Văn Học

Đề thi Văn THPT quốc gia các năm 2022

Đề thi văn THPT quốc gia 10 năm gần đây

Tổng hợp đề thi văn THPT quốc gia các năm

Đề thi văn THPT quốc gia 10 năm gần đây hay các đề văn thi THPT quốc gia qua các năm là câu hỏi được rất nhiều thí sinh quan tâm bởi kì thi tốt nghiệp THPT 2022 đã đến rất gần. Trong bài viết này Tmdl.edu.vn xin chia sẻ tổng hợp đề thi văn THPT quốc gia các năm giúp các em nắm được các tác phẩm trọng tâm thi THPT quốc gia môn Văn 2022 cũng như các tác phẩm đã thi THPT quốc gia từ đó đưa ra dự đoán đề thi văn THPT Quốc gia 2022 chính xác hơn.

Bạn đang xem bài: Đề thi Văn THPT quốc gia các năm 2022

1. Đáp án đề Văn THPT 2022

Lưu ý: Nhấn F5 liên tục hoặc mở trình duyệt ẩn danh để cập nhật đáp án nhanh nhất.

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1: Thể thơ của đoạn trích: Thể thơ tự do.

Câu 2: Những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn thơ là: Trong, tinh khiết, khỏe, mơn mởn.

Câu 3: Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn thơ: – Biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn thơ: “tuổi trẻ như sao trời mát mắt, cháy bùng như lửa thiêng liêng”.

– Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh:

+ Tăng sức gợi hình gợi tả cho câu thơ;

+ Gợi nên vẻ đẹp trong trẻo tinh khôi tràn đầy sức sống của tuổi trẻ;

+ Nhấn mạnh tinh thần nhiệt huyết, sức trẻ, khát vọng cống hiến của tuổi trẻ đối với Tổ quốc.

Câu 4: Suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hy sinh của tuổi trẻ:

– Dẫu có hy sinh, vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu tổ quốc, tinh thần chiến đấu của những người trẻ tuổi ấy vẫn sống mãi như ánh sao chói lên lần cuối.

– Tinh thần bất khuất ấy sẽ là hành trang cho các thế hệ mai sau. Họ sẽ bất tử cùng dân tộc.

– Sự hy sinh của những con người trẻ tuổi trong đoạn trích chính là bài học về lẽ sống cho thế hệ trẻ hôm nay.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

1. Mở đoạn

– Giới thiệu vấn đề: Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước.

2. Thân đoạn

a. Giải thích

– Trách nhiệm: là việc mà mỗi người phải làm và có ý thức với những việc làm đó.

=> Thế hệ trẻ phải có trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước.

b. Phân tích

* Tại sao thế hệ trẻ ngày nay cần có trách nhiệm tiếp bước các thế hệ đi trước?

– Ông cha ta từ ngàn đời xưa đã có công gây dựng và giữ gìn đất nước, chúng ta đang sống và được thừa hưởng nền độc lập dựa trên máu xương của biết bao thế hệ ấy, vì thế chúng ta cần có trách nhiệm phát huy và gây dựng đất nước ngày càng văn minh giàu mạnh hơn.

– Thế hệ trẻ chúng ta đang được quan tâm, tiếp nhận nhiều nền đào tạo, xu hướng, những kiến thức mới, cần mang những tri thức mình đã học được ra để giúp đỡ xây dựng nước nhà.

– Đối với thế hệ trẻ, tiếp bước các thế hệ đi trước trong học tập, xây dựng và bảo tồn dân tộc không chỉ đang góp phần xây dựng nước nhà, xã hội mà còn có cơ hội phát triển bản thân, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tạo ra nhiều cơ hội cho bản thân.

