Giáo dục

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn năm học 2022 – 2023 sở GD&ĐT Trà Vinh

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2022 – 2023 sở GD&ĐT Trà Vinh có đáp án chi tiết kèm theo. Qua đó, giúp các em học sinh tham khảo, so sánh với bài thi vào lớp 10 năm 2022 – 2023 của mình thuận tiện hơn.

Kỳ thi tuyển sinh vào 10 năm học 2022 – 2023 Trà Vinh sẽ diễn ra ngày 22 và 23-6 cho lớp 10 công lập và lớp 10 chuyên với 3 môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Vậy dưới đây là toàn bộ Đáp án đề thi vào 10 môn Văn sở GD&ĐT Trà Vinh, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.

Bạn đang xem bài: Đề thi vào 10 môn Ngữ văn năm học 2022 – 2023 sở GD&ĐT Trà Vinh

Đề thi vào lớp 10 môn Văn Trà Vinh năm 2022

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)

Thí sinh đọc đoạn trích dưới đây và chọn một trong hai đề:

– Chết rồi! Nguy to rồi anh! Thằng Phúc ở lớp đấy bạn ngã vỡ đầu phải đi bệnh viện, cô giáo vừa nhắn tin đây

– Mẹ Phúc hớt hải. […]

Sự việc lần này ông nó không thể đứng ngoài mà lắc đầu được nữa. Buổi tối, ông vào phòng cháu nội. Ông ân cần:

– Việc cháu làm hôm nay ở lớp cháu có thấy là cháu đã sai chưa? […] Phúc cúi gằm mặt vẻ lo lắng.

– Cháu ạ! Cũng do cháu lỡ tay chứ không muốn bạn ngã đau vậy. Song chuyện đã xảy ra rồi, cháu biết phải làm gì chứ? Mình làm sai thì phải biết dũng cảm nhận lỗi/ mình là con trai mà. Ngày mai ông cháu mình sẽ đến thăm và xin lỗi bạn được không?

Phúc nhìn ông với cặp mắt ngây thơ, rồi khẽ gật đầu. Ông xoa đầu cháu nội vỗ về.

(Theo Thu Hằng, Dạy trẻ, Giáo dục và Thời đại, số 141 ngày 14/6/2021, trang 27)

Đề 1:

Câu 1 (1.0 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên và nêu dấu hiệu nhận biết.

Câu 2 (1.0 điểm). Tìm và gọi tên thành phần biệt lập trong câu sau: “Thằng Phúc ở lớp đẩy bạn ngã vỡ đầu phải đi bệnh viện, cô giáo vừa nhắn tin đây – Mẹ Phúc hớt hải”.

Câu 3 (1.0 điểm). Qua lời dạy của ông đối với Phúc, em rút ra bài học gì về cách ứng xử trong cuộc sống?

Đề 2:

Câu 1 (1.0 điểm). Chỉ ra và gọi tên thành phần phụ trong câu sau: “Buổi tối, ông vào phòng cháu nội”.

Câu 2 (1.0 điểm). Xác định phép liên kết hình thức và từ liên kết trong hai câu sau: “Cũng do cháu lỡ tay chứ không muốn bạn ngã đau vậy. Song chuyện đã xảy ra rồi, cháu biết phải làm gì chứ?”

Câu 3 (1.0 điểm). Tác giả muốn gởi đến chúng ta thông điệp gì qua đoạn trích trên?

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Thí sinh thực hiện tất cả các câu sau:

Câu 1 (2.0 điểm).

Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về tình cảm gia đình.

Câu 2 (5.0 điểm). Phân tích đoạn thơ sau:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đây trên lưng

Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…

Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, trang 55-56)

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn Trà Vinh năm 2022

I. ĐỌC HIỂU:

Đề 1:

1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.

Nhận biết: Đoạn trích kể lại việc Phúc đẩy ngã bạn vỡ đầu và cuộc trò chuyện của ông với Phúc.

2. Thành phần phụ chú: Mẹ Phúc hớt hải.

3. Bài học: Khi chúng ta làm sai phải biết dũng cảm nhận lỗi.

Đề 2:

1. Thành phần phụ: Buổi tối => Trạng ngữ.

2. Phép nối: Song

3. Thông điệp: Dũng cảm nhận lỗi khi làm điều sai là phẩm chất cần có của mỗi người.

II. LÀM VĂN:

Câu 1: Cách giải:

a. Yêu cầu về mặt hình thức: Viết đúng một đoạn văn.

b. Yêu cầu về mặt nội dung:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tình cảm gia đình.

* Giải thích: Tình cảm gia đình: Là tình cảm xuất phát từ những người thân trong gia đình với nhau. Đây là thứ tình cảm thiêng liêng, gần gũi nhất của mỗi con người. Tình cảm gia đình thường được biết đến qua tình cảm của cha mẹ, ông bà với con cháu và ngược lại.

* Phân tích:

– Tình cảm gia đình là thứ tình cảm đầu đời của mỗi con người, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, cảm xúc và góp phần tạo nên một con người.

– Tình cảm gia đình luôn tồn tại, không bị tác động bởi vật chất, tiền tài, địa vị. Tình cảm gia đình tạo nên chỗ dựa vững chắc về mặt tâm lý cũng như tinh thần của con người.

– Tình cảm gia đình là bước đệm, là động lực để con người vượt qua những khó khăn thử thách, dám đối đầu và cố gắng trên bước đường chinh phục ước mơ.

