Đề bài: Đoạn văn cảm nhận khổ thơ 2 bài thơ Sang thu
Bạn đang xem bài: Đoạn văn cảm nhận khổ thơ 2 bài thơ Sang thu
Đoạn văn cảm nhận khổ thơ 2 bài thơ Sang thu
I. Dàn ý Đoạn văn cảm nhận khổ thơ 2 bài thơ Sang thu (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh, bài thơ Sang Thu, khổ thơ thứ hai.
2. Thân đoạn
– “Sông được lúc dềnh dàng”: dòng sông chảy êm đềm, chậm chạp.
– “Chim bắt đầu vội vã”: Chim vội vã, hối hả bay về phương Nam tránh rét.
– Hình ảnh “đám mây mùa hạ” “vắt nửa mình sang thu”: khoảnh khắc giao mùa được tái hiện sống động, gợi cảm.
→ Thông qua những hình ảnh quen thuộc kết hợp với những động từ gợi tả: dềnh dàng, vội vã, vắt nửa mình… gợi tả thành công khoảnh khắc giao mùa của trời đất.
3. Kết đoạn
Khẳng định lại giá trị của khổ thơ, bài thơ
II. Những Đoạn văn cảm nhận khổ thơ 2 bài thơ Sang thu hay nhất
1. Đoạn văn cảm nhận khổ thơ 2 bài thơ Sang thu, mẫu 1 (Chuẩn)
Mùa thu – mùa của những rung động xao xuyến, là nguồn cảm hứng bất tận cho thi, ca, nhạc, họa. Mỗi con người có cảm nhận và cách ngắm nhìn về thu khác nhau. Trong bài thơ “Sang Thu”, Hữu Thỉnh đã dành trọn khổ thơ thứ hai để bắt lấy khoảnh khắc chuyển giao đất trời từ cuối hạ sang đầu thu.
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Đất trời chuyển mình sang thu, dòng sông cũng trở nên “dềnh dàng”, dòng chảy dịu êm, nhẹ nhàng hơn, không còn chảy mạnh, chảy xiết như mùa hè. Còn đàn chim thì ngược lại, chúng trở nên vội vã, hối hả hơn trong hành trình di cư vào miền Nam tránh rét. Hình ảnh thơ đầy sáng tạo ở hai câu cuối, đám mây mùa hạ “vắt nửa mình” sang thu đã diễn tả đầy sống động, gợi cảm về hình ảnh đám mây trong khoảnh khắc giao mùa. Thông qua tâm hồn tinh tế và hồn thơ bay bổng, nhà thơ Hữu Thỉnh đã cảm nhận và tái hiện sống động những đổi thay của vạn vật khi đất trời sang thu. Trong khoảnh khắc giao mùa, khi trời đất mới chớm sang thu nên vẫn còn vương vấn một nửa đám mây của mùa hạ, đám mây trên bầu trời như bị chia làm đôi, một nửa còn vương nhiều nắng hạ, một nửa đã nhạt màu dịu nhẹ bồng bềnh hơn. Vẫn là những cảnh vật mộc mạc, gần gũi và quen thuộc nhưng khi vào thơ của Hữu Thỉnh ta lại thấy độc đáo mới lạ đến thế. Phải thừa nhận rằng Hữu Thỉnh cảm nhận thu sang rất tinh tế, gửi gắm vào thời khắc đó nhiều tình cảm, đặc biệt là tình yêu quê hương đất nước.
2. Đoạn văn cảm nhận khổ thơ 2 bài thơ Sang thu, mẫu 2 (Chuẩn)
Trong bài thơ “Sang Thu” của Hữu Thỉnh, nếu như khổ thơ đầu chỉ cho người đọc mơ hồ cảm nhận được thu về thông qua bức tranh thiên nhiên bình dị nhưng cũng tuyệt đẹp của làng quê nông thôn Bắc Bộ thì đến khổ thơ thứ hai, mọi cảm giác về sự chuyển mình của đất trời sang thu đã rõ nét và cụ thể hơn. Đọc khổ thơ thứ hai, ta thấy Hữu Thỉnh cảm nhận khoảnh khắc thu sang bằng mọi giác quan của mình, đầu tiên là nhìn dòng sông bằng thị giác, nghe và nhìn đàn chim trên trời bằng thính giác và cuối cùng là cảm giác với đám mây đang vắt nửa mình trên bầu trời.