– Mỗi công dân, gia đình là tế bào của xã hội, được xã hội đào tạo và trau dồi, vì thế nếu mỗi người đều là những công dân có ích, noi gương các thế hệ đi trước sẽ giúp xây dựng một xã hội văn minh, gần gũi, phát triển

* Thế hệ trẻ cần làm gì để tiếp bước các thế hệ đi trước

– Đối với học sinh, sinh viên, chúng ta cần ra sức học tập, trau dồi bản thân và tích lũy cho mình nhiều kiến thức

– Không ngại khó khăn, thử thách, dám dấn thân vào làm, vào học để có nhiều trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân

– Có ý thức, biết ơn sâu sắc tới những thế hệ đi trước, những người đã có công gây dựng và là tấm gương để noi theo

c. Phản đề

– Nhiều bạn trẻ vẫn sống ỷ lại, dựa dẫm, không có ý thức muốn học hỏi, cống hiến cho xã hộI

– Lối sống ích kỉ, chỉ biết đến bản thân và không muốn vươn lên, an phận thủ thường đã kìm hãm sự phát triển của thế hệ ngày nay

3. Kết đoạn

– Khẳng định vấn đề: Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước là một điều quan trọng.

– Liên hệ bản thân: Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, em ý thức được bản thân cần có trách nhiệm với những gì cha ông ta đã gây dựng trước đó, phải cố gắng nỗ lực rèn luyện hơn nữa để xứng đáng kế thừa và phát huy các thành quả của các thế hệ đi trước.

Câu 2.

I. Mở bài:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

– Tác giả:Nguyễn Minh Châu là cây bút văn xuôi tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Trước những năm tám mươi, ông sáng tác theo khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình, lãng mạn. Sau đó, ông chuyển sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức, triết lí nhân sinh. Là người mở đường tinh anh, cây bút tiên phong trong văn học thời kì đổi mới.

– Tác phẩm: “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện in đậm phong cách tự sự triết lí của Nguyễn Minh Châu, thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời.

* Khái quát vấn đề nghị luận: Phát hiện thứ nhất của nhân vật Phùng, liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

II. Thân bài:

1. Phân tích đoạn trích – Phát hiện thứ nhất của nhân vật Phùng.

a. Giới thiệu vị trí đoạn trích.

Đoạn trích nằm ở phần đầu tiên của tác phẩm khi nhân vật Phùng sau bao ngày tìm kiếm cũng phát hiện được một “cảnh đắt trời cho”.

b. Phân tích: Phát hiện thứ nhất – về cái tuyệt mĩ, tuyệt thiện:

– Khung cảnh biển buổi sáng trong sương mai hiện lên đẹp đẽ, tuyệt bích như bức họa mực tàu.

– Khung cảnh rộng lớn của biển cả với hình ảnh chiếc thuyền thơ mộng, thanh bình xuất hiện giữa bầu sương mù trắng như sữa lại pha chút hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào.

– Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ.

-> Cảm nhận tinh tế cùng với đôi mắt của người nghệ sĩ đã phát hiện ra vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống mà anh cho rằng đây là “cảnh đắt trời cho”. Đó là bức họa diệu kỳ do thiên nhiên, cuộc sống ban tặng cho con người; là sản phẩm quý hiếm của hóa công mà trong đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng khao khát được chứng kiến. Chính vì thế người nghệ sĩ cảm thấy bị rung động, hạnh phúc đó là niềm hạnh phúc của sự khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu.

– Trong giây lát, Phùng đã nhận ra được chân lý của sự hoàn mỹ, thì ra đứng trước cảnh đẹp, trước sự toàn bích, hài hòa, lãng mạn của cuộc đời, tâm hồn người nghệ sĩ có thể được thanh lọc để trở nên trong trẻo hơn.

=> Phát hiện đầu tiên của nhân vật Phùng cho chúng ta thấy hình ảnh của một người nghệ sĩ chân chính, một người nghệ sĩ với sự một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, yêu cái đẹp và trân trọng cái đẹp. Đối với anh cái đẹp chính là đạo đức. Thế nhưng cũng từ phát hiện này ta cũng nhận ra cái nhìn của nhân vật Phùng có chút phiến diện, chỉ toàn màu hồng, toàn những điều đẹp đẽ mà chưa mang sự từng trải, cái nhìn đa chiều.

2. Liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

– Hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích: là hình ảnh đẹp, bình dị có chút thơ mộng. Đây chính là hình ảnh tượng trưng cho nghệ thuật, vẻ đẹp của cuộc sống.

– Hình ảnh chiếc thuyền phải chống chọi giữa phá: là hình ảnh mang tính hiện thực thể hiện những khó khăn, những góc khuất của cuộc đời.

-> Nhìn hiện tượng thì đây là hai hình ảnh đối lập nhau nhưng trên thực tế cả hai con thuyền đều hướng đến giá trị riêng: một giá trị là cái dễ thấy, dễ nhìn, một giá trị thì cần đào sâu, tìm tòi mới có thể phát hiện được. Bởi vậy, người nghệ sĩ đứng trước cái đẹp không chỉ đơn giản là nhìn thấy mà còn cần phải nhìn thấu.

=> Thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống: Nghệ thuật phải gắn liền và bắt nguồn từ cuộc sống, không được xa rời cuộc sống và phải quay trở về để phục vụ cuộc sống. Và đối với người nghệ sĩ cũng cần có con mắt tinh tường, thấu cảm trước mọi sự việc của cuộc đời, để từ đó không chỉ phát hiện ra những vẻ đẹp bề nổi mà còn phát hiện những vẻ đẹp khuất lấp, gai góc của cuộc đời này.

III. Kết bài:

– Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

– Khẳng định vị thế của nhà văn.

2. Đề thi văn THPT quốc gia năm 2022

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2022

Bài thi: NGỮ VĂN

I. ĐỌC HIÈU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích: Tuổi trẻ của tôi

Tuổi trẻ của tôi
mười tám, hai mươi
trong và tinh khiết như nước suối đá
khỏe và mơn mởn như mầm lá
rộng và dài như mơ ước, yêu thương
vươn lên và bền vững như con đường
gắn vào đất, tạc vào mặt đất
Tuổi trẻ như sao trời mát mắt
khi yên bình hạnh phúc ngước nhìn lên
và cháy bùng như lửa thiêng liêng
khi giặc giã đụng vào bờ cõi
dẫu rụng xuống, vẫn chói lên lần cuối
gọi dậy những lớp người
dẫu rụng xuống, bầu trời không trống trải
trong mắt người sao vẫn mọc khôn nguôi…

(Trích Con đường của những vì sao, Nguyễn Trọng Tạo, Nga và Trọng Tạo 1 vến tập – Thơ và nhạc, Tập một, NXB Văn học, 2019, tr. 59-220)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thê thơ của đoạn trích.

Câu 2. Chỉ ra những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn thơ,

Tuổi trẻ của tôi

mười tám, hai mươi

trong và tinh khiết như nước suối đá

khỏe và mơn mởn như mầm lá

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn thơ

Tuổi trẻ như sao trời mát mắt

khi yên bình hạnh phúc ngước nhìn lên

và chảy dùng như lửa thiêng liêng

khi giặc giã đụng vào bờ cõi

Câu 4. Nhận xét những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ được thể hiện trong đoạn trích.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước Các thế hệ đi trước.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn Nguyễn Minh Châu viết:

“Lúc bấy giờ trời đầy mù từ ngoài biển bay vào. Lại lác đác mấy hạt mưa. Tôi rúc vào bên bánh xích của một chiếc xe tăng để tránh mưa, đang lúi húi thay phim lúc ngẩng lên thấy một chuyện hơi lạ: một chiếc thuyền lưới vó mà tôi đoán là trong nhóm đánh cá ban nãy đang chèo thẳng vào trước mặt tôi.

Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào? Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong gần tâm hồn”.

