Giáo dục

Đoạn văn cảm nhận vẻ đẹp người đồng mình trong bài thơ Nói với con

Đề bài: Đoạn văn cảm nhận vẻ đẹp người đồng mình trong bài thơ Nói với con

doan van cam nhan ve dep nguoi dong minh trong bai tho noi voi con

Bạn đang xem bài: Đoạn văn cảm nhận vẻ đẹp người đồng mình trong bài thơ Nói với con

Đoạn văn cảm nhận vẻ đẹp người đồng mình trong bài thơ Nói với con

I. Dàn ý Đoạn văn cảm nhận vẻ đẹp người đồng mình trong bài thơ Nói với con (Chuẩn)

1. Mở đoạn:

– Giới thiệu về tác phẩm, tác giả, về vẻ đẹp của người đồng mình.

2. Thân đoạn: Vẻ đẹp của người đồng mình

a. Tinh thần lạc quan, vui tươi trong lao động:

– Những người đồng mình phải lao động trong sự vất vả, gian khó, họ dựng nhà, “ken” vách, “đan lờ”, …
– Thế nhưng lúc nào họ cũng có sự vui tươi, lạc quan, cùng niềm say mê lao động: Họ làm việc trong tiếng hát, tô điểm cuộc sống của mình bằng những sắc màu “Đan lờ cài nan hoa/ Vách nhà ken câu hát”.

b. Họ là những người giàu ý chí, nghị lực:

– Nhà thơ đã sử dụng hai tính từ “cao, xa” để so sánh với “nỗi buồn” và “chí lớn” của những người đồng mình.
– Càng trong khó khăn, vất vả, những người đồng mình càng quyết tâm mạnh mẽ, ý chí, nghị lực kiên cường để “nuôi chí lớn”.

c. Họ là những người gắn bó, thuỷ chung với quê hương:

– Những người đồng mình phải sống trong sự vất vả, khó khăn “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói” thế nhưng họ vẫn luôn gắn bó, ân tình với quê hương.
– Điệp từ “sống”, “không chê”: lặp lại hai lần khẳng định sự thuỷ chung, gắn bó của những người đồng mình.

d. Họ là những người có tinh thần tự lập, tự cường:

– Những người đồng mình có “thô sơ” da thịt nhưng ý chí, tinh thần quyết tâm thì “chẳng ai nhỏ bé” cả.
– Hình ảnh ẩn dụ “tự đục đá kê cao quê hương”: thể hiện sự quyết tâm xây dựng quê hương vững bền, phát triển mạnh mẽ.

e. Đặc sắc nghệ thuật:

– Thể thơ tự do, nhịp thơ linh hoạt cùng với các biện pháp như ẩn dụ, so sánh, liệt kê
– Hình ảnh thơ giàu sức gợi.

3. Kết đoạn:

– Khẳng định vẻ đẹp của người đồng mình.

II. Những mẫu Đoạn văn cảm nhận vẻ đẹp người đồng mình trong bài thơ Nói với con hay nhất

1. Đoạn văn cảm nhận vẻ đẹp người đồng mình trong bài thơ Nói với con, mẫu 1 (Chuẩn)

Tình yêu quê hương luôn là đề tài, là nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca. Nhà thơ người dân tộc Tày – Y Phương đã thể hiện tình cảm ấy thật giản dị, mộc mạc qua tác phẩm Nói với con. Mượn lời cha nói với con, nhà thơ Y Phương đã người đọc thấy được vẻ đẹp tâm hồn của “người đồng mình”, của một dân tộc miền núi phía Bắc. Đầu tiên, ta thấy những “người đồng mình” là những con người luôn lạc quan vui tươi trong lao động:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát”

“Người đồng mình” là cách gọi tha thiết, gần gũi của những người cùng sống trên một mảnh đất, quê hương. Trên mảnh đất đó, những con người hăng say lao động. Họ thoăn thoắt với công việc bình dị như “đan lờ”, “ken nhà” nhưng cũng không quên thêm những màu sắc, những tiếng hát vào trong công việc để làm cuộc sống thêm vui tươi. Không chỉ vậy, “người đồng mình” còn giàu ý chí và nghị lực:

