đời Tnú.
c) Kết bài
– Nêu cảm nhận về nhân vật: Tnú có số phận đau thương nhưng anh đã vượt qua nỗi đau để chiến đấu, bảo vệ hạnh phúc cộng đồng.
– Nghệ thuật: xây dựng hình tượng nhân vật bằng bút pháp lí tưởng hóa, đậm chất sử thi, với kết cấu truyện lồng trong truyện, đầu cuối tương ứng đặc sắc, ngôn ngữ đậm chất sử thi, nhưng cũng mộc mạc giản dị, xây dựng hình tượng, …
– Tác phẩm là một khúc sử thi bi tráng, ngợi cả vẻ đẹp của những con người núi rừng Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ.
» Top 3 bài văn hay phân tích hình tượng Tnú trong truyện Rừng xà nu
Bài văn mẫu tham khảo phân tích hình tượng nhân vật Tnú
Tnú là nhân vật trung tâm trong phẩm Rừng xà nu, đây là hình tượng nổi bật nhất, làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Tnú vừa là đại diện số phận, vừa là kết tinh của lòng yêu nước và những phẩm chất đẹp đẽ của người dân Tây Nguyên. Dù chỉ trong dung lượng ngắn ngủi, nhưng bằng nội lực dồi dào, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã xây dựng thành công hình tượng Tnú.
Tnú sớm mồ côi cha mẹ và lớn lên nhờ sự cưu mang của dân làng, bởi vậy Tnú là con của buôn làng, của núi rừng. Bởi vậy, tất cả những hành động anh hùng, dũng cảm của Tnú sau này đều là tình yêu thương và sự tri ân mà anh cho nguồn cội đã nuôi dưỡng, che chở cho mình.
Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng Tnú sớm bộc lộ những phẩm chất đẹp đẽ. Tnú giác ngộ cách mạng từ sớm, cậu sớm nuôi giấu cách mạng từ khi còn nhỏ. Không chỉ vậy Tnú còn hết sức dũng cảm, gan dạ, điều này được thể hiện trong cả cuộc sống cũng như khi hoạt động cách mạng. Trong cuộc sống, Tnú không bao giờ chọn chỗ bằng phẳng, dễ dàng để đi, mà lựa những chỗ thác mạnh bơi ngang, vượt lên mặt nước… Đặc biệt lòng dũng cảm được thể hiện rất rõ trong cách mà anh đối diện với kẻ thù. Khi bị giặc bắt trên đường liên lạc, Tnú lập tức nuốt thư vào bụng, thách thức sự đánh đập, tra tấn dã man của địch. Mặc dù tỏ ra lì lợm, ít nói, nhưng Tnú lại là một người giàu tình cảm và lòng yêu thương. Trong đêm anh Quyết ôm Tnú vào lòng, dù giả vờ ngủ nhưng những dòng nước mắt đã đong đầy nơi mắt. Những giọt nước mắt đó cho thấy sự nhận thức cũng như sự trào dâng lòng yêu nước mãnh liệt.
Khi đi lực lượng trở về lòng yêu nước, cũng như sự dũng cảm của Tnú càng được bộ lộ rõ hơn nữa. Ba năm rèn rũa, hoạt động cách mạng, đã tôi luyện và làm cho Tnú thực sự trưởng thành. Kết duyên với Mai, Tnú là trụ cột của gia đình đồng thời sau khi đi lực lượng về Tnú còn là trụ cột của dân làng Xô Man. Chính Tnú là người đã đi gùi đa về cho dân làng mài vũ khí. Tnú đã thổi bùng và mài sắc tinh thần đấu tranh, ý thức phản kháng để chống lại đế quốc Mĩ. Từ sự dũng cảm trong cá nhân mà Tnú đã khơi dậy và biến Tây Nguyên thành mảnh đất anh hùng.
Việc dân làng Xô Man mài vũ khí đã trở thành mối đe dọa với kẻ thù, bởi vậy chúng đã kéo đến làng hòng đàn áp. Và nhằm bắt được Tnú chúng đã bắt Mai và đứa con mới sinh của Tnú để uy hiếp anh. Chứng kiến vợ và con oằn mình chống lại những cơn mưa roi của kẻ thù, Tnú không thể kiềm chế đã xông ra để cứu vợ con dù biết chắc mình sẽ rơi vào cái bẫy của kẻ thù. Nỗi đau của những người thân, đã thổi bùng trong Tnú ngọn lửa căm thù: “Ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn” đó là ngọn lửa lòng căm hận sâu sắc, đó cũng là khơi nguồn sức mạnh trong Tnú.