Chẳng phải lựa chọn xê dịch gì nữa, tôi gác máy lên bánh xích của chiếc xe tăng hỏng bấm “liên thanh” một hồi hết một phần tư cuốn phim, thu vào chiếc Pra-ti-ca* cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại.

*Chiếc máy ảnh hiệu Pra-ti-ca.

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 70-71)

Anh/Chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó, liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

de van

3. Đề thi Văn THPT quốc gia năm 2021

de thi ngu van thi tot nghiep thpt 2021

4. Đề thi Văn THPT quốc gia năm 2020

de thi van thpt quoc gia 10 nam gan day 3

5. Đề thi Văn THPT quốc gia năm 2019

KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2019

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Biết nói gì trước biển em ơi
Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời

Chân trời kia biển mãi gọi người đi
Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng
Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm
Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng
Bay trên biển như bồ câu trên đất
Biển dư sức và người không biết mệt
Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa
Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi

(Trước biển – Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam 1945-1985 , NXB Văn học, 1985, tr.391)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 : Anh/ Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?

Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm

Câu 3. Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:

Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời

Câu 4. Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong những dòng sông đẹp ở các nư­ớc mà tôi thư­ờng nghe nói đến, hình như­ chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trư­ớc khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản tr­ường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như­ cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trư­ờng Sơn, sông Hư­ơng đã sống một nửa cuộc đời của mình như­ một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Như­ng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải đ­ược về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở ng­ười con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hư­ơng nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành ng­ười mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông H­ương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vư­ợt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như­ không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khoá trong những hang đá d­ưới chân núi Kim Phụng.

( Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một , NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.198)

Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

6. Đề thi Văn THPT quốc gia năm 2018

1. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Hãy thức dậy, đất đai!

cho áo em tôi không còn vá vai

cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn…

xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm

rồi thì đi xa hơn – đẹp, và giàu, và sung sướng hơn

Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non

châu báu vô biên dưới thềm lục địa

rừng đại ngàn bạc vàng là thế

phù sa muôn đời như sữa mẹ

sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể

còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?

lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?

***

Lúc này ta làm thơ cho nhau

đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt

ta ca hát quá nhiều về tiềm lực

tiềm lực còn ngủ yên…

Tp. Hồ Chí Minh 1980 -1982

(Trích “Đánh thức tiềm lực”, Ánh trăng – Cát trắng – Mẹ và em, Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà văn, 2015, tr. 289-290)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước?

Câu 3: Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích.

Câu 4: Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: “ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?

II LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay?

Câu 2 (5.0 điểm)

Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó anh/chị hãy liên hệ sự đối lập giữa thành cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ – Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

7.  Đề thi Văn THPT quốc gia năm 2017

I. Đọc Hiểu

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm. Thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật trong truyện.

Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Một đứa trẻ ba tuổi chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh đang khóc để dỗ nó. Một cô gái nhăn mặt khi theo dõi bạn mình trên giường bệnh chật vật uống một viên thuốc đắng. Mùa EURO 2016 kết thúc với một hình ảnh đẹp: một cậu bé Bồ Đào Nha tiến tới an ủi một fan người Pháp cao to gấp rưỡi mình, đang ôm mặt khóc vì đội Pháp thua trận chung kết. Anh người Pháp cúi xuống ôm cậu bé mà người vẫn rung lên nức nở. Cậu đợi cho tới khi anh đi khuất hẳn rồi mới tiếp tục phất cờ mừng chiến thắng.

(Trích Thiện, Ác và Smartphone – Đặng Hoàng Giang, NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, thấu cảm là gì?

Câu 3. Nhận xét về hành vi của đứa trẻ ba tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích.

Câu 4. Anh/ Chị có đồng tình với ý kiến: Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.