– Tình cảm gia đình đôi khi giúp con người đanh thức những tiềm năng của bản thân, tạo nên những bước ngoặt cuộc đời, giúp con người khám phá được những khả năng phi thường của bản thân.

* Bàn luận:

– Con người cần nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của tình cảm gia đình. Biết trân trọng, bồi đắp tình cảm thiêng liêng ấy.

– Học cáchquan tâm, yêu thương nhiều hơn đến những người thân xung quanh mình.

– Phê phán những người sống vô cảm, không biết yêu thương những người thân trong gia đình.

Câu 2: Cách giải:

1. Mở bài:

– Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ.

– Giới thiệu nội dung 3 khổ thơ cần phân tích.

2. Thân bài

2. I. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân thiên nhiên:

– Bài thơ được mở ra bằng khung cảnh thiên nhiên tươi sáng và tràn đầy sức sống:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Hót chi mà vang trời”

+ Cấu trúc đảo ngữ ở câu thơ 1,2 gợi sức sống mạnh mẽ đến bất ngờ, khiến bông hoa như có cội rễ, tràn đầy sức xuân, sắc xuân.

+ Các hình ảnh “dòng sông” “bông hoa” “bầu trời” chim chiền chiến” thật bình dị và gợi cảm, đã tái hiện một không gian cao rộng của mùa xuân với những hình ảnh đặc trưng của xứ Huế.

+ Màu sắc: “sống xanh” “hoa tím biếc” rất hài hòa, tươi sáng. Dòng sông xanh đã trở thành cái nền cho sắc tím của hoa, làm nổi bật vẻ đẹp sống động của mùa xuân.

+ Âm thanh: tiếng chim chiền chiện: là tín hiệu của một buổi sớm mùa xuân trong trẻo, mát lành; gợi không gian cao rộng của bầu trời tươi sáng, ấm áp; gợi liên tưởng đến những không đầy ắp màu xanh của một khu vườn quê với những vòm cây xanh mát hay một cánh đồng rộng lớn, bình yên.

* Chỉ bằng vài nét phác, tác giả đã vẽ ra được khung cảnh mùa xuân tuyệt đẹp, đủ đầy hình ảnh, âm thanh, màu sắc, ứ đầy sức sống và đậm đà nét Huế.

– Đối diện với vẻ đẹp ấy là cảm xúc say sưa, tươi vui của nhà thơ đang hòa mình vào đất trời:

“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”

+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: có thể là giọt mưa xuân long lanh, có thể là âm thanh tiếng chim đang rót giữa đất trời. Ta không chỉ nghe thấy mà con nhìn thấy cả giọt âm thanh trong vắt.

+ Đại từ “tôi” + hành động “tôi hứng” thể hiện sự chiếm lĩnh, giao hòa của tác giả với mùa xuân. Câu thơ biểu hiện niềm say sưa, ngây ngất của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời.

2.2. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân đất nước:

– Nhà thơ khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân đất nước:

“Mùa xuân …
… xôn xao”

+ Hệ thống điệp từ “mùa xuân”, “lộc”: gợi quang cảnh mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống của chồi non lộc biếc; gợi những thành quả trong công cuộc xây dựng đất nước.

+ Hình ảnh “người cầm súng” “người ra đồng”: được liệt kê để vẽ lên hình ảnh đất nước tưng bừng, nhộn nhịp với hàng vạn con người đang góp sức mình cho mùa xuân của dân tộc.

Hình ảnh “người cầm súng”: phản ánh hiện thực gian khổ của chiến tranh [chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây – Nam]. Lộc trên lưng vừa là hình ảnh cành lá ngụy trang vừa là mùa xuân mà họ mang lại cho đất nước. Hình ảnh “người ra đồng”: không khí lao động ở hậu phương. “Lộc trải dài nương mạ”: mang đến những cánh đồng xanh tươi, những vụ mùa no ấm, mang lại sự sống.

+ Điệp từ “tất cả” + lặp cấu trúc ngữ pháp + các từ láy “hối hả?” “xôn xao” diễn tả nhịp sống sôi động, tưng bừng, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc.

– Từ đó, thì nhân bày tỏ niềm tự hào về quê hương, đất nước và niềm tin vào tương lai:

“Đất nước …
… phía trước”

+ Tính từ “vất vả” “gian lao”: đúc kết quá khứ, lịch sử dân tộc đầy đau thương, mất mát song cũng rất đáng tự hào. Đó là 4 ngàn năm dựng và giữ nước gian khổ mà hào hùng của cha ông ta. Đoạn thơ bộc lộ lòng biết ơn, tự hào, kiêu hãnh với các thế hệ đã làm nên lịch sử hào hùng của đất nước.

+ So sánh “đất nước như vì sao” gợi vẻ đẹp tươi sáng của đất nước trên con đường đi tới tương lai; gợi niềm tin của tác giả vào 1 ngày mai tươi đẹp, phồn vinh của quê hương, đất nước. Giọng thơ vừa tha thiết, sôi nổi, vừa trang trọng đã gói trọn niềm yêu mến, tự hào, tin tưởng của nhà thơ về đất nước.

3. Kết bài: Tổng kết chung về nội dung và nghệ thuật.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/de-thi-vao-10-mon-ngu-van-nam-hoc-2022-2023-so-gddt-tra-vinh/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button