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”

Nhà thơ đã lấy cái “cao” của bầu trời để đo “nỗi buồn”, lấy cái “xa” của đất để đo “chí lớn”. Hai tính từ “cao, xa” được sắp xếp tăng tiến, cho ta thấy những khó khăn thử thách càng lớn bao nhiêu thì ý chí con người lại càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Hơn thế, “người đồng mình” còn luôn gắn bó, thuỷ chung với quê hương:

“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói”

Nhà thơ Y Phương đã sử dụng phép liệt kê với những hình ảnh ẩn dụ như “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói” để chỉ cuộc sống khó khăn, vất vả của con người. Thế nhưng dù cuộc sống khó khăn, họ vẫn thuỷ chung, ân tình với quê hương của mình không hề oán trách, “chê” bai. Hai điệp ngữ “sống”, “không chê” đã thể hiện điều đó rất rõ ràng. Cuối cùng, “người đồng mình” còn hiện lên với vẻ đẹp tự lập tự cường xây dựng quê hương:

“Người đồng mình tuy thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”

Qua câu thơ, ta thấy được tầm vóc, ý chí tự hào của những người đồng mình. Họ nhỏ bé, thô sơ nhưng giàu ý chí, giàu niềm tin, sức mạnh. Họ tự mình “đục đá” để “kê cao quê hương”, để giúp quê hương thêm vững bền, mạnh mẽ. Với thể thơ tự do, bay bổng cùng giọng điệu tha thiết, từ ngữ, hình ảnh mộc mạc, giàu sức gợi, nhà thơ đã khái quát cho chúng ta vẻ đẹp của những người đồng mình. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn những người dân miền núi sống gắn bó với quê hương, truyền thống và ý chí vươn lên mạnh mẽ.

2. Đoạn văn cảm nhận vẻ đẹp người đồng mình trong bài thơ Nói với con, mẫu 2 (Chuẩn)

Nhà thơ Y Phương là nhà thơ người dân tộc Tày. Tác phẩm “Nói với con” là một thi phẩm nổi tiếng của ông viết về tình cảm gia đình và truyền thống của quê hương. Thông qua những hình ảnh thơ đẹp và đặc sắc, ông đã gợi cho chúng ta vẻ đẹp của những người đồng mình. Người đồng mình phải lao động vất vả để dựng nhà, “đan lờ”, “ken” vách … thế nhưng bất cứ công việc nào của họ cũng đều được tô điểm bởi những màu sắc rực rỡ của hoa lá, hay những tiếng hát trong trẻo của người dân. Đó là sự lạc quan, là tinh thần vui tươi, hăng say lao động. Vẻ đẹp thứ hai của người đồng mình là tinh thần giàu ý chí và nghị lực. Nhà thơ đã lấy cái cao, cái xa của đất trời để so sánh với nỗi buồn và ý chí của con người “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn”. Càng gian khó, càng vất vả, thử thách thì con người lại càng mạnh mẽ, quyết tâm hơn để “nuôi chí lớn” của mình. Người đồng mình còn có tấm lòng gắn bó, thuỷ chung với quê hương: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”. Những người đồng mình phải sống trong cái khổ, cái đói, cái nghèo, với “đá gập ghềnh” với “thung nghèo đói” nhưng đó không phải là lý do khiến họ có thể rời bỏ quê hương của mình. Họ nguyện lòng gắn bó trọn đời với mảnh đất thiêng liêng này. Hai điệp ngữ “sống” và “không chê” đã khẳng định tấm lòng thuỷ chung đó của họ. Vẻ đẹp cuối cùng của những người đồng mình là tinh thần tự lập, tự cường. Người đồng mình nhỏ bé là vậy nhưng họ có ý chí lớn, có lòng quyết tâm lớn. Hình ảnh “tự đục đá kê cao quê hương” là hình ảnh ẩn dụ cho sự quyết tâm xây dựng đất nước độc lập, phát triển mạnh mẽ, vững bền. Câu thơ đã cho ta thấy tầm vóc lớn lao cùng niềm tự hào vô bờ của tác giả dành cho người đồng mình. Bằng thể thơ tự do kết hợp với những biện pháp ẩn dụ, so sánh, … cùng hình ảnh thơ giàu sức gợi, nhà thơ Y Phương đã cho ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn cao quý mà trong trẻo của những người đồng mình. Vẻ đẹp của của những người đồng mình là sự gắn bó với quê hương, sự lạc quan, vui tươi, là ý chí tự lập tự cường, đó là cội nguồn bồi đắp sức mạnh, nghị lực cho thế hệ sau trên con đường tương lai.