Câu 2. (5.0 điểm)

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thời gian đằng đẵng

Không gian mệnh mông

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

Những ai đã khuất

Những ai bây giờ

Yêu nhau và sinh con đẻ cái

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Hàng năm ăn đâu làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

(Trích Đất nước, trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.118-119)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

8. Đề thi Văn THPT quốc gia năm 2016

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng

Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta

Tiếng chẳng mất khi Loa Thành đã mất

Nàng Mị Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng

Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi

Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán

Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

(Trích Tiếng Việt – Lưu Quang Vũ, Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Giáo dục, 1985, tr.218)

Câu 1. Sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt được thể hiện ở những từ ngữ nào trong khổ thơ thứ nhất?

Câu 2. Kể tên hai biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ hai và thứ ba.

Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 4. Từ đoạn trích, anh/ chị hãy bày tỏ cảm nghĩ của mình về tiếng Việt. (Trình bày khoảng 7 đến 10 dòng)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

“Cuộc sống riêng không biết gì hết ở bên kia ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. Nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm, sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận cảu những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.”

(Theo A. L. Ghéc-xen, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.31)

Câu 5. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 6. Vẻ bề ngoài đẹp đẽ của “cuộc sống riêng không biết gì hết ở bên kia ngưỡng cửa nhà mình” được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh so sánh nào?

Câu 7. Tại sao tác giả cho rằng: “Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân, không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn”?

Câu 8. Anh/ Chị suy nghĩ như thế nào về cuộc sống của con người khi thoát ra khỏi “cái tuyệt đối cá nhân”? (Trình bày khoảng 7 đến 10 dòng)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình.

Anh/ Chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) bàn luận về ý kiến trên.

Câu 2 (4,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người.

Từ việc phân tích tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt, anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên.

9. Đề thi Văn THPT quốc gia năm 2015

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Chúng tôi đứng đây trần trụi giữa trời
Cho biển cả không còn hoang lạnh
Đứa ở đồng chua
Đứa vùng đất mặn
Chia nhau nỗi nhớ nhà
Hoàng hôn tím ngát xa khơi
Chia nhau tin vui
Về một cô gái làng khểnh răng, hay hát
Vầng trăng lặn dưới chân lều bạt
Hắt lên chúng tôi nhếnh nhoáng vàng
Chúng tôi coi thường gian nan
Dù đồng đội tôi, có người ngã trước miệng cá mập
Có người bị vùi dưới cơn bão dữ tợn
Ngày mai đảo sẽ nhô lên
Tổ quốc Việt Nam, một lần nữa nối liền
Hoàng Sa, Trường Sa
Những quần đảo long lanh như ngọc dát
Nói chẳng đủ đâu, tôi phải hát
Một bài ca bằng nhịp trái tim tôi
Đảo à, đảo ơi!

Đảo Thuyền Chài, 4 – 1982

(Trích Hát về một hòn đảo – Trần Đăng Khoa, Trường Sa, NXB Văn học, 2014, tr.51)

Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Cuộc sống gian khổ và hiểm nguy trên đảo của người lính được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Những quần đảo long lanh như ngọc dát.

Câu 4. Đoạn thơ đã gợi cho anh/chị tình cảm gì đối với những người lính đảo? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