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Dòng sông của mùa thu cho đến thời điểm này trở nên “dềnh dàng” hơn, dòng chảy thong thả, lững lờ, chậm chạp, hình ảnh sông gợi cho ta cảm giác về sự êm đềm, dịu dàng của mùa thu. Sông bước vào lúc dềnh dàng thì chim lại bắt đầu vội vã, tác giả ngước lên bầu trời, nhận ra cánh chim đang bay vội, không chỉ vội bởi khi đó là cuối buổi hoàng hôn phải nhanh chóng bay về tổ mà còn vội vã chuẩn bị cho chuyến hành trình dài bay về miền ấm áp hơn tránh rét. “Đám mây mùa hạ” – “vắt nửa mình” sang mùa thu quả là một cách miêu tả độc đáo, mới mẻ, đám mây như đang lơ lửng giữa ranh giới cuối hạ, đầu thu. Câu thơ cũng bộc lộ được tâm trạng vừa mong chờ thu sang, vừa lưu luyến một mùa hè vừa qua của nhà thơ. Khổ thơ thứ hai với những hình ảnh đặc sắc và từ ngữ diễn tả cảm giác rất đạt đã giúp người đọc cảm nhận được những biến chuyển trong không gian lúc sang thu qua nhiều đối tượng, bằng nhiều giác quan và cả những rung động với mùa thu.
3. Đoạn văn cảm nhận khổ thơ 2 bài thơ Sang thu, mẫu 3 (Chuẩn)
Đại đa số những nhà thơ văn thường lấy cảm hứng về mùa thu khi mùa thu đã ôm trọn đất trời. Nhưng trong bài Sang Thu của Hữu Thỉnh lại khác, ông chọn thời điểm giao mùa, khoảnh khắc hạ và thu quấn quýt, lưu luyến lẫn nhau, khi đất trời mới chớm sang thu chứ chưa vào thu. Nếu như ở câu thơ cuối của khổ thơ thứ nhất, tác giả còn đang hoài nghi “Hình như thu đã về” thì ngay trong câu mở đầu của khổ hai, tác giả đã đính chính một điều chắc chắn rằng thu đã về với hình ảnh: “Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã”. Không phải lá vàng, gió heo may hay bầu trời cao vút mây xanh, Hữu Thỉnh chọn dòng sông để nói về khởi đầu của mùa thu. Dòng chảy của con sông được miêu tả qua từ “dềnh dàng”, và đặc biệt hơn là từ nhấn mạnh thời điểm “được lúc”. Ta hiểu rằng, không phải dòng sông ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể dềnh dàng, mà chỉ có thời điểm bước sang mùa thu sông mới được thong thả, chậm chạp như đang nghỉ ngơi, thảnh thơi trôi chảy. Giống như con sông đã phải vất vả cả một mùa hè đầy sôi nổi, chở đầy nước đi khắp muôn nơi, đến bây giờ khi những cơn mưa đã bớt xối xả, dòng chảy ổn định hơn, lúc này con sông mới được bình thản dạo chơi. Hình ảnh tương phản giữa dòng sông dềnh dàng và cánh chim vội vã giúp ta cảm nhận rõ nét những đặc trưng lúc sang thu. Đàn chim “bắt đầu” vội vã tìm đường bay về phương Nam để tránh cái rét của mùa đông ở miền Bắc. “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu” Câu thơ hay và ấn tượng không chỉ bởi cách gọi tên đám mây mà còn hay ở cách sử dụng từ ngữ chuyển đổi cảm giác. Đám mây trên trời cũng có sự theo mùa, mây còn vương nhiều nắng nên vẫn còn là mây của mùa hạ nhưng bầu trời lúc này đã sang thu nên đám mây trên bầu trời ấy đang vắt mình sang, chưa hẳn sang thu mà vẫn còn quyến luyến bên mùa hạ. Qua đoạn thơ thứ hai này ta cảm nhận rõ cảm xúc của tác giả đã ngập tràn trong mọi không gian đất trời, từ dòng sông đến cánh chim trên trời, tất cả đều đang trong ranh giới mỏng manh, mơ hồ nhưng lại rõ nét và chắc chắn rằng chỉ trong tích tắc đất trời sẽ bước sang mùa thu.
————–HẾT—————-
Bên cạnh đoạn văn cảm nhận khổ thơ thứ hai bài thơ Sang thu, các em có thể đọc thêm các đoạn văn cảm nhận về những khổ thơ khác trong bài, tiêu biểu như: Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Sang thu, Đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu, Cảm nhận bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa trong bài Sang Thu, Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu.
Bản quyền bài viết thuộc trường Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Tmdl.edu.vn (tmdl.edu.vn)
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục