Phân tích các tác phẩm văn học lớp 9Phân tích tác phẩm

Dàn ý phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Dưới đây là các bài mẫu về Dàn ý phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du đã vô cùng thành công trong việc sử dụng bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, qua đó khắc họa một cách tinh tế tâm trạng của Kiều khi bị giam lỏng trong lầu Ngưng Bích, cùng tham khảo dàn ý phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích để hiểu hơn nhé.

Đề bài: Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thuý Kiều

Bạn đang xem bài: Dàn ý phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Dàn ý phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” và nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật trong đoạn trích này.

2. Thân bài

– Tâm trạng cô đơn, lạc lõng của Thúy Kiều trước không gian rợn ngợp của lầu Ngưng Bích.
– Nơi đó không có bóng dáng của con người. Nàng chỉ có thiên nhiên (non xa, tấm trăng gần) và ngọn đèn làm bạn để sẻ chia tâm sự.
– Kiều nhớ về người yêu, cha mẹ bằng một nỗi nhớ da diết và khát khao trở về để chăm sóc tuổi già cho cha mẹ.
– Tâm trạng buồn bã, cô đơn đến mức sợ hãi, lo lắng khi nàng “buồn trông” bức tranh phong cảnh rồi dự cảm về cuộc đời của mình.
– Bút pháp tả cảnh ngụ tình được sử dụng triệt để đã miêu tả thành công tâm trạng nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

3. Kết bài

Tác dụng của nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

Bài văn mẫu Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)

Có thể nói, điều khiến chúng ta nhớ đến các nhân vật văn học là những nét phác thảo về ngoại hình nhưng thứ giúp chúng ta hiểu về các nhân vật lại là diễn biến tâm lí, tâm trạng của họ. “Truyện Kiều” luôn hấp dẫn bạn đọc suốt hơn hai thế kỉ đến nay không chỉ bởi nội dung tác phẩm đặc sắc mà còn bởi nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Nguyễn Du. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã thể hiện ngòi bút miêu tả tâm trạng Thúy Kiều của tác giả một cách rất tài tình.

Lầu Ngưng Bích là nơi Tú Bà giam lỏng Thúy Kiều để tạo cơ hội thực hiện một âm mưu khác sau khi nàng có ý định tự tử. Một mình giữa không gian bao la, rộng lớn như vậy, Thúy Kiều cảm thấy cô đơn, buồn tủi:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”.

Kiều rơi vào hoàn cảnh đáng thương đến mức tội nghiệp. “Khóa xuân” là khóa kín tuổi thanh xuân của người phụ nữ. Cuộc đời con người đẹp nhất là quãng thời gian tuổi trẻ vậy mà tuổi trẻ của Kiều lại phải trải qua biết bao biến cố trong quãng thời gian mười lăm năm lưu lạc. Phải chịu sự giam lỏng của Tú Bà ở lầu Ngưng Bích cũng đồng nghĩa với việc nàng không được sống cuộc sống tự do như bao người con gái khác. Lầu Ngưng Bích như nhà tù khóa kín sự tự do của một con người vô tội là Thúy Kiều. Từ đó ta thấy được cảnh ngộ bất hạnh và xót thương cho số phận của một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn. Đối mặt với không gian rợn ngợp, nàng thấu hiểu nỗi cô đơn hơn ai hết. Nàng chỉ có “tấm trăng gần” bầu bạn. Cả bốn bề nam – bắc – đông – tây đều bát ngát, xa xăm. Càng hướng tầm nhìn của mình ra xa nàng lại càng cảm thấy vô vọng bởi nơi đây không có chút dấu vết của cuộc sống con người. Thúy Kiều bị cô lập hoàn toàn, xung quanh nàng là những khoảng không gian xa xăm, trống vắng: “non xa”, “tấm trăng gần”, “cát vàng cồn nọ”, “bụi hồng dặm kia”. Kiếm tìm một bóng dáng con người để sẻ chia tâm sự là điều vô cùng khó khăn.

Thực tại đau khổ khiến nàng cảm thấy không còn hi vọng vào tương lai:

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”.