Hội chứng vô cảm hay nói cách khác là căn bệnh trơ cảm xúc trước niềm vui, nhất là nỗi đau của người khác, vốn là một mặt trong hai phương diện cấu trúc bản chất Con – Người của mỗi sinh thể người. Tính “con” và tính “người” luôn luôn hình thành, phát triển ở mỗi con người từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Cái thiện và cái ác luôn luôn song hành theo từng bước đi, qua từng cử chỉ, hành vi của mỗi con người trong mối quan hệ với cộng đồng, với cha mẹ, anh chị em, bạn bè, bà con làng xóm, đồng bào, đồng loại. Trong cuộc hành trình lâu dài, gian khổ của một đời người, cái mất và cái được không phải đã được nhận ra một cách dễ dàng. Mất một đồng xu, một miếng ăn, mất một phần cơ thể, mất một vật sở hữu, con người nhận biết ngay. Nhưng có những cái mất, cái được nhiều khi lại không dễ gì cảm nhận được ngay. Nhường bước cho một cụ già cao tuổi, nhường chỗ cho bà mẹ có con nhỏ trên tàu xe chật chội, biếu một vài đồng cho người hành khất,… có mất có được nhưng không phải ai cũng đã nhận ra cái gì mình đã thu được; có khi là sự thăng hoa trong tâm hồn từ thiện và nhân ái. Nói như một nhà văn lớn, người ta chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần. Tôi muốn đặt vấn đề là cùng với sự báo động những hiểm họa trông thấy, cần báo động cả hiểm họa không trông thấy hay khó trông thấy. Hiện nay đã có quá nhiều dấu hiệu và sự kiện trầm trọng của hiểm họa vô cảm trong xã hội ta, nhất là trong tuổi trẻ. Bạo lực đã xuất hiện dữ dằn những tháng ngày gần đây báo hiệu nguồn gốc sâu xa ở sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn, về bệnh vô cảm.

(Trích Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa, Bài tập Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr.36-37)

Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 6. Theo tác giả, nguồn gốc sâu xa của nạn bạo lực xuất hiện gần đây là gì?

Câu 7. Tác giả đã thể hiện thái độ gì khi bàn về hiểm họa vô cảm trong xã hội hiện nay?

Câu 8. Anh/Chị suy nghĩ như thế nào khi có những người “chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần”? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: Việc rèn luyện kĩ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức.

Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề trên.

Câu 2 (4,0 điểm)

Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:

– Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…

– Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không? – Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề.

– Không chú à, cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.

– Vậy sao không lên bờ mà ở – Đẩu hỏi.

– Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!

– Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi.

– Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão… đưa tôi lên bờ mà đánh…

– Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.

– Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…

– Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo?

– Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?

Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:

– Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.

– Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? – Đột nhiên tôi hỏi.

– Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.75-76)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận ngắn gọn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

10. Đề thi Văn THPT quốc gia năm 2014

de thi van thpt quoc gia 10 nam gan day 2

de thi van thpt quoc gia 10 nam gan day 1

11. Đề thi Văn THPT quốc gia năm 2013

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Trong phần cuối truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, nhân vật bà mẹ Hạ Du đã có thái độ như thế nào khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình? Hình ảnh vòng hoa ấy có ý nghĩa gì?

Câu 2. (3,0 điểm)

Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:

Chiều ngày 30 – 4 – 2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, Trường Trung học phổ thông Đô Lương I) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.

(Theo Khánh Hoan, Thanhnienonline, ngày 6 – 5 – 2013)

II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài (phần trích trong Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam – 2012)

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong Đất nước (trích trư ờng ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

(Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam – 2012, tr.115 – 116 – 117)

12. Đề thi Văn THPT quốc gia năm 2012

Đề thi chính thức tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2012 (Thời gian 150 phút)

I. Phần chung dành cho tất cả các thí sinh (5 điểm)

Câu 1(2 điểm): Trong phần cuối tác phẩm Số phận con người, nhà văn M. Sô – lô – khốp viết: Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ…

(Ngữ văn 12, Tập 2, tr 123, NXB Giáo dục – 2008)

Hai con người được nói ở trên là những nhân vật nào? Vì sao tác giả gọi họ là hai con người côi cút? Hình ảnh hai hạt cát trong câu văn có ý nghĩa gì?

Câu 2 (3 điểm):

Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội.

Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

II. Phần riêng – Phần tự chọn (5 điểm)

Câu 3.a Theo chương trình chuẩn (5 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

(Ngữ văn 12, Tập một, tr. 111, NXB Giáo dục – 2009)

Câu 3.b – Theo Chương trình Nâng cao (5 điểm)

Phân tích hình tượng sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân

(Phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục – 2009)

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của Tmdl.edu.vn.

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Văn Học

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button