3. Đoạn văn cảm nhận vẻ đẹp người đồng mình trong bài thơ Nói với con, mẫu 3 (Chuẩn)

Tác phẩm “Nói với con” của nhà thơ dân tộc Tày – Y Phương là một tác phẩm hay viết về tình cảm gia đình cũng như truyền thống của quê hương. Hình ảnh những người đồng mình trong thơ hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn rạng ngời. Họ lạc quan, vui tươi trong lao động, họ gắn bó, thuỷ chung với quê hương, họ giàu ý chí và nghị lực, họ có tinh thần tự lập tự cường, dựng xây quê hương. Những người đồng mình hiện lên trong niềm say mê lao động. Họ cần cù “đan lờ”, “ken” vách, dựng xây lên những ngôi nhà cho mình. Lao động vất vả, gian khó nhưng lúc nào trong họ cũng vang lên lời ca, câu hát, cuộc sống của họ được tô điểm bởi những bông hoa đẹp xinh. Đó là tiêu biểu cho ý chí, tinh thần lạc quan của họ. Những người đồng mình còn là những con người giàu ý chí, nghị lực: “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn”. Nhà thơ đã sử dụng hai tính từ “cao, xa” để diễn tả “nỗi buồn” cũng như “ý chí” của con người. Người đồng mình phải sống trong gian khố thế nhưng đó là động lực giúp họ “nuôi chí lớn”, cũng là nghị lực để họ mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn. Những người đồng mình sự gắn bó, thuỷ chung với quê hương “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”. Điệp từ “sống” và “không chê” lặp lại hai lần như khẳng định cho ta thấy tấm lòng son sắt, thuỷ chung của những người đồng mình với quê hương của họ dù cho quê hương đó có đói nghèo với những “đá gập ghềnh”, với những “thung nghèo đói”. Vẻ đẹp kết lại của những người đồng mình là sự tự lập, tự cường xây dựng quê hương. Câu thơ chứa đựng niềm tự hào vô bờ của nhà thơ dành cho những người đồng mình. Họ “thô sơ da thịt” nhưng ý chí, sức mạnh, lòng quyết tâm thì chẳng ai là “nhỏ bé”. Hơn thế, họ còn tự dựng xây quê hương của mình. Hình ảnh ẩn dụ “tự đục đá kê cao quê hương” đã khẳng định cho tinh thần độc lập, tự cường của những người đồng mình. Nhà thơ Y Phương đã sử dụng thể thơ tự do với các biện pháp nghệ thuật như liệt kê, so sánh, ẩn dụ cùng những hình ảnh thơ đẹp, giàu sức gợi để miêu tả vẻ đẹp của người đồng mình. Vẻ đẹp của họ là tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương, với ý chí vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống.

—————HẾT—————

Để củng cố kiến thức về bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương, mời các em cùng tham khảo: Cảm nhận khổ 1 bài thơ Nói với con, Phân tích khổ 2 của bài thơ Nói với con, Cảm nhận bài thơ Nói với con của Y Phương, Cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình trong bài thơ Nói với con của Y Phương.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/doan-van-cam-nhan-ve-dep-nguoi-dong-minh-trong-bai-tho-noi-voi-con/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Công thức Hóa Học

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button