“Bẽ bàng” là tính từ diễn tả cảm giác hổ thẹn, buồn tủi. Thúy Kiều buồn tủi, xấu hổ vì mắc lừa Mã Giám Sinh để hắn bán vào lầu xanh và nàng hổ thẹn vì bản thân không còn sự trong trắng, không còn xứng đáng với mối duyên tình của chàng Kim Trọng. Cụm từ “mây sớm đèn khuya” diễn tả sự lặp lại tuần hoàn của thời gian. Một mình ở lầu Ngưng Bích, sáng sớm Kiều làm bạn với mây, tối đến nàng làm bạn với ngọn đèn để vơi đi nỗi cô đơn. Tâm trạng lẻ loi, buồn tủi ấy đã khiến tâm trạng nàng chia thành hai nửa: “nửa tình” – “nửa cảnh”. Cảnh vật hoang vắng càng tô thêm nỗi buồn cho bức tranh tâm trạng của nhân vật. Nguyễn Du thật tinh tế khi nhận ra:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Nỗi cô đơn, trống vắng ngày càng lên tới đỉnh điểm được thể hiện qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm khi Thúy Kiều nhớ về cha mẹ và người yêu:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”.

Kiều nhớ về mối tình đầu bằng nỗi xót xa dâng trào. Chén rượu uống cùng Kim Trọng và lời thề “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” cùng chàng vẫn còn khắc ghi trong tâm trí và trái tim nàng. Đã đính ước, thề nguyền bên nhau trăm năm vậy mà giờ đây Kiều đang lưu lạc ở một phương trời xa còn Kim Trọng thì chưa biết hoàn cảnh Kiều gặp phải do chàng về quê chịu tang chú. Nàng mường tượng ra cảnh người yêu đang trò chuyện, mong nhớ về mình. Nhớ về Kim Trọng bao nhiêu thì nàng lại hổ thẹn bấy nhiêu. Thúy Kiều thủy chung một lòng với chàng Kim, “tấm son” ấy vẫn mãi nguyên vẹn dù có phải trải qua bao chông gai, trắc trở. Nhưng nàng cũng đau đớn và tự dằn vặt chính mình khi nhận ra “tấm son” mình dành cho Kim Trọng đã bị mất đi sự trinh bạch:

“Tiếc thay một đoá trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương”.

Tấm lòng thủy chung sắt son bị hoen ố như vậy biết đến khi nào nào mới gột rửa sạch? Nỗi đau của nàng liệu rằng chàng Kim có thấu hiểu được?

Là một người con hiếu thảo, Thúy Kiều không thể không nhớ về cha mẹ:

“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”.

Nàng xót xa khi cha mẹ ngày ngày mong ngóng tin tức của con gái và nàng cũng xót xa cho cảnh ngộ của chính mình. Nàng lo lắng khi cha mẹ về già không có người bên cạnh chăm sóc, phụng dưỡng. Người con hiếu thảo với cha mẹ là người con quạt mát cho cha mẹ khi mùa hè nóng bức và vào chăn nằm trước cho ấm để cha mẹ nằm đỡ bị lạnh khi mùa đông đến. Kiều là chị cả trong gia đình nhưng hiện tại đang bơ vơ bên trời góc bể, không biết khi nào mới có thể trở về đoàn tụ cùng cha mẹ và các em. Cụm từ “cách mấy nắng mưa” đã diễn tả được sự xa cách về thời gian và không gian địa lí giữa Thúy Kiều và cha mẹ. Đó là một khoảng cách xa xôi, cách trở. Nàng tự vấn rằng không biết khi nào mình mới có thể chăm sóc tuổi già cho đấng sinh thành để làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo. Nàng đang độc thoại với chính bản thân mình bằng một tâm trạng day dứt, đau đớn. Nguyễn Du đã miêu tả tâm lí nhân vật một cách rất rõ nét khiến người đọc, người nghe có thể dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm với tâm trạng của Thúy Kiều.

Bút pháp tả cảnh ngụ tình được tác giả sử dụng một cách triệt để ở tám dòng thơ cuối của đoạn trích không chỉ nhằm tái hiện lại khung cảnh lầu Ngưng Bích mà còn giúp bạn đọc đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.

Điệp ngữ “buồn trông” được lặp lại ở đầu bốn cặp lục bát cùng các câu hỏi tu từ đã khiến bạn đọc hình dung được đôi mắt u buồn của Thúy Kiều đang hướng về xa xăm với những nỗi lòng chất chứa không biết giãi bày cùng ai. Nỗi buồn chồng chất nỗi buồn tạo thành một khúc ca vang vọng trong lòng bạn đọc. “Chiều hôm” là khoảng thời gian gợi nỗi buồn, nỗi buồn ấy càng dâng lên đến đỉnh điểm khi Thúy Kiều trông ra cửa bể – một không gian rộng lớn. Phía xa xa ngoài biển khơi thấp thoáng cánh buồm nhỏ, cánh hoa nổi trôi vô định giữa dòng nước không biết đâu là bến bờ khiến nàng liên tưởng đến số phận của mình. Cuộc đời của nàng cũng nổi trôi bất định và chịu sự vùi dập như cánh hoa mỏng manh kia.

Dòng nước cuộn xoáy và vũ trụ bao la đối lập với cánh hoa mỏng manh là ẩn dụ cho sự nhỏ bé của Thúy Kiều trước không gian rợn ngợp của lầu Ngưng Bích và trước những dập vùi của số phận. Nàng “trông nội cỏ” nhưng nội cỏ cũng chỉ có một màu héo úa, tàn tạ. “Rầu rầu” không chỉ riêng màu sắc của ngọn cỏ mà còn là tâm trạng của con người. Đó là nỗi buồn thảm, bất lực trước thực tại của Thúy Kiều. Màu “xanh xanh” của “chân mây mặt đất” ở đây không phải màu của sự sống, hi vọng mà nó là màu của sự vô vọng, chán chường. m thanh của tiếng gió, tiếng sóng khiến Kiều sợ hãi trước những biến cố sẽ xảy đến với cuộc đời mình. Sóng vỗ “ầm ầm” đến mức dữ dội ngoài biển khơi cũng giống như tiếng sóng vỗ trong lòng Kiều.

Nàng không khỏi lo lắng cho những tai ương đang chuẩn bị ập xuống đôi vai bé nhỏ, yếu ớt của mình. Các từ láy “xa xa”, “man mác”, “rầu rầu”, “xanh xanh”, “ầm ầm” đã góp phần làm nổi bật tâm trạng Thúy Kiều khi đối diện với không gian rộng lớn và nghĩ về thân phận của mình. Nguyễn Du đã sử dụng ngôn từ rất tinh tế kết hợp với các biện pháp tu từ điệp ngữ, ẩn dụ nhằm khám phá nội tâm nhân vật Thúy Kiều một cách chi tiết. Bốn bức tranh về cảnh vật là sự tăng tiến trong tâm trạng của Thúy Kiều từ cô đơn, buồn thảm đến tâm trạng sợ hãi, lo lắng. Nguyễn Du quả là người có “con mắt nhìn xuyên sáu cõi” (Mộng Liên Đường chủ nhân) khi miêu tả tâm trạng nhân vật Thúy Kiều một cách điêu luyện đến như vậy.

Có thể nói “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là đoạn trích thể hiện thành công nghệ thuật miêu tả tâm lí, tâm trạng nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du. Qua đó, đoạn trích cũng khơi gợi được sự đồng cảm, xót thương cho số phận nàng Kiều từ các thế hệ bạn đọc. Đó cũng là lí do mà “Truyện Kiều” được dịch sang nhiều thứ tiếng và vẫn vẹn nguyên giá trị đến ngày nay.

Kết luận:

Kiều ở lầu Ngưng Bích là đoạn trích tiêu biểu thể hiện được tài năng và tấm lòng của Nguyễn Du với những kiếp hồng nhan bạc phận như nàng Kiều, đồng thời đây cũng là trích đoạn quan trọng trong hành trình mười lăm năm phiêu bạc của nàng Kiều. Tìm hiểu chi tiết về đoạn trích, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích tám câu thơ cuối trong bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích tâm trạng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích qua 4 bức tranh: Buồn trông, Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích.

Để biết thêm nhiều bài đoạn văn hay hãy tham khảo ở tmdl.edu.vn nhé

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích các tác phẩm văn học lớp 9

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button