Qua bài viết này Tmdl.edu.vn sẽ đưa đến cho các em dàn ý và bài mẫu Phân tích nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm đàn ghi ta của Lorca những kiến thức cô đọng và đầy đủ nhất về bài thơ này . Để cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩmĐàn Ghi Ta Của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo các em phải nắm rõ nội dung và giá trị nghệ thuật của bài.
Đề bài: Phân tích và bình luận giá trị của chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm Đàn ghi ta của Lorca
Bạn đang xem bài: Phân tích nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm đàn ghi ta của Lorca lớp 12
Dàn ý phân tích nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm Đàn ghi ta của Lorca
1. Mở bài
– Thanh Thảo là nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại với một phong cách thơ sáng tạo độc đáo.
– Trong Đàn ghi ta của Lorca phong cách thơ của Thanh Thảo đã được thể hiện một cách khá hoàn thiện với nhiều chi tiết nghệ thuật đặc sắc.
2. Thân bài
* Đặc sắc nghệ thuật đến từ những hình ảnh thơ siêu thực, tượng trưng:
– Hình ảnh “tiếng đàn bọt nước”, so sánh khác lạ, gợi liên tưởng về người nghệ sĩ tài năng, với tiếng đàn tròn rõ, âm vang, đẹp đẽ vô cùng, nhưng cũng là báo trước về một cuộc đời mỏng manh, bạc mệnh, dễ dàng vỡ tan tựa bọt nước.
– Hình ảnh chiếc áo choàng:
+ “Chiếc áo choàng đỏ gắt”: Hình tượng người anh hùng chiến đấu vì quê hương xứ sở, vì nhân dân, biểu tượng của nền văn hóa Tây Ban Nha.
+ “Chiếc áo choàng bê bết đỏ”: Ám ảnh về bi kịch của người anh hùng dũng cảm chiến đấu trong cô đơn rồi bị ám hại một cách đau đớn.
– Hình ảnh siêu thực “vầng trăng chếnh choáng”: Sự mỏi mệt, chán chường và cô đơn của người nghệ sĩ, trong bước chân rệu rã, đôi mắt mơ hồ thì mọi thứ đều như dịch chuyển, không rõ nét.
– Hình ảnh siêu thực ấn tượng “giọt nước mắt vầng trăng/long lanh trong đáy giếng”:
+ Hình ảnh khó hiểu, cần sự tư duy và am hiểu rộng, mang đến liên tưởng về cái chết cô đơn và lạnh lẽo của Lorca trong đáy giếng.
+ Hình tượng hóa cái chết của Lorca, là hình ảnh đẹp, tượng trưng cho lòng thương xót to lớn của tác giả, cũng như của toàn nhân loại đối với cái chết của Lorca.
* Đặc sắc nghệ thuật đến từ ngôn từ, thể thơ, giọng điệu:
– Thể thơ tự do
– Mạch thơ kết hợp giữa sự liền mạch và ngắt quãng
– Âm điệu mang nét cổ điển, lãng mạn và bi thương
=> Thuận lợi cho việc thể hiện cảm xúc của tác giả.
3. Kết bài
– Đàn ghi ta của Lorca là một sáng tạo độc đáo, là đại diện xuất sắc nhất cho phong cách thơ sáng tạo mang đậm màu sắc chủ nghĩa siêu thực, tượng trưng của Thanh Thảo.
– Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm nằm ở những hình ảnh đầy sáng tạo, đôi phần khó hiểu vì vượt ra khỏi những quy chuẩn thông thường, mạch cảm xúc tác giả trong thơ là sự ngắt quãng, xen nhiều khoảng không gian trống, chứa đựng nhiều suy tư, kích thích sự tư duy và liên tưởng của của độc giả.
Bài văn mẫu Phân tích nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm Đàn ghi ta của Lorca
Thanh Thảo nhà thơ của những suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội, thơ ông giàu chất suy tư, triết lí. Đàn ghi-ta của Lorca là một trong những bài thơ như vậy. Đây có thể coi là tác phẩm để đời trong sự nghiệp thơ ca của Thanh Thảo.
Tác phẩm được sáng tác năm 1979, nó là kết tinh từ niềm thương xót vô hạn cũng như sự cảm phục, trân trọng và ngưỡng mộ của Thanh Thảo dành cho Lorca. Bài thơ nhanh chóng gây được tiếng vang lớn trong văn học Việt Nam nhờ nội dung đầy tính nhân văn và hình thức nghệ thuật thơ hết sức sáng tạo, mới mẻ.