Nhưng dù mang trong mình sức mạnh Tnú cũng không thể cứu được vợ con, dưới con mưa roi tàn ác của kẻ thù, hai mẹ con Mai đã chết, đây là bi kịch, nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời Tnú. Không bảo vệ được gia đình, mà chính Tnú cũng phải chịu sự tra tấn, hành hạ dã man. Kẻ thù thâm độc, đã sử dụng nhựa cây xà nu để đốt cháy những ngón tay anh. Hình thức tra tấn dã man, không để Tnú chết một cách nhanh chóng mà bắt anh chịu đựng nỗi đau về thể xác. Mười đầu ngón tay của Tnú trở thành ngọn đuốc rực sáng. Nhưng khi nỗi đau đã vượt ngoài giới hạn chịu đựng, anh không còn cảm thấy đau nữa: “Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa … Nhưng trời ơi! Cháy, chết cả ruột gan đây rồi”. Sử dụng câu cảm thán với điệp từ đã diễn tả chân thực nỗi đau của Tnú phải chịu đựng. Nhưng đối lập với nỗi đau này là khả năng chịu đựng phi thường. Nếu ở trên tội ác của kẻ thù được tô đậm bao nhiêu thì ở dưới sự kiên trung bất khuất của Tnú được nhấn mạnh bấy nhiêu. Chính lúc tưởng như không thể chịu đựng được Tnú nghĩ đến đảng, cách mạng, lời hứa của mình với kháng chiến. Đó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để Tnú vượt qua thử thách này.
Chính nỗi đau đó là chất xúc tác mạnh mẽ làm bật lên quyết tâm và sức mạnh của Tnú. Ngọn lửa lan dần ra cả mười đốt ngón tay, rồi thấu tận tâm can Tnú. Chính lúc này ngọn lửa đã gặp lòng yêu nước, lòng căm thù giặc làm bật lên ý chí chiến đấu và tinh thần quật khởi ở Tnú thông qua tiếng thét dữ dội: “Giết”. Tiếng thét của Tnú là mệnh lệnh tiến công, là kết tinh từ ý chí, nguyện vọng chung của cộng đồng.
Sau khi bị tra tấn dã man, Tnú tiếp tục đi lực lượng, trở lại hoạt động cách mạng, dù mỗi ngón tay chỉ còn hai đốt, anh vẫn hoạt động bền bỉ, anh dũng. Đến cuối tác phẩm, tác giả đã ghi lại chiến công hiển hách của Tnú khi chỉ bằng đôi tay ấy anh đã giết chết tên chỉ huy địch. Đôi bàn tay Tnú là một hình tượng nghệ thuật ám ảnh, giàu sức biểu tượng. Đó là đôi bàn tay tín nghĩa, trách nghiệm khi bỏ thư vào miệng, bảo đảm bí mật cách mạng. Là đôi bàn tay tình nghĩa khi cầm lấy tay Mai để tạo dựng hạnh phúc gia đình, để yêu thương, bao bọc mẹ con Mai khi bị giặc tra tấn. Đôi bàn tay còn là biểu tượng của những chiến công, khi Tnú giết chết tên chỉ huy giặc. Để Tnú giết chết tên giặc bằng đôi bàn tay đã bị hủy hoại, tác giả đã cho thấy kẻ thù có thể hủy hoại thể xác nhưng không thể hủy hoại lòng căm thù giặc, cũng như quyết tâm đánh giặc của nhân dân ta. Qua hình ảnh đôi bàn tay Tnú, Nguyễn Trung Thành viết lên số phận, tâm hồn, con đường đi của cả cộng đồng Tây Nguyên.
Nhân vật Tnú kết tinh đầy đủ số phận đau thương, tinh thần quật khởi và những phẩm chất tốt đẹp của người dân Tây Nguyên. Ở anh vừa có vẻ đẹp và những đặc điểm chung của người chiến sĩ cộng sản lại vừa có điểm riêng khỏe khoắn, hồn hậu và có phần hoang dã, do mảnh đất Tây Nguyên hun đúc mà thành. Bước ra từ câu chuyện của cụ Mết, Tnú như một người anh hùng trong sử thi, được người dân yêu quý. Nhưng người anh hùng đó không xa xôi mà hòa nhập, gần gũi, bắt nhịp vào thời đại mới, mang sức mạnh của dân tộc.
Bằng ngòi bút miêu tả tinh tế, ngôn ngữ chân thực Nguyễn Trung Thành đã tái tạo thành công hình tượng người anh hùng Tnú. Nhân vật vừa thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, tinh thần cách mạng sục sôi, vừa giúp tác giả truyền tải những chân lí của thời đại: trong thời đại bão táp cách mạng, cần dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác. Đó là những chân lí đúng đắn ta đã ra rút trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.
Trên đây là một số thông tin hướng dẫn làm bài, lập dàn ý phân tích hình tượng Tnú trong Rừng xà nu kèm theo bài văn mẫu tham khảo giúp các em định hướng làm bài một cách tốt nhất.
Tham khảo thêm tuyển chọn những bài Văn mẫu hay lớp 12 dành cho học sinh tham khảo, ôn luyện kỹ năng làm văn do Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá sưu tầm và tổng hợp.
Hướng dẫn xây dựng dàn ý chi tiết cho đề văn phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/dan-y-phan-tich-hinh-tuong-tnu-trong-rung-xa-nu-nguyen-trung-thanh/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục