Một số quy định về nghĩa vụ quân sự? Điều kiện về cân nặng và chiều cao đi nghĩa vụ quân sự?
Việc tham gia nghĩa vụ quân sự là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân. Ngay từ khi sinh ra, mỗi công dân Việt Nam đã mang trong mình nghĩa vụ với đất nước mà đặc biệt là nghĩa vụ quân sự. Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là việc các chủ thể tham gia, đóng góp một phần sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng và toàn dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia nghĩa vụ quân sự không thể tránh khỏi những khó khăn, vất vả. Chính vì vậy, các cá nhân khi tham gia nghĩa vụ quân sự cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Bài viết dưới đây Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về điều kiện về cân nặng và chiều cao đi nghĩa vụ quân sự.
Bạn đang xem bài: Điều kiện về cân nặng và chiều cao đi nghĩa vụ quân sự mới nhất
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:
1. Một số quy định về nghĩa vụ quân sự:
1.1. Nghĩa vụ quân sự là gì?
Theo quy định của pháp luật, ta có thể hiểu nghĩa vụ quân sự như sau: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ về quốc phòng mà công dân cần phải thực hiện trong quân đội dưới hình thức phục vụ tại ngũ hoặc phục vụ trong ngạch dự bị nếu đáp ứng các điều kiện tuyển chọn quân. Việc quản lý các hoạt động tham gia nghĩa vụ quân sự tại Việt Nam của các chủ thể đang được thực hiện theo Luật nghĩa vụ quân sự 2015 do Quốc hội ban hành.
1.2. Độ tuổi bắt buộc tham gia nghĩa vụ quân sự:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, độ tuổi bắt buộc tham gia nghĩa vụ quân sự của các chủ thể là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.
Trong trường hợp công dân đã được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự vì lý do học Đại học, Cao đẳng thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi.
Độ tuổi để tính gọi nhập ngũ được quy định và căn cứ theo ngày tháng năm sinh trên giấy khai sinh của công dân cho đến ngày giao quân.
1.3. Điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự:
Theo quy định của pháp luật, ngoài yêu cầu về tuổi tác, công dân Việt Nam phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để gọi nhập ngũ bao gồm các điều kiện cụ thể sau đây:
– Công dân phải có lý lịch rõ ràng.
– Công dân phải thực hiện chấp hành nghiêm chính sách – pháp luật của Nhà nước, đường lối – chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
– Công dân phải có đủ sức khỏe để phục vụ tại ngũ: đạt loại 1, 2, 3 đối với công dân có sức khỏe loại 3 nhưng bị cận thị 1,5 độ trở lên, viễn thị, nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS sẽ không được gọi nhập ngũ.
– Công dân phải có trình độ văn hóa phù hợp: tối thiểu là từ lớp 8 trở lên với những địa phương khó đảm bảo chỉ tiêu giao quân thì có thể tuyển chọn công dân có trình độ văn hóa từ lớp 7.
1.4. Thời gian đi nghĩa vụ quân sự:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của binh sĩ – hạ sĩ quan là 24 tháng.
Đối với trường hợp cần thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ – cứu nạn, đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu thì có thể kéo dài đến 30 tháng.
Thời gian đi nghĩa vụ quân sự của các cá nhân sẽ được tính từ ngày giao nhận quân đến ngày được cấp quyết định xuất ngũ.
Thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam hay đào ngũ sẽ không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ của các chủ thể khi tham gia nghĩa vụ quân sự.
1.5. Các trường hợp được hoãn nghĩa vụ quân sự:
Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì công dân được hoãn tham gia nghĩa vụ quân sự:
– Công dân chưa đáp ứng các điều kiện sức khỏe để phục vụ tại ngũ (ví dụ như thiếu cân nặng, chiều cao…).
– Công dân là lao động duy nhất trong gia đình, trực tiếp nuôi dưỡng người thân chưa đến tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động, gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, dịch bệnh, tai nạn và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
– Công dân là con của người nhiễm chất độc da cam, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
– Công dân có anh – chị – em ruột là binh sĩ, hạ sĩ quan đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân.
– Gia đình của công dân thuộc diện di dân, giãn dân trong ba năm đầu đến các xã được xếp vào diện đặc biệt khó khăn.
– Công dân là thanh niên xung phong, cán bộ, công chức, viên chức được điều động đi làm việc, công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn.
– Công dân đang theo học Đại học – Cao đẳng hệ chính quy, cơ sở giáo dục phổ thông.
1.6. Các trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự:
Nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định cụ thể sau đây thì công dân được miễn tham gia nghĩa vụ quân sự:
– Công dân là con của thương binh hạng 1, con của liệt sĩ.
– Công dân là một em hoặc một anh trai của liệt sĩ.
– Công dân là con của bệnh binh hoặc của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hay là con của thương binh hạng hai.
– Công dân là người làm công tác cơ yếu không phải là công an nhân dân, quân nhân.
– Công dân là thanh niên xung phong, cán bộ, công chức, viên chức được điều động đi làm việc ở những vùng đặc biệt khó khăn với thời hạn từ 24 tháng trở lên.
1.7. Mức xử phạt khi trốn nghĩa vụ quân sự:
Xử phạt hành chính:
Công dân nếu có hành vi gian dối dẫn đến làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nhắm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng.
Công dân nếu không có mặt đúng thời gian và địa điểm hẹn khám sức khỏe mà không có lý do chính đáng, sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng.
Bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
Trong trường hợp công dân đã bị xử phạt hành chính vì hành vi trốn nghĩa vụ quân sự hoặc đã bị kết án về tội trốn nghĩa vụ quân sự và chưa được xóa án tích mà lại tái phạm, sẽ bị phạt tù treo đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu có thêm có tình tiết tăng nặng như lôi kéo người khác phạm tội, tự gây thương tích và tổn hại cho sức khỏe của mình… thì mức phạt tù tối đa là 5 năm.
2. Điều kiện về cân nặng và chiều cao đi nghĩa vụ quân sự:
2.1. Điều kiện về sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự:
Theo Điều 31 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 có quy định nội dung như sau:
“Điều 31. Tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
1. Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Lý lịch rõ ràng;
b) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
c) Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định;
d) Có trình độ văn hóa phù hợp.”
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành có nội dung sau đây:
“3. Tiêu chuẩn sức khỏe:
a) Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự
b) Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
c) Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.”
Như vậy, hiện nay, theo quy định của Thông tư 148/2018/TT-BQP thì chỉ các công dân có sức khỏe loại 1, loại 2 và loại 3 mới được gọi nhập ngũ. Đối với trường hợp công dân chỉ đạt sức khỏe từ loại bốn trở đi sẽ không bị gọi nhập ngũ.
Khi công dân tham gia khám sức khỏa thì hội đồng khám sức khỏe sẽ tiến hành khám chi tiết mắt, tai mũi họng, khám nội ngoại khoa, thể lực, khám tâm thần và thần kinh. Sau đây là các tiêu chí để đánh giá và kiểm tra loại sức khỏe của các chiến sĩ theo quy định của pháp luật.
Các chỉ tiêu sức khỏe cụ thể được quy định như sau:
– Tiêu chuẩn khi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2020 cho loại 1 là 8/10 chỉ tiêu. Trong đó, công dân này sẽ có ít nhất 1 chỉ tiêu được điểm 2.
– Sức khỏe loại 3 có 1 chỉ tiêu 3 điểm.
– Sức khỏe loại 5 có 1 chỉ tiêu 5 điểm.
– Sức khỏe loại 6 có ít nhất 1 chỉ tiêu được điểm sáu.
Trường hợp không đủ tiêu chuẩn sức khỏe:
Bên cạnh đó nhằm đảm bảo tiêu chuẩn những công dân phục vụ cho việc tham gia nghĩa vụ quân sự, những công dân sẽ không được gọi đi nghĩa vụ quân sự nếu không đạt các điều kiện về sức khỏe cụ thể như sau:
– Sức khỏe của công dân đạt loại 3 nhưng mắc các bệnh về mắt như cận thị 1,5 độ, viễn thị, tật khúc xạ.
– Công dân mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV/AIDS.
– Công dân mắc bệnh tâm thần.
– Công dân xăm trổ đầy mình.
– Công dân bị khuyết tật các bộ phận trên cơ thể như ngón tay, ngón chân,…
– Công dân bị khuyết tật nặng như mù, điếc,…
2.2. Chỉ tiêu chiều cao, cân nặng công dân tham gia nghĩa vụ:
Công dân tham gia nghĩa vụ quân sự cũng cần đạt các tiêu chuẩn cụ thể về chiều cao, cân nặng được quy định cụ thể như sau:
– Công dân đạt chiều cao 1,63m, cân nặng tối thiểu 51kg, vòng ngực 81cm.
– Công dân đạt chiều cao 1,6m – 1,62m, cân nặng từ 47 – 50kg, vòng ngực đạt 78 – 80cm.
– Công dân đạt chiều cao 1,57m – 1,59m, cân nặng từ 43 – 46kg, vòng ngực đạt 75 – 77cm.
– Công dân đạt chiều cao 1,55m – 1,56m, cân nặng từ 41 – 42kg, vòng ngực đạt 73 – 74cm.
– Công dân đạt chiều cao 1,53m – 1,53m, cân nặng từ 40kg, vòng ngực đạt 71 – 72cm.
– Công dân đạt chiều cao 1,52m, cân nặng từ 39kg, vòng ngực đạt 70cm.
2.3. Một số lưu ý khi đi khám nghĩa vụ quân sự:
Ngoài những chỉ tiêu cụ thể về chiều cao, cân nặng, các công dân khi đi khám nghĩa vụ cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
– Công dân phải mang đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân theo đúng yêu cầu từ địa phương đưa ra.
– Công dân phải mang lệnh gọi đi khám nghĩa vụ quân sự từ phía cơ quan Ủy ban nhân dân xã, phường cung cấp.
– Công dân không được sử dụng các chất kích thích để ảnh hưởng kết kết quả khám, nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự, cũng như cố tình không hợp tác khi kiểm tra.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/dieu-kien-ve-can-nang-va-chieu-cao-di-nghia-vu-quan-su-moi-nhat/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Tổng hợp