Thanh Thảo đã đặt cho tác phẩm của mình một nhan đề giản dị nhưng giàu ý nghĩa. Đàn ghi-ta không chỉ là nhạc cụ truyền thống của Tây Ban Nha mà còn được coi là biểu tượng cho nền nghệ thuật ở đất nước này. Còn Lorca là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà viết kịch nổi tiếng người Tây Ban Nha, là người đã khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật. Với nhan đề này, Thanh Thảo ngầm khẳng định Đàn ghi ta của Lorca là biểu tượng cho những cách tân nghệ thuật của người nghệ sĩ thiên tài Lorca. Nhan đề đã hé mở hình tượng nghệ thuật trung tâm của bài thơ.
Thanh Thảo đã sử dụng một câu thơ đồng thời cũng là tâm nguyện của Lorca trước khi chết để làm lời đề từ cho bài thơ của mình. Lời để từ đã thể hiện tình yêu nghệ thuật say đắm của Lorca. Đồng thời cũng khẳng định tình yêu tha thiết của Lorca với quê hương đất nước. Không chỉ có vậy, lời để từ còn thể hiện quan điểm đầy tính nhân văn trong sáng tạo nghệ thuật. Lorca hiểu rằng những cách tân nghệ thuật của mình đến một lúc nào đó là sẽ chướng ngại ngăn cản những người đến sau sáng tạo. Bởi vậy, ông đã căn dặn thế hệ sau phải biết chôn vùi nghệ thuật của ông để đi tới và bước tiếp.
Mở đầu tác phẩm Lorca xuất hiện cùng với tiếng đàn bọt nước:
những tiếng đàn bọt nước
Tây ban Nha áo choàng đỏ gắt
Tiếng đàn không chỉ đơn thuần là âm thanh của tiếng ghi ta mà nó còn gợi ra sự nghiệp nghệ thuật đồ sộ, giàu giá trị của Lorca, đồng thời đây cũng chính là tiếng lòng của người nghệ sĩ, gửi gắm lại cho hậu thế. Hình ảnh bọt nước cũng là hình ảnh hết sức đặc sắc, gợi cái đẹp lung linh, gợi sự tan biến vào mênh mông, sự tồn tại mong manh, ngắn ngủi… Một câu thơ nhưng có đến hai hình ảnh biểu tượng, nó vừa gợi ra vẻ đẹp trong cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, vừa cho thấy số phận mong manh ngắn ngủi, đầy bi kịch của người nghệ sĩ thiên tài Lorca.
Câu thơ thứ hai, nhắc trực tiếp đến quê hương của người nghệ sĩ Lorca. Gắn liền với địa danh Tây Ban Nha- với hình ảnh Lorca là hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” mang nhiều nét nghĩa: trước hết về nghĩa thực, gợi ra phông nền văn hóa của đất nước Tây Ban Nha với những trận đấu bò tót nổi tiếng, đẫm máu; nhưng đồng thời cũng gợi nhắc chúng ta đến tính chất dữ dội của một đấu trường đặc biệt- đấu trường chính trị và đấu trường nghệ thuật. Nếu như câu thơ đầu gợi ra vẻ đẹp bi kịch cũng như sinh mệnh ngắn ngủi của người nghệ sĩ, thì câu thơ sâu đã khắc họa sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ. Âm thanh tiếng đàn li la li la vang vọng trong không gian để đưa người đọc đến với hành trình vươn tới lí tưởng của người nghệ sĩ:
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Hành trình vươn đến lí tưởng là hành trình hết sức gian nan, chất chứa cả sự cô đơn, không có điểm dừng. Đây cũng chính là hành trình của Lorca trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Hành trình ấy tuy có nhiều khó khăn, nhưng đó là hành trình đẹp đẽ. Vầng trăng vốn là biểu tượng nghệ thuật, điều đó cho thấy cái mà Lorca hướng đến không phải cuộc sống xa hoa hưởng lạc, mà là tình yêu, niềm đam mê mãnh liệt cho nghệ thuật. Trên hành trình vươn tới lí tưởng trong một thế giới bạo tàn, hình ảnh Lorca hiện lên vừa đáng ngưỡng mộ vừa khiến người đọc không khỏi xót thương.
Không đi sâu vào từng tiểu tiết cuộc đời Lorca, Thanh Thảo nhấn đậm ngòi bút vào cái chết bi tráng của chàng. Bốn câu thơ đầu là sự đối lập giữa sống và chết:
Tây Ban Nha
Hát nghêu ngao
Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bê bết đỏ
Sự sống ở đây chính là Tây Ban Nha với điệu hát nghêu ngao, không gian phóng khoáng, tự do, Lorca hiện lên hết sức đẹp đẽ trong khung ảnh đó. Nhưng phía bên kia lại là hiện thực kinh hoàng, là cái chết đẫm máu của người nghệ sĩ tài hoa. “bỗng kinh hoàng” cho thấy sự thảng thốt, hốt hoảng, không thể tin rằng Lorca đã bị cái xấu, cái ác bức hại. Cùng với đó là cảm xúc xót thương, căm phẫn đến tận cùng. Lorca hiện lên hết sức đáng thương trong bạo lực tàn ác của chế độ độc tài.
Trước cái chết ấy, Lorca như người mộng du: “Lorca bị điệu về bãi bắn/ chàng đi như người mộng du”. Câu 5 là kiểu câu bị động với những thanh trắc là hai dấu nặng đặt cạnh nhau gợi ấn tượng nặng nề, trĩu nặng về cái chết. Nhưng câu 6 lại là kiểu câu chủ động với những thanh bằng liên tiếp đã cho thấy hình ảnh Lorca nhanh chóng lấy lại thăng bằng và thái độ chủ động để đi từ hành trình kết thúc sự sống vật chất đến hành trình khởi đầu sự sống tinh thần bất tử.
Lorca đã hi sinh nhưng những kẻ thất bại lại chính là bè lũ phát xít. Bởi chúng chỉ có thể hủy diệt được thân xác của Lorca nhưng không thể hủy diệt được sức sống của anh. Điệp khúc tiếng ghi ta lần lượt xuất hiện, mỗi âm điệu vang lên lại mang nhưng ý nghĩa khác nhau: Tiếng ghi ta nâu- bầu trời cô gái ấy: Tiếng ghi ta tấu lên khúc ca về tình yêu của Lorca dành cho quê hương, nghệ thuật, con người, lí tưởng…; Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/ Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan: Tiếng ghi ta tấu lên khúc ca về vẻ đẹp cũng như nỗi đau của Lorca; Tiếng ghi ta ròng ròng- máu chảy: Tiếng ghi-ta được đẩy đến độ cao trào của sự bi phẫn. “tiếng ghi ta” là điệp khúc, đều đặn vang lên 4 lần trong nhịp thơ dồn dập, gửi gắm những tình cảm, tâm sự, nỗi niềm chất chứa của Lorca còn mãi vang vọng với hậu thế, như khẳng định sức sống bất diệt của Lorca.
Mười ba câu thơ cuối cùng là những suy tư của tác giả về cuộc đời, sự nghiệp và sự ra đi của Lorca. Tiếng đàn là biểu tượng của nghệ thuật, là biểu tượng cho lí tưởng đấu tranh vì những điều tốt đẹp của Lorca bởi vậy không ai nỡ “chôn cất tiếng đàn”. Bởi vậy, Thanh Thảo đã so sánh tiếng đàn như cỏ mọc hoang, tức nó có sức sống mạnh mẽ, sức lan tỏa mãnh liệt, bất diệt, không gì có thể ngăn cản nổi. Dù Lorca hi sinh tiếng đàn của ông còn mãi với hậu thế. Cũng chính bởi vậy vầng trăng – cái đẹp, dù bị chôn vùi nơi đáy giếng vẫn tỏa rạng nơi tối tăm, lạnh lẽo, ánh sáng lí tưởng nghệ thuật không bao giờ bị vùi lấp.
Kết luận:
Trên đây là dàn ý và bài mẫu Phân tích nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm Đàn ghi ta của Lorca đã được chọn lọc đầy đủ nội dung nhất , ngoài ra các bạn còn có thể tìm hiểu cách xây dựng bài mẫu này trong trang Tmdl.edu.vn còn biên soạn rất nhiều mẫu văn hay, bạn cũng có thể đón đọc thêm một số bài văn hay lớp 12 khác để bổ sung cho mình những kiến thức mới.
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích tác phẩm